Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Việc gọi tên virus và dịch bệnh là gì cũng lắm nhiêu khê và gây chia rẽ. Nên gọi tên tác nhân gây bệnh là “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc” hay “SARS-CoV-2”? Nên gọi tên dịch bệnh là “cúm Tàu” hay “COVID-19”?
Phe ủng hộ gọi tên “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc” và “cúm Tàu” có ba lập luận:
Phe phản đối gọi tên “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc” và “cúm Tàu” thì chỉ có một lập luận duy nhất: phân biệt chủng tộc. Theo đó, có hai hậu quả sau:
Cả hai phe đều có những lập luận rất vững chắc để bảo vệ quan điểm của mình. Từ góc quan sát của tôi, phe thứ nhất thường là người Việt Nam trong nước, phe thứ hai thường là người Việt Nam ở nước ngoài. Và đến đây, chúng ta có một vấn đề phải đặt ra: liệu chúng ta có đang cùng nói về một thứ?
Khi phe thứ hai phản đối gắn tên virus và dịch bệnh với Trung Quốc, thứ họ quan tâm là nạn phân biệt chủng tộc, vốn là một thứ “dịch bệnh văn hóa” thâm căn cố đế ở phương Tây, nhất là Mỹ, nơi họ sinh sống.
Là một cộng đồng thiểu số và đến sau, người Á Đông sống ở Mỹ từ lâu đã bị kỳ thị. Không chỉ riêng người Trung Quốc, mà người Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản đều là nạn nhân của nạn phân biệt đối xử nặng nề. Và không chỉ người Mỹ da trắng kỳ thị họ, mà người Mỹ da đen cũng kỳ thị họ. (Dĩ nhiên tôi không nói tất cả, không có gì trên đời là tuyệt đối.)
Và một nét văn hóa chính trị ở Mỹ mà tôi nghĩ là phần lớn người Việt Nam trong nước không biết, đó là bất kể quốc tịch, nguồn gốc của một người là gì, hễ là người tóc đen da vàng thì đều bị/được người Mỹ da trắng, da đen gộp chung vào một nhóm: Trung Quốc. Nếu người Trung Quốc bị kỳ thị, tất cả người Á Đông ở Mỹ đều bị kỳ thị theo.
Giờ đây, khi một dịch bệnh được gắn với Trung Quốc, dĩ nhiên không chỉ người Trung Quốc mà người Á Đông ở Mỹ đều đứng trước nguy cơ bị xa lánh, chửi bới, tấn công. Đó là lý do tại sao một bộ phận người dân và báo chí Mỹ phản ứng dữ dội đến vậy với việc Tổng thống Donald Trump gọi SARS-CoV-2 là “Chinese virus” (virus Trung Quốc). Ngay cả đài FoxNews, vốn rất thân với Tổng thống Trump, cũng dùng tên “coronavirus” và “COVID-19” chứ không phải “Chinese virus” hay “Wuhan virus” trong các bản tin của mình, mặc dù các bình luận gia của đài này không phản đối cách gọi của ông Trump. Trên thực tế, hàng loạt các vụ tấn công người gốc Á Đông đã diễn ra trong thời gian qua, hiện tượng kỳ thị người Á Đông cũng tăng mạnh.
Phe thứ nhất, vốn hầu hết là người Việt Nam trong nước, không biết hoặc không hiểu rõ bối cảnh chính trị này của Mỹ và dường như không cảm thông với lý do mà người Việt Nam ở Mỹ phản đối cách gọi “cúm Tàu”, “virus Vũ Hán”. Bởi đơn giản, người trong nước không phải chịu rủi ro bị kỳ thị như người ở Mỹ. Khi mối đe dọa ở ngay trước mắt bạn thì bạn mới sợ.
Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng đã trải qua những bài học đau đớn về kỳ thị một cộng đồng nào đó. Nhờ tự do ngôn luận mà những bài học đó được mổ xẻ và giúp người dân thay đổi nhận thức (điều này rất khác với Việt Nam).
Chẳng hạn, khi dịch HIV-AIDS mới bắt đầu bùng phát năm 1981 ở California, người Mỹ chưa gọi nó là AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch), mà gọi là “gay cancer” (ung thư gay), hay “Gay-Related Immune Deficiency” (hội chứng suy giảm miễn dịch liên quan đến gay). Lý do là những ca bệnh đầu tiên được phát hiện là từ cộng đồng gay. Cộng đồng này, vốn đã chịu cái nhìn kỳ thị của xã hội còn nhiều định kiến cực kỳ nặng nề khi đó, lại chịu thêm một định kiến tày trời nữa: họ là nguồn lây nhiễm một căn bệnh chết người, vô phương cứu chữa. Khỏi cần nói họ đã sống khó khăn như thế nào cho đến khi những định kiến đó dần dần được gỡ bỏ.
Phe thứ nhất, theo quan sát của tôi, dường như không thừa nhận hoặc không coi trọng những hậu quả trực tiếp lẫn gián tiếp của việc gán Trung Quốc cho tên virus và dịch bệnh này gây ra cho những đồng bào mình ở Mỹ, người Hoa ở Việt Nam, và rộng hơn là cho người Á Đông thiểu số sinh sống rải rác khắp thế giới.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, nhóm thứ hai cũng không thừa nhận đúng mức các lập luận của nhóm thứ nhất.
