Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Giải quyết nỗi sợ của người dân nên là ưu tiên số một.
Vào ngày 8/3/2020 vừa qua, trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tuyên bố “Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến phòng, chống dịch”. Giai đoạn hai này được đánh dấu với sự xuất hiện của bệnh nhân thứ 17.
Tuy bước vào giai đoạn mới, không có vẻ gì chính quyền chuẩn bị thay đổi cách tiếp cận. Theo lời ông Đam, chúng ta vẫn phải “tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch” như ban đầu.
Nhưng các chuyên gia y tế hàng đầu của thế giới đã cảnh báo từ lâu về giai đoạn dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, khi đó các biện pháp cách ly như lúc đầu sẽ không còn tác dụng.
Từ cách đây một tháng, vào ngày 8/2/2020, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đã cảnh báo đến người dân về khả năng xảy ra kịch bản tương tự. Theo đó, “nếu số ca nhiễm bệnh tăng liên tục, sẽ phải đến một lúc chúng ta thay đổi chiến thuật đối phó”.
“Nếu virus lây lan trên diện rộng, việc truy tìm từng trường hợp tiếp xúc với người bị nhiễm sẽ là vô nghĩa. Bệnh viện sẽ quá tải nếu khi đó chúng ta vẫn cách ly và cho nhập viện tất cả các trường hợp nghi nhiễm”, Thủ tướng Lý chia sẻ.
Thay vào đó, nguồn lực sẽ chỉ được tập trung cho những đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất (trẻ em, người lớn tuổi, người có tiền sử bệnh). Mọi người sẽ phải học cách sống chung với con virus mới, như những con virus chủng corona khác trước giờ.
Ông Lý nhấn mạnh rằng tình hình Singapore vẫn chưa đến cấp độ đó. Việc ông chia sẻ các thông tin là để “tất cả chúng ta đều có tinh thần chuẩn bị cho những gì có thể xảy đến.”
Việt Nam có đến mức độ đó hay chưa?
Theo lời một chuyên gia được đăng tải trên bài báo của Vietnam Finance vào ngày 9/3/2020, nếu giữ nguyên chiến lược chống dịch như giai đoạn đầu, sớm hay muộn Việt Nam cũng sẽ vỡ trận.
Bài báo ghi lại ý kiến của ông Vũ Tú Thành, cho rằng chiến lược áp dụng cho giai đoạn trước đến thời điểm này đã không còn hiệu quả và phù hợp.
Ở giai đoạn một, chỉ có vài quốc gia và vùng lãnh thổ cần đề phòng kiểm soát, chủ yếu là Trung Quốc. Mục tiêu ngăn chặn xâm nhập (AD – Access Denial) và ngăn chặn lây lan (SD – Spreading Denial) vì vậy là hợp lý và có thể thực hiện được.
Nhưng ở giai đoạn hiện tại, dịch đã lây lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu muốn ngăn chặn xâm nhập (AD), Việt Nam sẽ phải đóng cửa hoàn toàn đường biên giới với thế giới bên ngoài. Còn để ngăn chặn lây lan (SD), chính quyền phải tiếp tục thực hiện cách ly hai nhóm đối tượng: có nguy cơ lây nhiễm (gọi là Q1) và có nguy cơ bị lây nhiễm (Q2).
Với Q1, cách ly ngăn chặn, chúng ta có các quy định chặt chẽ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan kiểm soát dịch bệnh (CDC), phân loại rõ ràng theo cấp độ nhiễm, nghi nhiễm, tiếp xúc gần (F1, F2, F3…).
Trong khi đó với Q2, cách ly để bảo vệ, hiện nay chưa có tiêu chí, quy định hướng dẫn nào. Các quốc gia đều đang lúng túng. Các nhà khoa học thì tranh cãi. Không ai dám chắc có nên đóng cửa các trường học, nhà máy, nơi tụ tập đông người… và nếu có thì đóng tới bao giờ.
Ở giai đoạn mới này, nếu vẫn tiếp tục dồn toàn lực ngăn chặn xâm nhập và cách ly các nhóm Q1 cùng Q2, chi phí sẽ rất lớn, nguồn lực sẽ càng ngày càng cạn kiệt (đóng cửa biên giới, ngừng sản xuất…). Nguy cơ vỡ trận, ngành y tế không còn khả năng chống đỡ chỉ là vấn đề thời gian.
