Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Năm nay, với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN, Việt Nam có tham vọng nâng cao tầm vóc của mình ở Đông Nam Á và trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tham vọng này đã bị chết yểu bởi đại dịch coronavirus, vì các lịch trình ngoại giao ở Đông Nam Á đang bị đóng băng giữa đại dịch, và Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch để đẩy mạnh các tranh chấp của mình trên biển Đông.
Coronavirus đã làm gián đoạn các chuyến bay và các cuộc gặp, cũng như sự tương tác giữa người dân, quan chức và các nhà ngoại giao của các quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo hoãn Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 (36th ASEAN Summit) cho đến cuối tháng Sáu. Trước đó, Hội nghị được lên kế hoạch tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 8-9/4, với 10 nước ASEAN và New Zealand.
Số lượng các ca nhiễm COVID-19 ở Đông Nam Á đã bắt đầu tăng vọt vào giữa tháng Ba, dẫn đến phong tỏa tại các thành phố lớn ở Malaysia và Philippines. Các quốc gia ASEAN khác cũng đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại, khiến quyết định hoãn hội nghị thượng đỉnh của Việt Nam là không thể tránh khỏi.
Vị trí Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã có hai nhiệm kỳ giữ chức chủ tịch vào năm 1998 và 2010. Điều này đã cho phép Việt Nam thúc đẩy một số chính sách của mình và mở rộng quan hệ với các cường quốc khác.
Vị trí Chủ tịch ASEAN của Việt Nam vào năm nay có thể trở thành một thế mạnh trong các cuộc đàm phán cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP). RCEP là một khối thương mại tự do bao gồm ASEAN và các cường quốc thương mại lớn khác ở Đông Á, bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Việc các lịch trình ngoại giao bị đóng băng sẽ ảnh hưởng đến cơ hội đàm phán RCEP của Việt Nam với tư cách chủ tịch ASEAN. Hơn nữa, RCEP khó có thể được ký kết trong năm nay, vì sắp tới sẽ có một làn sóng bảo hộ thương mại vì những tác động kinh tế thời hậu COVID-19.
Với vị trí Chủ tịch của mình, Việt Nam có tham vọng muốn biến vấn đề sông Mekong – con sông chảy qua năm nước thành viên của ASEAN – trở thành vấn đề chung của ASEAN trong năm nay. Như đã đề cập ở các bài viết trước, Trung Quốc muốn dùng sông Mekong làm đòn bẩy để khuếch đại lợi ích và “bắt thóp” các quốc gia Đông Nam Á ven sông. Nếu Việt Nam thành công trong việc đưa biển Đông và sông Mekong thành vấn đề chung của ASEAN trong năm nay, thì cả Việt Nam và ASEAN sẽ có nhiều quyền lực hơn để mặc cả với Trung Quốc, đặc biệt nếu ASEAN có thể tranh thủ và lôi kéo các nước lớn khác như Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm đóng băng các lịch trình ngoại giao và trì hoãn các hội nghị thượng đỉnh của ASEAN trong năm nay, và cũng làm gián đoạn tham vọng ngoại giao của Việt Nam.
Việt Nam muốn dùng ASEAN như một mặt trận chống lại sự bành trướng của hải quân Trung Quốc ở biển Đông. Tuy chỉ có bốn thành viên của ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) tham gia trực tiếp vào tranh chấp biển Đông với Trung Quốc, nhưng ASEAN đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại những quan ngại của tổ chức về tranh chấp biển Đông trong nhiều năm, cho rằng các hành động của Bắc Kinh nhằm khẳng định quyền kiểm soát của họ đối với toàn bộ biển Đông là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh khu vực. Việt Nam là nước “quan ngại” nhiều nhất, sâu sắc nhất trong ASEAN về tham vọng của hải quân Trung Quốc, và Việt Nam hiện không có lựa chọn nào khác ngoài việc thông qua ASEAN để đối trọng với gã khổng lồ châu Á.
Năm nay, khi một lần nữa trở thành Chủ tịch ASEAN và tổ chức các hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Việt Nam hy vọng sẽ lấy lại thế chủ động bằng cách xây dựng được một bộ quy tắc ứng xử nhằm giảm căng thẳng ở biển Đông. Nhưng tham vọng này của Việt Nam sẽ gặp chút trở ngại, vì rằng đại dịch coronavirus sẽ buộc Việt Nam phải tập trung nhiều hơn vào hợp tác nội khối hơn là phát triển quan hệ của ASEAN với các cường quốc ngoại khối, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Hiện nay, trong lúc Việt Nam và các nước khác đang lao đao vì coronavirus thì Trung Quốc, vốn phục hồi nhanh hơn, đang đẩy mạnh các tranh chấp trên biển Đông, bằng việc lập các trạm nghiên cứu ở Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi, hạ cánh máy bay quân sự chuyên dụng ở Đá Chữ Thập và triển khai dân quân biển đến Trường Sa. Đỉnh điểm là vào ngày 02/04/2020, tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg-90767-TS bị tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm ở đảo Phú Lâm.
Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn trong việc đối đầu với Trung Quốc ở biển Đông, vì hiện nay mối quan tâm của các nước trên thế giới là đại dịch COVID-19. Hơn nữa, Trung Quốc hiện đang ve vãn các nước ASEAN bằng viện trợ y tế. Sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc, họ có thể dấn sâu hơn bằng việc cung cấp những gói hỗ trợ tài chính, cho vay ưu đãi.