Từ chùa Ba Vàng đến coronavirus: Vài thảo luận về tự do tôn giáo và mê tín dị đoan

Từ chùa Ba Vàng đến coronavirus: Vài thảo luận về tự do tôn giáo và mê tín dị đoan
Quảng cáo của Chùa Ba vàng. Ảnh: VTC.

Sự lan truyền của coronavirus (nCoV) tại Trung Quốc và nhiều quốc gia đang khiến toàn thế giới lo ngại. Giữa muôn trùng của thông tin và sợ hãi, trụ trì chùa Ba Vàng đăng tải thông tin về chương trình “Tu tập hồi hướng hóa giải nạn dịch virus corona”. Trong đó, ông Thích Trúc Thái Minh khẳng định “…mọi thiên tai, dịch bệnh gốc là do ác nghiệp của chúng sinh, đặc biệt là việc phá diệt Tam bảo, hủy hoại Phật pháp”.

Những tuyên bố có phần quá… tham vọng nói trên nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của cộng đồng mạng và hiển nhiên bị chỉ trích dữ dội. Cùng lúc đó, với phong thái quản lý thông tin một cách triệt để, chính quyền địa phương nhanh chóng can thiệp. Trao đổi với phóng viên của báo Thanh Niên, một lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí cho biết, địa phương này đã bố trí lực lượng chức năng giám sát chùa Ba Vàng để đảm bảo chùa này hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Riêng vị Phó Trưởng ban – Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh – cũng cho biết Giáo hội cùng các ban, ngành, chính quyền địa phương đã yêu cầu sư trụ trì phải gỡ bỏ các nội dung, chương trình, đoạn clip trên mạng xã hội facebook và website: chuabavang.com.

Hiển nhiên, nếu chưa nói đến những cân nhắc khoa học và pháp lý, người viết hoàn toàn đồng tình với việc can thiệp kịp thời của chính quyền địa phương, cũng như không có phản biện gì đối với những phản ứng của cư dân mạng. Song nếu dành chút thời gian nghiền ngẫm lại, điều gì thật sự tách biệt “tu tập hồi hướng hóa giải nạn dịch virus corona” với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khác như tu tập để tiêu giải nghiệp chướng, để lên thiên đàng, cầu nguyện để phụng sự một đức thánh nào đó, hay xin xăm, xin ấn đền thần, tìm kiếm người thân, hiểu thêm về tương lai cuộc đời mình thông qua ngoại cảm, kinh dịch… vốn vẫn đang được chấp thuận như là những hình thức thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo? Chẳng phải chúng đều dựa trên cùng một nền tảng lý luận triết học vốn chưa được khoa học kiểm chứng về khái niệm và mối quan hệ nhân quả hay sao? Hay nói rộng hơn, khái quát hơn, điều gì giúp chúng ta phân biệt giữa mê tín dị đoan và tôn giáo, niềm tin tôn giáo? Hay ở khía cạnh cụ thể hơn, khi nào cộng đồng nên phản đối một phong trào, một hành vi tín ngưỡng tôn giáo; khi nào cộng đồng không nên can thiệp vào chúng?

***

Khái niệm mê tín dị đoan (hay thuật ngữ tiếng Anh là superstition) đã được các học giả trên toàn thế giới nghiên cứu khá nhiều. Dù mỗi nhóm có một định nghĩa khác nhau, người viết tạm lấy khái niệm được Khoa Lý thuyết học của trường Đại học Oslo, Na Uy ghi nhận, do định nghĩa này ngắn gọn, có tính khái quát cao và đi thẳng vào trọng tâm. Theo đó, họ cho rằng mê tín dị đoan là những niềm tin hay thực hành dựa trên những hiểu biết sai lầm về tự nhiên (Nature) và quan hệ nhân quả (Causality), ví dụ như những niềm tin không được khoa học chứng minh.

Song đã có dẫn chứng khoa học nào bảo đảm được lý tính của các niềm tin tôn giáo chính thống hay chưa?

Nghiên cứu thiên văn, vật lý, sinh học hay địa chất nào dám cho rằng Thượng đế tạo nên vạn vật, và tạo ra loài người bắt đầu với Adam và Eve?

Nghiên cứu y khoa và sự sống nào đã ủng hộ thuyết Luân hồi và Nhân quả?

