Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ta có quyền nghi ngờ Bill Gates và đề nghị ông ấy sửa lại bản đồ trong bài thuyết trình của ông ấy, nhưng đồng thời, ta cũng nên làm quen với một thực tế trần trụi: người nước ngoài không quan tâm Hoàng Sa – Trường Sa là của ai, có khi họ còn chẳng biết Hoàng Sa – Trường Sa là gì, hay “đường lưỡi bò” là cái chi chi.
***
Nếu bạn là người Việt Nam, chắc hẳn bạn sẽ luôn tin rằng: Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, giống như những người Ki-tô giáo luôn tin rằng Chúa Giê-su đã chịu chết trên cây thập tự, sau ba ngày Người đã sống lại, lên trời và ngự bên hữu Đức Chúa Cha.
Trong niềm tin của người Việt Nam, Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam là một sự thật không thể chối cãi giống như niềm tin vào sự tồn tại của Thiên Chúa là điều không thể chối cãi đối với những người Ki-tô giáo.
Nhưng nếu bạn là một người Mỹ, bạn sẽ không có niềm tin Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, cũng giống như một Phật tử không có niềm tin vào sự tồn tại của Thiên Chúa.
Một sự thật được gọi là chân lý phổ phát nếu như sự thật đó không phụ thuộc vào niềm tin và không phụ thuộc vào quốc gia, không phụ thuộc vào chính kiến của con người. Tất cả mọi người có nhu cầu tìm kiếm sự thật đều có thể tự mình kiểm chứng được sự thật.
Trái đất hình cầu là một sự thật có thể được tất cả mọi người trên trái đất kiểm chứng. Cho dù bạn tin rằng trái đất phẳng (như phong trào Trái Đất Phẳng trên thế giới), thì trái đất cũng không quan tâm. Nó vẫn là hình cầu, bất kể niềm tin của bạn là gì.
Tuy nhiên, tuyên bố Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam là một tuyên bố phụ thuộc vào niềm tin. Nếu bạn là người Việt Nam, bạn sẽ tin vào tuyên bố đó. Bạn sẽ nghĩ rằng đó là sự thật khách quan không thể chối cãi được. Nhưng đó là một tuyên bố gây tranh cãi giữa các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền của vùng đất đó. Và có đến năm quốc gia khác đang có những tuyên bố chủ quyền khác nhau trên Biển Đông.
Niềm tin “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” thông thường không gây ảnh hưởng hay tác động gì đối với những người sống bên ngoài niềm tin đó. “Nước sông không phạm nước giếng”. Nếu một người không phải là người Việt Nam, thật khó để thuyết phục họ tin rằng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” vì họ sẽ hỏi ngược lại: Trung Quốc và các quốc gia khác cũng tuyên bố vùng biển, đảo đó là của họ, vậy tuyên bố nào là đúng? Họ chỉ thừa nhận đó là vùng đất đang tranh chấp giữa các quốc gia mà thôi.
Bill Gates, trong video có tên “Living in extreme poverty” (Cuộc sống nghèo đói cùng cực) đăng ngày 31/10/2018, đã sử dụng hình ảnh bản đồ Trung Quốc có đường chín đoạn bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Nếu chúng ta hiểu rằng các tuyên bố chủ quyền chỉ là niềm tin chủ quan thì chúng ta sẽ phản ứng và hành xử khác đi. Thay vì yêu cầu Bill Gates phải có niềm tin như người Việt Nam, chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này để giải thích cho bạn bè quốc tế biết rằng đây là một vùng đất đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc và trên cơ sở luật pháp quốc tế, Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Chúng ta cũng cần giải thích cho Bill Gates và bạn bè quốc tế hiểu rằng việc sử dụng bản đồ đường chín đoạn là việc không phù hợp với luật pháp quốc tế bởi vì đây đang là vùng biển tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và bốn quốc gia khác trong khu vực, và bản đồ chín đoạn không có giá trị về mặt luật pháp quốc tế.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo là việc hoàn toàn chính đáng và cần thiết đối với mọi người dân Việt Nam. Với tư cách là công dân Việt Nam, chúng ta có quyền và nghĩa vụ trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng niềm tin của những người sống ở các quốc gia khác trên trái đất có thể không giống với niềm tin của người Việt Nam. Bill Gates là một người Mỹ, ông không phải là người Việt Nam để có niềm tin giống như người Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Thế giới không quan tâm tới các vấn đề của Biển Đông như người Việt Nam quan tâm, họ cũng không cần biết Hoàng Sa và Trường Sa là của ai, nên người Việt Nam mặc dù tin rằng chính nghĩa thuộc về mình nhưng đừng ép buộc một cách thô bạo thế giới phải có nghĩa vụ biết điều đó.
Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào việc phát hành các bản đồ đường chín đoạn ra thế giới, để khi nào thế giới tìm bản đồ Trung Quốc trong các kho hình ảnh, đồ họa thì khả năng cao họ sẽ tìm thấy bản đồ có đường chín đoạn. Việc bài thuyết trình của Bill Gates có bản đồ này có thể là có âm mưu như một số bạn nghĩ, cũng có thể chỉ là tai nạn của kỹ thuật viên thiết kế bài thuyết trình.
Nếu chúng ta tin rằng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, hãy tìm cách lan truyền niềm tin của Việt Nam ra thế giới một cách khôn ngoan, hòa bình và có bài bản.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.