Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Moral panic”, tạm dịch là “hoảng loạn xã hội”, là một thuật ngữ do Stanley Cohen, nhà tội phạm học người Nam Phi đề ra trong cuốn sách “Lũ quỷ và hoảng loạn đạo đức” (Folk Devils and Moral Panic) xuất bản năm 1971. Thuật ngữ này dùng để diễn tả trạng thái hoảng loạn và lo sợ của công chúng khi phải đối diện với những mối hiểm họa đang có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của xã hội. Mối nguy hại này thường dẫn đến việc một cá nhân hay nhóm người cụ thể nào đó trong xã hội bị công chúng đổ lỗi, quy trách nhiệm.
Stanley Cohen đặt ra khái niệm này nhằm mục đích giải thích về phản ứng của truyền thông và xã hội đối với hiện tượng quấy phá, bạo lực xuất phát từ nhóm người trẻ tại Anh đi theo hai làn sóng văn hóa đối kháng nhau – mods và rockers trong những năm 1960.
“Mods và rockers” là hai nền văn hóa thanh thiếu niên Anh đối kháng nhau nảy sinh từ đầu/giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970. Truyền thông đưa tin về các cuộc đụng độ giữa hai nhóm này năm 1964 đã khiến giới trẻ Anh hoảng loạn, coi họ là những kẻ gây rối bạo lực, ngang ngược hay những “lũ quỷ” (folk devils). Truyền thông xứ Anh quốc khi đó đã không giúp công chúng bình tâm hơn mà trái lại, còn là người tạo ra sự hoảng loạn này bằng cách phát đi một thông điệp quy kết trách nhiệm cho hai nhóm mod và rockers như những kẻ lệch lạc, suy đồi đạo đức, những thứ có nguy cơ đe dọa đến các giá trị xã hội truyền thống.
Mối đe dọa được truyền tải qua lăng kính phóng đại này đã được chứng minh là không tương xứng với thực tế, thể hiện ở việc chúng chỉ xếp hạng 9 trong số 14 nhóm tội phạm vị thành niên thời đó. Ông Cohen đã mô tả rõ ràng về ảnh hưởng của hiện tượng hoảng loạn xã hội này đến việc hình thành và thực thi chính sách của Anh quốc thời kỳ đó.
Lập luận của Stanley Cohen cho rằng sự quan tâm hay nỗi lo sợ của cộng đồng đối với một vấn đề xã hội sẽ mang lại lợi ích cho cả chính trị gia và giới truyền thông. Khi một vấn đề được phóng đại, sự hoảng loạn được thiết lập và một nhóm người bị đổ lỗi, các chính trị gia có thể áp dụng nhiều biện pháp quản lý, vốn bình thường gây nhiều tranh cãi, mà vẫn dễ dàng được người dân ủng hộ (như đề nghị tăng ngân sách, tăng cường kiểm soát thông tin). Hơn nữa, mối quan hệ giữa chính trị gia và các phương tiện truyền thông là hình thức cộng sinh. Các chính trị gia và cơ quan thực thi pháp luật cần các kênh truyền thông để chuyển tải thông điệp, trong khi, các phương tiện truyền thông cần tin tức “nóng hổi” để thu hút khán giả, và cùng với đó là các nhà quảng cáo.
Khái niệm “hoảng loạn xã hội” dùng để mô tả hàng loạt các vấn đề xã hội, bao gồm các băng đảng thanh thiếu niên, bạo lực học đường, lạm dụng trẻ em, các giáo phái Satan, đốt cờ, nhập cư bất hợp pháp, và khủng bố.
Từ đây, khái niệm này đã được mở rộng ra nhằm mô tả nỗi sợ hãi và hoảng loạn của cộng đồng khi đứng trước các đại dịch truyền nhiễm toàn cầu.
