Bản tin Tôn giáo tháng 2/2020: Chính quyền can thiệp vào nội bộ các tôn giáo

Hãy đọc báo cáo tháng Hai của chúng tôi để biết chính quyền đang can thiệp vào nội bộ các tổ chức tôn giáo như thế nào trong mục [Bàn tay của chính quyền]. Vào tháng 2/2018 chính quyền đã tuyên án sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, cùng chúng tôi tìm hiểu lại […]

Linh mục Nguyễn Đình Thục. Ảnh: Facebook Nguyễn Đình Thục.
Linh mục Nguyễn Đình Thục. Ảnh: Facebook Nguyễn Đình Thục.

Hãy đọc báo cáo tháng Hai của chúng tôi để biết chính quyền đang can thiệp vào nội bộ các tổ chức tôn giáo như thế nào trong mục [Bàn tay của chính quyền]. Vào tháng 2/2018 chính quyền đã tuyên án sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, cùng chúng tôi tìm hiểu lại vụ án này trong mục [Ngày này năm xưa]. Các thông tin còn lại là về việc Hòa thượng Thích Quảng Độ qua đời và những vụ tự thiêu không được biết đến sau năm 1975.

Báo cáo Tự do Tôn giáo Việt Nam sẽ được đăng vào đầu tuần thứ hai hàng tháng. Mọi thông tin đóng góp cho báo cáo xin gửi về tongiao@luatkhoa.org.


Bàn tay của chính quyền

Chính quyền can thiệp vào nội bộ của các tôn giáo như thế nào

Từ năm 1975 đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn duy trì mức độ can thiệp sâu rộng vào nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận dường như không thể nói không với những can thiệp này từ phía chính quyền. Còn các tổ chức tôn giáo chọn cách chống trả thì khả năng cao họ sẽ bị chính quyền trả đũa bằng nhiều hình thức khác nhau.

Linh mục bị can thiệp để không được dâng lễ

Vào đầu tháng 1/2020, Linh mục Nguyễn Đình Thục viết trên Facebook của mình rằng từ tháng 8/2019 ông đã không được phép dâng lễ trong các lễ cầu nguyện ở Bình Dương, Đồng Nai và Sài Gòn. Linh mục Thục nói rằng công an địa phương đã đến các nhà thờ đe dọa rằng tuyệt đối không được để ông dâng lễ.

“Tháng 8/2019, tôi đi lễ khấn một thầy ở Đồng Nai. Buổi tối trước ngày lễ, thầy đó gọi điện báo tin là công an đến gặp cha bề trên nhà dòng nói rằng, nếu cho linh mục Thục dâng lễ thì hủy Thánh Lễ khấn dòng. Cho nên bề trên đề nghị cha đừng đến”, Linh mục Thục nói về hình thức sách nhiễu mới của chính quyền đối với ông.

Linh mục Nguyễn Đình Thục. Ảnh: Facebook Nguyễn Đình Thục.

Việc công an can thiệp để Linh mục Thục không được dâng lễ có thể hiểu như một việc trả đũa thường xảy ra đối với những nhà hoạt động tôn giáo không làm hài lòng chính quyền.

Linh mục Nguyễn Đình Thục, 42 tuổi, quản xứ của giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An, đã liên tục bị chính quyền sách nhiễu trong nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 2016 khi ông lên tiếng trong vụ việc Formosa xả thải làm ô nhiễm vùng biển miền Trung Việt Nam.

Các hoạt động liên quan đến kêu gọi nhân quyền của mình khiến ông ngày càng gặp nhiều rắc rối. Theo The 88 Project, ông đã bị chính quyền cấm xuất cảnh hai lần vào năm 2017 và năm 2019 với lý do an ninh quốc gia. Nhưng giờ đây chính quyền bắt đầu dùng nhiều cách thức khác nhau để giới hạn các hoạt động tôn giáo của ông.

An ninh can thiệp trong tranh chấp sửa chữa An Hòa Tự

Vào tháng 9/2019, công an tỉnh An Giang đã canh giữ các chức sắc của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần tuý (không được chính quyền công nhận) tại nhà để ngăn họ không đến một cuộc họp của Giáo hội Phật Hòa Hảo – tổ chức Phật giáo Hòa hảo duy nhất được chính quyền công nhận – về việc trùng tu An Hòa Tự.

