Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Một ông già tâm thần hay một nhà sư chống chiến tranh?
Năm 1968, phía Nam vừa bước ra khỏi cuộc lộn xộn kéo dài về chính trị gây chao đảo xã hội. Người dân đã chán ngấy những lời hứa hẹn và thực tại mà chính quyền mang đến cho họ. Nỗi sợ cộng sản và nỗi sợ quốc gia cũng không khác nhau nhiều lắm. Để sống, người ta cố gắng giữ mình và cầu mong thế lực tâm linh đưa họ vượt qua những bất trắc của cuộc chiến.
Vượt ra ngoài không gian tu hành, một số nhà sư miền Nam đã công khai phản đối cuộc chiến tranh đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Các nhà báo quốc tế bắt đầu chú ý đến các thầy tu, các lãnh đạo tâm linh, những người được xem là có uy tín và đại diện để nói lên nỗi đau khổ của quần chúng.
Vào mùa xuân năm 1968, nhà báo John Steinbeck IV, 22 tuổi, con trai của nhà văn Mỹ nổi tiếng thế giới John Steinbeck, theo bạn bè xuống Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) để gặp một thiền sư bí ẩn, ông Đạo Dừa, người bị chính quyền miền Nam coi là một ông già tâm thần đầy rắc rối.
Xuống đến Mỹ Tho, cả nhóm Steinbeck leo lên một chiếc xuồng máy để đến thánh địa của ông Đạo Dừa nằm giữa sông Mỹ Tho. Tiếng xuồng máy của nhóm Steinbeck cộng với tiếng sóng vỗ cũng không át nổi tiếng chuông gió làm từ vỏ đạn xe tăng phát ra từ Cồn Phụng, lãnh địa của ông Đạo Dừa. Tại ngôi chùa này, ông và đệ tử của mình đã biến những vỏ bom đạn của chiến tranh thành những món đồ của hòa bình. Ông còn nuôi một đôi chuột và mèo cùng chung sống với nhau để chứng minh rằng hai miền Nam và Bắc dù khác tư tưởng nhưng vẫn có thể chung sống hòa bình.
Bước lên chùa, trước mặt Steinbeck là 200 tín đồ đầu chít khăn, quần áo màu nâu, quỳ lạy về hướng mặt trời lặn. Trên nền gạch bông, nơi những tín đồ hành lễ, những con rồng bằng xi măng sặc sỡ, uốn lượn quanh chín cây cột dựng lên ở giữa sân. Chín cây cột này tượng trưng cho chín nhánh sông đã bồi đắp đồng bằng sông Cửu Long tạo nên một vùng đất màu mỡ hiếm có.
Phía dưới ngôi chùa trông như nổi lên ở giữa dòng sông này, ông Đạo Dừa cho đắp một bản đồ Việt Nam bằng xi măng dài khoảng 20 mét, phía dưới lúc nhúc những mô hình nhà cửa, cây cối là các tiểu cảnh của các thành phố từ Bắc đến Nam. Trên bản đồ này, Sài Gòn và Hà Nội được đánh dấu bằng hai cột xi măng cao nên dù thủy triều dâng cao lấp hết bản đồ thì vẫn còn thấy hai nơi này. Hằng ngày, ông cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam bằng cách đi từ Sài Gòn đến Hà Nội trên bản đồ tượng trưng này.
Ông Đạo Dừa tiếp Steinbeck trong bộ áo cà sa màu vàng nhưng trên ngực lại đeo Thánh giá của Thiên Chúa giáo. Đầu ông không chít khăn như tín đồ mà thay vào đó là một đuôi tóc được bện lại rồi quấn quanh tráng, ông nói đó là mô phỏng vương miện gai của chúa Jesus. Đôi lúc, bím tóc được thả dài xuống trước ngực, lúc đó ông nói mình đại diện cho hình ảnh Phật Di Lặc.
