Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Hãy hình dung bạn đang trong một bữa tiệc buffet ngoài trời khổng lồ, với đủ loại đồ ăn thức uống được bày biện trên các dãy bàn trải dài vô tận.
Nếu là lần đầu tiên bước vào dự tiệc, bạn sẽ choáng ngợp lâng lâng trước hằng hà sa số các lựa chọn. Tuy vậy, sau một thời gian, bạn bắt đầu thấm mệt. Bạn chỉ còn đi loanh quanh khu của mình gắp đồ, không muốn tốn và cũng không đủ sức đi xa thêm để biết ngoài kia có gì nữa.
Dù chỉ quanh quẩn ở gần, bạn vẫn luôn phải chen chúc với thiên hạ để gắp thức ăn, đặc biệt những thứ nghe đồn là ngon lành bổ dưỡng thượng hảo hạng.
Khi đã luồn lách được qua đám đông tới gần các món rồi, bạn lại rối bòng bong không biết nên gắp thứ gì. Người bảo cái này tệ, kẻ thì khen nó tuyệt. Người vô tư dùng ngón tay chấm mút đưa lên miệng, kẻ bốc đồ ăn đưa sát mũi hít hà rồi nhăn mặt thả xuống. Chưa kể đám đông xung quanh luôn chực chờ kéo ngược bạn về phía sau, hoặc ủn bạn sang một bên, hay khóa tay bịt mắt bạn lại không cho lựa chọn.
Ngay cả khi đã gắp được món, lách được về lại chiếc bàn riêng của mình, bạn cũng không được yên ổn để thưởng thức. Bạn bè đồng nghiệp ngồi kế bên tò mò chỉ trỏ bình phẩm thứ bạn vừa chọn. Những kẻ lạ hoắc từ đâu đó đi ngang bĩu môi chê bai, sẵn tiện phun vài bãi nước bọt vào khay thức ăn, thậm chí hăng tiết hất đổ cả khay của bạn.
Nếu khay đồ ăn của bạn vô tình lọt vào mắt xanh của ai đó, bạn sẽ nhận được vô số yêu cầu thách thức thi nhai thi nuốt (họ gọi đó là “tranh luận”), hoặc chì chiết đòi bạn phải giải thích vì sao chọn món này mà không chọn món khác (họ bảo vậy là “thiên vị”), hay bạn sẽ nghe đủ loại người, từ quen đến lạ, lúc hoan hỉ khi thất vọng với từng lựa chọn của bạn (họ cho đó là “quan tâm”).
Mạng xã hội mà mỗi ngày bạn dành ra vài tiếng đồng hồ cho nó, nhiều hơn cả thời gian để ăn uống trên đời thực, giống như bữa tiệc buffet khổng lồ trên.
Vô số các món ăn bày biện trên bàn tiệc là những thông tin bạn thu nhận từ đó. Thứ bạn tiêu hóa được trở thành kiến thức của bản thân.
Nhưng bàn tiệc buffet hấp dẫn này có phải là nơi duy nhất, hay thậm chí có phải là nơi tốt nhất, để bạn tìm thức ăn, tiêu hóa chúng thành tri thức, mở mang trí óc của mình?
Và mạng xã hội có phải là nơi thích hợp để bạn tranh luận văn minh với những người khác?
Có khá nhiều lý do để nghi ngờ điều đó.
Mạng xã hội, giống như tên gọi, được lập ra là để người dùng kết bạn xã giao.
Nó có một lịch sử sôi động ngang với sự phát triển của Internet. Các ứng dụng kết nối đầu tiên được lập ra vào thập niên 1970-1980. Cuối những năm 1990 và đầu thập niên 2000 chứng kiến sự bùng nổ của các mạng xã hội từ Classmates, Friendster, LinkedIn cho đến MySpace, Facebook, rồi sau đó là Twitter, Instagram, Snapchat…
Với nhiều người Việt thế hệ 7x và 8x, mạng xã hội đầu tiên gây nên cơn sốt là Yahoo 360°. Nó được tạo ra vào năm 2005, nhưng chỉ tồn tại một thời gian ngắn trước khi chính thức đóng cửa vào năm 2009, kéo theo bao tiếc nuối của dân mạng Việt Nam vào thời đó.