Bất đồng giữa hai giáo hội này xảy ra từ tháng 7/2019, khi Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thông báo sẽ thay ngói An Hòa Tự, tổ đình của Phật giáo Hòa Hảo, nơi hành hương của mọi tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Việc thay ngói An Hòa Tự ngay từ đầu đã vấp phải sự phản đối của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần tuý.

Thay vì để hai giáo hội tự giải quyết thì chính quyền địa phương đã can thiệp vào vụ việc này.

Tháng 9/2019, công an tỉnh An Giang đã cảnh cáo Ban trị sự của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy rằng “không nên kích động tín đồ” về việc thay ngói An Hòa Tự. Công an đã nói với ban trị sự rằng hãy yên tâm vì Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang chỉ cho phép thay ngói chứ không cho đập toàn bộ An Hòa Tự.

Theo sau lời cảnh cáo này, sáu thành viên của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần tuý đã bị một nhóm người chặn đánh trên đường đến An Hòa Tự vào ngày ngôi chùa này thay ngói. (Xem chi tiết: Report on Freedom of Religion in Vietnam – October 2019). Đến nay, chính quyền địa phương vẫn làm ngơ về vụ ẩu đả gây thương tích này.

Chính quyền can thiệp quyền sở hữu một thánh thất Cao Đài

Theo tổ chức nhân quyền BPSOS, vào năm 2017, một thánh thất Cao Đài độc lập ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã bị chính quyền tịch thu để giao cho một đại diện của Chi phái 1997, một trong những tổ chức của đạo Cao Đài được nhà nước công nhận vào năm 1997.

Trong vụ việc này, ông Dương Ngọc Rễ được chính quyền xã Phú Thành A cùng công an huyện Tam Nông mời làm việc vào ngày 20 tháng 3 năm 2017 để buộc phải giao thánh thất này cho Chi phái 1997. Khi ông Rễ từ chối yêu cầu này thì chính quyền đã cho người vào chiếm thánh thất trong ngày hôm đó. Ngay ngày hôm sau, Chi phái 1997 đã đọc biên bản giao thánh thất này lại cho một đại diện của chi phái với sự công nhận của chính quyền địa phương.

Theo BPSOS, trong hai thập niên qua chỉ có 15 trong khoảng 300 thánh thất Cao Đài là không bị Chi phái 1997 với sự hậu thuẫn của chính quyền chiếm giữ.

Lịch sử về việc chính quyền can thiệp vào nội bộ các tổ chức tôn giáo

Sau năm 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam có tham vọng thúc đẩy đất nước trở thành một nước xã hội chủ nghĩa. Do đó, các tôn giáo ở miền Nam không được phép hoạt động tự do như lúc trước, còn hoạt động tôn giáo ở miền Bắc đã bị chính quyền kiểm soát nghiêm ngặt từ năm 1954.

Theo các nhà sư miền Nam, ngay sau khi kiểm soát miền Nam sau ngày 30/4/1975, Chính quyền Cách mạng Lâm thời miền Nam đã hạn chế tối đa các hoạt động tôn giáo, nhiều cơ sở thờ tự bị tịch thu biến thành tòa nhà hành chính, các tượng phật bị đập phá, các cơ sở hoạt động xã hội của các tôn giáo bị đóng cửa, nhiều nhà tu hành bị bắt bớ, giam giữ không qua xét xử.

Việc can thiệp vào nội bộ các tôn giáo rõ ràng đã được nhà nước chính thức tiến hành từ ngày 11 tháng 11 năm 1977 bằng Nghị quyết số 297-CP về “Một chính sách đối với tôn giáo”. Trong nghị định này việc mở các lớp giáo lý, các cuộc họp nội bộ trong các tôn giáo, phong chức hay thuyên chuyển các chức sắc và kể cả những tín đồ giúp việc trong các hoạt động tôn giáo cũng phải được chính quyền chấp thuận.

Trong thời gian này, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tôn giáo, chính quyền đã bắt đầu tìm cách xóa bỏ các giáo hội, hội đoàn của các tôn giáo truyền thống Việt Nam để thành lập những giáo hội trung thành với nhà nước.