Vừa gặp nhau, hai người đã có một linh cảm đặc biệt. Vốn là người sùng kính đạo Phật và đạo Lão, Steinbeck nói rằng ngày hôm qua anh nhìn bản đồ Việt Nam, và thấy rằng nếu vẽ một vòng tròn bao quanh dải đất hình chữ S này thì nó sẽ hiện ra một Thái cực đồ trong thuyết Âm Dương. Trong Thái cực đồ này, hồ Ton Le Sap của Campuchia là chấm trắng giữa phần đen là đất liền, còn đảo Hải Nam của Trung Quốc là chấm đen giữa phần màu trắng là biển khơi. Trùng hợp thay, ông Đạo Dừa cho đệ tử mang một bức bản đồ mà ông đã vẽ ngày hôm qua trùng khớp với những gì mà Steinbeck đã kể. Các tín đồ bắt đầu ngạc nhiên về sự kết nối tâm linh giữa hai người. Và Steinbeck cũng thấy rằng có gì đó rất khó giải thích kể từ khi anh đặt chân lên ngôi chùa lạ lẫm này.
Kể từ lần gặp định mệnh đó, Steinbeck chạy xe máy từ Sài Gòn xuống cồn Phụng vào mỗi cuối tuần và ngủ lại ở đó. Anh cảm thấy bình an hơn bất kỳ nơi nào, tách biệt hoàn toàn khỏi cuộc chiến gớm ghiếc đang giày xéo miền Nam. Steinbeck đã viết trong cuốn hồi ký của mình rằng những ngày ở ngôi chùa này là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của anh.
Vào một buổi sáng, tín đồ của ông Đạo Dừa gọi Steinbeck dậy khi trời vẫn còn tối. Khi thức giấc, anh thấy chiếc xe máy của anh đã được dựng ngay ngắn trên chiếc xuồng máy từ lúc nào rồi. Ông Đạo Dừa muốn anh trở về Sài Gòn ngay lập tức để mời bạn bè là các phóng viên của anh đến ăn trưa trong một nhà hàng ở khu Chợ Lớn. Steinbeck gấp rút lên đường nhưng trong lòng vẫn không khỏi lo lắng, vì chính quyền chưa bao giờ muốn ông thầy tu rắc rối này đặt chân đến Sài Gòn.
Trưa hôm đó, ông Đạo Dừa ghé qua gặp Steinbeck trong khi các đồng nghiệp của anh vẫn còn đang ăn uống trong nhà hàng. Qua cửa sổ của chiếc xe hơi hãng Buick sang trọng, ông nói với Steinbeck rằng ông muốn anh báo cho các phóng viên về một cuộc vận động mới của ông. Ông nói rằng ngày mai ông sẽ đến Dinh Độc Lập rồi tuần hành đến Tòa Đại sứ Mỹ (giờ số 04 đường Lê Duẩn) để gửi một bức thư nói về kế hoạch hòa bình của mình cho Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson.
Steinbeck thấy đó là một kế hoạch đầy nguy hiểm khi anh đã vô số lần chứng kiến cách cảnh sát Sài Gòn xử lý những người biểu tình. Để bảo vệ thầy của mình, anh quyết định báo cho tòa đại sứ về chương trình ngày mai của ông Đạo Dừa nhưng anh đã quá ngây thơ khi làm như vậy.
Trưa ngày hôm sau, ông Đạo Dừa bước ra khỏi chiếc xe hơi vừa đỗ ở một góc đường của Dinh Độc Lập, trên tay cầm một trái dừa. Xung quanh ông, một nửa là người đi đường cười nhạo hoặc quỳ lạy vị thầy tu bí ẩn này. Và một nửa còn lại là cảnh sát mặc thường phục. Ngay lúc đó, xe cảnh sát ập đến chặn đường khi ông đang bước đến Dinh Độc Lập. Vậy là ông đổi hướng đi thẳng đến Tòa Đại sứ Mỹ, mặc kệ những lời cảnh cáo của cảnh sát.
