Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Mỹ được đánh giá là một trong những quốc gia dân chủ tiến bộ. Nhiều người Việt cũng mong muốn Việt Nam hậu độc tài sẽ theo mô hình dân chủ tổng thống của nước này. Tuy nhiên, chế độ tổng thống mà Mỹ và nhiều nước châu Mỹ Latin đang theo đuổi được các học giả đánh giá là không ổn định, thường dẫn tới sự chia rẽ và bế tắc.
Theo Chỉ số Dân chủ (Democracy Index) mới nhất của tạp chí The Economist, nền dân chủ Mỹ được đánh giá là khiếm khuyết (flawed democracy). Trong khi đó, 10 quốc gia có nền dân chủ toàn diện nhất (full democracy), bao gồm Norway, Iceland, Sweden, New Zealand, Finland, Ireland, Denmark, Canada, Australia, và Switzerland, đều theo mô hình dân chủ đại nghị (parliamentary).
Bài viết này không phân tích sự tiến bộ của dân chủ đại nghị, nhưng diễn giải khuyết điểm của nền dân chủ Mỹ, thông qua cuộc xét xử luận tội (impeachment trial) đối với Tổng thống Donald J. Trump, người vừa được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu tuyên “vô tội” ngày 5/2/2020.
Năm 1787, tại Hội nghị Lập hiến Liên bang, các nhà Lập quốc Mỹ tranh luận về việc thêm điều khoản luận tội vào Hiến pháp Mỹ.
Lúc đầu, một số đại biểu đã phản đối. Cụ thể, đại biểu nổi tiếng đến từ bang Pennsylvania, Gouverneur Morris, phản đối luận tội tổng thống vì lo ngại quốc hội sẽ lạm dụng điều khoản này để kiểm soát tổng thống. Trong cuộc tranh luận, tác giả của Đạo luật Nhân quyền George Mason đã chất vấn Morris: “Chẳng nhẽ lại có người có quyền đứng trên công lý?”
James Madison, người được xem là cha đẻ của Hiến pháp, nhấn mạnh rằng luận tội “không thể thiếu” để bảo vệ quốc gia trước sự bất tài, hoặc phản bội của tổng thống. Nhà lập quốc Benjamin Franklin lập luận rằng nếu tổng thống được chứng minh đã sai phạm, thì luận tội là giải pháp cần thiết để khôi phục niềm tin của dư luận với chính quyền.
Những lập luận sắc bén này đã khiến ông Morris thay đổi quan điểm và nói: tổng thống không phải là Vua, nhân dân mới là Vua.
Theo Điều 1, Khoản 2 Hiến pháp Mỹ, Hạ viện là “những người duy nhất có quyền luận tội các quan chức.” Còn Điều 1, Khoản 3 quy định “Thượng viện là nơi duy nhất có quyền xét xử tất cả các vụ luận tội” và 100 thượng nghị sĩ sẽ phải tuyên thệ khi tham gia xét xử. Nếu 2/3 số thượng nghị sĩ có mặt kết tội, người đó có thể bị cách chức và cấm không được giữ các chức vụ liên bang.
Tóm lại, luận tội và truất phế là công cụ dân chủ quan trọng nhằm kiểm soát quyền lực và bảo vệ nền pháp trị. Nếu biện pháp này không tồn tại trong Hiến pháp Mỹ, thì chức vụ tổng thống cũng không khác gì tổng bí thư đảng Cộng sản: đứng trên pháp luật.
Ngày 18/12/2019, Hạ viện Mỹ (do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát) đã bỏ phiếu thông qua hai Điều khoản Luận tội Trump: lạm quyền (abuse of power) và cản trở Quốc hội (obstruction of Congress).
Hạ viện lập luận rằng Trump đã lạm quyền khi sử dụng chức quyền để găm giữ trái pháp gói trợ cấp an ninh gần 400 triệu Mỹ kim cho Ukraine vì mục đích cá nhân. Giáo sư luật Harvard, Noah Feldman, lý giải: “Sự lạm quyền xảy ra khi tổng thống sử dụng chức vụ vì lợi ích chính trị hoặc cá nhân. Điều đó có ý nghĩa quan trọng với người dân Mỹ bởi vì nếu không thể luận tội một tổng thống lạm dụng chức vụ vì lợi ích cá nhân, chúng ta không còn sống trong chế độ dân chủ nữa, mà sống trong chế độ quân chủ hoặc độc tài.”
