Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Khi lính quốc gia đã đầu hàng quân giải phóng, người Hòa Hảo vẫn tiếp tục cuộc chiến từ phía sau các dãy núi.
Vào tháng 3/1977, ông N.H.M đã chứng kiến một trung đoàn khoảng 3.000 bộ đội kéo theo những khẩu pháo cao xạ, trực thăng, hai máy bay chiến đấu gấp gáp hàng quân vào tỉnh Châu Đốc, nơi những chiến sĩ Hòa Hảo đang lánh mình đằng sau những dãy núi.
Ba ngày sau cuộc hành quân đó, một bệnh viện gần Long Xuyên đầy bộ đội bị thương nhưng người ta chỉ thấy có vài xác của lính du kích Hòa Hảo, ông N.H.M nói với nhà báo Robert J. Caldwell của hãng tin Copley Press vào năm 1979.
Sau ngày 30/4/1975, khắp miền Nam được cho là đã nồng nhiệt chào đón quân giải phóng, nhưng điều này chắc chắn đã không xảy ra ở hai tỉnh An Giang và Châu Đốc, nơi hầu hết người dân là tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo (PGHH).
PGHH do Huỳnh Phú Sổ sáng lập vào năm 1939 khi ông chưa đầy 20 tuổi tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Đốc, nơi ông sinh ra trong một gia đình khá giả. Không bao lâu sau đó, ông đi giảng đạo khắp nơi, rất đông dân chúng đã theo đạo của ông.
Tín đồ PGHH gồm đủ các thành phần trong xã hội nhưng đông đảo nhất vẫn là những người nông dân nghèo từ khắp các xóm làng ở miền Tây Nam Bộ.
Đã từ lâu, người Hòa Hảo không còn tin vào một phe phái chính trị nào cả, phe quốc gia cũng như phe cộng sản. Vụ việc thầy họ, Huỳnh Phú Sổ, mất tích sau một cuộc họp với Việt Minh vào năm 1947 là bài học đắt giá nhất khi đặt niềm tin vào những người cộng sản.
Người Hòa Hảo chỉ còn niềm tin sau cùng là tin vào chính mình. Vì vậy, từ những năm 1950, họ đã tổ chức những lực lượng bán vũ trang nhằm bảo vệ tín đồ, làng xã của mình, hay còn gọi là các Bảo An Đoàn. Nam cũng như nữ, ai cũng có thể trở thành một chiến sĩ Phật giáo Hòa Hảo.
Họ cũng biết rằng kể cả khi người Mỹ rút đi thì cuộc chiến của họ vẫn còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa. Vì vậy, họ lúc nào cũng dè chừng chính phủ quốc gia và phòng bị du kích Việt Cộng.
Miền Nam vào những năm 1970 có khoảng hai triệu tín đồ Hòa Hảo ở khắp các tỉnh thành. Gần như toàn bộ người dân ở hai tỉnh An Giang và Châu Đốc đều là tín đồ của PGHH.
Tỉnh An Giang, đặc biệt là khu vực Long Xuyên, là nơi an toàn nhất ở miền Tây theo John Haseman, một nhà nghiên cứu và cố vấn quân sự từng tham chiến ở khu vực này.
Tại An Giang, gần như không có bóng dáng Việt Cộng, nơi này ngoài những lời dạy của Huỳnh Phú Sổ thì người dân không còn tin vào một lời tuyên truyền nào.
Vào năm 1966, một viên chức Mỹ nói với hãng tin United Press International rằng người Mỹ chưa làm được gì để bình định được tỉnh An Giang, tất cả là nhờ có PGHH.
Năm 1969, PGHH ước tính có thể huy động được khoảng 8.000 lính một cách dễ dàng, bao gồm những người binh sĩ trong Quân đội Quốc gia Việt Nam và ở các lực lượng vũ trang khác.
Sau ngày 30/4/1975, nhiều lính quốc gia đã trao vũ khí của mình cho những người Hòa Hảo hơn là để quân giải phóng tước đoạt khí giới, ông N.H.M nói.
Vào tháng 12/1975, hãng tin Times-Post cho biết đài phát thanh của Hà Nội phát tin rằng các cuộc chống đối diễn ra ở các tỉnh theo PGHH mạnh mẽ như Sóc Trăng, An Giang và Châu Đốc.
