Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Nhiều người Việt Nam có lẽ đã có một đêm trằn trọc sau khi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức cuộc họp báo khẩn vào 22h30 tối ngày 6/3/2020, thông báo về trường hợp thứ 17 nhiễm virus COVID-19.
Trong khi tất cả các báo đài chính thống đều không nêu rõ danh tính người bệnh (hoặc ghi tắt, hoặc chỉ ghi họ), thì ngay trong cuộc họp báo, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại công khai tên tuổi, địa chỉ nhà, và trong suốt buổi họp còn nhiều lần nhắc đi nhắc lại tên của bệnh nhân.
Thông tin cá nhân của bệnh nhân thứ 17 này, từ tên tuổi, địa chỉ, gia cảnh đến cả hình ảnh, trang facebook cá nhân ngay lập tức lan truyền khắp nơi trên mạng xã hội. Những lời trách móc, chửi rủa, miệt thị, cùng các lời đồn thổi về người bệnh cũng ngập tràn cõi mạng, nhanh hơn cả cháy rừng tại Úc.
Rốt cục, lại một lần nữa phải hỏi, chúng ta đang chống dịch, hay chống giặc? Và ai là giặc?!
Nhiều người sẽ lấy lý do rằng “cô này biết mình có thể nhiễm nhưng không khai báo”, vậy nên đáng phải bị “xử”.
Nhưng bệnh nhân số 17 này đâu phải là ngoại lệ. Suốt hai tháng qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đã có hàng chục, hàng trăm trường hợp thông tin chi tiết cá nhân của những người mắc bệnh, hay chỉ mới là nghi nhiễm, hoặc thậm chí cả những trường hợp trẻ con tử vong không liên quan, bị phơi ra rả trên mạng.
Những người đó thì mắc tội gì?
Cần phải chia sẻ thông tin để biết ai có tiếp xúc với bệnh nhân, để cộng đồng tự bảo vệ mình? Vậy thì thứ thông tin cần biết là lịch trình hoạt động đi lại của người (nghi) nhiễm, chứ không phải họ tên, gia cảnh, và hình ảnh cá nhân của họ.
Thông tin cá nhân của người bệnh, hay của bất kỳ ai, là thứ không được phép công khai phổ biến (trừ trường hợp họ cho phép), để tránh việc họ bị phân biệt đối xử, hay thậm chí gặp nguy hiểm. Nguy cơ này càng cao hơn ở những nước mà văn minh ứng xử trên mạng rất có vấn đề như Việt Nam.
Quan sát cách các quốc gia khác đang chống dịch, có thể thấy gần như tất cả đều tuân thủ nguyên tắc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân người bệnh. Các cuộc họp báo công bố ca nhiễm bệnh mới đều chỉ gắn con số (bệnh nhân thứ n), chứ chưa thấy cơ quan chính quyền ở nước nào ngạo nghễ công khai danh tính bệnh nhân như việc của UBND Hà Nội vừa làm.
Ở Indonesia, sau khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận vào đầu tuần, Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho tất cả các quan chức chính quyền phải nghiêm túc bảo vệ thông tin riêng tư của người bệnh.
Ông phải đặc biệt nhắc nhở điều này khi thông tin chi tiết về hai trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại Indonesia đã bị tuồn ra ngoài và lan truyền trên khắp các nhóm tin nhắn WhatsApp. Tin đồn về việc cô gái nhiễm bệnh ăn chơi trác táng, bị lây từ một người đàn ông Nhật, thậm chí là “gái bao” của người đó cũng được bắn đi khắp nơi.
Trong khi theo xác minh “người đàn ông Nhật” kia là một phụ nữ, không có mối quan hệ quen biết với cô, và hai người chỉ tình cờ xuất hiện tại cùng một địa điểm. Sau khi được bạn bè ở Malaysia thông báo về việc người Nhật này xác nhận nhiễm bệnh tại đó, cô đã chủ động đi xét nghiệm.
Thay vì được cộng đồng cám ơn, cô trở thành đối tượng bị nhiều người chửi rủa.
Các quan chức Indonesia phải nhanh chóng lên tiếng vì họ biết rằng, nếu không bảo vệ nạn nhân, sẽ không có ai chịu chủ động hợp tác khai báo. Nếu người dân không hợp tác, mọi kế hoạch, phương tiện, ý chí phòng chống dịch bệnh đều sẽ là vô nghĩa.
Điều này không phải là phát hiện gì mới mẻ.
Vào năm 2006, sau khi đại dịch SARS vừa qua đi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức nhiều buổi làm việc giữa các nhóm chuyên gia ở nhiều nước, rút tỉa kinh nghiệm trong việc lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Một trong những trọng tâm nghiên cứu khi đó là các vấn đề về đạo đức khi chống dịch.
Trong báo cáo tổng hợp vào năm 2007, WHO đã nhấn mạnh ngay từ đầu về nguy cơ xung đột giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng khi xảy ra dịch bệnh. Trong các tình huống khẩn cấp như đại dịch, quyền con người và quyền tự do có thể bị giới hạn để phục vụ lợi ích cộng đồng. Nhưng trong bất kỳ chính sách và kế hoạch phòng chống ứng phó nào, người ta phải luôn nỗ lực để bảo vệ quyền lợi của từng cá nhân. Các biện pháp đưa ra ảnh hưởng đến quyền cá nhân đều phải dựa trên nguyên tắc cần thiết, hợp lý, cân xứng, công bằng, không phân biệt đối xử, và phù hợp hoàn toàn với luật quốc gia cũng như luật quốc tế.
