Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Những thảo luận về quyền riêng tư và khủng hoảng y tế tại Việt Nam trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết sau khi “bệnh nhân thứ 17” được cho là nguyên nhân khiến tình hình kiểm soát dịch tại Việt Nam… “toang”. Đáng nói hơn, thông tin cá nhân của bệnh nhân được đăng tải rộng rãi, giúp cư dân mạng dễ dàng tìm ra trang mạng xã hội cũng như thân thế của cô này. Tên cha mẹ, người thân, gia đình, người giúp việc, tài xế taxi của cô cũng được công bố.
Bệnh nhân thứ 17 nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của cộng đồng mạng Việt Nam, được xem là tội đồ đối với “công sức chống dịch” của cả một dân tộc. Do đó, họ cho rằng thông tin cá nhân của cô bị bêu rếu trên mạng như vậy là hoàn toàn xứng đáng. Nó vừa là một hình thức trừng phạt, vừa là cách để những người quen biết hay từng tiếp xúc với cô này có biện pháp mà tự phòng ngừa.
Song cũng có những ý kiến ngược lại, dựa vào nền tảng quyền riêng tư và các nguyên tắc nhân quyền, cho rằng việc công bố thông tin này là chưa phù hợp, không tôn trọng nạn nhân, cũng như chúng không phục vụ cho mục tiêu nào khác là đổ lỗi và tạo nên một kẻ thù chung cho cộng đồng.
Cả hai cách tiếp cận này, thật ra đều có lỗ hổng của nó.
Nếu bạn cho rằng công bố thông tin cá nhân của nạn nhân một cách rộng rãi là cách tốt nhất để kiểm soát những trường hợp như thế này, hãy cẩn trọng rằng những thông tin cá nhân (dù là tên tuổi, địa chỉ, thông tin di chuyển trên mạng viễn thông…) luôn có thể được sử dụng cho mục đích xấu, bởi những kẻ xấu.
Đừng nghĩ rằng thông tin cá nhân bị phát tán chỉ sẽ khiến người bệnh “nghe chửi”.
Dịch bệnh lan rộng luôn là thời điểm rất nhạy cảm, với khả năng cao của bạo loạn và các rắc rối xã hội đi kèm.
Và bạn nghĩ gì nếu thông tin này bị các nhóm buôn người, buôn nội tạng sử dụng? Hay những kẻ thủ ác cơ hội khác? Bản thân báo chí Trung Quốc cũng đã phải nhắc đến kịch bản xấu xí này, khi người bệnh bị “phản diện” hóa và không còn chỗ nương thân lúc họ cần nhất. Đó là thời điểm mà các nhóm tội phạm ra tay. Và điều mỉa mai hơn cả là nếu những bệnh nhân này đột nhiên mất tích, sẽ không ai quan tâm họ tên gì, quê quán ở đâu nữa. Cái mác “bệnh nhân”, “kẻ tội đồ” đã khiến danh tính của họ phai mờ trong mùa dịch. Đối với công chúng, đơn giản chỉ là dịch bệnh lấy đi thêm một mạng người mà thôi.
Song ngược lại, trong trường hợp của bệnh nhân 17, việc cung cấp thông tin một cách rõ ràng và minh bạch có phần “thái quá” từ phía chính quyền Hà Nội phần nào đó giúp cho các nhà quan sát trên mạng xã hội tự loại bỏ được rất nhiều tin đồn, tin giả thất thiệt được lan truyền với tốc độ chóng mặt: từ việc bệnh nhân dự sự kiện “sang chảnh” ở Uniqlo, đi uống bia ở Tạ Hiện, hay đi thăm người yêu tại một khu dân cư cao cấp.
Không thể phủ nhận rằng sự “minh bạch” đến bất ngờ của phía cơ quan nhà nước đã xóa đi được những đồn đoán mà họ chắc chắn sẽ không có cách nào ngăn chặn được nếu không công khai rõ ràng danh tính và lịch trình du lịch, đi lại của bệnh nhân thứ 17 ngay tại thời điểm đó. Vậy, sự công khai cũng có lợi ích của nó đấy chứ?
