Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Bất cứ hiệu thuốc tăng giá khẩu trang, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh, đây là quyền hạn của ngành y tế. Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá, không cần thanh tra kiểm tra, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức. Đây là vấn đề kỷ cương, đạo đức, cần thực hiện nghiêm túc”.
Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch bệnh do nCoV sáng 1/2.
Tức thì, các cơ quan chức năng vào cuộc.
Ngày 11/2, báo chí nhà nước đồng loạt loan tin việc thu hồi giấy phép bốn nhà thuốc ở Thanh Hóa vì có hành vi tăng giá khẩu trang. Theo VietNamNet, Sở Y tế đã ra quyết định vì cho rằng các nhà thuốc trục lợi từ dịch do virus Corona gây ra. Bốn nhà thuốc trên phải ngừng hoạt động kinh doanh kể từ ngày 7/2.
Có hai vấn đề cần đặt ra đối với phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam và việc thực thi của Sở Y tế Thanh Hóa dựa trên phát biểu đó.
Thứ nhất, ông Đam tuyên bố: “Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá, không cần thanh tra kiểm tra, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức”.
Lời tuyên bố đó có nghĩa là chỉ cần người dân tố cáo, có bằng chứng là lập tức rút giấy phép mà không cần trải qua các thủ tụng thanh tra thông thường. Tức là loại bỏ hoàn toàn quyền giải thích của các hiệu thuốc lý do vì sao họ tăng giá bán khẩu trang mà chỉ cần căn cứ vào tố cáo của người dân. Không những vậy, việc này cũng loại bỏ hoàn toàn khả năng người tố cáo đưa thông tin sai sự thật (do cố ý hay vô tình) hoặc ngụy tạo bằng chứng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có lẽ không hiểu một nguyên tắc pháp quyền căn bản, đó là trước khi tước đoạt tài sản hoặc quyền tự do của người dân thì chính quyền phải đảm bảo cho người dân được hưởng một quy trình xử lý chuẩn mực, công bằng (due process of the law).
Nguyên tắc trình tự công bằng của pháp luật cho rằng không ai bị trục xuất, tù tội, tước quyền sống hoặc tự do, mà không thông qua một trình tự pháp lý công bằng.
Trình tự công bằng của pháp luật yêu cầu các cơ quan chức năng phải tiến hành các thủ tục thanh tra thông thường trước khi có quyết định xử phạt, phải xác minh xem có đúng là có hành vi tăng giá khẩu trang hay không (chứ không chỉ dựa trên lời tố cáo để xử phạt), lập biên bản xử phạt, phải giải thích cho người bị xử phạt lý do bị xử phạt, và các lý do để xử phạt phải dựa trên căn cứ của pháp luật.
Đồng thời, nếu đúng là có hành vi tăng giá khẩu trang, các cơ quan chức năng cũng phải cho người bị xử phạt giải thích lý do vì sao họ phải tăng giá. Việc không cho phép người bị xử phạt giải thích giống như phiên tòa kết tội mà không cho phép bị cáo và luật sư bào chữa phát biểu.
Thứ hai, quyết định của Sở Y tế Thanh Hóa dựa trên cơ sở pháp luật nào? Chỉ đạo yêu cầu rút giấy phép bất cứ hiệu thuốc tăng giá khẩu trang của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có thay thế được quy định của pháp luật hay không?
Luật Dược, Điều 40 quy định về các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, và hai điều có liên quan là 33 và 34 không nói đến việc tăng giá thì bị rút giấy phép.
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phân tích với BBC News Tiếng Việt hôm 5/2:
“Theo Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh để định giá mua bán hàng hóa bất hợp lý bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng… Tuy nhiên, điều luật này không quy định hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép”.
Việt Nam đang hướng tới việc xây dựng một nhà nước pháp quyền như Điều 2 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Nhà nước pháp quyền theo định nghĩa cơ bản nhất là nhà nước được xây dựng trên nền tảng của pháp luật, không ai được quyền đứng trên Hiến pháp và pháp luật. Các hành vi đứng trên Hiến pháp và pháp luật được xem là vi hiến hoặc vi phạm pháp luật.
