Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tạm ngừng tài trợ cho WHO dẫn đến nhiều tranh cãi về sự đúng đắn của quyết định và sự quan trọng của WHO trong đại dịch. Tuy nhiên, những thông tin về chính bản thân WHO lại được giới thiệu khá hời hợt bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Điều này khiến cho nhiều độc giả vẫn còn thắc mắc về vai trò, vị trí và tầm ảnh hưởng của WHO trong hệ thống y tế thế giới.
WHO có tên đầy đủ là World Health Organisation, hay Tổ chức Y tế Thế giới. Đây là một cơ quan chuyên trách bên trong Liên Hiệp Quốc (United Nations – UN). WHO được thành lập vào năm 1948, ba năm sau khi UN ra đời.
Hiểu đơn giản, bên trong Liên Hiệp Quốc có rất nhiều cơ quan khác nhau. Theo đó, có sáu cơ quan trọng yếu gồm: Đại hội đồng (General Assembly), Hội đồng Bảo an (Security Council), Hội đồng Quản thác (Trusteeship Council – đã ngừng hoạt động thường xuyên từ năm 1994), Hội đồng Kinh tế Xã hội (Economic and Social Council), Tòa án Công lý Thế giới (International Court of Justice) và Ban Thư ký (Secretariat). Những cơ quan này sẽ có ảnh hưởng đương nhiên và ngay lập tức đến quyền lợi và nghĩa vụ của một quốc gia khi họ trở thành thành viên của UN.
Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc còn có hơn 30 tổ chức chuyên trách khác với phạm vi ảnh hưởng riêng biệt. Một số tổ chức chắc chắn bạn đọc đã từng nghe qua trên báo đài Việt Nam, như Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (United Nations International Children’s Emergency Fund), Tổ chức Nông lương Thế giới (Food and Agriculture Organization), Tổ chức Lao động Thế giới (International Labor Organization), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund), Ngân hàng Thế giới (World Bank)… WHO chính là một trong các tổ chức chuyên trách này.
Khác với sáu cơ quan trọng yếu, việc bạn trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc không đồng nghĩa với việc bạn sẽ có quyền lợi hay bất kỳ trách nhiệm nào trong các cơ quan chuyên trách. Lý do là vì thông thường mỗi cơ quan sẽ có một điều ước quốc tế thành lập riêng. Các quốc gia sẽ tự xem xét xem mình có mong muốn tham gia vào tổ chức đó hay không.
Như vậy, dù chung một mái nhà, cơ chế thành viên của Liên Hiệp Quốc và WHO là khác nhau.
Cụ thể trong trường hợp Việt Nam, cả hai quốc gia là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt) và Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt) đều bị từ chối trở thành thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc cho đến tận năm 1977. Nhưng chúng ta gia nhập WHO rất sớm vào năm 1950, dưới danh nghĩa của Quốc gia Việt Nam (State of Vietnam), lúc này do cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng, một thành viên của khối Liên hiệp Pháp.
Như đã nhắc đến ở trên, WHO có một điều ước quốc tế riêng biệt gọi là Constitution of the World Health Organisation (tạm gọi là Điều ước thành lập). Trong đây, chúng ta sẽ biết rõ hơn về cách thức gia nhập, cơ cấu tổ chức, trách nhiệm tài chính của các thành viên và thủ tục hoạt động.
Dựa vào văn bản này, WHO do ba cơ quan vận hành:
Ba cơ quan này được thống nhất quản lý qua chức danh Tổng giám đốc (Director-General). Theo quy định tại Điều 32 của Điều ước thành lập, Tổng giám đốc WHO cũng sẽ là Tổng thư ký đương nhiên (ex-officio Secretary) của cả ba cơ quan. Đây là chức danh có tầm ảnh hưởng nhất trong cả tổ chức vì nó nắm vai trò chỉ đạo thường trực các hoạt động của WHO trên toàn thế giới. Trong khi đó, WHA chỉ họp một lần một năm, và Ban Điều hành thì là hai lần. Ngoài ra, nhiệm kỳ của chức danh này kéo dài đến 5 năm.
Tổng giám đốc WHO có quy trình bổ nhiệm tương đối phức tạp.
Trước tiên, các quốc gia thành viên sẽ đề cử đại diện của mình.
Những ứng cử viên này được Ban Điều hành phỏng vấn và đánh giá.
Dựa trên kết quả, Ban Điều hành sẽ lập danh sách rút gọn những ứng cử viên sáng giá nhất để đưa ra lựa chọn trước WHA.
Tổng giám đốc WHO hiện nay ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, là ứng cử viên của Ethiopia. Ông từng kinh qua các chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Y tế của quốc gia này.
Giống với mọi tổ chức liên chính phủ quốc tế khác, không thể phủ nhận bản chất chính trị đã ăn vào trong máu của WHO.
Như đã dẫn chứng, cả WHA, Ban Điều hành và Tổng giám đốc của tổ chức đều là các vị trí do các quốc gia thành viên tìm cách gây ảnh hưởng thông qua các hoạt động vận động hành lang hay thậm chí là dùng viện trợ mua chuộc lẫn nhau. Vậy nên, người đóng góp nhiều nhất cho WHO không hẳn là người có ảnh hưởng lớn nhất. Những ứng cử viên có năng lực nhất không hẳn sẽ được chọn vào hệ thống. Vấn đề là họ có được lòng các chính phủ hay không mà thôi.
Song nói đi nói lại, đây là lời nguyền của mọi tổ chức liên chính phủ, kể cả Tòa án Công lý Quốc tế. Không thể chỉ vì lý do này mà bỏ rơi hay cho rằng WHO không cần thiết.
