Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cuối năm 2019, giữa lúc giới khoa học đang đầy quan ngại về tình trạng của dòng Mekong trước biến đổi khí hậu và thuỷ điện, chính phủ Lào công bố kế hoạch xây dựng thuỷ điện Luang Prabang sau khi đã hoãn hơn 10 năm. Đáng chú ý hơn, nhà đầu tư lớn nhất của dự án này là một công ty quốc doanh đến từ Việt Nam – đất nước có tiếng nói phản đối dự án mạnh mẽ nhất trước đó.
Quyết định này không chỉ đe doạ tương lai của dòng sông, mà còn đánh mất uy tín cùng những nỗ lực bảo vệ sông Mekong của chính phủ Việt Nam trong suốt thời gian qua.
PV Power (Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) góp 38% vốn (tương đương khoảng 1,6 tỷ USD) trong dự án thuỷ điện Luang Prabang dự kiến khởi công năm 2020 và hoàn tất năm 2027. Dự án có công suất 1.460MW này là một phần trong kế hoạch bán “vốn tự có” để xóa đói giảm nghèo của chính phủ Lào.
Nhà máy sẽ được đặt tại làng Houygno thuộc tỉnh Luang Prabang, cách thủ phủ tỉnh khoảng 25km và cách đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 2.036km.
Kế hoạch xây dựng con đập này đã có từ năm 2007. Việt Nam và Lào khi đó ký với nhau một biên bản ghi nhớ, ủy quyền cho PV Power xây dựng nhà máy thủy điện Luang Prabang.
Vào thời điểm đó, thủy điện vẫn được xem là một nguồn năng lượng lành mạnh và hữu dụng, và vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về các tác động của nó đối với môi trường và sinh kế của người dân.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, một loạt các dự án xây đập ở hạ nguồn sông Mekong của Lào đã dẫn đến phản đối và quan ngại sâu sắc từ chính phủ Việt Nam.
Ít nhất là từ cuối năm 2010, khi Lào thông báo về kế hoạch xây dựng đập Xayaburi trên dòng sông Mekong, Việt Nam là nước phản đối mạnh mẽ nhất, khi kêu gọi tạm hoãn dự án 10 năm vì các tác động của nó đến ĐBSCL.
Những tiếng nói mạnh mẽ của chính quyền Hà Nội lúc bấy giờ đã trở thành động lực cho các nhóm xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ, giới chuyên gia và học giả trong khu vực lên tiếng bảo vệ dòng sông Mekong.
Sau gần một thập kỷ phản đối, giờ đây Việt Nam lại trở thành đối tác với Lào trong dự án thủy điện Luang Prabang. Chính phủ Việt Nam dường như đã thay đổi thái độ và đứng về phía những dự án có khả năng hủy hoại dòng sông cũng như tương lai của 60 triệu người phụ thuộc vào nó.
TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi Khí hậu (Dragon Institute – Mekong), Đại học Cần Thơ trả lời RFA tháng 11/2019 rằng sự kiện này phải được xem là một hành động cực kỳ nghiêm trọng, dẫn nhanh đến sự hủy hoại hệ sinh thái và cuộc sống ở hạ lưu ĐBSCL.
“Các quan chức Việt Nam đồng lõa với quyết định hợp tác xây dựng dự án thủy điện Luang Prabang phải chịu trách nhiệm lịch sử và chính trị với nhân dân Việt Nam”, ông nói.
Các bằng chứng khoa học về những tác động ngầm của dự án Luang Prabang là rất rõ ràng. Các tác động chính bao gồm hủy hoại nguồn cá, mất trầm tích và thay đổi dòng chảy, gây nguy hại đến an ninh lương thực và sinh kế của cộng đồng lưu vực sông”, theo tổ chức International Rivers.
Các đập thủy điện đã ngăn chặn sự di cư của khoảng 160 loài cá. Các nguồn cá di cư không thể đến được nơi sinh sản, và đang gặp nạn. “Cá cần phải di cư về nơi thượng nguồn xa xôi (Bắc Lào) để sinh sản, và cá con phải quay trở lại vùng đồng bằng ngập nước ở ĐBSCL và Biển Hồ (Tonlé Sap) để kiếm ăn. Bất kỳ trở ngại nào đối với sự di cư của cá có thể đẩy chúng đến bờ vực tuyệt chủng.”, Marc Goichot (cố vấn cao cấp của chương trình Greater Mekong thuộc tổ chức World Wildlife Fund) cho biết trên tờ The Guardian.