Tuy mục đích có khác nhau, như LinkedIn thiên về liên kết theo nghề nghiệp, Classmates kết nối bạn học, Instagram là nơi khoe ảnh, hoặc Facebook là tả pí lù, tất cả các mạng xã hội đều được lập ra với tôn chỉ kết nối người dùng lại với nhau, khuếch đại cái vòng tròn quan hệ của mỗi người ra càng to càng tốt.
Ở khía cạnh xã giao, điều này không phải là vấn đề. Càng đông càng vui, nhiều người vẫn nghĩ vậy.
Nhưng đám đông không phải lúc nào cũng thông thái, nhất là khi họ bị kích động bởi các yếu tố cảm xúc, đối diện với nỗi sợ hãi, và bị thúc giục phải hành động theo bản năng.
Ảnh hưởng tiêu cực của đám đông lên khả năng tư duy của cá nhân có thể được nhận thấy qua hai hệ quả phổ biến: áp lực dư luận và ngộ độc thông tin.
Con người là động vật có tập tính xã hội, hay nói đơn giản là sống theo bầy đàn, nên việc chịu áp lực dư luận là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Đi ngoài đường thấy nhiều người cùng quay đầu nhìn về một phía, một cách tự nhiên, bạn cũng sẽ ngoái nhìn theo. Đó là tập tính đã được hình thành từ hàng triệu năm trước. Nó có ở nhiều loài động vật khác, không chỉ con người. Nhờ phản xạ tự nhiên đó mà tổ tiên chúng ta tránh khỏi nguy hiểm, kiểu thấy đám đông hò hét bỏ chạy lập tức chạy theo, nhờ vậy thoát khỏi con heo rừng đang truy đuổi.
Ngày nay, tập tính bầy đàn này không còn bao nhiêu ý nghĩa sinh tồn, nhưng vẫn hằn sâu trong não người.
Trên mạng xã hội, khi thấy đám đông chia sẻ hay lên tiếng về điều gì đó, bạn lập tức cảm thấy áp lực phải “đu trend”, chạy theo xu hướng để khỏi bị bỏ lại. Nghe đám đông đồng thanh về một vấn đề gì, bạn chịu sức ép phải gật gù đồng tình. Cho dù có “gợn gợn” trong lòng, bạn cũng sẽ dễ lựa chọn “im lặng là vàng” thay vì chọc giận đám đông đang lên cơn sảng.
Nấp trong đám đông luôn là một lựa chọn an toàn cho dù là ở đời thực hay trên mạng ảo. Ngay cả khi đám đông có sai, xác suất bạn bị gọi mặt điểm tên để chịu trách nhiệm cũng rất thấp. Cho dù có, bạn chỉ cần chỉ về phía cái đám đông mờ nhạt đó để phủi tay.
Nhưng lựa chọn an toàn có phải lúc nào cũng là lựa chọn nên làm?
Lịch sử đã cho chúng ta thấy, những thứ được gọi là tiến bộ, văn minh, phát triển… mà nhân loại có ngày nay không đến từ những cá nhân lựa chọn an toàn, lẩn trốn trong đám đông. Nó đến từ những người dám làm những thứ không ai làm, ngay cả khi họ phải mất mạng vì điều đó.
Dĩ nhiên không phải tất cả những gì cá nhân làm khác biệt với đám đông đều là tiến bộ, là văn minh, là phát triển. Nhưng ngược lại, một khi cá nhân đánh mất mình trong đám đông điên loạn, ta không thể hy vọng điều gì tốt đẹp từ cá nhân đó, cũng như từ cái tập hợp những đám người giống họ.
Nhà văn Mark Twain từng nói, “Bất kỳ khi nào bạn phát hiện mình đang đứng về phe của đám đông, đó là lúc bạn nên dừng lại và soi gương”.