Khi đám đông theo chân ông Đạo Dừa đến tòa đại sứ thì một dàn lính thủy quân lục chiến đã đợi sẵn ở đó. Trên nóc của tòa nhà như một lô cốt khổng lồ này, khoảng 40 lính đã sẵn sàng với súng máy chĩa vào đoàn người phía dưới. Trên không, trực thăng chiến đấu bay lượn lờ trong khi vị thầy tu gầy guộc và thấp bé chậm rãi ngồi xuống bên vỉa hè cùng với quả dừa của mình.
Sau hơn hai mươi phút, nhận ra phản ứng thái quá của lực lượng vũ trang, tòa đại sứ cử một nhân viên ra nhận bức thư nhưng người này từ chối nhận trái dừa vì tổng thống không thể nhận quà từ một chức sắc ngoại quốc. Ông Đạo Dừa hài lòng rồi trở về lãnh địa của mình trong sự hộ tống không mong muốn của cảnh sát. Để cảnh cáo ông không được đặt chân đến Sài Gòn lần nữa, cảnh sát đã bắt 30 tín đồ thân cận nhất ngay trong lúc ông đi vắng.
Lá thư tòa đại sứ đã nhận là một thỉnh nguyện có một không hai. Ông xin Tổng thống Johnson cho ông mượn 20 máy bay vận tải để đưa ông và các tín đồ cùng nguyên vật liệu đến vĩ tuyến 17 – nơi chia cắt Việt Nam thành hai đất nước thù địch vào lúc đó. Tại đó, ông Đạo Dừa sẽ cùng tín đồ dựng một đàn cầu nguyện ngay giữa sông Bến Hải, ông sẽ ngồi trên đỉnh của đàn này và cầu nguyện trong bảy ngày không ăn, không uống. Ở hai bên bờ sông, mỗi bên sẽ có 300 nhà sư cùng ông cầu nguyện.
Không ai biết bức thư có đến được tay Tổng thống Johnson hay không nhưng ai cũng biết rằng ông Đạo Dừa chưa bao giờ từ bỏ ước mơ mang đến hòa bình cho Việt Nam.
Ở Cồn Phụng (Bến Tre) ngày nay, nơi từng là lãnh địa của ông Đạo Dừa, vẫn còn một tấm đá cẩm thạch ghi vắn tắt lai lịch về ông như sau:
“Năm 1928 – 1935, du học Pháp quốc tại trường Cao đẳng Hóa học Vật chất ở Lyon – Caen – Rouen. Sau ba năm thành tài. Để làm gì. Năm 1935 – 1945, về xứ lên Thất Sơn huyền bí, tìm giải pháp cho hòa bình, thiền định theo Lý Số Âm Dương “bất chiến, bất bạo động”. Năm 1947 – 1972, làm hòa bình, từng vào tù ra khám. Song chẳng sờn lòng tri, trí, dũng. Đạo đức thống nhất Việt Nam sống chung theo cơ thiền định. Quyền thiên nhơn lành đạo Thích Hòa Bình”.
Các bài viết hiện nay về ông Đạo Dừa đều xác nhận ông tên là Nguyễn Thanh Nam, con cả trong một gia đình giàu sang ở Bến Tre.
Sau khi du học về nước, Nguyễn Thành Nam lấy vợ và mở một xưởng sản xuất xà phòng từ nguyên liệu là dừa trước khi đi tu ở vùng Thất Sơn (tỉnh An Giang) vào năm 1945.
Ba năm sau đó, khi tấm thân đã gầy rộc trong dáng dấp của một ông già lụ khụ vì tu theo pháp môn khổ hạnh, Nguyễn Thành Nam, 37 tuổi, xuống núi tiếp tục ngồi thiền dưới một gốc cây ngó ra sông Tiền trong hai năm nữa. Lúc đó, một vài người bắt đầu chú ý đến ông, đặc biệt ở chỗ ông chỉ uống nước dừa ăn ít trái cây để sống qua ngày.
