‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Chủ nghĩa tư bản có thật sự đang bỏ rơi người Mỹ?
Thông tin về một xứ Hoa Kỳ “tự do thì tự lo” trong mùa bệnh dịch vẫn đang lan truyền chóng mặt ở nước ta. Nhiều người so sánh với Việt Nam để chứng tỏ mô hình Việt Nam hiệu quả thế nào so với Mỹ.
Tất nhiên, nhìn vào thành quả chống dịch hiện nay nhờ vào cách ly bắt buộc, thử nghiệm và điều trị miễn phí, khó có thể phủ nhận thành công nhất định của chính quyền Việt Nam trong giai đoạn một. Song, không thể cho rằng Hoa Kỳ đang bỏ rơi người dân của họ.
Hiển nhiên, trong môi trường báo chí tự do Hoa Kỳ, người ta nhìn thấy nhiều điều không tốt.
Trước tiên, báo chí nước này nhiều lần nói rằng Mỹ thiếu thốn các bộ thử nhanh để phát hiện mầm bệnh. Một số tờ như Vox chỉ ra năng lực xét nghiệm phát hiện bệnh thời điểm ban đầu của Hoa Kỳ không thể gọi bằng từ nào khác ngoài “thất bại”. Tính đến ngày 11 tháng Ba, nước này chỉ mới xét nghiệm được hơn 7.000 trường hợp, gần nửa tháng sau khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên.
Nhiều quốc gia phát triển khác như Hàn Quốc đã xét nghiệm cho hơn 60.000 người chỉ trong tuần đầu tiên bùng dịch. Hay Vương Quốc Anh cũng đã xét nghiệm gần 20.000 trường hợp dù chỉ mới có 100 ca dương tính. So với họ, chính quyền Hoa Kỳ bị cáo buộc là phản ứng quá chậm so với năng lực tài chính của mình (ở Việt Nam, xấp xỉ khoảng 2.000 ca đã được xét nghiệm). Năng lực này của chính quyền Hoa Kỳ đang cải thiện mạnh mẽ. Hơn 50.000 ca đã được xét nghiệm tại thời điểm đăng bài viết.
Nhiều tờ báo khác cũng cho rằng chính quyền Trump quá chậm chạp trong các phản ứng ngăn chặn dịch. Họ còn khẳng định chính Trump đã bãi bỏ những công cụ nhằm phản ứng với khủng hoảng y tế khẩn cấp. Nhiều vị trí lãnh đạo bên trong Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã rời khỏi nhiệm sở hơn hai năm mà Trump vẫn chưa bổ sung nhân sự.
Ngay cả vấn đề chi phí liên quan đến việc xét nghiệm và điều trị dịch cúm Vũ Hán cũng gây ra những tranh cãi không cần thiết. Các chính khách Hoa Kỳ mất hàng tuần để tranh cãi xem ai sẽ gánh chịu các chi phí liên quan đến coronavirus.
Nhưng dân chủ, đến cuối cùng, cần thời gian. Mỹ đang tung ra, hoặc đang thảo luận ít nhất ba gói cứu trợ khẩn cấp để ứng phó với đại dịch, theo đúng kiểu nhà giàu.
Có một đạo luật “lướt sóng” nhanh qua cả Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ chỉ trong ngày 5 tháng Ba rồi được Tổng thống Trump ký ban hành ngay ngày hôm sau. Tốc độ này là chưa từng có tiền lệ.
Đó chính là Đạo luật Ngân sách Bổ sung nhằm Chuẩn bị và Đối phó với Coronavirus (Coronavirus Preparedness and Response Supplemental Appropriations Act). Theo văn bản này, hàng loạt các cơ quan liên bang sẽ được rót thêm tổng giá trị ngân sách lên đến 8,3 tỷ Mỹ kim cho các hoạt động như nghiên cứu và sản xuất vaccine, cứu trợ nhân đạo, kiểm soát và phòng chống dịch, cho vay thiên tai dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Ví dụ, tại Điều 3 của đạo luật, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) sẽ nhận thêm hơn 2,2 tỷ Mỹ kim cho các hoạt động sắp tới của mình. Nhóm thiểu số, mà cụ thể ở đây là những tổ chức y tế và tự trị của người bản xứ (người da đỏ) cũng sẽ nhận được không ít hơn 990 triệu Mỹ kim.
Hay tại Điều 2, khoảng 20 triệu Mỹ Kim cũng được bổ sung cho chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này bảo đảm rằng các doanh nghiệp đủ điều kiện theo Đạo luật Doanh nghiệp nhỏ (Small Business Act) có thể tiếp cận với các nguồn hỗ trợ của chính phủ để duy trì qua con đại dịch. Hiện nay, hầu hết các chủ cửa hàng, tiểu thương… có thể bắt đầu nộp đơn xin vay vốn trên trang web chính thức của chính phủ.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cũng nhận được khoản hỗ trợ 61 triệu Mỹ kim cho các hoạt động bào chế thuốc và chuẩn bị cho các chương trình thực phẩm đối phó với dịch bệnh.