Nghiên cứu lịch sử nào minh chứng rằng Chúa trời đã nhờ đến nhiều người đưa tin đến địa đàng gồm Abraham, Moses và Jesus? Còn Mohammad là người đưa tin cuối cùng và chính xác nhất của Chúa?

Khi nói về niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng, người viết tin rằng dùng đến khoa học để phân loại chúng không phải là cách tốt nhất. Trong khi đó, các giả thuyết mà bản thân người viết tổng hợp được cũng không hẳn thể hiện đầy đủ bản chất của sự khác biệt.

Giả dụ như thuyết bài ngoại chẳng hạn (tên do người viết tự đặt), thường cho rằng những tín ngưỡng và niềm tin đến từ bên ngoài, nằm bên ngoài phạm vi hiểu biết của mình thì tự nhiên là thứ mê tín dị đoan, không đáng tin cậy. Như trong tác phẩm The Soul of Black Folk xuất bản lần đầu tiên năm 1903 của W.E.B. Du Bois, một nhà xã hội học và cũng là một nhà đấu tranh da đen trong Phong trào Dân quyền Hoa Kỳ, đã bình luận như thế này về bản chất cá nhân và tín ngưỡng của người da đen:

“Giống Negro (một cách gọi người da đen mang tính xúc phạm, nay đã không dùng nữa – ND)… là một chủng loài đậm chất tôn giáo (a religious animal), loài luôn bị ám ảnh bởi cảm xúc tự nhiên, và theo bản năng luôn hướng về các thế lực siêu nhiên. Thừa hưởng trí tưởng tượng nhiệt đới phong phú và một sự hứng thú đặc biệt với thiên nhiên, đời sống Phi Châu đầy ắp hình ảnh của thần thánh và ác quỷ, yêu tinh và phù thủy; đầy ắp những tác nhân gây ảnh hưởng hết sức kỳ lạ đến đời sống thường nhật”.

Thuyết bài ngoại thật ra được xây dựng dựa trên nền tảng của một niềm tin thượng đẳng hướng nội, rằng những yếu tố tâm linh quen thuộc với họ thì lý tính, thì thuận lẽ phải và tự nhiên hơn, trong khi những tín ngưỡng và niềm tin nằm ngoài phạm vi thẩm thấu của họ sẽ bị xem là mê tín, là phi lý tính.

Ví dụ, để lý giải cho việc cấm đạo Công giáo, cả Minh Mạng và Tự Đức đều quy cho đạo này là… mê tín, dị đoan. Minh Mạng bảo: “Đạo Gia Tô nguyên từ người Tây Dương truyền bá vào nước ta đã lâu; dân ngu phần nhiều bị mê hoặc mà không biết hối. Xét thuyết thiên đường, tóm lại chỉ là hoang tưởng, không có bằng chứng. Hơn nữa, thuyết ấy không kính thần mình, chẳng thờ tổ tiên, rất trái với chính đạo.” Ông tự nhận đạo của mình là chính đạo, và thờ cúng tổ tiên là thuận theo lẽ trời; riêng thuyết thiên đường thì không có bằng chứng. Song nếu thuyết thiên đường đã bị liệt là dạng vô căn không bằng chứng, thì việc thờ cúng ông bà tổ tiên có còn ý nghĩa hay nền tảng khoa học gì nữa hay không? Việc tin vào chính danh, vua chúa, thần quyền và thiên tử… chẳng phải cũng trở thành mê tín đó hay sao? Cách mà những người ủng hộ thuyết này tiếp cận vấn đề, đôi khi đúng, đôi khi sai, nhưng có một điều cần thừa nhận là nó chưa đủ tính khách quan để có thể xây dựng một quy chuẩn bài bản với mục tiêu phân biệt giữa tôn giáo và mê tín dị đoan.