Lịch sử loài người từng chứng kiến rất nhiều đại dịch cướp đi vô số sinh mạng và đe dọa sức khỏe cộng đồng. “Cái chết đen” (Black Death) hay dịch hạch, xảy ra từ năm 1346 đến năm 1353, ước tính đã cướp đi sinh mạng của một phần tư đến ba phần tư dân số thế giới, cả châu Âu và châu Á. Và chỉ riêng ở châu Âu, ít nhất 25 triệu người đã chết, bao gồm một nửa dân số London vào thời điểm đó (khoảng 100.000 người).
Đại dịch “Cúm Tây Ban Nha” (tên khoa học là chủng cúm H1N1), xảy ra từ năm 1918 đến 1920, đã lây nhiễm cho 500 triệu người và cướp đi sinh mạng của 50 – 100 triệu người (tương đương 3% đến 5% dân số thế giới lúc bấy giờ).
Đại dịch HIV/AIDS xuất hiện những năm 1980 cũng khiến thế giới hoảng loạn khi truyền thông thời bấy giờ mô tả như thể “nếu không cách ly nạn nhân AIDS thì toàn bộ nhân loại có thể bị huỷ diệt”.
Gần đây, đại dịch SARS (2003), cúm A/H1N1 (2009) và Ebola (2014) cũng lây nhiễm cho hàng ngàn đến hàng trăm ngàn người và cướp đi sinh mạng hàng chục ngàn người. Chúng đã gây ra nỗi kinh hoàng cho công chúng và lan truyền sự hoảng loạn trên khắp hành tinh. Đối với đại dịch Ebola, hoảng loạn xã hội được phản ánh rõ nét thông qua các hành vi của công chúng, chẳng hạn:
Trong thế giới số hoá ngày nay, các quan điểm và ý kiến của công chúng đối với các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là thông tin về đại dịch truyền nhiễm có thể được chia sẻ trên các trang web cá nhân, diễn đàn thảo luận và đặc biệt là mạng xã hội. Điều này là hoàn toàn khác với các đại dịch trước đây như sự kiện cúm Tây Ban Nha. Có thể nói rằng, mạng xã hội đóng vai trò như một kênh truyền thông xã hội có sức lan tỏa nhanh và rộng, khiến cho nỗi sợ hãi lan đi nhanh gấp nhiều lần so với dịch bệnh.
Đơn cử, đại dịch cúm lợn năm 2009 và dịch Ebola 2014 xảy ra trong thời đại các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter đang hết sức thịnh hành.
Trong bài nghiên cứu về “Sự hoảng loạn xã hội thông qua lăng kính Twitter: Phân tích các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm”, các nhà khoa học người Anh và Úc đã đi sâu phân tích các tweets liên quan đến đợt bùng phát virus cúm lợn 2009 và Ebola 2014. Nghiên cứu cho thấy, dường như có một nỗi sợ hãi thái quá từ người dùng Twitter khi họ lo ngại khả năng bệnh nhân sống lại và trở thành xác sống (zombie).
Một yếu tố khác dấy lên sự hoảng loạn xã hội là khi Outbreak, một bộ phim bom tấn được trình chiếu năm 1995, góp phần thổi bùng nỗi hoảng loạn của công chúng theo cấp số nhân, đặc biệt là về dịch bệnh Ebola năm 2014. Điều này có lẽ là do bộ phim đã mô tả về một nguy cơ đại dịch trùng tên với đại dịch Ebola và cũng khởi nguồn từ châu Phi, nơi luôn được coi là lục địa của đói nghèo và dịch bệnh. Bộ phim dễ dàng khai thác được nỗi hoảng loạn trong vô thức của người xem hơn là sự bình tâm xem xét của lý trí.