Mấu chốt là phải cân bằng giữa quyền, lợi ích và giá trị của các bên.
Tìm được điểm cân bằng này tất nhiên không phải là chuyện dễ dàng.
Vào năm 2015, Hàn Quốc là nước có số ca nhiễm MERS (Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông) nhiều thứ nhì sau Saudi Arabia. Vào thời điểm đó, chính quyền nước này bị chỉ trích là đã không công khai đủ thông tin người bệnh, trong đó có lịch sử đi lại của họ, khiến việc giám sát cách ly gặp nhiều khó khăn.
Đến đại dịch lần này, Hàn Quốc đã rút kinh nghiệm, cung cấp thông tin chi tiết và nhanh chóng về hành trình hoạt động đi lại của những người bệnh, gửi đến tận điện thoại của từng người dân. Các nội dung này chi tiết đến mức, tuy không công khai tên tuổi địa chỉ của nạn nhân, nhưng đủ để các cư dân mạng thông thái ráp nối tìm ra “thủ phạm”. Các cuộc “săn đuổi phù thủy”, chửi bới nhục mạ, tung tin đồn thổi về những người nhiễm bệnh diễn ra sôi nổi trên mạng (về điểm này, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin là không hề kém cạnh).
Một người đàn ông mà cả nhà gồm mẹ, vợ và hai đứa con đều nhiễm bệnh, đã phải đăng bài viết dài trên Facebook xin cộng đồng ngừng việc chửi rủa mắng trách gia đình anh.
Cộng đồng mạng không chỉ mắng chửi mẹ anh, một người theo giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji), mà còn trách tội cả vợ anh, một y tá, vì đã đi lại quá nhiều chỗ. Công việc của người vợ là hỗ trợ đưa các bệnh nhân khuyết tật đi khám bệnh. Cô trở thành tội đồ vì làm công việc của một người y tá dù không biết là mình mang virus trong người.
“Xin đừng nguyền rủa vợ tôi nữa. Tội lỗi duy nhất của cô ấy là đã lấy một người như tôi, là phải làm việc và phải chăm sóc những đứa con của chúng tôi”, anh cầu xin trong bài viết.
Trong một khảo sát được Trường Y tế Công của Đại học Quốc gia Seoul thực hiện gần đây, 1.000 người Hàn Quốc đã được hỏi trong ba thứ sau, họ sợ thứ gì nhất.
1. Những người mang virus xung quanh mình.
2. Các chỉ trích và nguy cơ bị xâm phạm đến từ việc mình bị lây nhiễm.
3. Bản thân mình mang virus nhưng không có triệu chứng.
Kết quả, đa số người được hỏi sợ nhất là trở thành tội đồ bị đem ra đấu tố khi không may lây nhiễm.
Họ sợ các đồng bào của mình nhiều hơn là sợ con virus.
Ở Việt Nam, với tinh thần hừng hực “chống dịch như chống giặc”, và ý thức tệ hại trong việc tôn trọng quyền lợi của mỗi cá nhân, sẽ không ngạc nhiên gì nếu toàn bộ người dân đều lây nhiễm “virus sợ hãi” trước khi dính phải con virus corona nào đó.
Nỗi sợ của người dân khi đối diện với dịch bệnh vô hình là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Sự sợ hãi này không thể được xoa dịu bằng tâm thái ngạo nghễ, cuồng chân muốn “công bố hết dịch”, tranh thủ cơ hội “tăng tốc”, khi mà toàn thế giới vẫn đang phải căng mình đối phó đại dịch.
Nếu chính quyền ngay từ đầu, hoặc ngay bây giờ, cảnh báo sớm hay muộn cũng xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng, người dân sẽ không bớt sợ đi, nhưng chắc chắn có sự chuẩn bị tâm lý cho những ca bệnh mới.
Có chuẩn bị, sẽ không hoảng loạn. Không hoảng loạn, sẽ bớt lý do săn phù thủy, trách móc, nguyền rủa, chụp mũ, đơm đặt, đồn thổi, biến những nạn nhân trở thành tội đồ – tất cả chỉ để tìm ra cái cớ trấn an cơn sợ của chính mình.
Rốt cuộc thì những nạn nhân bị đấu tố đâu xa lạ: bạn hãy dừng lại và tìm một chiếc gương, nhìn vào đó trong ít nhất một phút.
Khuôn mặt trong gương đó, hoặc những gương mặt của cha, của mẹ, của vợ, chồng, của con trai, con gái, của bất kỳ người thân nào của bạn, lúc nào cũng có thể trở thành con dê tế thần, thành vật hy sinh để xoa dịu cơn hoảng loạn của kẻ khác.
Nếu không biết bảo vệ những người xa lạ không may gặp nạn, sớm hay muộn chính bạn cũng sẽ bị người khác dìm đầu xuống bùn theo cách tương tự như vậy.
Một xã hội để nỗi sợ hãi hoảng loạn thống trị, vận hành theo kiểu “ai xui thì đạp cho chết”, là kiểu xã hội gì?
Ai sẽ bảo vệ bạn, khi bạn là người góp phần tạo ra thứ xã hội mắc dịch đó?
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.