Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Anh không thể bịt mắt mà dập lửa, cũng như không thể dập dịch mà không biết ai đang bị nhiễm.”
Đó là những gì ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát biểu hôm 16/03/2020 vừa qua. Thông điệp của ông rất rõ ràng: các quốc gia cần phải tiến hành xét nghiệm càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt.
Có bốn lý do giải thích vai trò này của việc xét nghiệm.
Một là, chúng ta cần xét nghiệm để biết liệu mình đã nhiễm virus hay chưa, từ đó biết chăm sóc bản thân đúng cách và chủ động hạn chế lây nhiễm cho người khác. Nếu không biết mình bị nhiễm, chúng ta sẽ vô tình gieo rắc mầm bệnh và gây nguy hiểm tính mạng cho các đối tượng có nguy cơ cao.
Chính vì những ngộ nhận ban đầu rằng COVID-19 chỉ gây ảnh hưởng đến người cao niên và người có tiền sử bệnh lý, những người trẻ tuổi vẫn chủ quan không bảo vệ chính mình rồi vô tình trở thành người mang mầm bệnh, đẩy mạnh sự lây lan trong cộng đồng. Ngài Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ một lần nữa đã giải thích nguy cơ này rõ ràng trong một cuộc phỏng vấn với Mark Zuckerberg.
Hai là, xét nghiệm để ngăn chặn kịp thời các chùm ca bùng phát lây nhiễm. Không lâu sau khi dịch khởi phát, thông tin di truyền của virus Sars-CoV-2 đã được các nhà khoa học Trung Quốc giải mã và công bố. Điều này đã giúp các nhà khoa học các nước khác nhau xây dựng nhiều quy trình xét nghiệm phát hiện sự hiện diện virus dựa vào trình tự gen.
Tuy nhiên vì số lượng kit thử và nhân lực hạn chế, mỗi quốc gia tự đưa ra các tiêu chí cho các đối tượng ưu tiên được xét nghiệm. Điểm chung của các tiêu chí này là người có các triệu chứng lâm sàng và thỏa mãn yếu tố dịch tễ, tức có đi vào vùng dịch hoặc tiếp xúc với người đã bị nhiễm. (Ví dụ các tiêu chí của Mỹ và tiêu chí của Việt Nam). Hoặc ở Anh, đầu cơn dịch, xét nghiệm chỉ được chỉ định cho những người có triệu chứng rõ ràng và nhập viện còn các trường hợp chỉ có triệu chứng nhẹ và tự cách ly ở nhà thì không cần.
Việc đưa ra những tiêu chí quá lỏng lẻo hoặc quá gắt gao làm bỏ sót các trường hợp có khả năng đã bị nhiễm. Điều này làm cho tiến trình cách ly cũng không được triệt để. Một khi virus có thể lẫn lách vào cộng đồng thì sẽ gây nên tình trạng lây nhiễm cộng đồng, tức là có người bị nhiễm nhưng lại không thể xác định nguồn lây.
Nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hongkong đã hết sức linh hoạt, đẩy nhanh và mạnh để thực hiện các xét nghiệm càng nhiều các đối tượng nghi nhiễm. Họ đã nới lỏng tiêu chí để nhiều người được xét nghiệm hơn: những người có triệu chứng ho sốt, không cần thỏa mãn yếu tố dịch tễ, miễn được chỉ định của bác sĩ thì đều sẽ được xét nghiệm miễn phí. Việc nhanh chóng tìm các ca nhiễm để cách ly kịp thời đã mang lại thành công đáng kể cho các nước này. Ban đầu số ca nhiễm ở Hàn Quốc không ngừng tăng cao, nhưng chỉ sau hơn một tuần thì số ca nhiễm bắt đầu giảm.
Do đó trái ngược với sự lo lắng của mọi người khi chứng kiến số ca dương tính tăng đến chóng mặt, việc phát hiện càng nhiều ca nhiễm chứng tỏ chính phủ nước đó đã áp dụng các biện pháp xét nghiệm kịp thời nhằm ngăn chặn được nguồn lây. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh một điều rằng chỉ xét nghiệm thôi thì không thể ngăn chặn dịch, chính phủ phải phối hợp chặt chẽ phát hiện người mang bệnh và những người tiếp xúc với họ, giám sát việc cách ly và điều trị. Để có kết quả, xã hội còn cần nhận thức đúng đắn thông qua tuyên truyền và giải thích cặn kẽ.
Ba là, cần có nhiều kết quả xét nghiệm là vì số lượng người nhiễm sẽ giúp đánh giá mức độ lan nhiễm của dịch bệnh, làm cơ sở cho những chính sách xã hội được đưa ra kịp thời và hợp lý nhằm chặn đứng sự phát tán virus.
Hiện nay trên toàn cầu, nhiều nước đã ra lệnh hạn chế giao tiếp xã hội (social distancing) ngày một gắt gao hơn. Bắt đầu từ hạn chế các buổi họp mặt có đông thành viên, dần dần đến đóng cửa các công ty, các trung tâm thể thao, tiệm ăn uống, và nay đến cả cấm các cuộc họp mặt trên hai người như ở Đức. Hoạt động xã hội ngưng trệ không chỉ tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế mà hẳn còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người dân. Thế nhưng, không ai rõ các biện pháp này sẽ kéo dài bao lâu. Như chuyên gia WHO đã nói: phong tỏa thành phố không đủ để kiềm chế cơn dịch. Trong trường hợp này, chỉ có kết quả xét nghiệm rộng rãi mới có thể cung cấp thông tin bao giờ thì nhịp sống có thể trở về bình thường, cho phép những người có triệu chứng giống COVID-19 được đi làm trở lại vì thật ra họ chỉ bị nhiễm cúm mùa.
Bốn là, việc xét nghiệm đang cấp bách hơn bao giờ hết chính vì tình trạng lây nhiễm không triệu chứng đang dần được khẳng định bằng vài nguồn dữ liệu.
Các nhà khoa học đã theo đuổi câu hỏi: liệu có phải các ca nhiễm thầm lặng đã góp phần làm tăng mức độ lây nhiễmcủa bệnh COVID-19 hay không. Với cúm influenza tuýp A, lây nhiễm đã có thể diễn ra trước triệu chứng 1-2 ngày, còn với SARS thì sự lây nhiễm chỉ bắt đầu sau khi phát bệnh.
COVID-19 có thời gian ủ bệnh khá dài và lượng virus đạt đỉnh vào cuối giai đoạn đó nên rất có thể khả năng lây nhiễm diễn ra trước khi có triệu chứng cụ thể. Tình trạng lây lan cộng đồng ngày càng tăng, không thể truy xuất nguồn lây nhiễm nữa.
Tại Vũ Hán, theo bài báo trên tờ SCMP, hồi cuối tháng 2/2020 có 43.000 người bị cách ly trong tình trạng dương tính với virus nhưng hoàn toàn không có triệu chứng. So với tổng số 80.000 ca nhiễm được báo cáo, số ca không triệu chứng chiếm khoảng 30%. Ở Hàn Quốc, số lượng nhiễm virus không triệu chứng là 20%. Và cuối cùng ở Nhật, trên chuyến du thuyền Diamond Princess, trong 746 người nhiễm, 334 người tức hơn 40% không có triệu chứng nào.
Đã có vài bằng chứng khoa học cho thấy những người không triệu chứng có lượng virus rất cao tương đương với những người có triệu chứng. Do đó, cho dù họ không ho, nhưng giọt bắn từ nước bọt trong quá trình trao đổi cũng có thể đủ là nguồn lây nhiễm.