Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
WC ở đây không phải là khu vực mà mỗi người đều có hoạt động tham dự hàng ngày, dù rằng sự tồn tại của nó là cực kỳ quan trọng.
Trong bài viết này, WC là chữ cái đầu của hai liều thuốc tinh thần mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng để không rơi vào cảnh hoảng loạn. Nó đặc biệt hữu hiệu khi xã hội đối diện với biến động lớn như thiên tai hay đại dịch.
Nếu từng xem nhiều phim Mỹ, bạn sẽ không xa lạ với câu thoại quen thuộc:
“Hy vọng vào điều tốt nhất, nhưng luôn chuẩn bị cho thứ tệ nhất có thể xảy ra.”
(Hope for the best, and prepare for the worst)
Chuẩn bị cho tình huống tệ nhất là một nội dung bắt buộc trong Quản trị Rủi ro (Risk Management). Theo đó, các nhà lập kế hoạch phải nghĩ đến trường hợp tồi tệ nhất, đặc biệt là khi có tác động lớn từ bên ngoài như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh… Với những trường hợp tệ nhất đó, họ phải dự tính các hậu quả có thể xảy ra, cách thức để đối phó và các nguồn lực tương ứng có thể huy động.
Kịch bản cho tình huống tệ nhất càng chi tiết, người ta càng chủ động đối phó, thiệt hại khi sự kiện bất thường xảy ra càng được giảm thiểu.
Những nhà lãnh đạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong các tình huống dự phòng kịch bản tệ nhất. Không phải vì họ có năng lực siêu phàm gì so với người thường (như một số lãnh đạo tự nhận và nhiều người vẫn luôn tin sái cổ). Đơn giản vì đó là những người được đặt vào vị trí có khả năng ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Nếu lãnh đạo có nhận thức đầy đủ về nguy cơ, biết cảnh báo sớm cho dân, lên kế hoạch chuẩn bị cần thiết, mọi sự hoảng loạn sẽ được kiểm soát tốt.
Tại Singapore, thời gian đầu khi nước này bùng phát dịch, Thủ tướng Lý Hiển Long đã phát biểu chia sẻ với quốc dân về dự báo tình huống tệ nhất từ các chuyên gia. Ông nói trước với người dân, nếu dịch bệnh vượt tầm kiểm soát, chúng ta sẽ phải thay đổi cách đối phó. Thay vì cách ly tất cả các ca nhiễm bệnh, nguồn lực sẽ chỉ được tập trung cho những đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất (trẻ em, người lớn tuổi, người có tiền sử bệnh). Mọi người sẽ phải học cách sống chung với con virus mới, như những con virus chủng corona khác trước giờ.
Cảnh báo sớm của Thủ tướng Lý có thể không khiến người dân bớt sợ con virus gây chết người, nhưng chắc chắn giúp họ bớt hoảng loạn và có tâm lý chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất.
Việc dự tính cho kịch bản tệ nhất này không phải là đặc quyền của chuyên gia hay của lãnh đạo nào.
Nó là việc mà mỗi người đều có thể làm, và nên làm thường xuyên.
Khi các ca lây nhiễm mới được công bố vài ngày qua, rất nhiều người Việt Nam đã có tâm lý hoảng loạn.
Sự hoảng loạn này khiến nhiều người trút cơn thịnh nộ vào “bệnh nhân số 17”. Họ tin rằng nếu không có sự xuất hiện của số 17 oan nghiệt này, Việt Nam sẽ vẫn bình an vô sự. Họ than trách, nếu không có số 17, chỉ cần cố thêm “bốn ngày nữa thôi, Việt Nam sẽ đủ điều kiện công bố hết dịch”, cứ như rằng công bố hết dịch xong thì con virus sẽ ngoan ngoãn nghe lời mà không dám bén mảng nữa!
Đó là thứ niềm tin kỳ lạ của những người sống mãi trong cái bong bóng màu hồng.
Sự thật là, một khi đại dịch đã lan ra khắp thế giới, trừ phi Việt Nam đóng cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài, sớm hay muộn chắc chắn các ca bệnh mới sẽ xuất hiện.
Bức tranh siêu thực màu hồng này có một phần rất lớn được chính quyền và truyền thông một chiều của nhà nước tô vẽ nên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi phát biểu trước báo giới vào ngày 27/2/2020 đã đề cập đến phương án cấp độ 5 với “30.000 người nhiễm virus”, nhưng lại nhắc nhở báo chí không được tuyên truyền, chỉ cho lưu hành nội bộ, sợ nhân dân “hiểu lầm” (!).