Vào giữa năm 1976, ông N.H.M cho biết một lực lượng của bộ đội Bắc Việt gần như đã bị đánh bại ở tỉnh Châu Đốc. Một tuần sau đó, ba tiểu đoàn bộ binh của bộ đội Bắc Việt đã càn quét khu vực mà họ đã bị bại trận bằng xe tăng, những người Hòa Hảo liền rút vào vùng Thất Sơn hiểm trở, nơi Huỳnh Phú Sổ đã viếng thăm rồi về nhà sáng lập ra Phật giáo Hòa Hảo.
Vào đầu năm 1978, một lần nữa Đài phát thanh của Hà Nội đã làm báo chí quốc tế ngạc nhiên khi phát tin rằng cuộc giải phóng gặp rắc rối lớn ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Chỉ huy của huyện Chợ Mới, ông “Nguyen Huu Trinh”, nói về tình hình ở huyện này: “Những tàn quân của chế độ bù nhìn tại vùng này có hàng chục ngàn người và một số lượng lớn các sĩ quan ngoan cố đã trốn tránh việc cải tạo. Do đó mà chúng tôi phải luôn đề cao cảnh giác, các bộ phận địa phương quân, cảnh sát, tự vệ lúc nào cũng phải sẵn sàng”.
“Bất kể ban ngày hay ban đêm, trong lúc làm việc đồng áng, khi đi thăm ruộng cũng như khi đi họp, anh chị em du kích lúc nào cũng được trang bị vũ khí. Những gì xảy ra trong mấy năm qua cho thấy họ phải sẵn sàng chiến đấu để kịp thời đối phó và trấn áp quân nổi loạn cũng như bảo vệ chính quyền”, đài phát thanh tường thuật sự chuẩn bị của các bộ đội ở huyện Chợ Mới.
Đài phát thanh cũng cho biết, chính quyền đã thống kê rằng trong một năm sau tháng 11/1976 họ đã bắt được 250 “tàn quân của chế độ bù nhìn”, giết chết 35 người và kêu gọi 15 người đầu hàng, tịch thu 50 khẩu súng các loại cùng 5.000 viên đạn, lựu đạn và bốn bộ đàm ở huyện Chợ Mới.
Ông Nguyễn Long Thành Nam đã chép lại một bức thư của ông Đồng Quang Chi vượt biên đến Malaysia vào năm 1978 về cuộc chiến của những người Hòa Hảo ở miền Tây.
Trong thư, ông Quang Chi nói lực lượng của ông vào lúc ông vượt biên còn khoảng 150 người do các sĩ quan Quân đội PGHH tự tổ chức. “Từ ngày đất nước mất tới ngày em đi, chúng em bị tù đày và chết trên 300 người, chúng em thiếu thốn tiếp liệu như đạn, thuốc men, còn phần nhân lực chúng em rất thừa”.
Tờ Chicago Sun-Times nói rằng giới ngoại giao phương Tây cho biết vào năm 1981 có khoảng 35.000 thành viên PGHH chống chính quyền Việt Nam, nhiều người trong số họ được vũ trang.
Theo lời của các nhân chứng do Nguyễn Long Thành Nam thu thập thì cuộc chiến chống chính quyền mới của PGHH vẫn quyết liệt trong những năm 1980.
Vì tính chiến đấu cũng như mối thâm thù với Việt Cộng, tín đồ PGHH đã bị đàn áp tàn nhẫn nhất trong các tôn giáo ở miền Nam sau ngày 30/4/1975.
Vào tháng 7/1975, báo Sài Gòn Giải phóng đưa tin rằng chính quyền mới đã tổ chức cuộc tuần hành của 1.500 tín đồ PGHH nhằm kỷ niệm việc giải tán toàn bộ tổ chức của tôn giáo nay.
Theo Nguyễn Long Thành Nam, có khoảng hơn 3.000 ban trị sự của PGHH từ trung ương đến cấp ấp bị cấm hoạt động, khoảng hơn 1.000 cơ sở dạy học, hội họp của đạo đã bị chiếm đoạt. Nhiều cơ sở khác như Viện Đại học Hòa Hảo, Bệnh viện Nguyễn Trung Trực, Bảo An Đoàn, Đoàn Thanh niên, hội từ thiện cũng phải giải tán.
Trương Văn H, sinh viên của Đại học Cần Thơ trước khi vượt biên rồi định cư ở Mỹ nói với hãng tin Copley News Service rằng những người theo đạo Phật còn được đi chùa mỗi tháng một lần còn các tín đồ PGHH thì hoàn toàn không được thờ cúng.