Bên cạnh đó, việc thiếu phù sa và trầm tích hàng năm làm ĐBSCL thay vì được bồi đắp thì đang trong quá trình tan rã do xâm nhập mặn và mực nước biển dâng. Sự trù phú một thời của vùng đồng bằng này đang dần biến mất, mùa lũ về muộn hơn dẫn đến thiếu nước, trong khi các mạch nước ngầm ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười đang dần cạn nước.
Năm 2019, khu vực này đã trải qua một đợt hạn hán thảm khốc, và sau đó là một đợt lũ kỷ lục. Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân, nhưng chính việc trữ nước trong các hồ chứa và xả nước tùy tiện đã làm trầm trọng thêm các tác động xấu trong giai đoạn chuyển mùa. Theo các nhà môi trường, những con đập quy mô lớn, đặc biệt là những con đập được xây dựng trên dòng chảy chính của sông, là nguyên nhân chính cho khủng hoảng sông Mekong.
Cái giá phải trả là vô cùng lớn không chỉ cho Lào hay Việt Nam. Trước hết, con đập sẽ buộc 17.700 dân làng di dời chỉ để nhường chỗ cho hồ chứa nước khổng lồ. Sinh kế của người dân Lào chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng vì các chương trình tái định cư ở Lào thường đền bù không thỏa đáng. Rộng hơn, dự án này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình của hạ lưu sông Mekong – vùng đất trũng là nơi kiếm sống của 20 triệu người Việt Nam và 10 triệu người Campuchia.
Con đập này cũng đe doạ sự tồn vong của các di sản văn hoá. Vì chỉ cách thủ đô hoàng gia cổ đại Luang Prabang có 25km, dư luận lo ngại rằng nếu tai nạn đập xảy ra thì di sản văn hóa được UNESCO công nhận này sẽ bị phá hủy đến mức không thể khắc phục.
Đập Luang Prabang chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm những mất mát của 20 triệu nông dân Việt Nam tại vùng ĐBSCL. Cũng với quyết định này, uy tín ngoại giao của chính quyền đã xuống thấp ngang với mực nước sông Mekong mùa cạn, đồng thời cuốn trôi nỗ lực hơn chục năm bảo vệ dòng sông của các chuyên gia, học giả và cộng đồng sống ven sông.
Liên minh Save the Mekong gọi chính phủ Việt Nam là vô lý, thất thường, và hành động ngược lại với những lời lẽ quan ngại được chính họ “nhai đi nhai lại” trong các tiến trình tham vấn trước (prior consultation) tại Ủy hội sông Mê Công (Mekong River Commission) từ trước đến nay.
Nhiều nhà phê bình Việt Nam cũng cho rằng sự thay đổi chính sách trên sẽ khiến chính quyền Hà Nội phải trả giá đắt về uy tín quốc tế của họ. PV Power là một công ty quốc doanh, và nếu công ty này đảm nhận dự án phát triển thủy điện Luang Prabang có thể được các bên hiểu là chính quyền Hà Nội đã chính thức “nhúng chàm” vào các dự án thủy điện của Lào.
Phát biểu ở Hội thảo tham vấn quốc gia về Dự án thủy điện dòng chính Luang Prabang ngày 4/11/2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Lê Công Thành cho rằng quyết định đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn để giảm thiểu tác động xấu.
“Chúng ta có thể tham gia ngay từ đầu vào quá trình lựa chọn phương án thiết kế, thi công và vận hành công trình trên cơ sở điều tiết đa mục tiêu. Qua đó, góp phần giảm thiểu được tác động của không chỉ công trình thủy điện này mà còn của tổ hợp các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong”, ông nói.
Một nguồn tin giấu tên cho biết trên tờ The Diplomat rằng Việt Nam “không có lựa chọn nào khác”. Dù biết quyết định này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến ĐBSCL, nhưng nếu Việt Nam không phát triển đập thì Trung Quốc sẽ làm.