***
Đến đây, có thể nói rằng người viết không phản đối hoàn toàn việc cung cấp thông tin của bệnh nhân 17 với công chúng. Tại một xã hội như Việt Nam, và trong những thời điểm như thế này, nhiều thông tin luôn luôn tốt hơn không có thông tin. Và cũng như rất nhiều những ví dụ về xâm phạm quyền riêng tư để phục vụ cho mục đích quan trọng hơn chúng ta đã kể ở trên, cần hiểu rằng khi phải lựa chọn giữa riêng tư cá nhân và lợi ích công cộng, lợi ích công cộng luôn được đặt lên hàng đầu.
Song điều này không ngăn cản việc tôi cho rằng đại bộ phận công chúng đã phản ứng sai khi nói về bệnh nhân 17, và bản thân chính quyền cũng chưa làm tốt (thậm chí cố tình) trong việc công bố câu chuyện của bệnh nhân này.
Một là lỗi của người dân. Bản thân chúng ta quá vội vã đưa ra nhận định về bệnh nhân 17 khi mà không ai có đủ thông tin để hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Hai là về phía lỗi của chính quyền. Một trong những nguyên tắc y tế căn bản của công bố thông tin bệnh nhân trong quá trình phòng dịch là nó phải phù hợp với mục tiêu và kết quả mà chính quyền hướng tới. Các thông tin đặc trưng có khả năng xác định cụ thể một bệnh nhân như tên họ, chứng minh thư, dấu vân tay hay số điện thoại cần phải được hạn chế thông báo ở mọi hoàn cảnh, trừ khi chúng ta không còn cách nào khác. Và nếu buộc phải thông báo, chúng nên được phổ biến ở mức độ thấp nhất có thể, cho một số người hạn chế nhất có thể, đủ để đạt được mục tiêu đề ra. Ở trường hợp này, chính quyền Hà Nội hoàn toàn có thể hạn chế việc đưa thông tin, chỉ cần đưa thông tin về chuyến bay và lịch trình đi lại của bệnh nhân chẳng hạn, thay vì chỉ rõ đích danh bệnh nhân.
Song trong cái rủi cũng có cái may. Tướng Chung có vẻ quyết tâm công khai mọi thông tin mà ông có, về rất nhiều nhân vật khác như một số người nước ngoài đã nhiễm bệnh, và đặc biệt là các bệnh nhân có chức vụ cao, từng tham dự hội nghị tại Anh và một số quốc gia châu Âu. Một trong số những người này (nay được biết đến với tên gọi Bệnh nhân 21) cũng về Việt Nam và không khai báo gì về việc nhập cảnh từ vùng dịch, cũng không tự cách ly, và tự tin đến những cuộc họp lớn và quan trọng của các ban ngành, đoàn thể. Việc có thông tin chính xác sẽ giúp chúng ta nhìn nhận lại hoàn toàn câu chuyện về bệnh nhân “siêu lây nhiễm” số 17. Có thể chăng chính cô này bị lây nhiễm bởi một số thành viên khác trên chuyến bay? Vậy quy trình khoanh vùng, tìm nguồn bệnh và các công tác khác cũng sẽ rất khác biệt. Căn cứ để chửi rủa bệnh nhân thứ 17, từ đó theo logic, cũng không còn thỏa đáng.
***
Câu chuyện và những tranh cãi xung quanh bệnh nhân thứ 17 là một kinh nghiệm tốt về ngôn luận, về minh bạch thông tin và về cách ứng xử của chính quyền khi công bố thông tin phòng chống dịch bệnh. Trong hằng hà sa số những quan điểm, và những tranh cãi, bài viết chỉ muốn nhắn đến bạn đọc rằng: nếu chính quyền đã thật sự sòng phẳng, minh bạch (điều mà họ rất hiếm khi làm), chúng ta hãy sử dụng những thông tin có được một cách nhân văn, đúng đắn. Dịch bệnh này, có khi lại là cơ hội để xã hội Việt Nam trưởng thành.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.