Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Bài viết này nằm trong chuỗi bài dự báo về tác động của đại dịch COVID-19 tới cuộc sống của con người.
Trong hầu hết các dự báo về tương lai hậu COVID-19, người ta đều thấy có nhắc đến xu hướng làm việc từ xa.
Sẽ không hoàn toàn chính xác nếu nói đó là xu hướng, khi làm việc từ xa đã trở thành một thực tế từ vài thập niên qua.
Vào năm 2018, một nghiên cứu của IWG, nhà cung cấp dịch vụ văn phòng của Thụy Sĩ, cho biết trong số những người đi làm trên khắp thế giới, có hơn 50% dành ít nhất một nửa thời gian làm việc của mình ở bên ngoài, không đến văn phòng công ty hay nhà máy.
Giống như trường hợp của giáo dục trực tuyến, dịch bệnh COVID-19 cũng là một cú hích mạnh vào đà tăng của làm việc từ xa.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, lưu lượng hội thảo trực tuyến bằng video (video conferencing) ở khu vực Bắc Mỹ và châu Á đã tăng gấp đôi. Từ tuần thứ hai của tháng 3/2020, các ông lớn trong ngành công nghệ như Amazon, Facebook, Google và Twitter đã thực hiện chính sách cho phần lớn nhân viên làm việc tại nhà. Thậm chí khác với các công ty khác chỉ “đề nghị” hoặc “khuyến khích”, Twitter ra quy định “bắt buộc” (mandatory) nhân viên không được đến chỗ làm để tránh dịch.
Nhiều người vui mừng khi “được” làm việc tại nhà. Với họ, điều đó có nghĩa là tiết kiệm thời gian đi lại, không gian thoải mái và tự do sắp xếp công việc. Với những người khác, họ không muốn “bị” bắt phải ở nhà, nhất là khi các điều kiện làm việc tại nhà, từ không gian làm việc, trang thiết bị đến đường truyền Internet, đều kém hơn nhiều so với những thứ được công ty cung cấp.
Những ai hứng thú làm việc từ xa xem đó là giải pháp vừa tiết kiệm chi phí cho các bên, vừa giảm thiểu thiệt hại môi trường do đi lại, đặc biệt là những chuyến bay dài. Họ cũng cho rằng môi trường tự do đó giúp tăng tính sáng tạo và năng suất làm việc. Các công ty có thể tuyển dụng được nhân sự từ khắp nơi trên thế giới, không bị rào cản địa lý. Đội ngũ nhân viên với thành phần đa dạng lại càng tăng thêm sức sáng tạo cho công ty.
Trong khi đó, nhiều người cho rằng làm việc từ xa làm giảm khả năng gắn kết của nhân viên, thậm chí làm hụt chất sáng tạo trong họ. Khi không thể tương tác trực tiếp, nhìn thẳng vào mắt nhau khi nói chuyện, người ta không có được sự kết nối thân thiết đủ để tin tưởng đối phương. Điều này khiến mức độ hợp tác làm việc trong nhóm kém hơn.
Vài năm trước, Google nghiên cứu các đội nhóm làm việc tốt nhất của họ và tìm ra tiêu chí quan trọng nhất quyết định sự thành công: niềm tin vào đồng đội (psychological safety). Một cách giản lược, đây là lòng tin mà các thành viên trong nhóm có được, rằng họ sẽ không bị đồng nghiệp chọc quê, không bị gạt qua một bên, và không bị trừng phạt khi mình lên tiếng.
Bill Duane, một cựu kỹ sư của Google đã chia sẻ, rằng “khi chúng ta đọc thấy một câu nào đó mơ hồ hay có ý khích bác mình trên phần mềm tin nhắn, ta thường mặc định chửi thề ngay trong đầu; nhưng nếu nghe câu đó khi nói chuyện trực tiếp, ta rất có thể cùng cười vang với họ.” Bill cho rằng những câu chuyện phiếm, những lời bông đùa nhạt nhẽo, hay thậm chí các màn nói nhảm không dính dáng gì tới công việc tại văn phòng lại chính là thứ giúp nhân viên có thể tự do sáng tạo và làm việc hiệu quả.
Nhiều người hiểu rõ các trở ngại đó của quá trình làm việc từ xa, nhưng họ đặt niềm tin vào công nghệ tương lai. Với các kỹ thuật mới cùng băng thông Internet mở rộng, họ tin rằng các cuộc gặp gỡ qua mạng sẽ ngày càng chân thật sống động hơn, giống với việc đang gặp gỡ trực tiếp.
Cho dù có niềm tin gì, với tình hình dịch bệnh đang diễn ra, những ai có thể lựa chọn đều chọn làm việc tại nhà. Nhưng đa số những người khác lại không có được quyền lựa chọn xa xỉ như vậy.
Thống kê tại Mỹ cho thấy chỉ có 29% số người đi làm là có thể làm việc tại nhà. Những người làm nghề quản lý, kinh doanh, hoạt động tài chính có tỷ lệ cao nhất, 60% trong số họ có thể làm việc từ xa. Trong khi đó, những lao động làm nghề vận tải, sản xuất và dịch vụ có tỷ lệ có thể làm việc từ xa thấp nhất, lần lượt là 3, 4 và 6%.
Tình hình ở Việt Nam cũng không quá khác biệt. Kết quả khảo sát của IWG nêu lúc đầu được thực hiện với 18.000 nhân viên của 96 công ty đa quốc gia trên toàn cầu. Ở Việt Nam, số lao động làm việc tại các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ là 3,6 triệu vào năm 2018, chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với hơn 50 triệu lao động của cả nước.
Đó là lý do cho dù có nhiều báo cáo về việc các công ty cho nhân viên làm việc tại nhà để tránh dịch, đại đa số lao động ở Việt Nam vẫn phải có mặt tại nơi làm.
Trong đó có những người làm việc trong các ngành sản xuất, giao nhận, vận tải cùng các dịch vụ công như y tế, an ninh, năng lượng. Cùng với nông dân, họ là những người dựng nên và duy trì xương sống của toàn bộ xã hội hiện đại.
Có lẽ phải chờ tới khi có đại dịch, chúng ta mới nhận ra vai trò cấp thiết của những con người bình thường này.
(Còn nữa)