Kể từ tháng Ba năm 2020, nhiều cá nhân, các nhóm hoạt động và các công ty luật lớn của Hoa Kỳ đã rục rịch chuẩn bị cho động thái khởi kiện chính quyền Trung Quốc vì những thiệt hại mà coronavirus gây ra. Hai đơn khởi kiện gây chú ý nhất hiện nay có thể đến từ bang Florida (nộp lên tòa tiểu bang ngày 12/3) và bang Nevada (nộp lên tòa tiểu bang ngày 23/3).
Người bị kiện được liệt kê, bao gồm Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hội đồng Sức khỏe Trung ương Trung Quốc, Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc, Bộ Dân vụ Trung Quốc, Chính quyền Nhân dân tỉnh Hồ Bắc và cả Chính quyền Nhân dân thành phố Vũ Hán. Theo đó, họ đề nghị tòa liên bang Mỹ công nhận một vụ kiện tập thể toàn quốc (class-action suit) đại diện cho tất cả các cá nhân, pháp nhân Hoa Kỳ đã phải chịu tổn thất về nhân mạng, sức khỏe, tài sản gắn liền với sự bùng nổ của đại dịch COVID-19.
Ngày 3/4, dân biểu Lance Gooden thuộc Hạ viện Hoa Kỳ đã giới thiệu một dự thảo luật cho phép sửa đổi Đạo luật Quyền miễn trừ Quốc gia (Foreign Sovereign Immunities Act – FSIA), từ đó mở cánh cửa khởi kiện chính phủ Trung Quốc vì coronavirus. Cụ thể, dự thảo đề nghị thêm vào FSIA đoạn:
“Các chính phủ nước ngoài sẽ không được hưởng quyền miễn trừ trước tòa án Hoa Kỳ nếu có đủ căn cứ chứng minh rằng chính phủ đó, cố tính hay vô ý, phát tán vũ khí sinh học vào Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.”
Như vậy, nếu muốn khởi kiện chính phủ Trung Quốc trong trường hợp này, dự thảo yêu cầu phải chứng minh được coronavirus là một loại vũ khí sinh học do Trung Quốc nghiên cứu sản xuất.
Mới đây, ngay cả tiểu bang Missouri cũng đã nộp đơn khởi kiện Trung Quốc lên tòa án liên bang.
Những tin tức về các vụ kiện liên hồi được đưa tin tại Việt Nam như “ngày phán xét” dành cho Trung Quốc và Đảng Cộng sản nước này.
Nếu bạn đang muốn lên án Trung Quốc về cách mà họ đối phó với virus viêm phổi Vũ Hán, cá nhân người viết ủng hộ bạn cả hai tay, hai chân. Bản thân người viết cổ vũ việc sử dụng thành tố “Vũ Hán” trong tên gọi của đại dịch nhằm nhắc nhở chúng ta về các chiến dịch đổi trắng thay đen mà chính quyền Trung Quốc đã và đang thực hiện. Chính quyền này cho đến nay vẫn chọn con đường chối bỏ, hạn chế thông tin, đàn áp những người lên tiếng trong nước. Họ chắc chắn phải chịu một phần trách nhiệm chính trị rất lớn trong tình trạng của đại dịch hiện nay.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn tin rằng pháp luật quốc tế (lẫn quốc nội) cho phép người dân thế giới khởi kiện đòi bồi thường từ Trung Quốc, dưới đây là vài vấn đề để bạn tham khảo.
Bản chất vụ kiện
Trước khi bước vào phân tích vấn đề, cần thống nhất một số yếu tố căn bản về các vụ kiện như sau.
Chủ thể khởi kiện là cá nhân, tổ chức có quốc tịch của một quốc gia khác.
Chủ thể bị kiện là chính phủ Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cơ quan ban ngành.
Tòa thụ lý là tòa án quốc nội Hoa Kỳ (hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, ngoài Trung Quốc).
Đơn khởi kiện có yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Căn cứ pháp lý chưa được làm rõ.
Như vậy, có thể thấy đây là một vụ kiện dân sự nhằm đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhắm đến chính phủ của một quốc gia có chủ quyền và sử dụng thẩm quyền của tòa án quốc nội.
Trở ngại thứ nhất:
Quyền miễn trừ tài phán và tài sản quốc gia
Chướng ngại đầu tiên và rõ ràng nhất để phủ nhận khả năng kiện đòi bồi thường chính phủ Trung Quốc vì coronavirus chính là đặc quyền miễn trừ tài phán và tài sản của các quốc gia có chủ quyền.
