Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cách đây đúng 30 năm, vào tháng 2/1990, tàu vũ trụ thăm dò Voyager 1 đang bay đến rìa của Hệ Mặt Trời, chuẩn bị kết thúc sứ mạng ban đầu, khám phá sao Mộc và sao Thổ.
Trước khi tắt hoàn toàn hệ thống chụp ảnh nhằm tiết kiệm năng lượng cho hành trình vô tận tiếp theo, con tàu được lệnh hướng ống kính quay về phía Trái Đất.
Mục đích chính của những người điều khiển là muốn có được hình ảnh của Trái Đất.
Nhiệm vụ cuối cùng này không có ý nghĩa nào về mặt khoa học. Nhưng Carl Sagan vẫn muốn có bức ảnh đó.
Carl Sagan là nhà thiên văn học đóng vai trò quan trọng trong các chương trình nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Ông là thành viên của các dự án tàu thăm dò không gian, trong đó có Voyager 1 và 2.
Vài năm sau khi Voyager 2 và 1 lần lượt được phóng đi vào năm 1977 (tuy mang số 1 nhưng Voyager 1 lại được phóng sau), Carl Sagan nêu ý tưởng dùng một trong hai con tàu thăm dò này chụp lại hình ảnh Trái Đất.
Ý kiến này ban đầu không nhận được sự ủng hộ của các thành viên khác, một phần vì “không có ý nghĩa khoa học thực tế” (chính Sagan cũng thừa nhận điều đó). Phần khác vì nhiều người lo ngại từ vị trí của các tàu thăm dò Voyager, Trái Đất rất gần Mặt Trời, hướng camera về phía đó có nguy cơ phơi sáng quá mức, làm hỏng hệ thống ống kính. Nhiệm vụ ưu tiên là đảm bảo các hình ảnh về Sao Mộc và Sao Thổ được thu thập đầy đủ.
Sagan phải chờ.
Hơn 10 năm sau đó, Voyager 1 đã hoàn thành xong sứ mạng ban đầu, chuẩn bị “nhắm mắt” vĩnh viễn. Khi đó, cuối cùng Sagan cũng thuyết phục được các cộng sự cho con tàu hướng về Trái Đất chụp những bức ảnh cuối cùng.
Vào ngày Valentine của năm 1990, từ khoảng cách 6,4 tỷ km, xa nhất từ trước đến nay, Voyager 1 gửi cho nhân loại tại hành tinh xanh một trong những khoảnh khắc biểu tượng lịch sử: một chấm xanh nhạt trên nền đen thăm thẳm.
Cái đốm nhạt và bé li ti đến mức người đầu tiên tiếp nhận xử lý hình ảnh truyền về ban đầu đã không nhận ra đó là Trái Đất.
Đích thực là nếu đưa bức ảnh đó cho bất kỳ người nào bạn gặp, hỏi họ thấy gì, xác suất rất cao câu trả lời sẽ là “chả có gì cả”.
Và đó chính là lý do Carl Sagan muốn có tấm ảnh này, bức ảnh “tự sướng” mờ mịt nhưng rõ ràng nhất về toàn bộ thế giới của loài người từ xưa đến nay.
“Cái đốm xanh nhạt” là cách mà Sagan gọi Trái Đất trong bức hình đó.
Vài năm sau, năm 1994, trong quyển sách cùng tên (Pale Blue Dot), ông đã mô tả như sau về nó:
Từ khoảng cách vời vợi này, Trái Đất dường như chẳng có gì đặc biệt.
Nhưng với chúng ta, nó rất khác biệt. Hãy nhìn lại cái đốm nhỏ ấy một lần nữa. Đó là nơi đây. Đó là nhà. Đó là chúng ta.
Ở trên cái chấm đó, tất cả những người bạn yêu quý, những người bạn quen biết, những người bạn từng nghe nhắc đến, tất cả những con người đã từng tồn tại, tất cả họ đã sống trọn cuộc đời mình tại đó.
Những cộng hợp của hạnh phúc và đau khổ, hàng ngàn thứ tôn giáo, các lý tưởng, những học thuyết kinh tế đầy tự tin, tất cả những người săn bắt và hái lượm, tất cả những anh hùng và kẻ hèn nhát, tất cả những người sáng tạo ra và những kẻ hủy diệt các nền văn minh, tất cả những ông vua và những kẻ nông bần, tất cả những cặp đôi yêu nhau, tất cả những bà mẹ và ông bố, những đứa trẻ gieo đầy hy vọng, những nhà phát minh và khám phá, tất cả những người thầy đáng kính, tất cả những chính trị gia đáng khinh, tất cả những “siêu sao”, tất cả những “lãnh tụ tối cao”, tất cả những vị thánh và những tội đồ trong lịch sử của chúng ta, tất cả đều sống trên cái đốm đó – một mẩu bụi dính lại trên một tia sáng chiếu ra từ mặt trời.
Trái Đất là một sàn diễn tí hon, một hạt cát trên sân khấu vô cùng của vũ trụ.
Hãy nghĩ đến những dòng máu đổ cuộn thành suối thành sông, để các vị tướng và lãnh tụ, hân hoan trong vinh quang và thắng lợi vĩ đại, được một khoảnh khắc làm chúa tể của một mẩu vụn trên cái đốm nhỏ li ti đó.