Cho đến năm 1952, ông dựng một đài Bát quái bằng cây dừa cao 14 mét ở giữa một cái mương. Trong suốt hai năm tiếp theo, người dân từ khắp nơi kéo đến xem người đàn ông kỳ lạ này ngồi thiền mặc kệ gió sương. Ông hoàn toàn không nói một lời nào mà chỉ viết giấy để giao tiếp với mọi người.
Năm 1963, ông cùng một số người khác mua một sà lan rất lớn rồi dựng ngôi chùa Nam Quốc Tự đồ sộ ngay ở Cồn Phụng, giữa dòng sông Mỹ Tho. Trên ngôi chùa này, ông cho dựng rất nhiều mô hình như Thất Sơn, hình Bụt choàng tay lên người Chúa Jesus, hình Đức Mẹ ôm lấy Quán Thế Âm Bồ Tát, tháp chín tầng,… Đó là thánh địa của Đạo Dừa hay Hòa đồng Tôn giáo.Những cách tu tập hiếm thấy của ông như tịnh khẩu (không mở miệng), chỉ uống nước dừa, ăn trái cây, không ăn đường và muối để giữ cho xác thân bất hoại sau khi chết, khuyên mọi người ăn chay, làm điều thiện, cầu nguyện cho hòa bình và chuyện ông học đạo ở vùng Thất Sơn linh thiêng đã khiến dân chúng không thể không tò mò. Năm 1974, chỉ riêng ở tỉnh Định Tường (giờ là một phần của tỉnh Tiền Giang) đã có đến 3.516 người theo Đạo Dừa trong khi số tín đồ Tin Lành lúc đó là 3.512.
Cả hai chế độ Việt Nam Cộng hòa Đệ nhất và Đệ nhị ở miền Nam đều không khoan dung đối với những người kêu gọi hòa bình, dù đó là một nhà sư đáng kính hay một nhà nông bình dân, một nhà báo nổi tiếng hay một cậu sinh viên hiền lành.
Cũng chính vì sự nhạy cảm của chính quyền nên ông Đạo Dừa bị cấm đi Campuchia để cầu nguyện cho hòa bình vào năm 1961. Những chính quyền không thể cản ông Đạo Dừa vận động hòa bình ở Sài Gòn.
Tháng 12 năm 1964, ông Đạo Dừa cùng đệ tử mang hai cái lồng một đựng mèo và một đựng chuột đi tìm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara khi ông này đến Sài Gòn. Ông Đạo Dừa cho mèo và chuột vào cùng một chiếc lồng nhưng mèo không ăn thịt chuột. Báo chí lúc đó đã viết nhiều về câu chuyện này. Về sau, câu chuyện này được Thích Nhất Hạnh kể lại trong một quyển truyện tranh thiếu nhi với đoạn kết: “Nếu chuột và mèo có thể chung sống hòa thuận cùng nhau. Bạn có nghĩ rằng con người cũng có thể không?”.
Không ít người, kể cả chính quyền lúc đó, nghĩ rằng ông Đạo Dừa đội lốt tôn giáo để làm chính trị. Bằng chứng là hai lần ông ấy đã cố gắng ứng cử tổng thống vào năm 1967 và 1971 với số tiền ký quỹ rất lớn được cho là do các tín đồ quyên góp.Ông cũng nhiều lần tổ chức họp báo, tìm gặp và gửi thư cho các chính khách để kêu gọi hòa bình cho đất nước. Tất cả đều là những hoạt động bất bạo động nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn tìm mọi cách để trấn áp. Khi thì ông bị bắt, khi thì chùa Nam Quốc bị bố ráp, lúc thì tín đồ ông bị bắt. Mặc dù vậy, chính quyền Sài Gòn vẫn để ông tự do thực hành tôn giáo của riêng mình, miễn là ông ở yên trên Cồn Phụng, đừng gây ra những xáo động tuy ôn hòa nhưng làm bận tâm nhà chức trách. Hay như Thích Nhất Hạnh đã viết về tự do tôn giáo ở Việt Nam vào đầu năm 2010: “Trong thời thực dân, trong thời ông Diệm và ông Thiệu, tuy hành đạo có khó khăn thật đấy, nhưng người tu cũng không bị kiểm soát gắt gao quá đáng như trong hiện tại [sau năm 1975]”.