Nếu có lúc nào nhận ra mình đang làm một thứ chỉ để giống với người khác, thay vì là thứ lương tri mách bảo, đó là lúc bạn nên dừng lại.
Đám đông ngoài việc tạo ra áp lực còn khiến bạn dễ dàng bị ngộ độc thông tin.
Chúng ta thường tin rằng càng có nhiều thông tin, ta sẽ càng hiểu biết, càng sáng suốt, càng tiệm cận với chân lý. Niềm tin này được gọi với cái tên “thành kiến vơ vét thông tin” (information bias).
Trên thực tế, thông tin cũng giống như thức ăn. Thiếu ăn khiến cơ thể suy dinh dưỡng, nhưng tống thức ăn vô tội vạ vào người lại khiến con đường ra nghĩa địa càng gần hơn. Tương tự, thiếu thông tin khiến bộ não không thể ra quyết định, nhưng quá nhiều thông tin tống nạp lại khiến não dễ dàng ngộ độc.
Vào siêu thị mua một món đồ. Nếu chỉ có vài ba loại, bạn sẽ dễ dàng so sánh lựa chọn. Vài chục nhãn hàng, bạn bắt đầu loạn. Tưởng tượng siêu thị trưng bày hàng trăm, hàng ngàn nhãn hiệu khác nhau cho món đó, bạn sẽ hoảng hồn không biết đâu mà lần. Nếu giống đa số, bạn sẽ chọn đại. Hoặc sau một lúc ong cả đầu, bạn bỏ cuộc không chọn cái nào. Ngay cả khi lựa chọn rồi, bạn cũng sẽ canh cánh trong đầu “biết mình có chọn đúng không”.
Đó chỉ là ví dụ rất đơn giản. Hãy nhân số lựa chọn trên lên gấp triệu lần – hàng triệu món hàng, mỗi món với hàng triệu lựa chọn thông tin khác nhau – bạn sẽ hình dung ra được phần nào mức độ dày đặc thông tin của mạng xã hội nói riêng và internet nói chung.
Trên các mạng xã hội, mỗi người, trong đó có bạn, lại là một nhà máy sản xuất tin.
Chỉ cần một phần nhỏ trong số đó là sản phẩm của sự sợ hãi, hận thù, cay độc, các mưu hèn kế bẩn, cùng đủ loại thành kiến bẩm sinh, lây lan với tốc độ ánh sáng, tác hại của nó vượt xa bất kỳ loại virus sinh vật nào trên đời.
So với các môi trường khác của internet, mạng xã hội lại càng dễ khiến bạn ngộ độc hơn.
Đó là vì ngay từ khi bước chân vào, bạn đã trở thành đối tượng được “chăn dắt”.
“Chăn dắt” là một từ hơi nặng, dễ khiến bạn sửng cồ.
Vậy nên người ta thường dùng cách nói nhẹ nhàng lịch sự hơn: “bạn là sản phẩm”.
Khi bạn được miễn phí sử dụng mạng xã hội, bạn trở thành sản phẩm của doanh nghiệp tạo ra nó. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, Youtube… tìm mọi cách để “bán bạn”, hay chính xác hơn là tất cả dữ liệu họ có về bạn, cho những doanh nghiệp muốn đặt quảng cáo trên đó.
Một mặt, tất tần tật dữ liệu về bạn được bán cho bên quảng cáo. Mặt khác, hành vi của bạn trên mạng xã hội cũng bị dẫn dắt (manipulated) thông qua các thuật toán nhằm tối đa hóa lợi ích của người bỏ tiền ra mua quảng cáo.
Nói đơn giản, những người điều hành mạng xã hội sẽ kiểm soát việc bạn xem cái gì, tương tác với ai, dành nhiều thời gian cho nội dung nào…
Tức là mỗi khi mở trang mạng xã hội ra, những gì bạn xem được là những gì bạn “được xem”, những gì bạn muốn thấy là những gì người khác “muốn bạn thấy”. Trừ phi bạn bỏ ra rất nhiều công sức để chủ động lọc tìm thông tin trên ma trận mạng xã hội, có thể khẳng định những thông tin bạn tiếp nhận là những thứ người khác cố tình đút vào não bạn.
