Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Donald Trump tất nhiên không tham gia tranh cử, và chắc chắn cũng không có hứng thú xưng vương tại đảo quốc chỉ vỏn vẹn hơn 23 triệu dân này.
Nhưng phiên bản khác của Trump, Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu), và những người ủng hộ ông lại đang hừng hực khí thế “giải cứu Đài Loan” – hệt như cách Trump muốn “giải cứu nước Mỹ” từ năm 2016 đến nay.
Giống như Trumpvỗ ngực“một mình tôi là đủ để dọn dẹp hệ thống này” (I alone can fix this), Hàn cũng cao giọng tự gọimình là “kỳ tài chính trị trăm năm hiếm thấy”.
Giống như cách Trumpmô tảnhững năm tháng của nước Mỹ dưới thời Obama là “địa ngục trần gian” (American carnage), Hàn cũng thương cảmcho toàn bộ 23 triệu dân Đài Loan phải sầu thảm chịu khổ như Tôn Ngộ Không, bị Đường Tam Tạng buộc chiếc vòng kim cô quái quỷ lên đầu.
Và giống như cách Trump cùng những fan của mình gạt bỏ tất cả các cáo buộc trốn thuế, lũng đoạn, xâm phạm tình dục… bằng hai chữ “fake news” (tin vịt), khi bị chất vấn về các bằng chứng quan hệ ngoài luồng và tài sản gia tộc, Hàn cũng hùng hồn buộc tội truyền thông “nhảm nhí”, “đưa tin vịt”, “đổi trắng thay đen” và “lương tâm bị chó táp”.
Ngay cả với tiêu chuẩn của Đài Loan, một trong những quốc gia có nền dân chủ non trẻ nhưng sôi động và cởi mở bậc nhất ở châu Á, thậm chí xét trên cả thế giới ở vài khía cạnh, cuộc tranh cử tổng thống năm 2020 lần này vẫn khiến rất nhiều người sửng sốt đến “không nhặt được mồm”.
Ngay cả trong nội bộ Quốc Dân Đảng (KMT) của Hàn Quốc Du, nhiều người cũng phải lắc đầu trợn mắt mỗi lần Hàn “xuất trận” hay “thăng hoa” trên truyền hình.
Họ không tin vào mắt mình khi một ứng viên tranh cử tổng thống đi tham gia một talk show nổi tiếng, thay vì tranh thủ cơ hội trình bày các phương án chính sách cụ thể (vốn là trọng điểm bị chỉ trích vì Hàn luôn mơ hồ nói chung chung về các lời hứa), lại gây ấn tượngbằng việc mời MC bắt chước mình … đi bằng đầu gối.
Đó là cách Hàn muốn ghi điểm trước những khán giả trẻ, đối tượng theo dõi chính của talk show trên. Có lẽ ông tin rằng những người trẻ sẽ thích thú vì được xem giải trí, thay vì được chia sẻ giải đáp những vướng mắc quan trọng của đất nước.
Người ta cũng phải dụi mắt ngoáy tai nhiều lần mới dám tin rằng Hàn, trước ống kính truyền hình trực tiếp của buổi tranh luận tổng thống, giễu cợt ngoại hình của Tưởng Kinh Quốc – con trai Tưởng Giới Thạch – nhân vật được rất nhiều người dân kính trọng vì đã giúp cởi bỏ chế độ độc tài của cha mình, mở đường cho một nước Đài Loan tự do tiến bộ của hôm nay.
Hàn bình phẩmrằng cựu Tổng thống Tưởng Kinh Quốc có “thân hình ngắn tũn, cổ ngắn, tứ chi cũng ngắn”. Đó là cách Hàn đáp trả những chỉ trích rằng bản thân mình “không ra dáng tổng thống”.
Khi bị truy vấn cảm tưởng về việc mình ngày càng bị tụt lại xa trong các cuộc khảo sát cử tri, Hànkhẳng địnhđó đều là các cuộc “khảo sát giả” (trong khi không đưa ra được khảo sát “thật” nào), chỉ có lợi cho đương kim tổng thống, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ mình từ nay có ai hỏi thì cứ trả lời “không biết” để “bọn họ không biết đường nào mà lần”!
Ông còn sáng chế ra slogan “thắng nhân tâm thì được thiên hạ, thắng khảo sát thì được cái cục trĩ” – một câu vừa “nho nhã” vừa tối nghĩa, lại không vần cũng chẳng điệu (cả trong bản gốc lẫn bản dịch) nhưng vẫn được Hàn cùng các fan của mình hí hửng hô vang.
Ngày càng bị bỏ xa trong các kết quả khảo sát cho tới tận ngày cuối cùng của năm 2019, Hàn Quốc Du, cũng giống như Donald Trump, lại vượt xa các đối thủ về khả năng sản xuất lan truyền tin giả.