Ở Cần Thơ, toàn bộ dân cư thành phố được chia thành các tổ, cứ 30 hộ sẽ bị một người cộng sản quản lý. Việc đi lại rất khó khăn, ai đó muốn đi ra khỏi tỉnh chỉ một vài cây số phải xin một giấy phép đặc biệt.
Kể từ đó đến năm 1999, PGHH chính thức bị xóa sổ, không được xem là một tôn giáo nữa, thay vào đó là các cuộc trừng phạt tín đồ của đạo này.
Tập san Đuốc Từ Bi của Phật giáo Hòa Hảo ở hải ngoại số đầu tiên tường thuật rằng các cán bộ của PGHH đều phải đi cải tạo.
Cán bộ cấp trung ương của PGHH phải cải tạo lâu hơn, ít nhất là hai năm, cấp xã thì mau hơn, và sau khi được thả về nhà vẫn bị canh chừng hay bị bắt trở lại trại. Nhiều người chống đối đã bị xử tử, như ông Nguyễn Thành Long, hội trưởng PGHH của quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ.
“Cộng sản đã buộc quý vị Trị sự viên Trung ương PGHH đi các tỉnh diễn thuyết ‘thú nhận tội lỗi và kêu gọi đồng bào hợp tác với cách mạng’, nhưng kết quả tâm lý không có chút nào (tháng 10/76). Người tín đồ PGHH hiểu rằng các vị này bị buộc phải đọc lên những gì cộng sản muốn họ phải đọc. Nói chung hàng nghìn cán bộ PGHH Dân Xã bị bắt bớ giam cầm. Số người đã chết trong ngục khá nhiều, ở hải ngoại chưa đủ tin tức về những cái chết thảm đó”, tập san số đầu tiên của PGHH ở hải ngoại tường thuật.
Năm 1977, lãnh đạo của một phái thiện chiến của PGHH là Lương Trọng Tường đã bị bắt. Đến năm 1979 thì ông được thả về nhà nhưng bị canh giữ nghiêm ngặt.
Theo RFA, vào tháng 9/1998, chính quyền đã xử tử hình một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tên là Võ Văn Bồi, 34 tuổi, vì hoạt động chống chính quyền cách mạng và đe dọa an ninh quốc gia.
Giống như số phận của Phật giáo ở miền Nam, PGHH không thể thoát khỏi lòng tham muốn kiểm soát tôn giáo của chính quyền.
Năm 1998, chính quyền đã trả lời ông Abdelfattah Amor, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, rằng Phật giáo Hòa Hảo là một trong sáu tôn giáo chính thức ở Việt Nam nhưng hiện không có tổ chức nào của PGHH cả.
Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Abdelfattah Amor cũng không được gặp bất cứ một đại diện nào của PGHH.
Ngay sau chuyến thăm của ông Abdelfattah Amor, chính quyền đã thành lập một ban vận động để tổ chức một đại hội cho PGHH.
Vào tháng 5/1999, một đại hội mà hầu hết người tham gia là quan chức của chính quyền đã bầu ra một ban đại diện cho PGHH gồm 11 thành viên.
Sau sự kiện này, Bob Harvey viết trên tờ Ottawa Citizen cho rằng chính quyền đã kiểm soát hiệu quả PGHH khi 11 thành viên của ban đại diện thì đã có 9 người là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi nhà nước lập ra Ban đại diện PGHH, hai giáo hội PGHH khác cũng ra đời là Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy và Giáo hội Phật giáo Truyền thống nhưng chưa bao giờ được nhà nước công nhận là tổ chức hợp pháp.
Người PGHH có ba ngày lễ lớn là ngày sinh Huỳnh Phú Sổ, ngày ông lập đạo và ngày ông mất tích. Tuy nhiên, chính quyền chỉ cho phép Ban đại diện PGHH tổ chức hai ngày lễ đầu còn ngày Huỳnh Phú Sổ mất tích thì chưa bao giờ được tổ chức sau năm 1975.
Đến nay, những tín đồ PGHH độc lập vẫn tổ chức đầy đủ cả ba ngày lễ này nhưng chỉ trong ngôi nhà đơn sơ của mình, vì vào những ngày này từ trong ngõ ra đến ngoài phố đầy ắp bóng dáng của công an.