Ngay cả khi chủ động (một phần) trong việc lựa chọn xem gì, người ta vẫn có vô số cách để khiến bạn dính độc.
Theo phản ánh gần đây của các youtuber tại Hong Kong và Đài Loan, kể từ tháng 2/2020, có nhiều video họ đăng tải trên Youtube đột nhiên bị dán “nhãn vàng”, theo quy định là chỉ các nội dung “nhạy cảm hoặc gây tranh cãi”. Những video này đều bàn về các vấn đề chính trị động chạm đến Trung Quốc. Khi một video bị gắn nhãn vàng, nó sẽ không được đặt quảng cáo, đồng nghĩa với việc người đăng tải không thu được tiền hoa hồng chia lại từ phía Youtube. Đại diện của Google, công ty chủ quản Youtube, đã giải thích rằng việc phân loại trên là để phục vụ cho các doanh nghiệp đặt quảng cáo. Họ cho biết có nhiều doanh nghiệp không muốn sản phẩm dịch vụ của mình xuất hiện trong những video có nội dung “nhạy cảm”.
Như vậy để có thể tiếp tục kiếm tiền từ Youtube, những người sản xuất nội dung sẽ phải tự biết thân biết phận, không được làm ra những video có nội dung “nhạy cảm”, “gây tranh cãi” nữa, hoặc nếu có sẽ phải tự kiểm duyệt nội dung rất cẩn thận để tránh mất lòng nhà quảng cáo.
Ở những quốc gia có thể chế độc tài như Việt Nam, mọi chuyện còn tệ hơn, khi doanh nghiệp điều hành mạng xã hội bắt tay với chính quyền.
Việc các bài viết của người dùng trên Facebook bỗng nhiên biến mất đã được phản ánh từ lâu. Điều kỳ lạ là trong khi những bài viết chỉ trích chính quyền bị xóa bỏ đều bởi lý do chung chung “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”, người ta lại rất ít khi thấy các nội dung bịa đặt, nhục mạ người khác của những thành phần thân chính quyền bị xử lý.
Ở những quốc gia dân chủ, người dùng mạng xã hội còn có sự giúp đỡ (phần nào) từ chính quyền do họ bầu ra, có trách nhiệm thay mặt họ lên tiếng với doanh nghiệp điều hành mạng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ở những quốc gia độc tài như Trung Quốc và Việt Nam, thật trớ trêu, người dân lại phải đặt niềm tin vào các doanh nghiệp điều hành mạng xã hội, những người mà tôn chỉ hoạt động của họ là tối đa hóa lợi nhuận.
Một khi các doanh nghiệp đó cúi đầu trước sức ép của chính quyền độc tài, người dùng sẽ chỉ có cách từ bỏ mạng xã hội mới thoát khỏi kiếp được chăn dắt.
Ngay cả khi biết mình là sản phẩm bị chăn dắt, đa số người dùng cũng không có nhu cầu phải từ bỏ hay hạn chế sử dụng mạng xã hội. Và cho dù có muốn, đó cũng là việc không hề dễ dàng.
Vô số nguồn lực cùng những bộ não thông minh tuyệt đỉnh của nhân loại đã và đang được huy động để tạo ra cơn nghiện mạng xã hội cho hàng tỷ người trên thế giới.
Hai liều thuốc chính để duy trì cơn nghiện này là các kích thích cảm xúc và hiệu ứng dồn dập liên tục.
Các nội dung chia sẻ trên mạng xã hội tạo ra cảm xúc của người xem. Cảm xúc đó được duy trì và kích thích bằng các tương tác giữa người dùng với nhau. Ở mức độ thấp nhất, người dùng chỉ cần chưa tới một giây nhích nút “like” là đã đủ thể hiện cảm xúc của mình.