Ngay sau các cuộc phát biểu chính kiến và tranh luận trên truyền hình, Trung tâm Kiểm chứng Tin giả của Đài Loan (Taiwan FactCheck Center) cùng các cơ quan báo đài khác đồng thời tiến hành thẩm tra lại những phát ngôn của ba ứng viên.
Kết quả là Thái Anh Văn có ba tin sai (đều là số liệu không chính xác), Tống Sở Du, ứng viên của Thân Dân Đảng (People First Party) có một tin sai. Riêng Hàn Quốc Du có lẽ xác lập một kỷ lục mà sẽ còn lâu nữa mới có người (dám) phá: thả bom 32 tin không đúng sự thật.
Trong những thứ đó, có những lời buộc tội chính quyền Thái Anh Văn từ dung túng tham nhũng, ăn hối lộ cho đến đi đêm luồn cúi với Bắc Kinh, những thông tin cực kỳ dễ lọt vào tai người nghe, đặc biệt là hàng triệu người xem trực tiếp trên truyền hình.
Những điều này được Hàn vô tư bắn ra, lặp đi lặp lại, mà không cần trình bất kỳ bằng chứng xác thực nào.
Nếu là mười năm trước, hoặc thậm chí chỉ cần cách đây 5 năm, Hàn Quốc Du sẽ không bao giờ có cơ hội thắng cử chức ứng viên trong nội bộ Quốc Dân Đảng, huống chi nói đến việc đắc cử làm tổng thống cả nước.
Nhưng đây là thời đại khác.
Những người của Quốc Dân Đảng tin như vậy.
Họ quyết tâm giao bánh lái con tàu cho Hàn Quốc Du, bất kể nó đi về đâu hay xoay vòng vòng cỡ nào.
Đáp lại những lời chỉ trích, họ chỉ nói đơn giản, Hàn là một ứng viên “khác thường” (phi điển hình), giống như Donald Trump.
Và nhìn vào Trump kìa, ai phản đối cứ phản đối, ông ta vẫn đắc cử tổng thống Mỹ đó thôi.
Cứ bất chấp tất cả, miễn thắng là được. Kẻ thắng thì sẽ làm vua. Thế thôi.
Đó là chân lý tối thượng của họ.
Đích thực là những người ủng hộ Hàn có lý do để tin mình sẽ làm vua, hay ít nhất, được về cùng phe với vua.
Chỉ mới cách đây hơn một năm, Hàn Quốc Du vẫn còn là ngôi sao mới nổi và có lẽ là sáng chói nhất trên chính trường Đài Loan.
Từ một kẻ gần như hoàn toàn vô danh, ông một bước lên mây, đánh bại ứng viên của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, nắm giữ chức Thị trưởng thành phố Cao Hùng – một nơi được xem là “sân nhà” của DPP trong suốt hai mươi năm qua.
Ngay từ thời điểm đua vào chiếc ghế Thị trưởng đó, Hàn đã “nổi tiếng” là nói xạonhiều hơn nói thật – nhưng không sao cả, vì cuối cùng ông là người thắng.
Thất bạicủa DPP trong cuộc bầu cử địa phương vào cuối năm 2018 khiến nhiều người ngạc nhiên.
Bốn năm trước đó, vào năm 2014, DPP giành chiến thắng tại 13 trên tổng số 20 khu vực. KMT chỉ được sáu. Bốn năm sau, vẫn là con số trên nhưng đảo ngược: 13 cho KMT và 6 cho DPP.
Tổng thống Thái Anh Văn khi đó phải nhận trách nhiệm, từ chức chủ tịch đảng DPP.
Cả trong lẫn ngoài DPP, nhiều tiếng nói kêu gọi Thái Anh Văn từ bỏ ý định tranh cử cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Con diều Hàn Quốc Du trong khi đó tiếp tục tung bay.Khảo sátvào tháng 4/2019 cho thấy gần một nửa số người được hỏi nghĩ rằng ông là lựa chọn thích hợp cho vị trí tổng thống.
Cơn gió nâng Hàn Quốc Du có lẽ đã thành cuồng phong thổi bay mọi vật cản, nếu như không có hai sự kiện tưởng chừng không liên quan gì tới nhau: những người trẻ ở Hong Kong đứng dậy, còn những người trẻ tại Đài Loan thì tỉnh ra.
Trong khi hàng triệu người Hong Kongxuống đườngđể phản đối Đạo luật dẫn độ, thì hàng trăm ngàn người Đài Loan cũngtuần hànhphản đối truyền thông đảo quốc bị các thế lực thân Bắc Kinh thao túng.