Trên định nghĩa đó, tất cả mọi hành vi trong xã hội đều được điều chỉnh qua pháp luật. Nếu luật không quy định thì việc rút giấy phép các nhà thuốc tăng giá khẩu trang là không có cơ sở pháp lý.
Nếu Sở Y tế Thanh Hóa xử phạt các nhà thuốc dựa trên chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng nghĩa với việc họ xem chỉ đạo đó là luật, đây là điều trái với nguyên tắc “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Nếu lời nói của một quan chức trở thành luật thì nghĩa là chúng ta đang trở về thời quân chủ chuyên chế, lời vua là luật, chứ không còn là thời [của những tuyên bố đanh thép về] pháp quyền nữa.
Hành vi tăng giá bán khẩu trang của các nhà thuốc có thể bị nhiều người đánh giá là trái với đạo đức kinh doanh, thiếu tính nhân văn, thiếu tình người trong bối cảnh nỗi lo sợ dịch bệnh lan rộng, thậm chí còn được đưa vào đề thi môn đạo đức học cho học sinh lớp 10: “Lợi dụng đại dịch do virus nCoV gây ra, nhiều nhà thuốc tăng giá bán khẩu trang lên gấp nhiều lần so với thực tế? Em có nhận xét gì về việc làm trên? Việc làm trên vi phạm phạm trù đạo đức học nào?”
Tuy nhiên, không thể dựa vào các phạm trù đạo đức mang nhiều tính tranh cãi giữa hai trường phái đạo đức như chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa công lợi để xử phạt. Các quan điểm đạo đức không phải là cơ sở pháp lý, luật pháp mới chính là cơ sở pháp lý để chính quyền hoạt động.
Mặc dù dư luận ở Việt Nam có thể ủng hộ hành động rút giấy phép kinh doanh nhà thuốc (độc giả có thể xem phần bình luận bên dưới bản tin của VnExpress) nhưng dư luận không phải là luật pháp. Dư luận có thể tác động lên Quốc hội để Quốc hội ban hành luật như đã từng xảy ra với quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Từ khi luật được thông qua, việc cấm triệt để lái xe sau khi uống rượu bia mới là hành vi vi phạm pháp luật (trước đây chỉ cấm khi hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn ở mức độ nhất định). Trước khi có luật, đó là hành vi đáng phê phán về mặc đạo đức vì có khả năng gây ra tai nạn giao thông cho người khác nhưng không thể xử phạt hành chính khi chưa có luật.
Trong một quốc gia bảo vệ nguyên tắc nhà nước pháp quyền như Mỹ hoặc các quốc gia châu Âu, các quyết định xử phạt hành chính có tính vi hiến như quyết định rút giấy phép kinh doanh nhưng không dựa trên cơ sở pháp luật, có dấu hiệu vi phạm quyền tự do kinh doanh, sẽ nhanh chóng bị kiện ra tòa và đòi bồi thường từ chính quyền cho những thiệt hại kinh tế do phải đóng cửa nhà thuốc. Vụ kiện sẽ nhanh chóng dư luận và báo chí quan tâm, và sẽ nảy sinh một cuộc tranh luận về các vấn đề đạo đức học giữa hai trường phái đạo đức công lợi và tự do.
Chúng ta không rõ trong bối cảnh của Việt Nam, bốn nhà thuốc bị rút giấy phép kinh doanh sẽ chọn giải pháp kiện quyết định rút giấy phép kinh doanh này ra tòa hay chọn giải pháp “ngậm bồ làm ngọt” vì nghĩ rằng không thể kiện nổi Sở Y tế hay phó thủ tướng Việt Nam ra tòa.
Họ có rất nhiều lý do để không kiện, bởi nền pháp quyền kiểu… Vũ Đức Đam gần như không cho họ cơ hội nào để được thụ lý đơn, chứ chưa nói đến cơ hội thắng kiện.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi về địa chỉ bbt@luatkhoa.org.