Để hiểu rõ về quyền miễn trừ này, bạn có thể tham khảo nội dung của Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Miễn trừ Tài phán và Miễn trừ Tài sản Quốc gia (United Nations Convention on Jurisdictional Immunities of States and Their Property). Theo đó, Điều 5 ghi nhận rằng một quốc gia có chủ quyền có đặc quyền miễn trừ khỏi thẩm quyền xét xử của bất kỳ tòa án quốc nội nào trên lãnh thổ của một quốc gia khác.
Một công ty Việt Nam không kéo chính phủ Trung Quốc ra tòa Hà Nội để “giải quyết tranh chấp”.
Một công dân Trung Quốc không thể yêu cầu tòa Bắc Kinh thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản của chính phủ Mỹ trên đất Trung Quốc.
Đây là ý nghĩa quan trọng nhất của quyền miễn trừ tài phán và tài sản trong công pháp quốc tế.
Những quyền trên là đặc quyền đương nhiên của các quốc gia. Tuy nhiên, một quốc gia vẫn có thể từ bỏ quyền của mình một cách minh thị để chịu sự điều chỉnh tài phán chung với các cá nhân, tổ chức có quốc tịch nước ngoài.
Ví dụ, Công ty Rusoro Mining của Canada đã khởi kiện Venezuela khi họ cho rằng chính phủ quốc gia này đã vi phạm các nguyên tắc bảo hộ đầu tư trong Hiệp định Hợp tác Đầu tư Song phương Canada – Venezuela (Bilateral Investment Treaty – BIT). Rusoro có thể làm điều đó bởi vì trong chính Hiệp định Hợp tác Đầu tư, Venezuela đã chủ động từ bỏ quyền miễn trừ tài phán của mình.
Cũng cần lưu ý rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Miễn trừ Tài phán và Miễn trừ Tài sản Quốc gia cho đến nay vẫn chưa có hiệu lực pháp lý vì không đủ số lượng quốc gia ký kết. Song nguyên tắc miễn trừ tài phán thì từ lâu được hầu hết các quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc thừa nhận.
Tài liệu số A/CN.4/343 của Liên Hiệp Quốc về tình hình pháp luật liên quan đến quyền miễn trừ tài phán và tài sản tại các quốc gia, cho thấy hầu hết các thành viên đều khẳng định hệ thống pháp luật nội địa của mình có sẵn khung pháp lý để bảo vệ quyền miễn trừ quan trọng này. Nhóm các quốc gia báo cáo có cả Hoa Kỳ.
Như vậy, quyền miễn trừ tài phán và tài sản dành cho chính phủ các quốc gia có thể xem là một tập quán pháp quốc tế và có hiệu lực đối với mọi quốc gia trên thế giới.
Đạo luật Quyền miễn trừ Quốc gia của nhà nước liên bang Hoa Kỳ mà chúng ta có dịp nhắc đến ngắn gọn phía trên là một minh chứng cho nghĩa vụ tôn trọng pháp luật quốc tế của Hoa Kỳ. Việc sử dụng tòa án quốc nội để kiện đòi bồi thường thiệt hại dân sự từ phía chính phủ một quốc gia khác, vì vậy, là chưa phù hợp với pháp luật quốc tế.
Trở ngại thứ hai:
Không thể áp dụng thuyết “Miễn trừ tương đối”
Một điểm thú vị khác về quyền miễn trừ là chúng ta có hai học thuyết giải thích nó.
Đầu tiên là học thuyết miễn trừ tuyệt đối (absolute theory of state immunity), cho rằng mọi hoạt động có dính dáng đến chính quyền một quốc gia đều có thể hưởng quyền miễn trừ. Song thuyết này đã mất đi tính hấp dẫn của nó, đặc biệt là sau Đệ nhị Thế chiến, khi nhà nước theo mô hình Marxist xóa mờ lằn ranh giữa “kinh tế tư nhân” và thẩm quyền nhà nước.
Trong bối cảnh các “quả đấm thép kinh tế nhà nước” của các quốc gia xã hội chủ nghĩa tung hoành ngang dọc thế giới, quyền miễn trừ trở thành một lợi thế cạnh tranh không công bằng giữa công ty nhà nước và công ty tư nhân. Lúc nảy sinh tranh chấp, những công ty nhà nước có thể lạm dụng quyền miễn trừ để trốn tránh trách nhiệm tài chính hay trách nhiệm thực hiện hợp đồng của mình.