Mãi đến ngày 4/3/2020, sau khi nội dung phát biểu của ông Đam đã lan truyền khắp nơi, truyền thông nhà nước mới đề cập qua loa về phương án này.
Nếu ngay từ đầu, người dân được cảnh báo về tình huống tệ nhất có 30.000 người bị lây nhiễm, họ đã không bất ngờ về sự xuất hiện của ca bệnh thứ 17, 70, 700 hay thậm chí là 7.000.
Ngay cả tình huống cấp độ 5 của chính quyền vạch ra cũng chưa phải là tệ nhất. Dự báo của một số chuyên gia là đại dịch COVID-19 có thể lây nhiễm đến 60% dân số toàn cầu. Bạn có thể tự nhẩm tính 60% dân số Việt Nam là bao nhiêu.
Không bất ngờ, sẽ không hoảng loạn. Không hoảng loạn, sẽ không có nhu cầu phải biến ai thành vật tế thần. Thay vào đó, mọi người sẽ tập trung chủ động chuẩn bị cho khả năng xấu nhất.
Chuẩn bị cho kịch bản tệ nhất không phải là bài tập chỉ dành cho những lúc có thiên tai đại dịch. Nó nên là bài tập về nhà định kỳ.
Trước khi kết hôn, bạn đã nghĩ về hậu quả tệ nhất có thể xảy ra? Là ly hôn, hay bạn phát hiện mình bị lừa, hoặc người đó gây họa buộc bạn phải nai lưng ra gánh thay, hay bạn đời không may gặp nạn qua đời…?
Trước khi đầu tư cho một phi vụ làm ăn, bạn có dự tính trước tình huống phá sản, đổ nợ, gia đình người thân quay lưng với mình, thậm chí là rơi vào cảnh tù tội?
Hoặc trước khi đi xa, bạn có nghĩ đến tình huống mình gặp tai nạn chết đi? Bạn đã chuẩn bị gì cho chuyện hậu sự của mình?
Hay như trong đợt dịch lần này, bạn đã nghĩ tới tình huống mình nhiễm bệnh phải cách ly? Bạn đã chuẩn bị gì cho nó? Sắp xếp thế nào cho người nhà? Cho công việc? Chuẩn bị sẵn được bao nhiêu cuốn sách để mang theo đọc?
Nếu chưa có thói quen nghĩ về những chuyện xấu, bạn có thể bớt thời gian cho một buổi cà phê tán dóc, thay vào đó đi thăm bệnh viện, tốt nhất là khoa cấp cứu, hoặc đi thăm nghĩa trang, định kỳ một hai tháng một lần.
Tất nhiên bạn không thể lúc nào cũng nghĩ về tình huống tệ nhất, vì như vậy sẽ khiến đầu óc tê liệt không thể làm được gì khác. Nhưng bạn cần phải biết là nó luôn tồn tại.
Cũng như không ai dọn ra sống ở nghĩa trang hay trong bệnh viện, nhưng chúng ta cần ghi nhớ là những nơi đó có tồn tại.
Mấu chốt ở đây, như mọi thứ trên đời, là phải cân bằng.
Checklist là một công cụ quản lý quen thuộc. Về cơ bản, nó là danh sách các hạng mục, nhiệm vụ, sự kiện, vật tư, con người… cần kiểm tra, thực hiện hay chuẩn bị.
Nếu làm việc ở các nhà máy, bạn chắc chắn quen thuộc với checklist gắn ở mỗi thiết bị, trong đó đánh dấu những nội dung cần kiểm tra định kỳ để đảm bảo máy móc hoạt động ổn định. Trong bệnh viện, bạn sẽ thấy checklist gắn ở mỗi giường bệnh với những hạng mục đo đạc sức khỏe của người bệnh cần theo dõi. Hoặc trong nhà vệ sinh ở các trung tâm thương mại, bạn cũng có thể thấy checklist được dán ở đó để nhân viên quản lý theo dõi công tác chăm sóc bảo trì.
Tác dụng quan trọng nhất của checklist là để chống quên.
Não người bình thường không có khả năng ghi nhớ nhiều hạng mục chi tiết. Trong trường hợp các mục đó đều quan trọng, người ta bắt buộc phải liệt kê ra theo danh sách để kiểm đếm từng cái một. Nếu bỏ sót sẽ có thể khiến máy móc bị sự cố, bệnh nhân gặp nguy hiểm, hay nhà vệ sinh ngưng hoạt động.