Ví dụ như đối với Phật giáo, chính quyền đã gây chia rẽ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (thành lập năm 1964). Theo Hòa thượng Thích Quảng Độ, vào đầu năm 1980, chính quyền đã mời một số thành viên đứng đầu giáo hội đến gặp mặt để bàn về chuyện thống nhất Phật giáo, trong khi đó đây là chuyện nội bộ của một tôn giáo. Đến năm 1981 thì chính quyền công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam với một số thành viên từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngay sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị phân biệt đối xử và chịu nhiều đàn áp cho đến ngày hôm nay.

Theo BPSOS, sau quá trình tìm cách xóa sổ đạo Cao Đài không thành công, nhà nước đã thành lập Chi phái 1997 vào năm 1997. Từ Đạo Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh với sự tổ chức bộ máy hoạt động tôn giáo rộng rãi đến các địa phương đã trở thành một chi phái với phạm vi hoạt động nhỏ hơn và bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ.

Đối với Phật giáo Hòa Hảo, chính quyền chỉ công nhận đạo này là tôn giáo vào năm 1999 sau khi Ban tôn giáo chính phủ chấp thuận thành phần Ban đại diện của Phật giáo Hòa Hảo. Các phái của Phật giáo Hòa Hảo có trước năm 1975 đều không được công nhận và trở thành bất hợp pháp.

Đến năm 1999 khi nhà nước thay thế Nghị quyết số 297-CP trên bằng Nghị định số 26/1999/NĐ-CP thì các thẩm quyền can thiệp sâu rộng như trên vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, nghị định này thắt chặt hơn nữa sự tự do của tôn giáo vì quy định các thẩm quyền khác nhau của chính quyền địa phương và trung ương, ví dụ như để phong ai đó trở thành hòa thượng trong đạo Phật hay hồng y, giám mục trong đạo Thiên chúa thì phải được thủ tướng chính phủ đồng ý.

Các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam bề ngoài có vẻ ổn định như hiện nay là do các tổ chức tôn giáo này đã bị chính quyền thôn tính và hoạt động vì các mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản. Trong khi đó, các giáo phái, hội đoàn tôn giáo độc lập phải chống chịu sự vùi dập, đàn áp không ngơi nghỉ của chính quyền.

Bốn phạm vi can thiệp của nhà nước vào nội bộ các tổ chức tôn giáo bằng quy định luật pháp

Năm 2016, nhà nước Việt Nam đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ năm 2018. Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có nhiều cải thiện so với các quy định trước đó, tuy nhiên tinh thần của luật này vẫn là siết chặt quyền tự do tôn giáo bằng cách duy trì sự can thiệp của nhà nước đối với nội bộ của các tổ chức tôn giáo:

Can thiệp vào tổ chức nội bộ của tổ chức tôn giáo

Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định rằng nếu tổ chức tôn giáo muốn sửa đổi hiến chương (Điều 24), chia tách, sáp nhập, hợp nhất với các tổ chức tôn giáo khác (Khoản 3, Điều 29) thì đều phải được chính quyền chấp thuận. Về nhân sự trong các tổ chức tôn giáo, nhà nước có quyền đồng ý hay không đồng ý về việc bổ nhiệm nhân sự của một tổ chức tôn giáo (Khoản 5, Điều 34).

Dưới Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, chính phủ dùng Nghị định 162/2017/NĐ-CP để kiểm soát các tổ chức tôn giáo chặt hơn nữa. Nghị định này quy định rằng công dân Việt Nam được tổ chức tôn giáo nước ngoài bổ nhiệm ở Việt Nam thì phải được nhà nước Việt Nam cho phép. Nghị định này cũng bắt buộc rằng khi thay đổi người đại diện, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung thì cũng phải được chính quyền đồng ý.

Can thiệp vào việc đào tạo của các tổ chức tôn giáo

Theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, các lớp đào tạo của một tổ chức tôn giáo phải được chính quyền cho phép (Khoản 3, Điều 38). Việc dạy các môn học lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam trong các cơ sở đào tạo tôn giáo phải theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan (Điều 40).

