Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Tiêu đề bài viết này nghe có thể lố bịch với nhiều người, bởi Hội đồng Lý luận Trung ương từ lâu đã bị một bộ phận của phong trào đối lập gọi là “Hội đồng Lú lẫn Trung ương”. Sau khi một cán bộ cấp cao của cơ quan này bị phát hiện có lối sống xa hoa, cơ quan này càng trở thành trò cười cho công chúng.
Đúng, chúng ta có đủ mọi lý do để cười cợt, chê bai, lên án một tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam dùng tiền thuế của chúng ta cho việc riêng của họ. Nhưng sau tất cả, sự tồn tại của cơ quan này để lại một bài học cực kỳ quan trọng cho phong trào đối lập: tổ chức chính trị nào cũng cần dựa vào các cơ quan nghiên cứu.
Cơ quan nghiên cứu, hay còn được gọi bằng cái tên tiếng Anh thời thượng là “think tank”, chính là bản chất của Hội đồng Lý luận Trung ương. Còn trong các doanh nghiệp, bộ phận tương ứng là các phòng “R&D” (nghiên cứu – phát triển).
Ta chớ vội phán xét chất lượng nghiên cứu, thậm chí là mức độ nghiêm túc của các nghiên cứu của Hội đồng Lý luận Trung ương. Ở đây, tôi chỉ muốn nói tới vai trò của think tank đối với một tổ chức chính trị.
Ta hãy xem Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu những gì, hay nói cho chính xác là tổ chức nghiên cứu những gì, bởi phần việc chính của họ là huy động các nhà nghiên cứu từ các trường, viện tham gia các đề tài.
Lướt qua website của hội đồng này, ta thấy hiện nay họ có một “Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị” có mã số KX.04/16-20. Chương trình này được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020, gồm 33 đề tài.
Trong số các đề tài, ta có thể thấy họ tổ chức nghiên cứu về đủ các lĩnh vực để có cơ sở tư vấn cho Ban chấp hành Trung ương đảng, Bộ chính trị, Ban Bí thư. Chẳng hạn:
Hình thức hoạt động của hội đồng này là sản xuất các báo cáo nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học, đi khảo sát thực địa, v.v. Chúng ta khó mà biết được chất lượng nghiên cứu của các đề tài này đến đâu. Nhưng dù thế nào đi nữa, vai trò của nó là làm cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra các quyết định chính sách của mình trong mọi lĩnh vực.
Nhìn sang các nước khác, ta cũng sẽ thấy các đảng phái chính trị cũng phải dựa rất nhiều vào các think tank.
Trong bài báo nghiên cứu “Who are The Political Parties’ Ideas Factories? On Policy Analysis by Political Party Think Tanks” công bố năm 2017, các học giả Valérie Pattyn , Gilles Pittoors , Steven Van Hecke đã tổng hợp các nghiên cứu khác và phân loại ra ba hình thức quan hệ giữa các đảng phái chính trị và các cơ quan nghiên cứu.
Hình thức thứ nhất là các đảng phái dựa vào các think tank hoàn toàn độc lập bên ngoài để đưa ra quyết định chính sách của mình. Hiện tượng này phổ biến ở Mỹ và Canada. Các địa chỉ lừng danh là CSIS, Brookings, RAND, Cato, CFR và một số đơn vị nghiên cứu thuộc các trường đại học.
Hình thức thứ hai là các đảng phái lập ra hoặc tài trợ cho các think tank có tư cách pháp nhân riêng rẽ, và do đó, các think tank này hoạt động trong tình trạng nửa độc lập. Các đảng phái ở Đức, Hà Lan và nhiều nước châu Âu khác thường theo xu hướng này.
Hình thức thứ ba là các đảng phái lập ra các think tank hoàn toàn nằm trong tổ chức của đảng. Các think tank này, do vậy, hoàn toàn phụ thuộc vào đảng của họ. Đây chính là mô hình mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang áp dụng với Hội đồng Lý luận Trung ương. Brazil cũng theo xu hướng này, mặc dù các đảng phái ở đây cũng dựa rất nhiều vào các tổ chức nghiên cứu tư nhân.
Riêng Nhật Bản được các nhà nghiên cứu điểm danh ở cả ba hình thức kể trên.
Gần gũi và có thể đáng tham khảo cho Việt Nam hơn là một think tank nghiên cứu chính sách của đảng cầm quyền Dân Tiến của Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) ở Đài Loan. Think tank này trực thuộc tổ chức đảng và theo bà Thái, đảng này đã đưa ra nhiều chính sách dựa trên khuyến nghị của đơn vị nghiên cứu này. Think tank này do chính bà Thái, người từng là giáo sư luật, lập ra năm 2011 khi đang là chủ tịch đảng.