Nhìn chung, đạo luật này là bước đầu chuẩn bị, mà quan trọng nhất là về mặt tài chính, cho cuộc chiến chống coronavirus.
Hơn mười ngày sau khi gói thứ nhất ra đời, một đạo luật khác nhằm đối phó với virus Vũ Hán vừa chính thức được Tổng thống Trump ký ban hành hôm nay (18/3 giờ Mỹ) sau khi lưỡng viện Quốc hội lần lượt thông qua ngày 14/3 và 18/3. Đạo luật này có tên gọi trìu mến là “Gia đình trên hết” (Family First), sẽ bơm thêm 100 tỷ đô-la nữa cho các chương trình hỗ trợ công dân Hoa Kỳ và thân nhân của họ.
Trước hết, chính phủ sẽ chi ra một lượng tiền khổng lồ lên đến nửa tỷ Mỹ kim để mua suất ăn trưa cho trẻ em. Những quy định liên quan thật ra đã tồn tại từ trước đó với Đạo luật Thực phẩm Khẩn cấp năm 1983 hay Đạo luật Thực phẩm và Dinh dưỡng năm 2008. Theo đó, trong năm tài chính 2020, bất kỳ hộ gia đình nào có ít nhất một trẻ trong độ tuổi đi học mà phải nghỉ học trên năm ngày vì dịch sẽ được cung cấp thực phẩm bổ sung miễn phí tận nơi.
Đối với người lao động, Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho công tác hỗ trợ các doanh nghiệp buộc phải cho người lao động nghỉ có hưởng lương vì dịch bệnh. Hàng triệu lao động Mỹ bị ảnh hưởng trong dịch cúm sẽ có quyền nghỉ hai tuần được hưởng nguyên lương, với mức hỗ trợ tối đa 511 đô-la/ngày (khoảng gần 12 triệu đồng). Và càng nhân văn hơn, ba mẹ nào có con phải nghỉ học cũng sẽ được nghỉ phép 12 tuần có lương để chăm sóc con cái. Dù còn lỗ hổng và hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nhóm đối lập, chính quyền liên bang Hoa Kỳ đang cố gắng tạo điều kiện tốt nhất có thể cho công dân của họ trong thời điểm này.
Công dân Mỹ cũng sẽ được xét nghiệm miễn phí toàn bộ, bất kể có bảo hiểm hay không.
Hiện nay hầu hết các chương trình nói trên đã bắt đầu vận hành.
Trong khi đó, các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, với sự khuyến khích của chính phủ, cũng đã đưa ra các gói hỗ trợ bao gồm giãn thời gian trả nợ, tăng hạn mức tín dụng tạm thời hay miễn phí các loại thuế – phí quản lý ngân hàng… dành cho khách hàng của mình.
Nhận thấy rằng như vậy vẫn chưa đủ để bảo đảm đời sống cho người dân Mỹ, cũng như chuẩn bị cho một nền kinh tế hậu dịch, các chính trị gia đang tính đến chuyện tung hết hỏa lực.
Ngày 16 tháng Ba mới đây, Nghị viên Đảng dân chủ, lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer nói rằng ông và các chính khách đảng Dân chủ đang soạn thảo một đề xuất nhằm bơm hơn 750 tỷ Mỹ kim vào nền kinh tế Hoa Kỳ. Trong đó, hệ thống bệnh viện bất kể công tư, cùng với hệ thống nhân viên y tế của họ, sẽ có thể tiếp cận với nguồn hỗ trợ. Nguồn ngân sách cũng giúp mở rộng hệ thống bảo hiểm thất nghiệp. Các chương trình khác đang trong quá trình thực hiện sẽ nhận thêm kinh phí nếu cần kéo dài tùy diễn biến tình hình dịch.
Chính quyền liên bang và tiểu bang cũng đều có những động thái riêng cho phép chậm nộp thuế trong vòng 90 ngày. Cá nhân có thể chậm nộp những khoản thuế lên đến một triệu Mỹ kim, và 10 triệu Mỹ kim với các doanh nghiệp, tổ chức.
Trump, mặt khác, cũng đưa ra một đề xuất dân túy không kém cạnh vào 17 tháng Ba. Theo đó, ông đang cân nhắc gửi thẳng 1.000 USD tiền mặt cho các cá nhân đang bị ảnh hưởng.
“Hiển nhiên, nhiều người sẽ không cần chúng [ám chỉ những người có thu nhập cao], nhưng chúng tôi đang thảo luận xem nên thực hiện nó như thế nào”, ông Trump cho biết.
Trong cùng ngày, chính phủ Hoa Kỳ cũng hứa mua lên đến một nghìn tỷ trái phiếu từ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
***
Chủ nghĩa tư bản, nơi con người được hưởng các quyền tự do cá nhân gần như trọn vẹn, có nhất thiết phải bỏ rơi họ trong lúc hoạn nạn?
Nước Mỹ nói không, đặc biệt khi so sánh với Việt Nam, nơi hàng loạt doanh nghiệp đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa, hàng triệu người lao động đang đứng trước viễn cảnh thất nghiệp, và không biết bao nhiêu người sẽ đói ăn.