Can thiệp vào quyền tự do hội họp

Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có nhiều quy định nhằm giới hạn quyền tự do hiệp hội ngay cả trong nội bộ tổ chức tôn giáo. Các cuộc họp nhiều tôn giáo cùng tham dự hay có yếu tố nước ngoài phải được chính quyền trung ương chấp thuận (Điều 44).

Khi các tổ chức tôn giáo muốn tổ chức đại hội cũng phải được sự cho phép của chính quyền trung ương hay địa phương (Khoản 3 Điều 45). Các tổ chức tôn giáo khi mời người nước ngoài đến giảng đạo (Điều 48) hay gia nhập các tổ chức tôn giáo nước ngoài đều phải được nhà nước Việt Nam cho phép (Điều 53);

Can thiệp vào vào quản lý tài sản, tài chính của tôn giáo

Đối với các cơ sở tín ngưỡng như miếu, đình, thì Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định rằng uỷ ban nhân dân xã cùng Mặt trận tổ quốc cùng cấp phải tổ chức bầu cử và công nhận người đại diện, ban quản lý của cơ sở tín ngưỡng đó (Khoản 3, Điều 11). Các khoản thu từ việc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng như các lễ hội đều phải báo cáo cho nhà nước và phải nói rõ mục đích sử dụng.

Nghị định 162/2017/NĐ-CP còn quy định rằng trước khi thực hiện hoạt động quyên góp phải báo cáo chi tiết về cách thức, mục đích sử dụng, thời gian quyên góp cho chính quyền.

Ngoài các quy định liên quan đến tôn giáo, chính quyền Việt Nam còn có thể sử dụng rất nhiều quy định khác để đàn áp tự do tôn giáo, như quy định về hội họp nơi công cộng, gây rối an ninh trật tự, các quy định về xuất bản, các quy định trong Luật An ninh mạng,… nhằm trấn áp các tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận.

Tôn giáo 360 độ

Hòa thượng Thích Quảng Độ qua đời

Ngày 20/2/2020, Hòa thượng Thích Quảng Độ, tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã qua đời ở tuổi 91 tại chùa Từ Hiếu, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông là một trong những nhà hoạt động bị chính quyền Việt Nam quản chế  lâu nhất. Năm 1982, sau khi chính quyền thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông bị chính quyền giam giữ trong một ngôi chùa ở Thái Bình trong 10 năm liên tục. Năm 1995, ông bị tuyên án 5 năm tù giam sau khi tự ý trở về Thành phố Hồ Chí Minh và đi cứu trợ đồng bào ở miền Tây đang bị lũ lụt lúc đó. Sau khi ra tù năm 1998, ông bị chính quyền quản chế tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 05 năm tiếp theo. Đến năm 2003, khi vừa hết lệnh quản chế thì không bao lâu sau chính quyền đã không cho ông ra khỏi Thiền viện Thanh Minh, Thành phố Hồ Chí Minh cho đến giữa năm 2018 thì ông buộc phải rời khỏi nơi này.

Thích Quảng Độ trong phiên tòa vào tháng Tám năm 1995 tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Hòa thượng Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, Thích Trí Lực và hai Cư sĩ Đồng Ngọc, Nhật Thường. Ảnh: Phật tử Việt Nam.

Từ năm 1975 cho đến lúc qua đời, Hòa thượng Thích Quảng Độ chưa bao giờ được tự do hoạt động, như ông từng nói với Al Jazeera vào năm 2007: “Chúng tôi là tù nhân trên quê hương của mình, nơi mà chính quyền quyết định ai có quyền nói và ai phải ngậm miệng lại”.

Kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phải chịu sự đàn áp khốc liệt từ chính quyền:

“Họ [chính quyền] chưa chấm dứt sự kỳ thị, đàn áp GHPGVNTN. Cho nên những hoạt động của Giáo hội từ ba mươi mấy năm nay rất khó khăn. Thuyết pháp, giảng đạo không được, mở trường dạy học không được, […] Nếu có một cơ hội nào dẹp bỏ được [giáo hội] là họ sẽ áp dụng đấy thôi. Bao nhiêu chục năm nay, [tôi chỉ có] một cái phòng trên lầu một đây này, cứ ở đây thôi. […] hai tháng một lần đi bệnh viện vậy thôi. Có ai ra vào gì đâu, mà mình có đi đâu được đâu? Mà đi đâu bệnh viện thì họ [công an] theo”, Hòa thượng Thích Quảng Độ nói với Đài Á Châu Tự do vào cuối năm 2012.

