Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nhiều học giả nhận định vấn đề Biển Đông sẽ tạm lắng một thời gian khi hiện nay chính quyền Trung Nam Hải đang phải gồng mình đối phó với dịch bệnh.
Song, thực tế không phải vậy. Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thể hiện bản thân ở Biển Đông thông qua nhiều hoạt động dân sự và quân sự.
Chính quyền Bắc Kinh hiện có ba chính sách rõ ràng cho việc độc chiếm khu vực rộng đến 2.17 triệu km vuông này. Chúng bao gồm cử các tàu bảo vệ bờ biển và tàu cá với trang thiết bị hiện đại để tấn công và nhấn chìm các tàu cá của các quốc gia khác, chiến lược phá hủy học thuyết “chuỗi đảo” của Hoa Kỳ hay phá vòng vây từ Bắc xuống Nam để trở thành một cường quốc biển, tiếp tục hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo, và phô trương sự hoành tráng và hiện đại của Hải quân Trung Quốc nhằm khẳng định vị thế bá quyền của bản thân trong khu vực.
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến chính sách ngoại giao hung hăng của Trung Quốc đối với các quốc gia liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông.
Nguyên nhân chính thúc đẩy Trung Quốc thống trị Biển Đông là do con đường huyết mạch thông thương trên biển nhằm thúc đẩy thương mại vận chuyển tạo tiền đề cho tương lai trở thành một cường quốc biển. Năm 2016, 3,37 nghìn tỷ đô-la thương mại toàn cầu đã đi qua Biển Đông và 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đã phải đi qua Eo biển Malacca, cửa ngõ chính yếu. Ngoài ra, con đường di chuyển giữa đảo Sumatra của Indonesia và Malaysia cũng được xem là một phần huyết mạch kinh tế thiết yếu khác cho Trung Quốc.
Thứ hai, nghề đánh bắt cá tại Biển Đông hiện đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu và sinh kế của người dân trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Ngành ngư nghiệp đã hỗ trợ kế sinh nhai của phần lớn người dân (97%) ở các nước đang phát triển. Chỉ với 3 triệu km vuông, diện tích Biển Đông tương đối nhỏ so với các vùng biển khác. Song, hơn một nửa số tàu đánh cá trên thế giới vẫn đang hoạt động tại đây. Trung Quốc muốn chiếm cho được vùng biển này nhằm mục đích kiểm soát con đường huyết mạch hàng hải và nguồn lợi cá cho nền kinh tế nội tại, đặc biệt khi tài nguyên thiên nhiên quốc nội ngày càng suy kiệt.
Ngoài ra, một yếu tố khác thúc đẩy chính sách đối ngoại hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông là nguồn dầu khí tiềm tàng ở dưới đáy biển. Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc ước tính rằng khu vực này chứa đến 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ khối khí tại các khu vực chưa được khám phá. Song, báo cáo khảo sát của cục Địa chất Hoa Kỳ đưa ra tổng trữ lượng được phát hiện và chưa được khám phá chỉ là 28 tỷ thùng dầu và 266 nghìn tỷ khối khí. Điều quan trọng cần lưu ý là các số liệu của Trung Quốc chưa được các nghiên cứu từ các cơ quan độc lập xác nhận. Dù thế nào đi chăng nữa, mỏ dầu Ghawar ở Arab Saudi, một trong những mỏ dầu lớn nhất thế giới, được khai thác từ những năm 1950, vẫn còn đến 70 tỷ thùng dầu và vẫn có thể đáp ứng nhu cầu cung ứng dầu của quốc gia đông dân này.
Hiện nay, nhiều chuyên gia quân sự gọi Biển Đông là vùng Vịnh Ba Tư thứ hai, nhất là khi tình hình nơi đây ngày càng trở nên phức tạp. Các quốc gia tuyên bố chủ quyền hiện này, bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Philippines, và Brunei. Phần lớn các khu vực tranh chấp này được canh gác và tuần tra bởi hàng trăm lính hải quân, các cơ sở quân sự, tàu tuần tra ven biển, và doanh trại. Sự mơ hồ xung quanh việc bao nhiêu nguồn dầu khí và khai thác ra sao đối với nguồn kho báu biển này đã và đang tạo ra sự tranh giành và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia này.