Vì thế theo ông Thành, cần thay đổi cách tiếp cận: phòng thủ có trọng tâm kết hợp chủ động phản công.
Cụ thể là áp dụng cách ly bảo vệ (Q2) với nhóm đối tượng có rủi ro cao nhất (R1) là những người từ 60 tuổi trở lên cùng những ai có sẵn bệnh nền. Theo các số liệu thống kê đến thời điểm hiện tại, đó là nhóm đối tượng có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Nếu virus xâm nhập được vào nhóm này, với hệ miễn dịch kém, chúng sẽ dễ dàng sinh sôi và lây lan mạnh sang những nhóm khác.
Còn với nhóm còn lại, có sức đề kháng tốt, sau một thời gian bị nhiễm virus, cơ thể họ sẽ sinh ra kháng thể tiêu diệt khiến virus không có cơ hội lây lan tiếp. Dù số ca lây nhiễm sẽ tăng lên, những người nhiễm cần điều trị trong nhóm này cũng sẽ có tỷ lệ tử vong thấp nếu được điều trị kịp thời.
Ông Vũ Tú Thành vì vậy đề xuất chiến lược Q2R1-Q1CC-SAD cho giai đoạn tiếp theo của công tác chống dịch.
Trong đó:
– Q2R1 là cách ly bảo vệ (Q2) với nhóm có rủi ro cao (R1).
– Q1CC là cách ly ngăn chặn (Q1) với nhóm xác nhận đã nhiễm (CC – Confirmed Cases), giải tỏa không cần cách ly các đối tượng nghi nhiễm (SC – Suspected Cases) như F1, F2, F2…
– SAD (Selective Access Denial) là ngăn chặn xâm nhập có chọn lọc, không đóng cửa biên giới, chỉ thực hiện kiểm soát y tế và khai báo thu thập thông tin hành khách.
Theo ông Thành, chiến lược này có chi phí thấp, hiệu quả và tính khả thi cao, đồng thời giúp khôi phục hoạt động bình thường của xã hội.
Người ta có thể cho rằng ông Vũ Tú Thành chỉ có chuyên môn về kinh tế (ông là Phó Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ – ASEAN), không có chuyên môn về y tế, nên ý kiến không đáng tham khảo.
Nhưng có lẽ chúng ta không nên quên người đứng đầu Ban chỉ đạo chống dịch hiện tại của Việt Nam cũng không hề có chuyên môn gì về ngành y.
(Trên thực tế ông Vũ Tú Thành được đào tạo trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và chính sách công, khá gần với chuyên môn thực tế của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam)
Lựa chọn này có thể và có nên áp dụng trên thực tế hay không, điều này còn cần nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cần sự đồng thuận của người dân.
Điều quan trọng nhất, theo người viết, cách tiếp cận này giải quyết được vấn đề lớn nhất hiện nay: nỗi sợ hãi trong dân chúng.
Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos vào đầu tháng 3/2020 cho thấy, so với các nước khác, người dân Việt Nam đặc biệt lo sợ trước đại dịch này. Mức độ sợ hãi của người Việt về tác động sức khỏe, tài chính hay nguy cơ ảnh hưởng của dịch bệnh đều cao hơn hẳn các nước còn lại trong khảo sát.
Giải quyết nỗi sợ của người dân vì vậy nên là ưu tiên số một.
Nếu vẫn bị động chạy đuổi theo từng con virus vô hình, sẽ không có cách nào khiến người dân bớt sợ. Họ sẽ luôn lo lắng, lúc nào mình hoặc ai đó chung quanh cũng có thể là nạn nhân kế tiếp. Sự sợ hãi lo lắng này cũng sẽ dẫn đến các phản ứng cực đoan với người xung quanh (thấy ai có dấu hiệu ho sốt lập tức chỉ điểm đòi cách ly, kỳ thị những người mắc bệnh…).
Chỉ có chủ động dàn trận phục sẵn “mời” virus, và khi chúng tới thì tung hết chiêu ra để trị, lúc đó người dân mới không còn phải sợ hãi kẻ thù vô hình.