Ảnh Hòa thượng Thích Quảng Độ tại căn phòng của mình ở Thiện viện Thanh Minh vào ngày 03/09/2018. Ảnh: Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế.

Hòa thượng Thích Quảng Độ trở thành tăng thống thứ năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào năm 2011. Ông đã làm việc cho giáo hội từ khi thành lập vào năm 1964. Từ 1975 đến nay, ông và một số nhà sư miền Nam vẫn tiếp tục điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong sự phân biệt đối xử và đàn áp dai dẳng của chính quyền.

Ngày này năm xưa

Sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị kết án tù

Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập ở miền Tây là một trong những cộng đồng tôn giáo bị đàn áp nặng nề nhất. Vào tháng 2/2018, sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập đã bị kết án tù vì tội gây rối trật tự nơi công cộng và chống người thi hành công vụ.

Sáu người, trong đó có bốn người trong một gia đình, đã bị kết án tù vào ngày 9/2/2018. Tòa án Nhân dân huyện An Phú đã kết án ông Bùi Văn Trung, 56 tuổi, 6 năm tù giam; bà Lê Thị Hên, 58 tuổi, hai năm tù treo; bà Bùi Thị Bích Tuyền, 38 tuổi, ba năm tù giam; ông Bùi Văn Thâm, 33 tuổi, sáu năm tù giam ; ông Nguyễn Hoàng Nam, 38 tuổi, 4 năm tù giam; và bà Lê Hồng Hạnh, 41 tuổi, 3 năm tù giam.

Sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị kết án từ trái qua phải, từ trên xuống: ông Bùi Văn Trung, ông Bùi Văn Thâm, bà Lê Thị Hên, bà Bùi Thị Bích Tuyền, bà Lê Hồng Hạnh và ông Nguyễn Hoàng Nam.

Theo BBC tiếng Việt, vụ án xảy ra vào chiều tối ngày 19/4/2017 khi gia đình ông Bùi Văn Trung mời những người khác đến dự đám giỗ ở nhà mình. Một ngày trước đó, công an mặc thường phục đã lập một chốt kiểm soát nhằm chặn những người đến nhà ông Trung dự đám giỗ.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện An Phú, tỉnh An Giang, vào khoảng 18 giờ 30 ngày 19/4/2017, có ba người trên đường đi xe máy đến nhà ông Trung thì bị công an giao thông giữ lại để kiểm tra giấy tờ. Với lý do mình không vi phạm luật giao thông nên cả ba từ chối trình giấy tờ. Vào lúc đó, ông Nam, bà Hạnh, ông Trung và gia đình ông đã đến để ngăn công an không cho họ lấy xe máy của ba người đang bị kiểm tra giấy tờ. Vụ việc nhanh chóng biến thành một cuộc biểu tình. Những người ở phía ông Trung cáo buộc chính quyền giăng bẫy cản trở những người đến nhà ông dự đám giỗ. Vì vậy, họ đã hô to và viết những khẩu hiệu phản đối đàn áp tôn giáo trong khu vực xảy ra vụ việc.

Đến ngày 26/06/2017, công an đã bắt ông và anh Thâm, con trai ông. Một ngay sau, ông Nam bị bắt. Bà Hạnh bị bắt vào ngày 13/11/2017. Trong quá trình thẩm vấn, ông Trung và những người khác không nhận tội gây rối trật tự nơi công cộng.

Trong nhiều năm qua, chính quyền tỉnh An Giang đã giám sát chặt chẽ gia đình ông Trung do nhà ông tự tổ chức một đạo tràng sinh hoạt tôn giáo độc lập. Năm 2012, ông Trung bị kết án 4 năm tù giam vì tội gây rối trật tự nơi công cộng và chống người thi hành công vụ.