Bằng cách củng cố quyền kiểm soát và sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, Bắc Kinh đang chứng tỏ bản thân là một siêu cường trong khu vực khi không ngừng thể hiện quyền lực quân sự và quyết tâm chiếm cho bằng được khu vực kinh tế trọng điểm và giàu tài nguyên này.
Nhập khẩu và xuất khẩu từ Đông Á, Vịnh Ba Tư và Nam Á đều phải đi qua Biển Đông. Nếu Trung Quốc có thể kiểm soát vùng biển này thì xem như kiểm soát nền thương mại quốc tế và thay thế Hoa Kỳ trở thành siêu cường của thế giới. Hoa Kỳ hiện đang lo ngại rằng Trung Quốc sẽ cố gắng chiếm cho bằng được Biển Đông bằng mọi giá, kể cả phương thức chiến tranh và gây hấn mỗi ngày. Và đó là nguyên nhân giải thích tại sao Trung Quốc không ngừng phá vỡ sự bình yên của khu vực, kể cả khi đang phải đối đầu với dịch bệnh. Bởi vì Trung Quốc biết khi cả thế giới đang tập trung giải quyết bệnh dịch và và giải quyết các vấn đề nội tại thì đây chính là cơ hội vàng cho chính quyền Trung Nam Hải gia tăng sự kiểm soát Biển Đông.
Trước năm 2014, Bắc Kinh không hiện diện đáng kể ở quần đảo Trường Sa. Kiểm soát các đảo và rặng san hô ở khu vực này được phân chia giữa Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Malaysia. Mặt khác, Trung Quốc chỉ kiểm soát năm hòn đảo tự nhiên trên mặt nước khi thủy triều lên. Thay vì chinh phục các hòn đảo còn lại, Bắc Kinh đã theo đuổi một chiến lược thay thế – tiến hành bồi đắp các hòn đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp.
Để củng cố việc kiểm soát và tạo ra sự hiện diện cho bản thân trên vùng biển tranh chấp, Trung Quốc đã khởi xướng một chương trình cải tạo và bổi đắp đảo nhân tạo vào năm 2014. Sau đó, chính quyền Bắc Kinh sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự trên các hòn đảo nhân tạo này. Các dự án xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông lên tới 290.000 mét vuông vào năm 2017. Quân đội đã tiến hành xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm các tòa nhà hành chính, radar, kho ngầm và các cấu trúc quân sự.
Chiến lược của Bắc Kinh là tạo ra đòn bẩy trong các cuộc đàm phán trong tương lai về biên giới hàng hải với các quốc gia tranh chấp bằng cách xây dựng cả cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự hay đặt mọi chuyện vào sự đã rồi. Bằng cách tạo ra sự hiện diện thật của Trung Quốc xung quanh các đảo tranh chấp, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ dễ dàng cải thiện vị thế của quốc gia trong bất kỳ cuộc đàm phán nào và củng cố cho các đòi hỏi về việc tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trong tương lai. Hiện nay, Trung Quốc đã thành công bồi đắp nhiều hòn đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng trên quần đảo Trường Sa, Đá Vành Khăn, và rạn san hô Johnson.
Gần đây, dù trong thời gian dịch bệnh, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang nhiên lập hai trạm nghiên cứu trên hai đá Chữ Thập và Xu Bi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào ngày 23/3/2020.
Eo biển Malacca từ lâu đã bộc lộ lỗ hổng cho kế hoạch phát triển ngành hàng hải của Trung Quốc. Bên cạnh đó, tất cả các vùng nước xung quanh Trung Quốc đều bị bao vây bởi chiến lược chuỗi đảo (Island Chain Strategy) của Hoa Kỳ.
Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trước Quốc hội năm 2015 đã vạch ra những cứ điểm quan trọng, bao gồm Eo biển Malacca và bốn quốc gia đồng minh ở châu Á (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Philippines). Hải quân Hoa Kỳ có thể mượn sức các nước đồng minh nhằm phong tỏa và áp đặt lệnh cấm vận hàng hải đối với Trung Quốc trong trường hợp chiến tranh cũng như ngăn chặn ý đồ trở thành cường quốc biển của quốc gia đông dân này.
Điều này gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với ngành thương mại của Trung Quốc nếu căng thẳng với Mỹ ngày càng leo thang. Nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị tê liệt sau khi Hoa Kỳ tuyên bố cấm vận. Bắc Kinh đã nhận thấy điều này và càng ra sức thúc đẩy sự hiện diện của bản thân ở Biển Đông. Chiến lược chuỗi đảo của Hoa Kỳ ngăn cản Trung Quốc tiến ra biển theo chiều từ Tây sang Đông. Vì vậy, kiểm soát Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc thoát khỏi chiến lược chuỗi đảo của Hoa Kỳ và tiến ra biển theo từ Bắc xuống Nam sẽ ít gặp trắc trở hơn.
Bên cạnh hai chiến lược đã đề cập, Trung Quốc còn đưa ra một chiến lược thứ ba. Đó chính là phát triển đội tàu cá quốc gia và đưa hàng không mẫu hạm Sơn Đông đi tuần tra trong vùng.
Trong mười năm trở lại đây, chính phủ Trung Quốc đã phát triển đội tàu đánh cá quốc gia lên đến số lượng khoảng 200.000 với vũ khí tối tân nhằm mục đích thiết lập sự hiện diện của bản thân tại Biển Đông.
Các tàu dân quân Trung Quốc giả dạng các tàu đánh bắt nhằm chuẩn bị cho bất cứ xung đột nào trong tương lai. Đồng thời, chúng còn đóng vai trò kiểm soát vùng chủ quyền các vùng lãnh thổ trong tuyên bố Đường Chín đoạn, sẵn sàng tấn công và đe dọa các tàu đánh bắt của các quốc gia khác. Nhà nước đã thường xuyên tiến hành huấn luyện quân sự và trợ cấp hàng tháng cho những ngư dân Trung Quốc này.
Bất chấp dịch bệnh, Trung Quốc vẫn luôn làm mọi cách thể hiện sự hiện diện của bản thân. Đơn cử, mới đây, vào ngày 3/4/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc cùng với các tàu dân quân đã đâm vào tàu đánh cá của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn liên tục thể hiện sự hoành tráng của Hải quân Quân đội Nhân dân Giải phóng (People’s Liberation Army Navy – PLAN) bằng nhiều buổi lễ long trọng và thử nghiệm ở các vùng biển xung đột.
Đơn cử, vào ngày 17/12/2019, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc được chế tạo hoàn toàn ở trong nước, mang tên Sơn Đông (Shandong), đã được đưa vào hoạt động. Đây là con tàu sân bay thứ hai của Hải quân Trung Quốc và được đưa vào Hạm đội Nam Hải (South Sea Fleet). Việc điều chuyển này cho phép hạm đội này trở thành nhánh hải quân mạnh nhất của PLAN nhằm cho những mục tiêu dài hạn ở Biển Đông trong tương lai.
Tập Cận Bình, Chủ tịch Quân ủy Trung Ương, đã tham dự buổi lễ hạ thủy tàu sân bay, được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia trung ương CCTV – đài truyền hình quốc gia lớn nhất Trung Quốc. Buổi lễ được tổ chức tại căn cứ hải quân Du Lâm (Sanya), nằm ở bờ đông của đảo Hải Nam, gần khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Chủ tịch Tập tổ chức nghi lễ hạ thủy ở mức long trọng và quyết định đưa Sơn Đông vào Hạm đội Nam Hải như là một bước đi chiến lược mang tính biểu tượng nhằm khẳng định vị thế bá chủ của bản thân ở khu vực Biển Đông.
