Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nhiều độc giả phản ánh rằng gần đây việc truy cập Luật Khoa gặp nhiều khó khăn hơn trước.
Luật Khoa bị chặn không phải là chuyện mới. Ba năm sau khi được thành lập, trang web của Luật Khoa đã bị đưa vào “danh sách đen”, không cho người dùng từ Việt Nam truy cập. Tuy vậy người đọc vẫn có thể xem các bài viết được chia sẻ link qua trang Facebook của Luật Khoa nhờ vào tính năng “instant article”, cho hiển thị tức thời nội dung trên ứng dụng Facebook. Giờ đây nhiều độc giả cho biết ngay cả tính năng này cũng bị chặn tại Việt Nam.
Việc Luật Khoa bị chặn tất nhiên cũng không phải chuyện lạ. Trước Luật Khoa, hàng ngàn những trang web khác cũng đã bị chính quyền Việt Nam âm thầm dùng biện pháp kỹ thuật phá hoại không cho người dân truy cập. Xa xưa hơn nữa, từ thời Facebook chưa thịnh hành, các trang blog cá nhân bình thường của những người dám nói ra những thứ trái ý nhà cầm quyền cộng sản cũng bị “block” thẳng tay.
Một phản ứng thường thấy của nhiều người khi bị chặn truy cập các trang web là việc gật gù đồng tình với nhà cầm quyền, rằng đó là những trang “có nội dung xấu”, không nên truy cập. Họ không mảy may chất vấn thêm, như “xấu chỗ nào” hay “thế nào là xấu”.
Hệ quả này một phần còn là nhờ chính sách tuyên truyền của chính quyền, khi ngay từ những ngày đầu Việt Nam được kết nối với thế giới, các nhà quản lý đã rất khôn lỏi gắn hai chữ “phản động” đi kèm với “đồi trụy”.
Những trang blog, những tờ báo hải ngoại, báo nước ngoài luôn được gom chung vào một nhóm “đồi trụy phản động”, hoặc nhẹ nhàng hơn là “nội dung xấu”, “không lành mạnh”. Thậm chí độc đáo hơn, có một thời gian mỗi khi truy cập vào trang tin của BBC, người dùng sẽ được các nhà cung cấp dịch vụ internet của Việt Nam trỏ thẳng đến những trang web khiêu dâm.
Có thể liên tưởng đến một câu chuyện truyền miệng về cách người ta huấn luyện các chú voi ở rạp xiếc.
Truyện kể rằng từ lúc chú voi còn nhỏ, người huấn luyện tròng một sợi dây vào cổ chú, kéo đến một góc, buộc đầu dây với cây cột và bỏ đi. Chú voi ban đầu cố gắng giật thoát khỏi sợi dây, nhưng vì còn nhỏ nên không đủ sức, buộc phải bỏ cuộc sau khi vẫy vùng mệt mỏi. Ngày hôm sau người huấn luyện lặp lại điều đó, chú voi con lại tiếp tục cố gắng chạy đi, và tiếp tục thất bại, tiếp tục bỏ cuộc. Cứ như vậy việc này được lặp đi lặp lại tới một ngày, chú voi “khôn ra”, biết rằng có cố gắng vùng vẫy cũng vô ích, ngoan ngoãn mỗi khi bị tròng dây vào đầu.
Đến khi đủ lớn, dư sức giật đổ cây cột, chú voi cũng không mảy may nghĩ tới chuyện chạy thoát. Chú đã quen với việc bị cột vào một chỗ. An thân biết phận.
Câu chuyện này có nhiều màu sắc ngụ ngôn huyền thoại hơn là thực tế.
Những lời kể từ hậu trường trong các rạp xiếc cho thấy việc huấn luyện voi từ nhỏ không khác mấy với hình thức sử dụng bạo lực tra khảo tù nhân của các chế độ công an trị.
Trên thực tế, voi, như nhiều động vật khác, không mấy ngoan ngoãn dễ phục tùng như con người.
Ngược lại, có nhiều bộ não thông minh của nhân loại lại rất dễ biết thân biết phận.
***
Việt Nam không thiếu luật quy định về các hành vi ứng xử trên mạng internet, nếu không muốn nói là có cả một rừng luật.
Có rừng luật, nhưng chính quyền vẫn hành xử kiểu luật rừng với dân.
Lý do giản dị là luật thì nhiều, nhưng hầu hết đều rất mơ hồ. Sự mơ hồ dẫn đến tùy tiện, ai cũng được quyền giải thích luật theo ý mình. Mà khi mạnh ai nấy giải thích thì cả vú lấp miệng em, ai có có nhiều quyền, nhiều tiền, nhiều quan hệ nhất sẽ là người thắng.
Như thế nào là “xâm phạm lợi ích của Nhà nước”, là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”? Thế nào là “xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”? Làm sao xác định một hành vi “gây hoang mang trong nhân dân”? Định nghĩa ra sao về “gây chiến tranh tâm lý”? …
Trong thể chế không tồn tại một nền tư pháp độc lập, tòa án chỉ là công cụ của đảng cầm quyền, mọi định nghĩa trên đều là do những cái đầu thiên tài của “đảng ta” quyết định.
Đảng cầm quyền bảo đó là xấu, quan tòa sẽ phải nghe theo và kết luận “kẻ xấu” đó “có tội”.
Đó là thứ logic của những giống loài nô lệ.