Tổng giám đốc WHO là người chịu trách nhiệm lên dự toán ngân sách để Ban Điều hành xem xét. Sau khi được chấp nhận, dự tính ngân sách sẽ được trình lên WHA để thông qua lần cuối cùng.
Về nguồn đóng góp thì WHO dựa trên hai nguồn chính.
Nguồn đầu tiên là nghĩa vụ tài chính của các quốc gia thành viên, cũng được gọi là “accessed contribution”, tính toán dựa trên dân số và GDP. Nguồn tiền từ nghĩa vụ tài chính là ngân sách chính của WHO chi tiêu cho các hoạt động chung của toàn tổ chức. Nói cách khác, đây chính là phí thành viên.
Trong niên khóa tài chính 2020 – 2021, Hoa Kỳ có trách nhiệm đóng khoảng 250 triệu USD và Trung Quốc là hơn 100 triệu USD. Riêng Việt Nam thì chỉ là 750.000 USD. Một số quốc gia khó khăn và kém phát triển như Afghanistan chỉ phải đóng góp 60.000 USD. Bhutan thì do dân số quá ít chỉ phải nộp vào ngân sách 9.000 USD.
Nguồn thứ hai là các khoản ủng hộ tài chính tự nguyện từ các quốc gia thành viên, các tổ chức phi chính phủ và các nhà hảo tâm tư nhân khác. Những khoản đóng góp, tuy nhiên, không được dùng cho mọi khoản chi của tổ chức. Mục tiêu của những khoản đóng góp này được người đóng góp xác định trước (earmarked), và vì vậy không thể sử dụng cho bất kỳ mục tiêu nào khác (trừ khi khoản đóng góp không xác định mục tiêu nào cụ thể).
Hoa Kỳ hiện nay là quốc gia đóng góp tự nguyện nhiều nhất WHO, với hơn 533 triệu USD cho năm 2019. Dự tính họ sẽ góp thêm 400 triệu USD trong năm nay. Tuy nhiên, khoản đóng góp tự nguyện của Hoa Kỳ cho niên khóa tài chính 2020 – 2021 đều là những khoản có xác định mục tiêu. Chúng chủ yếu dùng cho các chương trình đối phó và triệt tiêu bệnh bại liệt, nghiên cứu một số loại vaccine cho các chủng bệnh cũ cũng như hỗ trợ các quốc gia đang phát triển tăng cường năng lực dinh dưỡng, sức khỏe. Rất ít trong số này, khoảng 2,97% được phân bổ cho các hoạt động khẩn cấp, và 2,33% được phân bổ cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Việc tạm dừng tài trợ của Tổng thống Trump vì vậy không làm ảnh hưởng nhiều tới hoạt động chống COVID-19 mà chủ yếu sẽ làm gián đoạn các chương trình y tế khác như đã nêu.
Điểm trước tiên cần lưu ý là WHO không có thẩm quyền gì đặc biệt đối với các quốc gia thành viên. Đây là một tổ chức chuyên môn mang tính chất hỗ trợ, giúp đỡ và tham vấn cho các hoạt động y tế trên toàn thế giới. Đồng thời, họ cũng là cầu nối giữa Liên Hiệp Quốc và các tổ chức liên chính phủ, các quốc gia khác.
WHO có nhiều thành tựu và đóng góp trong các mặt trận chống AIDS, bệnh lao, sốt rét. Năm 1980, bệnh đậu mùa (smallpox) được chính thức loại trừ trên toàn thế giới, là một trong những nỗ lực lớn của WHO trong quá trình hỗ trợ chuyên môn và cung cấp tài chính cho nhiều quốc gia.
Theo thông tin chính thức từ WHO, tổ chức này thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội ngay từ năm 1977 và là một trong những tổ chức trực tiếp hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong việc phục hồi năng lực y tế sau chiến tranh. Các chương trình phòng chống bệnh ở trẻ em, dinh dưỡng, giảm tỷ lệ chết của trẻ sơ sinh đều có bóng dáng của WHO, kết hợp với Bộ Y tế Việt Nam.
Riêng về các nỗ lực phòng chống bệnh truyền nhiễm chúng, mà cụ thể nhất là COVID-19 hiện nay, WHO được International Health Regulations (Bộ Quy định Sức khỏe Quốc tế) ủy quyền cho việc tham vấn, thông tin và thống nhất những nỗ lực toàn cầu. Bộ quy định này là một văn bản quy phạm quốc tế có hiệu lực pháp lý ràng buộc đối với 196 quốc gia ký kết.
Trong đó, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thông báo về tình trạng của các loại bệnh truyền nhiễm mới tại quốc gia mình cho WHO khi phát hiện. Họ cũng có nghĩa vụ hợp tác với WHO để nghiên cứu, tìm hiểu về loại bệnh và đưa ra các thông tin chính xác nhất có thể.
WHO, ngược lại, sẽ đóng vai trò đầu mối cung cấp thông tin và tham vấn các biện pháp cần thiết cho quốc gia thành viên, cũng như các tổ chức quốc tế khác (như Tổ chức Hàng không dân sự Quốc tế) để họ có những quyết định phù hợp trong mùa dịch. Cụ thể, WHO cung cấp các hướng dẫn toàn cầu về loại dịch bệnh giúp cho các quốc gia hiểu thêm về dịch bệnh và đưa ra các quyết sách cần thiết. WHO cũng sẽ phối hợp nỗ lực giữa các quốc gia trong quá trình bào chế vaccine, cùng với những hỗ trợ chuyên môn cho các quốc gia kém hoặc đang phát triển. Khi cần thiết, họ cũng sẽ đưa ra tham vấn về việc đi lại trên toàn cầu.