Nghiên cứu của Pokharel (2015) chỉ ra rằng, báo chí Anh quốc đã mô tả về đại dịch Ebola tại Tây Phi dựa vào các yếu tố mang tính đạo đức là nhiều, thay vì khoa học. Điều này đã khiến xã hội thêm hoảng loạn. Các bản tin phóng đại, giật gân trên các tờ báo The Guardian và The Sun đã liên tục khiến công chúng căng thẳng. Các tờ báo mô tả rập khuôn, phiến diện về người Tây Phi và kết luận rằng chính sự nghèo đói và thiếu hiểu biết của họ là nguyên nhân chính dẫn đến sự lay lan của dịch bệnh. Nói cách khác, Ebola đã chủ yếu được báo chí mô tả như một vấn đề xã hội và chính trị hơn là vấn đề khoa học và sức khỏe, trong khi bỏ qua các bằng chứng và nhận định của các chuyên gia.
Trong một số trường hợp, nỗi lo lắng về dịch bệnh khiến người ta chĩa mùi dùi vào một nhóm người và quy một phần trách nhiệm cho nhóm người này. Điều này đặc biệt thường xảy ra khi có các bệnh liên quan đến lây nhiễm từ người sang người và khi các nhóm người cụ thể trở thành mục tiêu nhắm tới trên các phương tiện truyền thông.
Vào thế kỷ 19, ở Hoa Kỳ, người nhập cư Ireland, những người vốn sống trong các khu ổ chuột tồi tàn, trở thành đối tượng chính chịu trách nhiệm cho sự bùng phát của dịch tả.
Trong những ngày đầu của đại dịch HIV/AIDS, nhiều người cho rằng đây là một căn bệnh do giới đồng tính gây ra, xuất phát từ việc quan hệ tình dục bị cho là bừa bãi của họ. Gần đây, người châu Phi được cho là có liên quan đến đại dịch HIV/AIDS và đôi khi bị đổ lỗi cho sự lây lan vì liên quan đến việc quan hệ tình dục với tinh tinh.
Năm 2003, khi xuất hiện lần đầu tiên ở miền nam Trung Quốc, SARS được gọi là hội chứng thần kinh cấp tính nghiêm trọng, vì nó đi kèm với một nỗi sợ hãi gần như hoang tưởng, tương tự như khi bệnh dịch tả hoặc dịch hạch bắt đầu lây lan từ phương Đông sang phương Tây thông qua các tuyến đường du lịch và thương mại.
Hiện giờ, cộng đồng thế giới đang phải đối mặt với một ổ dịch mới – virus Corona – bắt đầu tại Trung Quốc. Tuy toàn bộ thành phố Vũ Hán đã bị chính quyền sở tại cách ly nhưng một số ca lây nhiễm đã được phát hiện tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ, và châu Úc. Tương tự như nhiều dịch bệnh khác trong lịch sử loài người, đây cũng là một cơ hội để phong trào bài ngoại (xenophobia) và kỳ thị phân biệt đối với người Trung Quốc bùng nổ. Và các bản tin trên các phương tiện truyền thông (cả báo chí và mạng xã hội) càng làm vấn đề thêm trầm trọng và gây ra hoảng loạn trong công chúng không chỉ tại một số quốc gia mà còn trên quy mô toàn cầu.
Một thực tế cho thấy rằng, theo chiều ngược lại, mạng xã hội và truyền thông truyền thống cũng xuất hiện những thông tin trấn an dư luận như “NCov: Đừng hoảng loạn nhưng hãy cẩn thận về đại dịch mới”. Điều này nói lên một điều rằng, xã hội và dư luận vẫn đang vận hành theo cách riêng của nó và sẽ tự điều chỉnh để đi đúng hướng khi và chỉ khi các thông tin về tình hình dịch, khuyến cáo của các tổ chức y tế được thông báo rộng rãi, kịp thời đến người dân.
Tài liệu tham khảo:
Ahmed, W. et al. 2018. “Moral Panic through the Lens of Twitter: An Analysis of Infectious Disease Outbreaks.” In Proceedings of the 9th International Conference on Social Media and Society, Copenhagen, 2018, 217-221. New York: Association for Computing Machinery.
Pokharel, S. 2015. “An Examination of Moral Panic in the British Press Coverage of the 2014 Ebola Outbreak in West Africa.” PhD Dissertation. Cardiff University.