Đọc ‘Chốn vắng’ của Dương Thu Hương
Dương Thu Hương là một trong những nhà văn nổi tiếng viết về chủ đề chiến tranh, đặc biệt là
Vào đêm Hà Nội công bố người nhiễm virus corona thứ 17 thì nhiều người trên Facebook của tôi đã đưa tin đó trước cả chính quyền. Không lâu sau đó là hình ảnh người dân ôm vali chạy khỏi một tòa nhà ở khu Times City.
Đêm đó, tôi đã không ngủ được vì kéo mãi dòng thông tin trên Facebook. Nào là hình ảnh, suy đoán, thông tin về “người thứ 17”… Ai ai cũng nói về chuyện nhiễm bệnh, chuyện tích trữ thực phẩm, tìm chỗ tạm lánh… Đêm đó, tôi thấy mình như bất thình lình rơi vào ổ dịch.
Mọi thứ còn tệ hơn vào ngày hôm sau, khi vừa thức dậy thì tôi biết tin hai người Anh nhiễm bệnh từng đến nơi tôi sống ở Đà Nẵng. Một lúc sau, hình ảnh hai du khách này chụp cùng tiếp tân khách sạn, thông tin họ đã tiếp xúc với bao nhiêu người khác rồi những người này lại tiếp xúc với những ai nữa được mọi người lan truyền. Mọi người bắt đầu dự đoán về tình hình nhiễm bệnh ở Đà Nẵng dựa trên những thông tin lan truyền.
Tôi thực sự căng thẳng trong những ngày này vì hàng loạt các tin tức trên Facebook. Khi vào một tiệm ăn, tôi đã sợ một nhóm du khách nói giọng Bắc. Tôi nghĩ rằng có thể họ đã đến từ Hà Nội, nơi đang trở thành ổ dịch.
Ra bãi biển, tôi gặp một gia đình người Hàn Quốc, một vài người nói tiếng Trung Quốc, lòng tôi hoang mang không biết họ đã đến Việt Nam vào lúc nào. Vào buổi chiều, tôi chạy quanh ngõ đường để xem tình hình buôn bán thế nào đặng còn tích trữ thực phẩm kịp lúc.
Như bao người khác, dùng Facebook để cập nhật tin tức là thói quen hàng ngày của tôi. Tôi đọc tin tức của bạn bè, xem các bài báo, giải trí qua các video, nhắn tin cho bạn bè đều bằng Facebook.
Một nghiên cứu quốc tế về thị trường năm 2019 cho rằng người Việt dành trung bình 6 tiếng 42 phút mỗi ngày trên Internet và phần lớn thời gian đó là dùng mạng xã hội.
Trong những ngày này, cảm giác muốn biết được sự thật về diễn biến của dịch bệnh khiến tôi mở Facebook nhiều hơn bao giờ hết. Tôi vào Facebook bất cứ lúc nào có thể, khi thức dậy, khi ăn trưa, trong khi làm việc, trong khi xem TV, trước khi đi ngủ…
Lướt Facebook trong thời đại dịch này, tôi có được thông tin nhanh hơn, đơn giản hơn là tin tức từ chính quyền, đôi lúc chỉ là một vài dòng chữ do ai đó viết, một hình ảnh hay một chỉ dẫn.
Sức khỏe là thứ quan trọng nhất nên cảm giác thà tin lầm còn hơn không tin, chia sẻ còn hơn im lặng là cảm giác của tôi cũng như rất nhiều người đang có vào lúc này.
Các cá nhân đang là những người sản xuất tin tức cho đám đông. Trên mạng xã hội, bạn sở hữu một tài khoản và thông tin được truyền đi theo số lượng bạn bè và người theo dõi bạn. Thông tin được lan truyền nhanh hơn nữa bằng số lượt “thích” và “chia sẻ”, bất chấp thông tin ấy có nguồn gốc như thế nào.
Số lượt “thích” và “chia sẻ” càng nhiều càng kích thích người ta chia sẻ tin tức. Tuy nhiên, phần lớn động lực khiến một người “thích” và “chia sẻ” phụ thuộc vào nội dung nhanh nhạy, giật gân bất kể thông tin đó có đầy đủ hay không.