Trump cũng bị cáo buộc cản trở quyền giám sát của quốc hội khi ông liên tục từ chối cung cấp tài liệu và không cho viên chức hành pháp ra làm nhân chứng. Bản báo cáo của Hạ viện nêu rõ: “Donald Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử tìm cách cản trở toàn bộ cuộc điều tra luận tội được thực hiện bởi Hạ viện quy định trong Điều I Hiến pháp. Ông (Trump) đã công khai và liên tục từ chối thẩm quyền giám sát của Quốc hội. Không có tổng thống nào từng phớt lờ Hiến pháp và quyền lực giám sát của Quốc hội đến mức độ này.”
Hơn 2.000 sử gia, bao gồm các giáo sư và tác giả nổi tiếng, đã cùng ký tên trong một bản tuyên bố ủng hộ việc luận tội cho rằng nếu các hành động vô pháp của Trump được tha thứ “sẽ biến tổng thống thành một vị vua được quyền đứng trên luật pháp.”
Hơn 800 học giả chuyên ngành luật cũng đồng ký tên một lá thư gửi Quốc hội: “Có quá nhiều bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump đã phản bội lời tuyên thệ của mình bằng cách sử dụng quyền lực để gây áp lực đòi một chính phủ nước ngoài giúp ông can thiệp bầu cử Mỹ, vì lợi ích cá nhân và chính trị, bằng cái giá của an ninh quốc gia. Hành vi của Trump chính là mối đe dọa đối với nền dân chủ mà các nhà lập quốc đã lo sợ khi đề nghị thêm biện pháp luận tội vào Hiến pháp.”
Trong số những người ủng hộ luận tội và truất phế Trump là các đảng viên Cộng hòa có tiếng. Ví dụ, Keith Hennessey, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia thời Tổng thống George W. Bush, đã tuyên bố: “Giống như Nixon, Tổng thống Trump đã gian lận trong một cuộc bầu cử tổng thống. Tệ hơn nữa, Trump yêu cầu một chính phủ nước ngoài can thiệp. Tôi nghĩ rằng hành vi gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Trump, cũng như sử dụng quyền lực để ép buộc một chính phủ nước ngoài tham gia hành vi gian lận đó để có lợi cho ông, là lạm dụng quyền lực và là tội nghiêm trọng. Tôi đề nghị Thượng viện xử Tổng thống Donald Trump phạm tội lạm quyền và loại bỏ ông khỏi chức vụ.”
Người viết sẽ tóm lược cuộc xét xử luận tội Trump tại Thượng viện để từ đó đưa ra khiếm khuyết của dân chủ Mỹ.
Do chiếm quyền đa số tại Thượng viện, lãnh đạo đảng Cộng hòa có quyền đặt ra quy trình và quy tắc cho cuộc xét xử luận tội Trump. Mọi kiến nghị phải được đa số ủng hộ thì mới được thông qua, nghĩa là phải được đảng Cộng hòa chấp nhận. Trước và trong khi phiên xét xử diễn ra, đại đa số cử tri ủng hộ Thượng viện gọi nhân chứng mới để có cuộc xét xử công bằng. Ví dụ, theo kết quả thăm dò của đại học Quinnipiac ngày 27/1/2020, 75% cử tri ủng hộ việc triệu tập nhân chứng mới (95% cử tri Dân chủ, 49% Cộng hòa, và 75% độc lập).
Trong lịch sử xét xử luận tội tại Thượng viện từ trước đến nay, các nhân chứng mới luôn được triệu tập. Ví dụ, cuộc xét xử tổng thống Andrew Johnson năm 1868 có 41 nhân chứng và cuộc xét xử Bill Clinton năm 1999 có 3 nhân chứng. Tuy nhiên, trong phiên xét xử này, 51 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu chống lại đề nghị gọi nhân chứng mới, và chỉ 49 Nghị sĩ (bao gồm 45 Dân chủ, 2 Độc lập, và 2 Cộng hòa) muốn triệu tập nhân chứng. Nghĩa là, cuộc xét xử luận tội Trump trở thành phiên tòa đầu tiên trong lịch sử Mỹ không có sự hiện diện của nhân chứng.
Tại sao đảng Cộng hòa bỏ qua tiền lệ và nguyện vọng của đại đa số cử tri để từ chối nhân chứng? Phải chăng họ nghĩ rằng các lời khai của nhân chứng mới sẽ vạch trần các sai phạm nghiêm trọng của Trump? Có thể lãnh đạo Cộng hòa lo lắng cái giá phải trả cho việc triệu tập nhân chứng là mất đi thế đa số tại Thượng viện.