Vì vậy, học thuyết miễn trừ tương đối (hay miễn trừ hạn chế – restrictive theory of state immunity) ra đời. Theo đó, quyền miễn trừ chỉ được áp dụng khi các hành vi của chính phủ một quốc gia mang bản chất công (như ban hành một đạo luật, thực hiện quyền uy hành chính nhà nước…). Nếu hành vi được thực hiện mang bản chất tư như mua bán, trao đổi kinh tế thông thường, quyền miễn trừ tài phán và tài sản sẽ không được áp dụng.
Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia trên thế giới ngày nay đều đi theo học thuyết miễn trừ tương đối. Trên cơ sở này, một số học giả cho rằng vẫn còn có khả năng khởi kiện chính quyền Trung Quốc.
Thực tế thì với Điều 1605 của FSIA, chính phủ Hoa Kỳ dành một số ngoại lệ cho quyền miễn trừ nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của các chủ thể tư. Chúng bao gồm:
- Hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ Hoa Kỳ, hoặc gây ra có tác động trực tiếp lên hoạt động thương mại trên lãnh thổ Hoa Kỳ
- Tài sản tranh chấp là bất động sản được thừa kế, cho tặng… nằm trên lãnh thổ Hoa Kỳ
- Thiệt hại vật chất liên quan đến thương tật và nhân mạng là kết quả của hành vi tra tấn, giết hại không xét xử, phá hoại tàu bay, bắt cóc con tin, hoặc những hoạt động hỗ trợ việc thực hiện các hành vi nói trên. Điều kiện là nước bị khởi kiện đã được xác định là quốc gia tài trợ khủng bố (state sponsor of terrorism).
- Và một số ngoại lệ khác.
Tòa án Hoa Kỳ đã từng chấp thuận đơn khởi kiện của các gia đình nạn nhân trong thảm họa ngày 11/9 đối với chính phủ Saudi Arabia dựa trên ngoại lệ cuối cùng chúng ta vừa nhắc đến (hiện kết quả vẫn chưa ngã ngũ). Tuy nhiên, cựu tổng thống Barack Obama đã nhiều lần phản đối quyết định này bởi nó vi phạm nguyên tắc miễn trừ tài phán trong pháp luật quốc tế.
Đối với trường hợp viêm phổi Vũ Hán, dù hành vi của chính quyền Trung Quốc là không minh bạch với nhiều sai phạm khá rõ ràng, chúng vẫn là các hành vi quản trị nhà nước bên trong lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Khó có thể xếp chúng vào nhóm hành vi thương mại hay hành vi ủng hộ – hỗ trợ hoạt động khủng bố để được coi là ngoại lệ của thuyết miễn trừ tương đối.
Trở ngại thứ ba:
Khó có thể kiện Đảng Cộng sản Trung Quốc
Hiện cũng có một số quan điểm cho rằng có thể kiện Đảng Cộng sản Trung Quốc thay vì chính phủ Trung Quốc, và vì vậy có thể lách được quyền miễn trừ dành cho quốc gia.
Lập luận này nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng vẫn không phù hợp với thực tiễn chính trị của các quốc gia.
Trước tiên, ngay cả khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đằng sau tất cả những quyết định chính sách liên quan đến coronavirus tại Vũ Hán, họ không tự mình thực hiện nó. Các quyết định thực tế gây ảnh hưởng lên đời sống của người dân Trung Quốc đều phải qua các công cụ nhà nước của chính quyền Bắc Kinh bao gồm công an, cơ quan y tế, cơ quan tư pháp…
Để so sánh một cách đơn giản, bạn nghĩ rằng mình có thể kiện Đảng Dân chủ Hoa Kỳ vì Tổng thống Barack Obama ra quyết định tấn công Lybia hồi năm 2011?
Câu trả lời chắc chắn là không, bởi vì Obama không thực hiện thẩm quyền của mình với tư cách là một đảng viên Dân chủ. Hành vi và quyết định của họ chỉ có quyền lực hành pháp bởi vì đó là hành vi của Tổng thống Hoa Kỳ, người đứng đầu nhà nước liên bang.
Tương tự như vậy, các quyết định dẫn đến đại dịch COVID-19 là hệ quả của việc nhà nước hóa các hành vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thêm vào đó, tại các quốc gia toàn trị nơi một chính đảng nắm độc quyền quyền lực nhà nước, các luật gia quốc tế cũng chấp nhận luận điểm rằng nhà nước có thể chịu trách nhiệm cho hành vi của đảng cầm quyền (attribution of state conducts). Điều này được ghi nhận trong quyển The Law of International Responsibility, do các chuyên gia luật quốc tế hàng đầu James Crawford (hiện đang là Thẩm phán Tòa án Công lý Quốc tế), Alain Pellet, Simon Olleson chủ biên.