Vai trò của các think tank cũng đa dạng. Nhóm nghiên cứu kể trên phân ra làm bốn nhóm vai trò: (i) người gác đền ý thức hệ cho đảng, (ii) chuyên gia chính sách, (iii) cố vấn chính trị, và (iv) trợ lý chính sách. Hai nhóm đầu thường nghiên cứu và đề xuất các ý kiến mang tính dài hạn (chẳng hạn như đề xuất khung chính sách), hai nhóm sau thường đưa ra các ý kiến tư vấn ngắn hạn, phục vụ những nhu cầu tức thời (chẳng hạn như chuẩn bị sẵn luận điểm tranh luận với đảng đối thủ).
Nói ra tất cả những điều này, tôi muốn đề cập đến một vấn đề lớn của phong trào đối lập Việt Nam, đó là thiếu các cơ quan nghiên cứu.
Trong môi trường chính trị cạnh tranh khốc liệt như ở các nền dân chủ, các đảng phải dựa vào các think tank để có thể phản biện đối thủ và tranh giành ảnh hưởng trong công chúng. Với phong trào đối lập Việt Nam, môi trường chính trị dĩ nhiên là khác biệt rất nhiều, nhưng công việc chính vẫn là phản biện, hoặc thậm chí là phủ nhận các chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời đề xuất những chính sách, giải pháp thay thế.
Tuy vậy, phong trào đối lập hiện nay gần như không có hoạt động nghiên cứu nào, càng không có think tank nào, dẫn đến chất lượng phản biện và đề xuất chính sách còn nhiều vấn đề về chất lượng, rất nhiều khi sa vào tin giả và để cho cảm xúc chính trị chi phối môi trường thảo luận.
Những vấn đề cần nghiên cứu thì nhiều. Đó không chỉ là các vấn đề chính sách kinh tế – xã hội cụ thể, mà còn là việc nghiên cứu văn hóa chính trị Việt Nam, khảo sát nhu cầu của các bộ phận công chúng, xây dựng các phương án dân chủ hóa, xây dựng các mô hình thể chế, xây dựng các đề xuất hiến pháp, đề xuất các phương án cải cách hiến pháp, soạn thảo các đạo luật cơ bản, v.v.
Những nghiên cứu này là cơ sở để xây dựng nghị trình của các tổ chức chính trị trong tương lai, cũng như phác họa dần bức tranh tương lai mà các tổ chức muốn người dân tin vào.
Suy cho cùng, muốn có một phong trào đối lập có chất lượng thì công việc đề xuất giải pháp cũng quan trọng ít nhất là không kém công việc phê phán. Không những các tổ chức chính trị, mà các tổ chức xã hội dân sự, thậm chí các tờ báo độc lập (như Luật Khoa) cũng cần có hoạt động nghiên cứu của mình.
Hiện nay, ít nhiều cũng đã có một vài nỗ lực nghiên cứu nhất định từ cả phong trào đối lập lẫn các cơ sở nghiên cứu hàn lâm. Tôi có thể điểm danh ít nhất ba bản đề xuất hiến pháp được các nhóm đối lập đưa ra, gồm bản của Đảng Dân chủ Việt Nam (2010), bản của nhóm Kiến nghị 72 (2013), và bản của Trung tâm Dân chủ Việt Nam (2019). Một số nhà hoạt động cũng có những nỗ lực nghiên cứu cá nhân và đề xuất chính sách rất đáng chú ý.
Ngoài ra, Đại học California cũng có một tạp chí Việt Nam học (Journal of Vietnamese Studies) đăng nhiều nghiên cứu khoa học xã hội về Việt Nam của các học giả Việt Nam và nước ngoài, và còn nhiều nhà nghiên cứu, nhóm nghiên cứu khác ở các viện, trường cả trong lẫn ngoài nước. Đây là những cơ sở nghiên cứu hàn lâm mà các tổ chức chính trị đối lập có thể dựa vào khi chưa có cơ quan nghiên cứu riêng của mình.
Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn ý thức được về những khó khăn mà các nhóm đối lập, các tổ chức dân sự, các tờ báo độc lập lẫn các nhà nghiên cứu gặp phải. Đó không chỉ là tài chính, nhân sự mà còn là vấn đề an toàn cá nhân. Tuy vậy, vai trò của các hoạt động nghiên cứu vẫn không thay đổi và là con đường chắc chắn phải đi.
Nếu muốn lập một think tank, bạn có thể tham khảo một hướng dẫn chung tại đây.