Hành động này của đảng Cộng hòa sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm: chính đảng sẵn sàng từ bỏ nghĩa vụ giám sát để bao che sai phạm của tổng thống thuộc đảng mình. Trong thực tế, khá nhiều nghị sĩ Cộng hòa biết rằng Trump đã sai phạm, nhưng không dám công khai điều đó. Cựu thượng nghị sĩ Cộng hòa Jeff Flake cho biết nếu Thượng viện tổ chức bỏ phiếu kín trong phiên xét xử, thì ít nhất 35 thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ truất phế Trump.
Điều này cho thấy một khiếm khuyết của dân chủ Mỹ với hệ thống lưỡng đảng: Hiến pháp không có khả năng ứng phó với sự phân cực chính trị, hoặc chia rẽ đảng phái quá lớn. Khi sự chia rẽ quá cực đoan, chính đảng đặt lợi ích đảng phái lên trên lợi ích quốc gia. Nói cách khác, lưỡng đảng sẵn sàng bảo vệ tổng thống của đảng mình trước các cáo buộc nghiêm trọng. Điều này dễ dẫn tới sự lạm quyền và thâu tóm quyền lực của tổng thống. Chẳng hạn như Putin (Russia), Erdoğan (Turkey), Maduro (Venezuela), Morales (Bolivia)… là các tổng thống đã thành công trong việc kéo dài thời hạn nắm quyền, nhờ vào sự bao che của chính đảng ở lập pháp và tư pháp.
Theo nghiên cứu của các học giả, sự phân cực chính trị Mỹ ngày càng nghiêm trọng và đang đe dọa tương lai của nền dân chủ. Jennifer McCoy, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Georgia, cho rằng mức độ chia rẽ chính trị Mỹ là vô cùng sâu sắc, đến mức độ đảng viên bỏ phiếu theo lợi ích của chính đảng. Giáo sư McCoy cho rằng nếu một nền dân chủ không thể giảm thiểu mức độ phân cực chính trị quá lớn, nó khó có thể tồn tại dài lâu được.
Sự chia rẽ cực đoan này cũng đưa tới bế tắc trong quá trình làm luật. Ví dụ, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã chuyển tới Thượng viện Cộng hòa hơn 400 dự luật được bỏ phiếu thông qua. Nhưng các dự luật này vẫn chỉ là đống giấy vụn, bởi lãnh đạo Thượng viện Cộng hòa, Mitch McConnell, không cho phép bỏ phiếu với các dự luật này.
Giải pháp phế truất tổng thống của các nhà lập quốc chưa từng xảy ra trong lịch sử Mỹ vì chính đảng của tổng thống nắm quyền tại Hạ viện hoặc Thượng viện bao che tổng thống bằng mọi giá. “Tam quyền phân lập” chỉ có giá trị khi ba nhánh lập pháp, hành pháp, và tư pháp hoạt động độc lập và công bằng. Nếu lập pháp hoặc tư pháp cho phép tổng thống đứng trên pháp luật, thì nền dân chủ đã trở thành chuyên chế.
Sau khi Thượng viện Cộng hòa thành công ngăn chặn nhân chứng, cựu tổng thống Estonia, Toomas Hendrik Ilves, đã châm biếm rằng: “Khoảng 130 chính phủ trên thế giới lúc này cho hay: ‘Tuyệt. Sẽ không còn những bài giảng tẻ nhạt, chán ngắt của Mỹ về pháp trị, xét xử công bằng, bằng chứng, bình đẳng trước pháp luật, minh bạch, tham nhũng, và bầu cử tự do và công bằng nữa’.” Thực vậy, không có gì nguy hiểm hơn với thể chế dân chủ khi người đứng đầu chính phủ tin rằng pháp luật không áp dụng với họ.
Hơn 800 cựu Công tố liên bang viên từng phục vụ cho các tổng thống Cộng hòa lẫn Dân chủ lập luận rằng, nếu Trump không phải là tổng thống, thì ông đã bị truy tố tội cản trở tư pháp. Quyền lực tổng thống Mỹ ngày càng lớn và nếu Quốc hội từ bỏ vai trò giám sát, thì nền dân chủ Mỹ chắc chắn sẽ còn suy yếu. Nền dân chủ Mỹ không thể nào tự bảo vệ nó trước các lãnh đạo độc tài, lạm quyền, và vô đạo đức. Sự tồn tại của nó phụ thuộc vào các nhà lập pháp biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích đảng phái và cá nhân.