Quan điểm trên dường như trùng khớp với nỗi lo lắng về việc Trung Quốc mở rộng lợi ích dọc theo sông Mekong. Với gần mười đập thuỷ điện ở thượng nguồn và kế hoạch xây thêm ba con đập ở hạ lưu phần sông MeKong của Lào: Don Sahong (đang được xây dựng), Pak Beng và Pak Lay, Trung Quốc có một quyền lực rất lớn với các quốc gia hạ nguồn.
Thật vậy, các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong giữ lại một lượng nước khổng lồ. Trong mùa khô và thời kỳ hạn hán, nước từ các đập thượng nguồn của Trung Quốc chiếm 40-50% lượng nước trong hệ thống Mekong. Theo chuyên gia Brain Eyler giải thích trên BBC tiếng Việt, lượng nước này có thể được dùng để giảm hạn hán ở hạ lưu nếu họ muốn. Điều không may là, Trung Quốc không dễ dàng đồng ý làm như vậy.
Nhiều người cho rằng vì lo ngại việc biến sông Mekong trở thành quân cờ chính trị của Trung Quốc nên Việt Nam đã “chộp” lấy một dự án xây đập khác ở Lào, để “nhận phần” nước và cũng để tự túc nguồn nước chống hạn trong mùa khô.
Việc viện dẫn “ông kẹ” Trung Quốc có thể thu hút được sự đồng tình của dư luận Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm này bị phản đối bởi nhiều chuyên gia tài nguyên nước. Một nguồn tin khác từ PetroVietnam thừa nhận rằng, cũng giống như những con đập khác, “đập Luang Prabang sẽ làm giảm lượng phù sa và lượng nước đến ĐBSCL”.
Bác sỹ Ngô Thế Vinh nhận định trên tờ RFA rằng chính các nhóm lợi ích như băng đảng mafia mai phục trong khắp các công ty quốc doanh đã lũng đoạn chính sách, khiến Việt Nam bị khuất phục và quy hàng trước chiến lược thủy điện của Lào.
Các chuyên gia vẫn đang tiếp tục kêu gọi Việt Nam và Lào cân nhắc lại. Ngoài các lý do ảnh hưởng đến môi trường và sinh kế của người dân như đã trình bày ở trên, một nghiên cứu của Uỷ hội sông Mê công (MRC) năm 2018 cho rằng đây có thể là một tính toán thiếu khôn ngoan về mặt kinh tế.
Theo đó, đến năm 2040, Lào dự định xuất khẩu 11.739 MW điện sang Thái Lan, trong khi chính quyền Thái Lan thông báo nhu cầu của mình chỉ khoảng 4.274 MW. Lượng chênh lệch 7.500 MW này còn lớn hơn tổng công suất của bảy con đập trên dòng chính của Lào, bao gồm cả những dự án chưa xây dựng.
Các tổ chức vẫn không ngừng kêu gọi các quốc gia chú tâm vào năng lượng tái tạo. Với công nghệ sản xuất ngày càng tiên tiến, chi phí sản xuất điện mặt trời đã có thể giảm đến mức cạnh tranh được với thuỷ điện. Lấy ví dụ về Pak Lay, dự án thủy điện dòng chính trên sông Mekong vừa được phê duyệt năm ngoái. Sinohydro, là nhà thầu của dự án, dự định sẽ bán điện với giá US8.2¢ (0.082 USD) cho mỗi kWh. Trong khi đó, năng lượng mặt trời sẽ được bán với giá US7¢ hoặc ít hơn, cho mỗi kWh.
Đó rõ ràng là một lựa chọn không chỉ bền vững hơn, an toàn hơn, mà còn khả thi hơn về mặt kinh tế. Tuy nhiên, theo AsiaSentinel, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các quốc gia sẽ thay đổi lựa chọn
Một con đập gây tranh cãi khác là Xayaburi vẫn được Lào đưa vào vận hành từ tháng 10/2019. Khoảng hơn một tháng sau, một trận động đất 6,1 độ richter xảy ra ngay trong khu vực này. Bắc Lào vốn là vùng động đất, và các con đập dày đặc sẽ còn làm tăng nguy cơ động đất do hồ chứa, do sức nặng thường trực của một lượng nước khổng lồ gây mất cân bằng địa chấn.
Không ai biết rằng tình hình phải trở nên tồi tệ đến mức nào mới đủ để cuộc chạy đua thuỷ điện này dừng lại.