Thuyết thứ hai mà người viết có thể nghĩ đến, tạm gọi là thuyết đồng thuận pháp lý, ám chỉ vai trò của nhà nước trong quá trình phân định hoạt động tôn giáo và hoạt động mê tín dị đoan. Thuyết đồng thuận pháp lý có thể cần phải đi khá xa về quá khứ, khoảng thế kỷ 16 – 17 tại Vương quốc Anh, khi mà Luật Hoàng gia đưa ra quy định nghiêm cấm việc “sử dụng một cách mê tín” (superstitious uses) các khu vực tư nhân và tài sản tư nhân cho hoạt động thánh lễ hay nghi thức Công giáo. Mong muốn của những quy định dạng này có vẻ chỉ nhằm giúp nhà nước và giáo hội kiểm soát độc quyền các nghi thức và ý nghĩa của tôn giáo chính thống nhà nước thời điểm đó (Anh giáo hay Anglicism), song nó cũng tạo nên một thể loại thực hành tôn giáo bị cho là mê tín – những thực hành tôn giáo không được nhà nước công nhận.

Cái thú vị của cách hiểu này là họ cho rằng tín ngưỡng không phải là cái có trước, và sau đó nhà nước mới xem xét điều gì là lý tính để phân loại thành tôn giáo hay mê tín dị đoan, mà hoàn toàn ngược lại. Cái gì mà nhà nước công nhận, nó tự nhiên thành tôn giáo – tín ngưỡng được bảo vệ. Cái gì mà nhà nước không công nhận, không ủng hộ thì tự nhiên bị biến thành dị đoan, mê tín. Đây là một cách tiếp cận theo chủ nghĩa hiện thực, khiến cho việc phân biệt một hành vi tôn giáo và một hành vi mê tín vô cùng dễ dàng: Hành vi nào nào nhà nước không ngăn cấm (hay cho phép) thì sẽ được bảo vệ như là thực hành tín ngưỡng tôn giáo; hành vi nào mà nhà nước không cho phép, không liệt kê vào danh mục được thực hành thì là mê tín dị đoan.

Nếu bạn đọc nhìn lại một số sự kiện gần đây, chúng ta có thể thấy cách tiếp cận này rất quen thuộc, và có lẽ đã trở thành nền nếp với người Việt Nam. Trong giai đoạn 2017 – 2018, một tổ chức tu tập dưới dạng một phiên bản của Công giáo mang tên Hội Thánh Đức Chúa trời nhanh chóng bị cơ quan chức năng lẫn người dân Việt Nam lên án quyết liệt. Bản thân Hội này bị cho là dụ dỗ, lôi kéo người khác, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và làm những điều trái với thuần phong mỹ tục; còn những người thực hành thì bị gọi là “đối tượng” mê muội và mất hết lý trí. Song nếu thật sự tìm hiểu giáo lý của Hội Thánh Đức Chúa trời, thì sẽ thấy những thứ họ đang quảng bá và giảng dạy cho giáo dân của họ không mới, từ việc tu tập đạo sau khi chết sẽ được lên Thiên đàng, hay việc không thờ ông bà tổ tiên… vốn đều là những thực hành tôn giáo được biết đến từ lâu của Công giáo.

Cách tiếp cận của thuyết đồng thuận pháp lý tạo một vị thế rất tiện lợi cho bản thân thể chế nhà nước lẫn các tôn giáo đã được thành lập với căn cơ chặt chẽ. Họ có thể áp đặt bất kỳ tín ngưỡng nào mới hình thành, chưa được thừa nhận là mê tín dị đoan để bảo vệ vị thế chính trị lẫn tài chính của mình. Nhưng điều gì xảy ra nếu bản thân nhà nước mong muốn quảng bá và phổ biến một tôn giáo nào đó là “quốc đạo”? Và điều gì xảy ra nếu các nhóm lợi ích chính trị và tôn giáo mong muốn duy trì vị thế của mình trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tâm linh của người dân? Vì nhiều lý do, bản thân người viết không tin rằng thuyết đồng thuận pháp lý sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng và lành mạnh cho tất cả các tôn giáo và tín ngưỡng.

Hay một cách tiếp cận có lịch sử tư pháp thú vị, mà người viết xin được phép gọi là thuyết “ngưỡng”, được phát triển qua hai án lệ Hoa Kỳ nối tiếp nhau là Malnak v. Yogi (1979) và Africa v. State of Pennsylvania (1981).

Trong án lệ thứ hai và cũng là nơi mà thuyết “ngưỡng” hoàn thiện, một thành viên của tổ chức mang tên MOVE, một nhóm cực đoan dân tộc chủ nghĩa da đen hoạt động ở Philadelphia, là Frank Africa, bị bắt giữ do các hoạt động thù địch của ông này. Trong trại tạm giam, Frank yêu cầu được ăn theo tiêu chuẩn chỉ bao gồm các rau củ chưa nấu chín và trái cây. Yêu cầu của Frank bị từ chối, và anh ta khởi kiện cơ quan tạm giam, tạm giữ, dựa vào căn cứ là quyền thực hành tự do tôn giáo được ghi nhận trong Tu chính án thứ Nhất của Hoa Kỳ.

