Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Cuộc tranh luận về việc nhà nước kiểm soát giá giá khẩu trang khi nhu cầu tăng đột biến là cuộc tranh luận muôn thuở về việc hàng hóa khan hiếm nên được phân phối theo cơ chế nào: bình đẳng hay tự do.
Giả sử một xã hội thu nhỏ có 1000 người và 500 chiếc khẩu trang. Bình thường 1000 người mỗi ngày chỉ mua 100 chiếc khẩu trang để dùng, số khẩu trang còn lại được sử dụng để dự trữ. Đột nhiên từ phương Bắc xuất hiện một bệnh dịch lạ có khả năng lây lan từ người sang người. Tất cả 1000 người đều có nhu cầu sử dụng khẩu trang.
Câu hỏi được đặt ra là 500 chiếc khẩu trang sẽ được phân phối như thế nào cho 1000 người?
Nếu bạn là người theo quan điểm tự do, bạn sẽ ủng hộ cơ chế phân phối thị trường trên cơ sở lấy giá khẩu trang làm cơ sở để phân chia khẩu trang. Ai có nhiều tiền, trả giá cao hơn thì sẽ nhận được khẩu trang, ai không có đủ tiền thì phải nhường lại khẩu trang cho những người có nhiều tiền hơn. Như vậy sau khi phân chia thì sẽ có 500 người có đủ tiền để mua khẩu trang với giá cao và 500 người không đủ tiền phải chịu cảnh không có khẩu trang.
Cơ chế thị trường dựa trên quy luật giá cả là cơ chế mà Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để phân phối hàng hóa. Cơ chế thị trường cho phép mọi người tự do trao đổi hàng hóa với nhau dựa trên nguyên tắc thuận mua – vừa bán. Ai có đủ tiền thì sẽ mua được khẩu trang với giá cao hơn bình thường, ai không có đủ tiền thì buộc phải chờ đợi các nhà máy sản xuất thêm khẩu trang.
Nếu bạn là người theo quan điểm bình đẳng, bạn sẽ cho rằng khi xảy ra dịch bệnh, tất cả mọi người dù giàu hay nghèo, dù có nhiều tiền hay không đều có quyền có khẩu trang để mang. Bạn sẽ phản đối việc khẩu trang tăng giá, vì giá khẩu trang tăng lên cao thì chỉ có người giàu với nguồn lực tài chính dồi dào mới có đủ tiền mua khẩu trang, còn người nghèo thì không có đủ tiền mua khẩu trang.
Khi nhà nước, một thể chế có quyền sử dụng bạo lực để kiểm soát trật tự xã hội một cách hợp pháp, sẽ yêu cầu người bán khẩu trang không được tăng giá bán. Vấn đề là xã hội chỉ có 500 khẩu trang nhưng lại có đến 1000 người muốn có khẩu trang đó. Phân chia số khẩu trang đó bằng cách nào?
Lúc này cần có một tổ chức đứng ra phụ trách việc phân chia khẩu trang, thông thường nhà nước sẽ đứng ra phụ trách việc này. Nhà nước sẽ quy định những người đang nhận trách nhiệm chăm sóc y tế cho người bệnh, những người đang bị bệnh sẽ được cung cấp khẩu trang miễn phí. Những người còn lại sẽ xếp hàng để mua khẩu trang. Ai xếp hàng trước sẽ được mua trước, ai xếp hàng sau sẽ mua sau.
Vì trong tình cảnh dịch bệnh, khẩu trang mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng hơn, do đó nhiều người sẵn sàng thu gom khẩu trang với khối lượng lớn để dự phòng hoặc mua về để bán lại với giá cao hơn. Phản ứng của các nhà bán lẻ đó là hạn chế số lượng khẩu trang mỗi người được mua.
Hiện tượng xếp hàng diễn ra khi giá khẩu trang bị nhà nước kiểm soát. Khi lượng hàng hóa thiếu hụt so với nhu cầu, hoặc giá hàng hóa tăng lên để hạn chế người mua, hoặc giá hàng hóa không tăng và mọi người phải xếp hàng để mua.