Checklist không chỉ hiệu quả trong quản lý công việc. Nó còn là công cụ tuyệt vời để quản lý cuộc đời.
Bạn đã bao giờ thức dậy và tự kiểm đếm xem trên cơ thể mình, thứ gì còn hoạt động tốt? Mắt còn nhìn thấy, tai còn nghe rõ, mũi vẫn còn thông, răng còn nhai tốt, cổ còn xoay ngon, các ngón tay ngón chân chưa thiếu cái nào, bàn tay vẫn còn cầm nắm được, chân vẫn còn bước đi bước lại bình thường, thậm chí chạy nhảy ngon lành…
Trừ phi vừa phục hồi sau cơn bệnh, khả năng cao là bạn chưa bao giờ làm điều trên.
Người ta thường nói, người khỏe mạnh mơ ước đủ thứ trên đời, còn người bệnh chỉ có một ước mơ duy nhất: được khỏe mạnh.
Đó không phải là chuyện khó hiểu, vì bộ não được vận hành theo cách khiến chúng ta quên đi sự tồn tại của những thứ “bình thường”.
Bước vào một căn phòng ngập tràn mùi sầu riêng, lập tức bạn sẽ nhăn mũi khó chịu (hoặc chảy nước miếng sung sướng, nếu bạn là fan của món đó). Nhưng chỉ cần ở trong phòng chừng chục phút, bạn sẽ quên đi sự tồn tại của cái mùi đặc biệt này. Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ não đã nhận định rằng thứ mùi đó là bình thường, không thay đổi, nên không cần dành tài nguyên để chú ý đến nó nữa. Bạn sẽ chỉ nhận ra sự tồn tại của mùi đó nếu ra khỏi phòng, đi đi lại lại hít đầy một bụng không khí bên ngoài, và rồi bước trở vào.
Không lạ gì khi với những thứ đã gắn bó hàng chục năm trời, bộ não của chúng ta cũng xếp nó vào dạng bình thường không cần để tâm.
Nhưng chính những thứ bình thường đó lại cực kỳ quan trọng đối với cuộc đời của mỗi người.
Mỗi sáng thức dậy bạn có thể dành ra năm phút kiểm đếm những thứ quan trọng đối với bản thân. Bắt đầu từ cơ thể, xem mắt mũi tay chân có còn hoạt động tốt, hít vào thở ra có được nhẹ nhàng thoải mái, tay chân vận động có bị đau đớn… sau đó nghĩ đến từng người thân của mình, xem họ có đang an toàn khỏe mạnh, nghĩ tiếp về căn phòng mình đang nằm, xem có bị dột nát đổ sập, rồi công việc đang làm, không khí đang thở, nước đang uống…
Trong những hoàn cảnh như dịch bệnh, checklist này lại càng cần thiết. Bạn có thể dùng nó để tự nhắc nhở mình mỗi ngày, rằng dù tình hình đang diễn biến tệ đi, công việc gặp ảnh hưởng, cuộc sống bị xáo trộn, nhưng bản thân vẫn khỏe mạnh, những người thân vẫn an toàn, thực phẩm nước uống vẫn có đủ… Ngay cả khi có mắc bệnh, bạn cũng có thể tự nhắc rằng mình vẫn còn tỉnh táo, đang được chữa trị, có người thân lo lắng chăm sóc…
Checklist này gồm những gì, dài hay ngắn, là do mỗi người.
Kết hợp với việc ghi nhớ kịch bản tồi tệ nhất, việc tập thói quen kiểm kê thường xuyên danh sách những thứ quan trọng của cuộc đời giúp chúng ta bình tâm trước các biến cố.
Ngay cả khi kiểm kê phát hiện ra một vài thứ nào đó có vấn đề, chúng ta vẫn nhận ra mình còn rất may mắn khi giữ lại được nhiều thứ khác.
Trong trường hợp tệ nhất, khi cái danh sách càng lúc càng ít thứ có thể “check”, nghĩa là mọi chuyện đang diễn tiến theo kịch bản W (tệ nhất), thì ta cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho nó ngay từ đầu.
***
Tất nhiên, mọi thứ đều phải cân bằng.
Ám ảnh về tình huống tệ nhất để rồi không biết làm gì cũng ngớ ngẩn như việc tự mãn với những gì mình đang có để rồi không cần làm gìkhác.
WC là phương thuốc miễn phí để chữa các chứng hoảng loạn, nhưng pha chế thế nào là chuyện riêng của bạn.
Rốt cuộc thì, chỉ có bạn, không ai khác, mới là người chịu trách nhiệm cho cuộc đời của chính mình.