Tòa án liên bang cấp quận hạt thuộc Eastern District of Pennsylvania ra phán quyết cho rằng MOVE không phải là một tổ chức tôn giáo, mà đơn thuần chỉ là một phong trào xã hội “hippy” trở về với tự nhiên, với tầm ảnh hưởng hạn chế, dù cơ cấu tổ chức mang tính cách mạng.

Vụ việc được kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Liên bang vùng Ba, nơi mà thẩm phán Arlin Adams áp dụng bài kiểm tra pháp lý ba mũi nhọn của mình, cho rằng một tổ chức tôn giáo cần phải: (1) xây dựng và sở hữu những ý tưởng tối thượng (ultimate ideas) về đạo đức cá nhân, đạo đức nhân loại, mục đích và ý nghĩa của sự sống; (2) là yếu tố có tính toàn diện và hoàn thiện của tín ngưỡng (comprehensiveness), ông khẳng định một tôn giáo chỉ có thể được công nhận nếu giáo lý của nó trở thành một hệ thống tự thân với liên kết chặt chẽ, thay vì chỉ là những nguyên tắc và giáo điều đơn lẻ, không gắn kết; (3) có tính chất cấu trúc, tức có ban bệ, tổ chức và cấp bậc tôn giáo rõ ràng, bao gồm với những ký hiệu có thể phân biệt được với các tôn giáo đang tồn tại.

Hiển nhiên, ở Hoa Kỳ không có quy trình đăng ký tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng tôn giáo như tại Việt Nam, song trong trường hợp có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ pháp lý, các tiêu chuẩn trên tiếp tục được tòa án Hoa Kỳ áp dụng cho đến ngày nay.

Theo người viết, đây không phải là một ý tưởng tồi. Nó vừa bảo vệ được nguyên tắc tự do và tự nguyện trong hoạt động tôn giáo. Song trong trường hợp có các tranh cãi pháp lý, cơ quan tư pháp vẫn có thể áp dụng một số tiêu chuẩn nhất định để xác định xem một quan điểm hay một niềm tin có nên được bảo vệ với danh nghĩa tôn giáo hay không.

***

Song ngay cả phương pháp của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ có lẽ vẫn còn điều chưa giải quyết được. Chúng ta dựa vào thuyết ngưỡng thật ra chỉ có thể phân biệt giữa cái nên được gọi là tôn giáo, và cái không thể được gọi là tôn giáo. Còn riêng cái mà không thể được gọi là tôn giáo đó, thì vẫn chưa hẳn là dị đoan mê tín. Giả dụ như việc một người tin rằng ăn dừa và uống nước dừa là thanh đạm và cần thiết để hóa thánh là dựa vào niềm tin cá nhân của người này, liệu có nên bị xem là mê tín dị đoan hay không?

Trong môi trường Việt Nam, người viết tin là chúng ta cần thảo luận nhiều hơn nữa để tìm ra câu trả lời thích về sự khác biệt giữa tự do tôn giáo và mê tín dị đoan. Theo người viết, cái mở đầu của những tranh luận nên nằm ở phạm vi tác động và mục tiêu của mê tín và thực hành tín ngưỡng tôn giáo. Liệu việc thực hành đó có nhằm thúc đẩy niềm tin nội tâm và được giới hạn trong việc tu tập cá nhân, hay nó đang được quảng bá trở thành một gói “giải pháp” cho các vấn đề của thế giới khách quan, của xã hội như sức khỏe công cộng, hòa bình, kinh tế hay chính trị? Với cách tiếp cận này, dù việc thực hành tôn giáo đó có được thừa nhận hay không, thì bản chất mê tín dị đoan của chúng vẫn được thể hiện rất rõ. Đến cuối cùng, chúng ta không muốn khái niệm mê tín dị đoan chỉ là những diễn ngôn nhằm bảo vệ trật tự và lợi ích chính trị của nhóm nhỏ nào đó trong xã hội.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.