Thực tế là những ai gọi tên “virus Vũ Hán” hay “cúm Tàu” dường như không có ý kỳ thị người Trung Quốc thật, lại càng không có ý kỳ thị người Hoa ở Việt Nam. Điều này cũng giống như không ai kỳ thị người Nhật vì dịch “viêm não Nhật Bản”.
Và nếu có kỳ thị, người ta sẽ kỳ thị người bệnh, hoặc người có khả năng mang bệnh, chứ không kỳ thị riêng người Trung Quốc. Điều dễ thấy là thời gian qua, người Việt Nam chủ động xa lánh tất cả những ai có khả năng lây bệnh: người Trung Quốc, người Hàn, người Nhật, người châu Âu, thậm chí người Vĩnh Phúc, Việt kiều về nước, v.v.
Bên cạnh đó, xét từ khía cạnh người dân, ở Việt Nam dường như cũng không có hiện tượng kỳ thị người Hoa và gán người Hoa với Trung Quốc. Hoặc ít nhất là khi người ta nói “virus Vũ Hán” hay “cúm Tàu”, họ không có ý nhắm đến cộng đồng người Hoa ở bất kỳ đâu. Còn việc Đảng Cộng sản Việt Nam gây khó dễ, thậm chí từng đàn áp người Hoa thì lại là chuyện khác.
Cái tên virus hay tên bệnh không làm cho người Việt Nam trong nước kỳ thị người Hoa hơn (nếu có kỳ thị), cũng không làm thay đổi thực tế là người kỳ thị thì kỳ thị bất kỳ ai có khả năng lây bệnh, chứ không riêng gì người Trung Quốc.
Một vấn đề nữa là nhóm thứ nhất nhắm đến chính quyền Trung Quốc chứ không phải người dân Trung Quốc. Thực tế cho thấy dư luận Việt Nam đã cảm thương và căm phẫn trước cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng như thế nào, và đồng cảm với nỗi đau của người Trung Quốc ra sao.
Bên cạnh đó, nhóm thứ nhất cũng có một lý do hết sức chính đáng để gắn Trung Quốc với dịch bệnh này, đó là ngăn chặn khả năng chính quyền Trung Quốc đổi trắng thay đen, phủ nhận trách nhiệm của mình với thế giới và với ngay cả chính công dân của họ. Dù đồng ý với nhóm này không, ta cũng rất nên thừa nhận lý do này có tính hợp lý của nó.
Vì những lý do trên, mang yếu tố “phân biệt chủng tộc” ra để phản bác người Việt Nam trong nước thì quả thực chưa cân nhắc đầy đủ đến các yếu tố văn hóa chính trị trong nước.
***
Như thế, chúng ta thấy rằng, dù quan điểm đối nghịch nhau, cả hai phe đều có một điểm chung: không đặt mình vào không gian văn hóa chính trị của phe đối lập để hiểu và cảm thông.
Với hai không gian khác nhau (Mỹ và Việt Nam), những lập luận sẽ có giá trị khác nhau. Hay nói cách khác, hai phe đang không cùng nói về một thứ.
Theo quan sát của tôi, thứ mà người Việt Nam ở Mỹ nói đến là “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc” (racism), còn thứ mà người Việt Nam trong nước nói đến là “chủ nghĩa quốc gia/dân tộc” (nationalism). Người ở Mỹ đang lo ngại vấn đề kỳ thị người châu Á, còn người ở Việt Nam lo ngại mối đe dọa của chính quyền Trung Quốc.
Cái thứ gọi là “phân biệt chủng tộc” mà người Việt Nam ở Mỹ nói không phải là khái niệm “phân biệt chủng tộc” mà người Việt Nam trong nước hiểu. Cái rủi ro mà người Việt Nam ở Mỹ chịu cũng không phải là cái rủi ro mà người Việt Nam trong nước phải chịu.
Với hai bối cảnh khác nhau sâu sắc đến thế, muốn có một cuộc tranh luận lành mạnh và ý nghĩa, việc đầu tiên ta cần làm là thông hiểu cho lý do tại sao mỗi phe lại lựa chọn quan điểm như vậy. Khăng khăng rằng chỉ có mình mới đúng, theo tôi, là một cách tiếp cận không phù hợp.
Sau cùng, không có lập luận nào có thể thỏa mãn được mọi người, hay có thể hợp lý với mọi không gian văn hóa chính trị. Thứ sau cùng ta phải lựa chọn là giữa những giải pháp không trọn vẹn, ta ưu tiên cái gì.
Mục đích của phe thứ nhất là quy trách nhiệm làm bùng phát dịch COVID-19 cho Trung Quốc, còn phương tiện của họ là gắn bằng được Trung Quốc với tên virus, tên dịch bệnh. Phương tiện này, vô hình trung, lại đẩy người Á Đông ở Mỹ và phương Tây, và rất có thể là cả người Hoa ở Việt Nam, vào thế bị kỳ thị sâu sắc hơn.
Bạn lựa chọn gì trong tình thế đó?
Tôi cũng có lựa chọn của riêng mình, nhưng ở bài viết này, xin dừng ở đây.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.