Người Đài Loan bắt đầu nhận ra bầu trời tự do của mình đã bị “nhuộm đỏ”, khi nhiều kênh truyền thông liên tục đưa tin một chiều, thậm chí là tin giả, còn các đạo quân “năm xu” (danh xưng dành cho lực lượng dư luận viên “vừa hồng vừa chuyên” của chính quyền Trung Quốc) tràn ngập trên khắp các diễn đàn của họ, phát tán những nội dung thất thiệt và dùng những lời kích động bẩn thỉu nhằm phá hoại mọi nỗ lực trao đổi văn minh.
Họ bắt đầunghi ngờkết quả của cuộc bầu cử năm 2018 liệu có phải ít nhiều đã bị thao túng bởi các hoạt động này hay không.
Những hình ảnh người Hong Kong đấu tranh cho quyền tự quyết và liên tục bị đàn áp với mức độ ngày càng tăng càng khiến dân Đài Loan vứt bỏ ảo tưởng, đó là nếu có ai còn giữ lấy chút ảo tưởng, về lời hứa tốt đẹp mang tên “một quốc gia, hai chế độ” mà Tập Cận Bình đưa ra vào thông điệp đầu năm 2019.
Họ biết rằng không thể tin tưởng vào lời nói bọc đường của những người cộng sản độc tài.
Cú bắn tiếng của Tập Cận Bình, vừa trong hình dạng “củ cà rốt” đoàn kết, vừa mang dáng “cây gậy” hăm he vũ lực, được Thái Anh Văn tận dụng triệt để làm cú hích cho mình.
Ngay từ đầu bà kiên quyết gạt bỏ đề xuất “đồng sàng dị mộng”, không chấp nhận chui đầu vào cái bẫy vi diệu đó.
Uy tín của bà bắt đầu được vực dậy.
Khi các cuộc biểu tình ở Hong Kong vừa diễn ra, khác với thái độ lẩn tránh của Hàn Quốc Du (ông ngơ ngác “hả, tôi không biết gì về chuyện đó” trước câu hỏi của các phóng viên), Thái Anh Văn không chút chần chừ ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với phong trào tự do dân chủ của người dân nơi đây.
Phong trào phản kháng của Hong Kong ngày càng nâng cấp, ngày càng nhiều người Đài Loan đồng tình ủng hộ, uy tín của Thái Anh Văn lại càng được đẩy lên cao.
Bà không những lèo láicon thuyền của mình thoát khỏi bãi đá ngầm, còn căng buồm tăng tốc về phía trước.
Nữ Tổng thống Đài Loan tuyên bố không bao giờ chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào về chủ quyền, về quyền tự quyết và về các giá trị tự do dân chủ mà người Đài Loan đang có – một điều thật ra không hề mới. Đó luôn là đường lối xưa nay của Thái Anh Văn và đảng DPP, chỉ là giờ đây đã có thêm nhiều người nhận ra những thứ tưởng như bình thường đó hóa ra quá quan trọng để có thể đánh đổi lấy bất kỳ thứ gì.
Chính phủ của Thái Anh Văn cũng nhanh chóng soạn thảo và ban hành “Luật chống Xâm nhập” (Anti-Infiltration Bill) – một đạo luật tương tự như “Luật yêu cầu tổ chức nước ngoài đăng ký” (FARA) của Mỹ hay “Luật chống các hoạt động gây ảnh hưởng từ nước ngoài” (Anti-Interference Law) của Úc – với mục đích ngăn chặn các hoạt động thao túng của Bắc Kinh tại Đài Loan.
Nhiều người lên tiếng phản đối đạo luật này. Không ngạc nhiên gì khi đa số phản ứng tiêu cực đến từ Quốc Dân Đảng, những người có lợi ích vật chất gắn chặt và trong hơn một thập niên qua luôn nuôi mộng“đoàn tụ” trong vòng tay ấm áp của Bắc Kinh.
Trong khi Quốc Dân Đảng lo ngại đạo luật với những thuật ngữ còn mơ hồ sẽ xâm phạm quyền tự do biểu đạt và tự do ngôn luận của người dân, kéo Đài Loan quay về thời kỳ “khủng bố trắng”, thì Chu Phụng Liên, người phát ngôn của Văn phòng Quan hệ Trung Quốc – Đài Loan lại cảnh báo đây là nỗ lực “khủng bố xanh” các đồng bào Đài Loan của chính quyền Thái Anh Văn.
Thật kỳ lạ là các quan chức Trung Quốc như bà Chu, trong khi trăn trở với các quyền tự do của những người sống bên ngoài đại lục, lại giả điên giả điếc hoàn toàn trước việc hàng tỷ người sống bên trong đại lục đã bị tước đoạt các quyền cơ bản đó suốt 70 năm qua.