Sau năm 1975, toàn bộ miền Nam chìm trong chế độ toàn trị cộng sản. Các tôn giáo bị cho là mê tín dị đoan, các tài sản của các giáo hội bị tịch thu, các nhà sư, các chức sắc bị đưa đi giam cầm ở các trại cải tạo không qua xét xử. Việt Nam trở thành một trong những nước đàn áp tôn giáo hà khắc nhất thế giới vào lúc đó. Đương nhiên, Đạo Dừa, một tôn giáo mới vào thời bấy giờ, càng dễ bị chính quyền tiêu diệt.
Theo báo Pháp luật, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông Đạo Dừa không được chính quyền cho phép hành đạo nữa. Một thời gian sau, ông tìm cách vượt biên và bị chính quyền bắt giam. Mãi đến năm 1985, chính quyền mới cho nhà sư nặng chưa đến 40kg và cao chưa đến 1,4 mét này về nhà.
Rất khó tìm thấy các thông tin đầy đủ về những hoạt động sau khi được thả của ông Đạo Dừa vì chế độ kiểm duyệt báo chí của chính quyền.
Vào năm 1986, trong một nhà hàng ở Paris, Steinbeck nghe những người Việt hải ngoại nói rằng chính quyền Việt Nam đang muốn biến chùa Nam Quốc thành một điểm du lịch.
Trở về nhà ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, ông Đạo Dừa đã hoạt động tôn giáo trở lại và được nhiều tín đồ đến thăm viếng. Một thời gian sau, ông mở đài phát thanh ở địa phương với lời thiệu mỗi khi phát sóng: “Đây là đài phát thanh Phú An Hòa, tiếng nói của Hòa đồng Tôn giáo …”.
Chính quyền cho rằng các đài phát thanh của ông hoạt động xuyên tạc chống nhà nước và mê tín dị đoan nên đã tịch thu bộ máy móc phương tiện phát thanh, kiểm điểm sai phạm của ông Đạo Dừa và các tín đồ.
Bị cấm đoán hành đạo, ông cùng tín đồ chuyển ra đảo Phú Quốc, Kiên Giang nhưng sớm bị chính quyền trục xuất về địa phương. Vào tháng Năm năm 1990, khi tín đồ lén đưa ông lên TP. Hồ Chí Minh để lánh nạn rồi quay về trú tại nhà của tín đồ ở tỉnh Tiền Giang thì công an tìm đến. Tại đây, xảy ra việc xô xát giữa hai bên gây ra cái chết cho ông Đạo Dừa.
Sau vụ việc, Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre đã xét xử các tín đồ của ông Đạo Dừa về tội chống người thi hành công vụ với những bản án nặng nề. Nhưng chi tiết về vụ án không được báo chí phổ biến.
Sau này, Steinbeck viết trong hồi ký của mình về ông Đạo Dừa rằng: “Lần cuối cùng tôi gặp ông [Đạo Dừa], chúng tôi đã quên từ biệt nhau. Lúc đó, ông ấy quẹt một giọt nước mắt hiếm hoi trên mắt của mình nhưng rồi lại cười. Rồi ông đưa tay chỉ lên bầu trời nơi ông sống”.
Vào tháng Hai năm 1991, chưa đến một năm sau cái chết oan uổng của ông Đạo Dừa, Steinbeck qua đời sau một ca phẫu thuật liên quan đến cột sống. Ở quê nhà, ông Đạo Dừa được chôn cất theo di nguyện của mình: chôn đứng. Chùa Nam Quốc thành nơi tham quan cho khách du lịch. Báo chí Việt Nam đến nay vẫn chưa thôi viết bài bôi nhọ về Đạo Dừa.