Hãy nghĩ đến sự tàn bạo vô hạn của những cư dân trên một góc nhỏ của cái chấm, dành cho những cư dân chẳng mấy khác biệt ở một góc khác trên cùng cái đốm tí hon này, những con người dễ dàng hiểu lầm nhau, sẵn sàng giết hại nhau, và hun đúc ngọn lửa thù hằn từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Điệu bộ làm dáng, tầm vóc tự hão, và ảo tưởng của chúng ta về một vị thế đặc biệt vĩ đại trong vũ trụ, tất cả trở nên lố bịch trước cái chấm xanh nhạt nhòa đó.
Hành tinh của chúng ta là một đốm nhỏ cô đơn trong cái nền đen thẳm của vũ trụ.
Trong cái tối tăm, trong cái vô tận đó, chẳng có dấu hiệu gì để thấy rằng sẽ có sự giúp đỡ nào rớt từ đâu đó xuống để cứu lấy chúng ta.
Trái Đất là thế giới duy nhất cho tới nay chúng ta biết được, nơi có thể tồn tại và nâng niu sự sống.
Chẳng có một chỗ nào khác, ít nhất là trong tương lai trước mắt, để những giống loài trên hành tinh này có thể di cư đến.
Thích hay không thích, vào lúc này đây, Trái Đất là nơi duy nhất cho chúng ta tựa vào.
Hai con tàu vũ trụ Voyager được phóng đi hơn 40 năm trước ngoài nhiệm vụ khoa học còn mang theo một sứ mệnh đặc biệt khác: gửi thông điệp đến những nền văn minh ngoài trái đất (đúng như tên gọi của nó, “voyager”, nhà thám hiểm).
Trên mỗi con tàu là chiếc máy đọc và đĩa ghi chứa các hình ảnh, âm thanh, tư liệu về nhân loại, về sự sống trên Trái Đất, như một lời tự giới thiệu, “tìm người yêu” trong vũ trụ bao la. Hai con tàu hiện đang chu du vào vùng vô tận, hướng về phía Dải Ngân Hà (Milky Way).
Vào ngày Valentine của năm nay, 30 năm sau bức ảnh “chấm xanh nhạt” nổi tiếng của Voyager 1, không còn nhiều người nhắc đến công cuộc tìm người yêu ngoài vũ trụ của loài người.
Thay vào đó, người ta nhắc nhiều hơn đến “người yêu cũ” của nhân loại: cái đốm xanh nhạt có tên Trái Đất.
Vào thời điểm năm 1990, khi bức ảnh được chụp, thế giới vẫn còn đang kẹt trong Chiến tranh Lạnh với hai siêu cường Mỹ và Liên Xô hầm hè hàng chục ngàn đầu đạn hạt nhân chĩa vào nhau.
Thông điệp của bức ảnh thời ấy vì vậy vẫn còn rất thời sự: chúng ta chỉ có một ngôi nhà, tất cả đều ở chung trong đó, đừng có điên, hoặc để cho những kẻ điên, hủy hoại nó.
Ba mươi năm sau, nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã tạm lắng xuống (tuy các cuộc chạy đua vũ trang mới vẫn đang măm me được thổi bùng trở lại).
Loài người hiện tại, sau nhiều thập niên rúc đầu trong cát, lại đang bắt đầu cảm nhận hậu quả của mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong lịch sử: cuộc khủng hoảng khí hậu.
Cái chấm xanh nhạt nhòa vì vậy chưa bao giờ mang nhiều ý nghĩa hơn thế.
Trái Đất, cái đốm li ti này, là ngôi nhà duy nhất mà con người và mọi sinh vật trên đó đang có.
Không có bất kỳ một thần linh, thượng đế, một trí tuệ siêu việt ngoài vũ trụ, hay một phép màu nào có thể cứu lấy nhân loại.
Tự con người sẽ phải cứu lấy chính mình.
Từ hàng triệu năm qua, tổ tiên của nhân loại đã tự do tung tẩy trên cái chấm nhỏ này. Nơi đây thiếu thức ăn, đi tới chỗ khác tìm nguồn sống. Đất chỗ này không hợp, kéo nhau khám phá vùng đất mới. Người ở vùng này chán, tìm khu khác ở cho vui.
Nói cách khác, chúng ta đã luôn có thứ đặc quyền được “bắt đầu lại”.
Ngày nay, khi chúng ta càng ngày càng làm cạn kiệt và nhiễm độc nguồn nước, dìm chết các sinh vật đại dương trong biển rác thải, đốn trụi các cánh rừng nguyên sinh, không ngừng bơm thêm khí thải ô nhiễm, và đẩy các loài vật khác đến bờ tuyệt chủng, liệu con cháu chúng ta có còn thứ gì để “bắt đầu lại”?
Chỉ biết gặm nhấm phá hoại, không để lại được gì tốt đẹp cho tương lai, chúng ta sẽ là thứ giống loài gì?
Cái chấm xanh nhạt này có nhỏ đến đâu vẫn luôn đủ chỗ cho mọi loài sinh vật trên đó.
Nhưng chỉ những loài xứng đáng với nó.