Việc chính quyền chặn truy cập những trang web trái ý mình là kiểu logic như vậy.
Trong trường hợp này các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) đóng vai trò là “quan tòa”, chỉ cần chính quyền ra lệnh, chỉ điểm trang web ABC là “xấu”, lập tức nhà cung cấp phải “kết án”, chặn các đường truy cập vào đó.
Chính quyền không cần trưng ra bất kỳ bằng chứng, luận điểm, lý lẽ nào để chứng minh “tội” của trang web đó. Nhà cung cấp dịch vụ cũng không “dám” yêu cầu lời giải trình từ chính quyền. Họ chỉ ngoan ngoãn làm theo.
Điều hài hước ở chỗ, trong khi hàng chục năm qua chính quyền luôn hăm hở chặn hàng ngàn trang thông tin có nội dung “đi ngược lại đường lối chính sách của Đảng”, thì các trang có nội dung khiêu dâm lại hoạt động phây phây không bị ai làm phiền. Mãi đến cuối năm 2019 người dùng mạng internet tại Việt Nam mới bị chặn truy cập vào một số trang khiêu dâm phổ biến.
Những điều ở trên hoàn toàn không có gì mới mẻ lạ lẫm với người Việt Nam.
Ngược lại, nó đã trở nên quá quen thuộc. Nhiều người từ khi mới làm quen với internet, biết vào mạng, đã quen với việc bị chặn truy cập.
Và đó mới là vấn đề.
***
Một phản ứng khác, mà tần suất xuất hiện ngày một nhiều hơn, là tò mò khi thấy các trang bị cấm. Sự tò mò này lớn dần nhất là khi xung quanh có những người khác đọc được nội dung đó (mà vẫn không bị “đồi trụy hóa”).
Giống như một người bị nhốt dưới giếng, xưa nay nghĩ rằng xung quanh ai cũng sống trong cái giếng như mình, cho đến khi nghe thấy tiếng người khác từ phía trên vọng xuống. Họ biết rằng có những người đang nhìn ngắm một thế giới rất khác với thứ họ ngày ngày trông thấy từ dưới này.
Bất kể điều đó, một số người vẫn tự nhủ, rằng ở dưới giếng là quá đủ, vừa an toàn vừa ấm áp.
Một số khác sẽ tò mò vượt qua nỗi sợ, bắt chước leo lên để nhìn ngắm thế giới xung quanh.
Lại có những người cũng tò mò nhưng không muốn leo lên. Có lẽ phần vì sợ, phần nghĩ mình không đủ khả năng. Thậm chí cả khi được người phía trên quăng cho sợi dây, họ cũng không muốn nắm lấy để leo. Thay vào đó, họ nhờ vả người khác kể lại trên đó thế nào. Họ hài lòng nhìn thế giới qua con mắt của kẻ khác.
Các bình luận ở trang Facebook của Luật Khoa thể hiện khá rõ hiện tượng này.
Bên cạnh nhiều lời bình vô thưởng vô phạt, không liên quan đến nội dung (gián tiếp thể hiện rằng người bình không hề đọc nội dung bài viết), có những bình luận phản ánh việc không truy cập được, và mong muốn Luật Khoa cung cấp link dự phòng để vượt tường lửa.
Việc cung cấp link dự phòng, thậm chí dẫn lại toàn bộ bài viết ra Facebook để tất cả đều đọc được tất nhiên là việc hoàn toàn có thể làm.
Nhưng còn hàng ngàn bài khác của Luật Khoa? Và nhất là còn hàng trăm ngàn bài viết trên hàng ngàn những trang web đã bị chặn khác? Rồi còn vô số những quyển sách bị cấm xuất bản, những bộ phim bị cắt gọt thô thiển, những bài hát bị cấm lưu hành, những ký ức lịch sử bị xóa sạch …? Và đến lúc chính quyền cấm luôn cả Facebook, cả Google lẫn Youtube như gần đây họ vẫn lên giọng đe dọa, ai sẽ giúp bạn tiếp cận được tri thức của nhân loại?
Sự thật là, không ai có thể kể được cho bạn nghe thế giới phía trên miệng giếng trông như thế nào. Họ không thể kể hết, vì nó quá rộng lớn, và họ cũng không thể kể mãi, vì không ai dành cả đời mình để phục vụ người khác. Cũng không nên trông chờ vào con mắt của họ, vì đơn giản mỗi người đều nhìn thế giới theo một cách rất riêng.
Nếu bạn muốn biết thế giới bên ngoài miệng giếng của mình trông ra sao, tự bạn phải học cách chui ra khỏi giếng, dùng mắt mình để ngắm, tai mình để nghe, mũi mình để ngửi, tay chân mình để cảm nhận.
Việc tối thiểu mỗi người có thể làm trong thời đại này là học cách “vượt tường lửa” (những cách đơn giản nhất đã được Luật Khoa giới thiệu tại đây).
Và nó chỉ là yêu cầu tối thiểu.
Sẽ phải đến lúc bạn đứng thẳng lưng dậy và chất vấn những kẻ cầm quyền, rằng họ có tư cách gì để nhốt bạn dưới giếng, có tư cách gì để cướp đi của bạn quyền được tìm hiểu thế giới này.
Từ giờ tới lúc đó, tự bạn phải học cách chui ra khỏi giếng, ít nhất là để đầu óc mình không trở thành thứ ẩm mốc như họ.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi về địa chỉ bbt@luatkhoa.org.