Những lời đe dọa to tiếng, cùng với dàn tên lửa luôn nhắm sẵn vào đảo quốc, cũng như những con tàu chiến lâu lâu lại lượn lờ trước mặt người Đài Loan, không khiến tỷ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn giảm đi.
Nó còn có tác dụng ngược lại.
Các chế độ độc tài dường như không bao giờ hiểu được rằng, bạo lực chỉ đáng sợ đối với với những kẻ như họ – những người cả đời chỉ biết dùng đến bạo lực để “nói chuyện” với người khác.
Gần như đã thành truyền thống, cứ mỗi dịp bầu cử ở Đài Loan, chính quyền Bắc Kinh lại bắnvài quả tên lửa, tung ra vài chiếc tàu chiến, và hét ra hàng đống lửa dọa dẫm.
Và người Đài Loan lại chứng minh cho họ thấy những trò tiểu nhân đó vô nghĩa tới mức nào.
Không chỉ chính quyền cộng sản, mà rất nhiều người Trung Quốc đại lục đều lầm tưởng rằng người Đài Loan “cứng đầu” vậy là nhờ có Mỹ chống lưng.
Tống Sở Du, ứng viên có ít hy vọng thắng cử nhất, nhưng lại là người có nhiều kinh nghiệm chính trường nhất (đây là lần thứ năm ông tham gia ứng cử!), đã công khai nói thẳng trong cuộc tranh luận trên truyền hình: “Đừng tin rằng nước Mỹ là bạn tốt nhất của chúng ta”.
Ông vẫn còn nhớ rõ thời điểmnăm 1979, khi Mỹ sẵn sàng “dứt tình” bỏ rơi Đài Loan để “làm bạn” với Trung Quốc (trước đó Mỹ vẫn chỉ công nhận chính quyền Đài Loan là đại diện hợp pháp của nhân dân Trung Quốc).
Ông cũng là người nhiều năm thân chinh theo các phái đoàn ra nước ngoài đàm phán mua vũ khí, và đúc kết “thứ mình muốn mua thì người ta không muốn bán, họ chỉ bán thứ họ không cần, mà còn bán rất mắc”.
Tống Sở Du khẳng định điều tạo nên sức mạnh của Đài Loan không phải ở thế lực bên ngoài nào, mà là niềm tin của người dân vào thể chế tự do dân chủ của nước này.
Chỉ cần người dân được làm chủ, họ sẽ là những chủ nhân ra trò.
Thái Anh Văn cũng chia sẻ cùng điều đó.
Còn Hàn Quốc Du? Có lẽ vì là “người đặc biệt” nên ông suy nghĩ hơi khác.
Ông đặt niềm tin vào những thứ trên trời.
Trong buổi tranh luận truyền hình trực tiếp, đến phần các ứng viên trực tiếp chất vấn nhau, là người đầu tiên được ra câu hỏi, Hàn đã đặt vấn đềrất quan trọng sau:
“Các vị là những người tin thần hay không tin thần? Tôi thì rất tin.”
Và “nếu làm một tổng thống không ra hồn, dung túng tham quan vô lại, khiến dân tình thất vọng (ám chỉ Thái Anh Văn), tôi sẽ được lên thiên đường hay xuống địa ngục?”
Sau đó Hàn còn bổ sung thêm câu chuyện minh họa. Đó là chuyện về người cha 84 tuổi của ông, cả đời không tin thần, nhưng tới lúc sắp chết đã gọi ông lại bên giường bệnh thì thào, “con ơi, trên đời này có thần đó”. Hỏi vì sao biết, người cha chỉ trả lời “ta cảm giác được”.
Nhờ vào đó, Hàn xúc động khẳng định mình sẽ luôn làm việc tốt (để được lên thiên đàng) và không bao giờ dám làm việc xấu (để khỏi bị đày xuống địa ngục).
Thái Anh Văn thì có vẻ không quan tâm việc mình sẽ lên hay xuống đâu sau khi chết.
Bà chỉ biết, “tin hay không tin thần, trách nhiệm quan trọng nhất của chúng ta là làm người lương thiện”.
Tuy là đối thủ cạnh tranh, nhưng bà và Tống Sở Du cùng chia sẻ niềm tin, rằng chỉ có người Đài Loan có tiếng nói quyết định cuối cùng đến vận mệnh tương lai của chính mình.
Vài ngày nữa, hàng chục triệu cử tri Đài Loan sẽ đi bỏ phiếu.
Tới lúc đó, người ta sẽ biết họ tin vào thứ gì trên đời.
Những gì ở trên trời, hay chính bản thân mình.