Kể từ khi được Facebook tích hợp vào năm 2009, nút “like” đã lan khắp nơi, vượt ra khỏi cả biên giới của mạng xã hội. Giờ đây bạn có thể nhấn nút “thích” với gần như bất kỳ nội dung nào trên mọi trang web. Trong khi đó, trên Facebook, cảm xúc “thích” ban đầu cũng được đa dạng hóa với thêm các lựa chọn “thả tim”, “ha ha”, “đau buồn”, “giận dữ”… Những phát minh cải tiến liên tục sau này, từ vô số các loại emoji (minh họa cảm xúc), thao tác cho phép chèn ảnh trong bình luận, rồi sau đó là chèn ảnh động (gif), thay phông nền màu chữ… đều nhằm mục đích duy trì kích thích cảm xúc của người dùng mà không cần họ phải bỏ nhiều công sức thể hiện ra.
Khi người dùng dễ dàng thể hiện “cảm xúc” trên mạng xã hội, họ cũng dễ dàng lệ thuộc vào nó.
Chúng ta vui khi được “thích”, được “thả tim”, hài lòng khi nội dung hài hước của mình được “ha ha”, thấy khó hiểu khi ai đó “buồn” với bài viết của mình, và khó chịu khi có người “giận dữ” với thứ mình đăng. Những phản ứng này không hề tỷ lệ với mức độ công sức bỏ ra: người khác chỉ mất một giây để thả “cảm xúc”, bạn có thể mất ngủ cả ngày vì nó. Thậm chí nhiều lúc những thao tác đó hoàn toàn là “bấm nhầm”, hoặc như thuật ngữ thời thượng ngày nay, là động tác của các chuyên gia “like dạo”.
Nghĩa là chúng ta có thể dễ dàng lệ thuộc vào những phản ứng hoàn toàn vô thưởng vô phạt, không có ý nghĩa gì với cả người tạo ra nó.
Sự lệ thuộc này được duy trì liên tục bằng các thông báo (push notifications) nhảy thẳng đến máy vi tính hoặc/ và chiếc điện thoại thông minh trong túi mỗi người.
Khi vừa sử dụng mạng xã hội, trừ phi chủ động và tốn khá nhiều công sức để thiết lập lại, mặc định điện thoại của bạn sẽ rung reng hàng chục đến hàng trăm lần mỗi ngày, 24/7 với đủ thứ thông báo tương tác, từ bình luận của đứa bạn thân đến phản ứng “thích/ ghét” của một người lạ hoắc nào đó.
Các thông báo tương tác tức thời và liên tục này là thứ khiến người dùng không thể thoát khỏi mạng xã hội, cho dù có đang làm bất kỳ việc gì khác. Chỉ một tiếng “ding” hay màn hình điện thoại sáng lên là đã đủ kích thích bao nhiêu óc tò mò và trí tưởng tượng. “Phần thưởng” có được khi click vào những thông báo đó đủ hấp dẫn để hạ gục sự tập trung lẫn ý chí của rất nhiều người. Những ai nghiện đánh bạc hay nghiện sex có lẽ hiểu rõ cảm giác này.
Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều những chuyên gia công nghệ, thậm chí có những người là tác giả tạo nên các công cụ kích thích người dùng (nút “like”, phương thức thông báo tức thời…), lại phải cực kỳ cố gắng để hạn chế tối đa thời gian sử dụng mạng xã hội.
***
Phản ứng tức thời, kết nối liên tục, cảm xúc bị kích thích, ngộ độc thông tin cùng áp lực của dư luận khiến gần như mọi cuộc “tranh luận” trên mạng xã hội đều biến thành những màn tranh cãi vô thưởng vô phạt, hay chính xác hơn, trở thành những sô diễn mua vui cho đám đông.
Bạn đang giận dữ vì người kia nói một thứ “ngu ngốc”, chưa kịp đáp trả thì ngay lập tức “nó” đã tuôn ra một tràng khác còn đáng giận hơn, buộc bạn phải nhanh chóng phản hồi để khỏi mất mặt. Mà một khi đã phải “tốc chiến”, bạn không còn thời gian để suy nghĩ cặn kẽ về vấn đề gì, ngoại trừ việc phải “dạy cho nó một bài học”.