Người dùng cố gắng làm cách nào để thông tin mình đăng sớm nhất theo một cách hấp dẫn nhất. Đôi lúc chỉ cần chụp một màn hình nhắn tin với ai đó đang giữ tin nóng cũng khiến mọi người tin sái cổ. Tôi cũng thấy một số bạn bè mà tôi rất mực tin tưởng đôi lúc phải cáo lỗi vì đăng thông tin sai sự thật nhưng thông tin đó được sao chép khắp nơi rồi.
Việt Nam đang có khoảng 60 triệu người dùng internet và mạng xã hội, khi họ tập trung vào một chủ đề nào đó thì trong tích tắc đã tạo nên một khối lượng thông tin khổng lồ.
Với mạng xã hội, chúng giúp ta có thể tiếp cận thông tin nhanh hơn nhưng cũng dễ hoảng loạn hơn. Thứ tâm lý mà ta đang mang, thứ hành động sau khi bạn rời màn hình điện thoại không thể không bị ảnh hưởng từ mạng xã hội.
Trong thời gian đại dịch này, mọi người đều sợ, mạng xã hội đang hoạt động hiệu quả nhất để thâm nhập vào cuộc sống của mỗi người cũng như để người khác ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Hãy nghĩ thật kỹ về trách nhiệm của mình khi lan truyền tin tức.
Vào đêm mà Hà Nội công bố toàn bộ thông tin cá nhân, lịch trình di chuyển của bệnh nhân thứ 17, họ cũng đồng thời bật đèn xanh để mọi người đào bới thông tin những người có khả năng lây lan dịch bệnh.
Nỗi sợ hãi đã ngay lập tức mở ra một nhu cầu muốn biết thêm thông tin chi tiết và thân nhân của những người bị nhiễm.
Không lâu sau khi công bố bệnh nhân thứ 17, một danh sách tất cả những người đi cùng chuyến bay, địa điểm lưu trú của họ… được lan truyền trên mạng xã hội. Danh sách này trở thành một nguồn thông tin mà nhiều người dùng để truy lùng những người còn lại trên chuyến bay.
Thứ đèn xanh mà chính quyền đã bật có những công dụng những cũng có những tác dụng phụ không thể ngờ.
Gia đình bạn tôi ở Hải Phòng đã không dám cho mẹ cô ấy đi khám mắt như dự định vì hay tin người nhà bệnh nhân 17 đang cách ly ở Bệnh viện Việt Tiệp ở thành phố này.
Mấy hôm nay tôi đã cố trấn an một người bạn Philippines của mình. Cô ấy đang muốn trở về nước vì tin rằng Việt Nam đang trở thành ổ dịch. Cô ấy đã sợ những người Tây đi trên phố khi biết chuyến bay đến từ Anh Quốc làm gia tăng số người bị nhiễm ở Việt Nam.
Cô ấy tìm được những thông tin trên Internet khiến cô thêm hoảng loạn, còn các thông tin giúp cô ta an lòng thì không có. Cô sợ thị thực của mình sẽ hết hạn mà không thể trở về nước vì lúc đó có thể Việt Nam sẽ bị phong tỏa, rồi sợ rằng liệu khi đó cô ấy có bị phạt hay không, và điều kiện và chi phí y tế nếu như cô bị nhiễm bệnh sẽ thế nào.
Người dân đang ở trong một bữa tiệc mà chính quyền không ngừng chiêu đãi bằng những thông tin của người nhiễm bệnh rồi mặc cho thực khách tìm cách tiêu hóa. Và người ta đã tiêu hóa bằng nhiều cách khác nhau.
Đã đến lúc, bên cạnh các biện pháp y tế, chính quyền cần một chiến lược thông tin rõ ràng và đầy đủ để trấn an nỗi hoang mang hợp lý của dân chúng.
Bạn đang trải nghiệm những gì trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19? Hãy chia sẻ với độc giả của Luật Khoa tại đây.