Xã hội khi đó mới có thể dành năng lượng để giải quyết vô số vấn đề quan trọng nhức nhối khác của đất nước.
Trong trường hợp vẫn cương quyết lựa chọn giải pháp chạy đuổi theo các ca bệnh để cách ly triệt để như hiện tại, tất cả mọi người, từ quan đến dân, cũng cần phải hiểu rõ và chấp nhận một thực tế: đó chỉ là biện pháp câu giờ, kéo dài thời gian để ngành y tế thế giới tìm ra các phương thuốc điều trị và vaccine phòng ngừa.
Một khi dịch bệnh còn lây lan trên thế giới, sẽ không bao giờ có chuyện Việt Nam có thể tuyên bố “chiến thắng” (trừ phi cách ly cả quốc gia với thế giới bên ngoài).
Cho dù lựa chọn tiếp theo của Việt Nam trong giai đoạn chống dịch mới là gì, điều kiện tiên quyết vẫn phải là minh bạch toàn bộ thông tin, vừa để người dân hiểu rõ tình hình, vừa để tất cả cùng tham gia thảo luận cách ứng phó.
Và yêu cầu minh bạch này không thể là kiểu mớm nửa vời, lúc nào muốn cho dân biết thì nói, khi nào không cần thì giấu.
Phải lặp đi lặp lại điều này vì đây vẫn là cục ung nhọt khó bỏ trong đầu những quan chức chính quyền hiện tại.
Ngay trong bài phát biểu dài hơn 30 phút trước đông đảo báo chí vào ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2020 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong khi khẳng định để chống dịch, chính quyền sẽ minh bạch thông tin, thì lại không dưới ba lần nhắc nhở yêu cầu báo chí không được lan truyền những thông tin được nói ra bên ngoài.
Trong số những tin ông Đam muốn giữ làm của riêng, “lưu hành nội bộ”, có kế hoạch phòng chống cấp độ 5 với dự kiến là Việt Nam có 30.000 ca lây nhiễm Covid-19.
Lý do đưa ra là sợ “tuyên truyền rộng mà không có giải thích… nhân dân sẽ hiểu lầm” (!)
Chính việc chỉ tuyên truyền một chiều, tô hồng công tác chống dịch, ngạo nghễ một cách khiêm tốn, khiến cho rất nhiều người đã lầm tưởng Việt Nam là ngoại lệ, được mặt trời chiếu rọi trong khi khắp địa cầu đang bị mây đen phủ kín. Vì vậy, khi ca bệnh mới xuất hiện, nhiều người đã ngay lập tức hoảng loạn.
So với cách Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chia sẻ công khai rõ ràng mọi thông tin, kể cả dự kiến tình huống xấu nhất cho nhân dân, đây quả là hai kiểu tư duy quản lý một trời một vực.
Điều đáng nói không chỉ là cách hiểu ngộ nghĩnh về “minh bạch” như kiểu những quan chức nước ta – nói những gì có thể nói, giấu những gì có thể giấu.
Ngạc nhiên hơn cả là khi bài phát biểu của ông đã được chia sẻ rộng rãi, trong số hàng ngàn lượt bình luận, không có mấy người thắc mắc về việc vì sao ông lại (có quyền) yêu cầu báo chí không được lan truyền một số nội dung ra ngoài.
Chỉ có thể giải thích rằng hoặc đa số không đủ kiên nhẫn xem hết bài phát biểu, hoặc xưa nay họ đã quen được/ bị mớm thông tin nên không thấy việc bị/ được che giấu có vấn đề gì?
Hay có lẽ, họ nghĩ rằng chính quyền đang ám chỉ “đám dân trí thấp” nào đó, chứ không phải mình?
Lựa chọn chiến lược tiếp cận thế nào thì dịch bệnh rồi cũng sẽ qua.
Nhưng ngày nào chính quyền còn không dám cắt đi cục ung trong đầu, thay đổi tư duy, minh bạch và trung thực, sòng phẳng hoàn toàn, trả hết những thứ họ đã và đang nợ dân, ngày đó họ vẫn còn phải sống trong ám ảnh về đại dịch.