Hoặc bạn từ tốn suy nghĩ, cẩn thận viết ra từng con chữ của mình, để rồi phát hiện ra không có mấy ai chịu đọc, hay tệ hơn, mỗi người đọc một hai câu và bốc ra để “ném đá” bạn tơi tả.
Hay bạn đang nói chuyện quả trứng của con gà, người kia nhắc đến con vịt. Cũng đều là gia cầm, đâu có sao. Một người khác nhảy vào gợi chuyện con ngỗng. Một người nữa nói chuyện đại bàng. Rồi tới đà điểu, thằn lằn bay, và chẳng mấy chốc mọi người hăm hở quay về thời khủng long còn đang thống trị trái đất. Chẳng ai còn nhớ đến quả trứng nhỏ bé ban đầu của bạn.
Những chuyện như trên diễn ra từng giờ từng phút trên mạng xã hội.
Ngay cả những cuộc tranh luận được tổ chức nghiêm túc với luật lệ quy tắc rõ ràng, một khi đã có sự tham gia của khán giả, ít nhiều đã biến thành các màn trình diễn.
Các cuộc “tranh luận” trên mạng xã hội, nơi không có quy tắc luật lệ tư duy nào được tôn trọng, với sự tham gia của hàng tỷ người, lại càng mang đậm tính chất giải trí hơn.
Một khi tranh luận trở thành trình diễn, sự thật ngay lập tức biến thành trò hề.
Và bạn có thể đoán ra được ai là chú hề.
***
Mạng xã hội tất nhiên có những điểm tích cực.
Nó là công cụ kết nối tuyệt vời của nhân loại, đúng như chức năng ban đầu nó được tạo ra.
Các thông tin trên đó, thượng vàng hạ cám có đủ, vẫn là nguồn tham khảo có giá trị. Ở những chế độ độc tài, nơi báo chí chỉ là cái loa tuyên truyền một chiều của chính quyền, mạng xã hội vô tình đóng thế vai của báo chí, trở thành “quyền lực thứ tư” – thật sự đại diện cho tiếng nói của người dân.
Nếu biết chủ động thiết lập cách thức sử dụng mạng xã hội của mình, như đặt chế độ riêng tư, chỉ lập nhóm chia sẻ nội bộ, chặn tất cả những đối tượng quấy rối… bạn có thể phần nào hạn chế được các tác hại tiêu cực của nó.
Những hậu quả tiêu cực trên mạng cũng không phải là thứ chỉ có trên các mạng xã hội. Nó là mặt trái chung của internet, của email, của các trang web, và của công nghệ ngày càng hiện đại như điện thoại thông minh, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo…
Mặt tích cực của mạng xã hội cũng là thứ bạn sẽ tìm thấy ở mọi công cụ khác trên mạng. Các trang web vẫn là nguồn thông tin quan trọng, bổ ích và đáng tin cậy nhất trên mạng. Email vẫn là công cụ giao tiếp trao đổi hiệu quả, không bị ai kiểm soát, thậm chí có ích hơn rất nhiều khi cần phải trao đổi chuyên sâu hoặc tham gia tranh luận.
Sử dụng công cụ nào, theo cách thức ra sao, tất cả đều do bạn lựa chọn.
Bạn có thể tin rằng mình là “ngoại lệ”, không bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực của mạng xã hội, tiếp tục dùng nó cho các cuộc “tranh luận” tả pí lù. Con người xưa nay vẫn rất giỏi trong việc nghĩ mình là ngoại lệ cho tất cả.
Bạn cũng có thể tin rằng thời gian còn lại của mình là vô hạn, tha hồ dùng nó để tranh hơn thua với người khác trên các mạng xã hội.
Còn nếu thời gian có hạn, và muốn tìm hiểu sự thật, người duy nhất bạn cần tranh luận là người bạn nhìn thấy trong gương.
Không có nơi nào tốt hơn để bạn làm điều đó ngoài những trang sách.