Bạn còn nhớ chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thẳng Nhà Trắng, Hoa Kỳ hồi năm 2015? Vì sao một nguyên thủ quốc gia lại gặp chính thức người đứng đầu của một đảng phái? Đây chính là biểu hiện của việc thừa nhận sự kết nối không thể tách rời giữa chính đảng cầm quyền và nhà nước.
Trở ngại thứ tư:
Khó phân định trách nhiệm bồi thường
Giới học thuật quốc tế hiện nay thường nhắc đến tài liệu có tên gọi “Trách nhiệm quốc gia về những hành vi vi phạm pháp luật quốc tế” (Article on Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts – ARSIWA), do Ủy ban Pháp luật Quốc tế (International Law Commission) soạn thảo. Văn bản này không có hiệu lực pháp lý bắt buộc đối với các quốc gia. Tuy nhiên, nó vẫn thường được viện dẫn như là một xu thế pháp luật quốc tế đang trong quá trình pháp điển hóa.
Bàn về các vấn đề như phân bổ “hành vi nhà nước” cho các loại cơ quan, xác định trách nhiệm nhà nước và cấu thành của hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, văn bản này có Điều 2 ghi nhận về hai yếu tố để xác định một hành vi nhà nước là sai phạm quốc tế: (1) hành vi có thể được xác định là một hoạt động nhà nước; và (2) hành vi đó vi phạm nguyên tắc pháp luật quốc tế mà quốc gia chịu điều chỉnh.
Trong trường hợp của Trung Quốc, có thể thấy họ là thành viên ký kết Bộ Quy tắc Sức khỏe Quốc tế (International Health Regulation – IHR), vốn có hiệu lực áp dụng bắt buộc. Theo Bộ quy tắc, quốc gia phát hiện ra các chủng bệnh mới phải thông báo ngay lập tức, kịp thời và trung thực cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình trạng của chủng bệnh truyền nhiễm, đi kèm theo đó là các biện pháp phù hợp để kiểm soát dịch bệnh.
Như vậy, nếu nhìn thẳng vào sự thật tại Trung Quốc và nghĩa vụ được ghi nhận bởi IHR, lập luận cho rằng chính phủ Trung Quốc đã có hành vi vi phạm pháp luật quốc tế là hoàn toàn khả dĩ.
Tuy nhiên, Bộ quy tắc sức khỏe không có ghi nhận cụ thể về trách nhiệm của quốc gia vi phạm. Và các quốc gia thành viên của Bộ quy tắc cũng không tuyên bố từ bỏ quyền miễn trừ tài phán của mình, vấn đề mà chúng ta đã bàn ở chướng ngại đầu tiên.
Thêm vào đó, ngay cả khi chúng ta muốn dựa vào ARSIWA để “tính toán” thiệt hại mà chính phủ Trung Quốc phải bồi thường, việc này cũng gần như không thể. Tại Điều 39 ARSIWA, việc xác định thiệt hại (contribution to injury) còn phải căn cứ vào lỗi, sự cẩu thả, hay thiếu sót của quốc gia bị thiệt hại.
Trong trường hợp của viêm phổi Vũ Hán, dù hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc là rõ ràng, nhưng còn sự cẩu thả hay thiếu sót của chính quốc gia bị thiệt hại thì sao? Rõ ràng, không phải quốc gia nào cũng có thiệt hại đương tương như nhau vì sự bùng phát của chủng virus này, và hành vi vi phạm của Trung Quốc không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến thiệt hại.
Cụ thể, tại Đài Loan, số người mắc bệnh chỉ là vài trăm với hai bệnh nhân thiệt mạng. Nhưng ở Hoa Kỳ, con số người chết đến nay đã là hơn 50.000 người và hơn 900.000 ca nhiễm bệnh.
Căn cứ của sự khác biệt này là do đâu? Ngay cả khi thừa nhận rằng Trung Quốc có hành vi vi phạm luật quốc tế khi cố tình che giấu dịch bệnh thời gian đầu, những hậu quả quá chênh lệch tại các quốc gia khiến cho cơ sở để quy chụp toàn bộ trách nhiệm cho chính quyền Bắc Kinh trở nên không vững vàng.