Sau khi xếp hàng để mua khẩu trang, có nhiều khả năng xuất hiện những người nghèo nhận thấy rằng khẩu trang đối với họ không có nhiều hữu ích bằng những vật dụng khác nhưng lại được người giàu sẵn lòng mua lại với giá cao hơn. Thế là những người nghèo mua được khẩu trang với giá rẻ hơn giá thị trường sẽ bán lại khẩu trang cho người giàu hơn với mức giá cao hơn mức giá họ mua của nhà nước. Thị trường khẩu trang chợ đen hình thành. Giá chợ đen được xem là giá thị trường, phản ánh đúng quy luật cung – cầu, thuận mua – vừa bán. Nếu hiện tượng khan hiếm khẩu trang và kiểm soát giá khẩu trang kéo dài sẽ làm nền kinh tế xuất hiện hai thị trường: thị trường khẩu trang chính thức với mức giá do nhà nước quy định và thị trường khẩu trang chợ đen với mức giá do thị trường quy định.
Những người ủng hộ sự bình đẳng – tất cả mọi người dù giàu hay nghèo đều có quyền mang khẩu trang thường quên mất một việc: khẩu trang, giống như tất cả mọi nguồn lực khác trong xã hội, là khan hiếm, đặc biệt khi nhu cầu tăng cao do dịch bệnh.
Cơ chế thị trường giải quyết sự khan hiếm đó bằng giá cả, khi giá khẩu trang tăng mạnh, các doanh nhân vì mong muốn tìm kiếm lợi nhuận sẽ đổ nguồn lực vào sản xuất khẩu trang một cách nhanh nhất có thể. Thị trường luôn là một cơ chế để giải quyết sự khan hiếm hàng hóa tốt nhất, đó là lý do vì sao những người sống trong nền kinh tế thị trường luôn nhìn thấy hàng hóa dồi dào trong siêu thị.
Vấn đề của thị trường đó là hàng hóa cần thời gian để sản xuất. Từ khi tín hiệu khẩu trang tăng giá cao đến khi tăng công suất sản xuất cần mất một khoảng thời gian. Sau khi công suất tăng lên, số lượng khẩu trang được sản xuất ra dồi dào, giá khẩu trang sẽ giảm trở lại và lúc này tất cả mọi người đều có thể mua được khẩu trang với giá rẻ.
Quan điểm của tôi cho rằng nhà nước nên can thiệp vào thị trường khẩu trang trong bối cảnh bất ổn nhưng cần hiểu rõ những hệ quả của việc can thiệp vào thị trường gây ra trong tương lai, nếu can thiệp không khéo, chẳng hạn không cho khẩu trang tăng giá một cách hợp lý làm giảm đi động cơ lợi nhuận của những nhà sản xuất khẩu trang thì vô hình trung làm giảm nguồn cung khẩu trang trong tương lai. Mặt khác, nó làm lãng phí thời gian của xã hội khi mọi người phải xếp hàng để mua khẩu trang hoặc chạy đi khắp các nhà thuốc nhưng không có khẩu trang để mua.
Bản chất của câu chuyện khẩu trang đó là chúng ta chỉ có 500 chiếc nhưng có đến 1000 người cần sử dụng. Giá khẩu trang tăng chóng mặt chỉ là bề nổi của hiện tượng thiếu khẩu trang, tập trung vào bề nổi sẽ làm chúng ta quên mất bản chất của vấn đề đó là khẩu trang bị thiếu, không đủ đáp ứng cho nhu cầu tăng nhanh. Cơ chế thị trường hoàn toàn có khả năng giải quyết sự thiếu hụt tạm thời đó, vấn đề là cần thời gian thị trường mới điều tiết lại được. Đó là lý do vì sao cần đến bàn tay hữu hình của nhà nước can thiệp khi thị trường xảy ra bất ổn.
Như vậy, vấn đề là làm thế nào để có thể đẩy nhanh việc sản xuất khẩu trang, các giải pháp tốt nhất nên tập trung vào phía cung. Bằng quyền lực tập trung của mình, nhà nước có thể dịch chuyển các nguồn lực nhanh chóng hơn thị trường trong những tình huống khẩn cấp. Thay vì tập trung nguồn lực vào việc bình ổn giá khẩu trang, nhà nước có thể sử dụng nguồn lực đó để nhanh chóng nâng cao năng suất sản xuất khẩu trang tại các nhà máy. Chỉ cần tăng cung nhanh chóng, giá khẩu trang sẽ ổn định trở lại.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi về địa chỉ bbt@luatkhoa.org.