Các tội danh liên quan đến gây rối an ninh trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ được chính quyền sử dụng trong năm qua để trừng phạt những nhà hoạt động tôn giáo, dân chủ và nhân quyền.

Bạn có biết

Nhiều vụ tự thiêu đã xảy ra sau năm 1975

Bạn có biết sau năm 1975 các tổ chức tôn giáo miền Nam đã trải qua một thời kỳ đen tối. Người miền Nam lúc đó đã chứng kiến hàng trăm ngôi chùa bị tịch thu, các cơ sở hoạt động xã hội bị chiếm dụng, các hoạt động tôn giáo bị cấm đoán và đau xót hơn hết là những vụ tự thiêu âm thầm đòi nhà nước phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo.

Vụ tự thiêu đầu tiên xảy ra ở Cần Thơ vào ngày 02/11/1975. Trụ trì Thích Huệ Hiền cùng 11 tăng ni của Thiền viện Dược Sư đã cùng nhau tự thiêu trong ngôi chùa cách thành phố Cần Thơ khoảng 30 cây số. Khoảng một năm sau, vụ tự thiêu này được báo chí quốc tế đưa tin thì chính quyền mới bắt đầu những cuộc điều tra của mình.

Tuy nhiên, sau khi điều tra, chính quyền đã trả lời tổ chức Ân Xá Quốc tế rằng trụ trì Thích Huệ Hiền chùa Dược Sư đã mưu sát các tăng ni của mình vì sợ vụ việc dâm ô với các ni cô của ông bị bại lộ.

Hòa thượng Thích Quảng Độ cùng một số nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lúc đó đã phản đối kết luận điều tra của chính quyền. Vụ tự thiêu này cũng đã khiến mâu thuẫn giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và chính quyền ngày càng trầm trọng. Tháng 4/1977, nhiều nhà sư của giáo hội đã bị chính quyền bắt giữ và bị tra tấn. Hòa thượng Thích Thiện Minh là một trong những người bị bắt giữa đã chết trong trại tạm giam vào tháng 10/1978.

Trong một bài phỏng vấn với Hòa thượng Thích Thiên Quang sau khi ông vượt biên đến Indonesia vào năm 1979, ông cho biết trong hai năm 1978, 1979 có khoảng 18 tăng ni miền Nam đã tự thiêu để tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo.

Các vụ tự thiêu vẫn tiếp diễn vào những năm 1990.

Vào ngày 21/05/1993, một người đàn ông không được nêu tên đã tự thiêu ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế). Chính quyền cho rằng người đàn ông này thiêu mình vì vấn đề cá nhân và không phải là một phật tử.

Tuy nhiên, chính quyền không giải thích vì sao người đàn ông này đã đi gần 1000 cây số để tự thiêu ở chùa Thiên Mụ. Vài ngày sau vụ tự thiêu này, chính quyền đã tra hỏi giám tự chùa Thiên Mụ là Thích Trí Tựu dẫn đến một cuộc biểu tình rất lớn ở Huế.

Một vụ tự thiêu khác xảy ra ở Vĩnh Long vào tháng 5 năm 1994. Thích Huệ Thâu, một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã tự thiêu mình ở vào ngày 28 tháng 5 năm 1994. Anh trai của Thích Huệ Thâu, Lê Trung Trực, trả lời tờ The Christian Science Monitor rằng: “Em trai tôi không thể sống bởi vì không có được sự độc lập [trong hoạt động tôn giáo] nên phải quyết định tự vẫn”.

Ông Trực nói Thích Huệ Thâu đã tự thiêu sau một thời gian bị chính quyền cấm không cho hành đạo ở các ngôi chùa trong tỉnh vì là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ông cũng nói thêm rằng em trai mình đã huy động một nhóm các phật tử để đi bộ đến Hà Nội nhằm phản đối các khoản thuế cao đối với nông dân. Tuy nhiên, nhóm của ông đã bị chặn trước khi ra khỏi tỉnh Vĩnh Long. Ngay sau đó, ông bị chính quyền yêu cầu ông đóng cửa ngôi chùa của mình. Vài ngày sau, ông đã tự thiêu ở phía vào ban đêm ở ngay sau ngôi chùa của mình.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.