Tàu sân bay Sơn Đông là một minh chứng cho một cuộc cách mạng cải tiến công nghệ lớn ở Trung Quốc so với Tàu sân bay Liêu Ninh trước đây – phải mua từ Ukraine và tiến hành sửa chữa lại. Sơn Đông không chỉ có hệ thống radar tiên tiến mà còn có thể chứa hơn 36 máy bay J-15, nhiều hơn đáng kể so với Liêu Ninh chỉ ở mức 24. Với mọi bộ phận tàu được sản xuất trong nước, Trung Quốc hiện có thể tự cung cấp cho lực lượng hải quân của bản thân. Đây là một bước quan trọng của Trung Nam Hải cho mục đích trở thành siêu cường quân sự trong khu vực.
Sau gần một năm tân trang, Sơn Đông được dự đoán là có khả năng tương tự tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô. Việc hạ thủy tàu sân bay thứ hai đồng nghĩa với việc cho phép Hải quân Trung Quốc đi qua các khu vực Biển Đông và eo biển Đài Loan nhưng nhiều chuyên gia quân sự cho rằng tàu sân bay của Trung Quốc vẫn không thể so sánh với tàu sân bay lớp Nimitz hay Ford của Hải quân Hoa Kỳ.
Theo báo cáo của Hoa Kỳ về quân đội Trung Quốc năm 2019, Bộ Quốc phòng tin rằng các tàu sân bay của Trung Quốc “bị giới hạn về khả năng do không có hệ thống máy phóng và sàn sân bay nhỏ hơn boong tàu sân bay Hoa Kỳ”. Ngoài ra, khác với các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, Sơn Đông chỉ được trang bị turbine hơi nước thông thường nên tàu ít có khả năng di chuyển quãng đường dài.
Dù thế nào, tàu sân bay mới của Trung Quốc vẫn được xem như một phương tiện răn đe đối với các quốc gia trong khu vực Đông Bắc và Đông Nam Á. Đơn cử, trong một thử nghiệm cuối cùng trên biển vào tháng 11/2019 trước khi hạ thủy, Sơn Đông đã đi qua eo biển Đài Loan, một khu vực có độ nhạy địa chính trị cao. Hải quân Giải phóng tuyên bố rằng, “đây chỉ là một hoạt động bình thường và không liên quan đến tình hình căng thẳng hiện tại”. Lộ trình thử nghiệm này đã gây ra nhiều đồn đoán trong giới phân tích quân sự, với nhiều ý kiến cho rằng hành động của Bắc Kinh có thể biểu thị lập trường ngày càng cứng rắn về vấn đề Đài Loan.
Khi Sơn Đông đi vào vùng Biển Đông, Việt Nam, Singapore và Philippines đã cảm thấy bị đe dọa không nhỏ bởi vì sự bành trướng và đe dọa rõ ràng của Trung Quốc. Đầu tư và phát triển nền quân sự nhanh chóng của Trung Quốc, bao gồm cả việc hoàn thành một tàu sân bay thứ ba được chế tạo trong nước vào năm 2022, chắc chắn sẽ đảm bảo vị trí là một bá chủ trong khu vực. Điều này, có thể lôi kéo Hoa Kỳ, một lần nữa, can thiệp vào khu vực vốn đã có nhiều căng thẳng. Hơn nữa, nếu Hoa Kỳ tham gia vào Biển Đông nhằm hỗ trợ đồng minh, có khả năng sự cạnh tranh quân sự mới giữa hai siêu cường này sẽ là điều không tránh khỏi.
***
Dù thế nào, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo, tấn công các tàu cá của các quốc gia liên quan, hay mau chóng ra lệnh cho tàu sân bay Sơn Đông đi tuần tra ngang qua Biển Đông bất kỳ lúc nào nhằm khẳng định sự hiện diện và vị thế bá quyền của bản thân.
___
Tài liệu tham khảo:
[1] Toshi Yoshinara and James R. Holmes, 2010, Red Star over the Pacific: China’s Rise and the Challenges to U.S. Maritime Strategy, 1st ed. Annapolis: Naval Institute Press
[2] Thomas, Michael. 2017. “Fish, Food Security and Future Conflict Epicenters.” The Centre for Climate and Security, June: 80-90