Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi ngày, vào lúc 8:00, 13:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Hôm 17/4, Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz cho biết chính phủ Mỹ đã tài trợ 76.000 đô-la cho chương trình nghiên cứu coronavirus của Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) trong năm 2019. Thông tin này được ông đưa ra trong một chương trình Youtube có tên “Verdict with Ted Cruz” và được ông đăng lên trang Twitter cá nhân.
“Đây là một phần của chương trình tài trợ 3,7 triệu USD trong sáu năm cho các cơ sở ở Trung Quốc, Thái Lan, Cambodia, Lào, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, và Myanmar”.
“Đâu là những gì họ nghiên cứu. Nguyên văn lời của Viện Y tế Quốc gia [Hoa Kỳ]: ‘Dự án bao gồm việc nghiên cứu về đa dạng virus ở động vật (dơi), khảo sát người dân sống ở những cộng đồng có rủi ro cao xem có lây coronavirus từ dơi không, và tiến hành các thí nghiệm để phân tích và dự báo loại virus mới phát hiện nào là mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe con người.”
Ông Ted Cruz cũng nói rằng có đến hai phòng thí nghiệm cách nơi bùng phát dịch chỉ vài cây số và Bộ Ngoại giao Mỹ từng có những công điện nội bộ trước khi đại dịch xảy ra nêu lên những lo ngại về an toàn của những phòng thí nghiệm này, rằng virus có thể thoát ra ngoài và gây nên một đại dịch toàn cầu.
Trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance đăng ngày 18/4, ông làm rõ: “Tôi không có ý nói rằng đây là vụ rò rỉ virus một cách cố ý, nhưng nó có thể là một vụ tai nạn rò rỉ virus mà họ đang nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm của chính phủ”. Ông bổ sung, “chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm thực sự nếu họ có trách nhiệm trực tiếp về nguồn gốc của virus này”.
Cho đến nay, chính phủ Mỹ vẫn nói rằng họ đang điều tra khả năng SARS-CoV-2, loại virus gây nên đại dịch COVID-19, xuất phát từ phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán (Trung Quốc).
Ted Cruz là thượng nghị sĩ Mỹ từ năm 2013, đại diện bang Texas, và là đảng viên Cộng hòa. Ông từng tranh cử tổng thống nhưng thất bại ở vòng sơ bộ năm 2016 trước ông Donald Trump. Ông không phải người đầu tiên lên tiếng về khoản tài trợ của chính phủ Mỹ cho Viện Virus học Vũ Hán. Một dân biểu Cộng hòa, Matt Gaetz, cũng đã nói về vấn đề này trên đài Fox News bốn ngày trước đây.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.
Trong một động thái hiếm hoi, một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khen ngợi những nỗ lực chống dịch COVID-19 của Đài Loan hôm thứ Sáu vừa qua, SCMP đưa tin.
Michael Ryan, giám đốc điều hành của chương trình y tế khẩn cấp của WHO nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Geneva (Thụy Sĩ) rằng giới chức Đài Loan “xứng đáng được khen ngợi, họ đã đưa ra một phản ứng y tế công rất tốt ở Đài Loan, và bạn có thể thấy điều đó qua các số liệu. Chúng tôi đã từng khen ngợi điều đó, chúng tôi đã thấy những cách tiếp cận tương tự được tiến hành ở đặc khu Hong Kong và Trung Quốc”.
Khi được hỏi về việc WHO loại trừ Đài Loan ra khỏi tổ chức này, ông Ryan trả lời: “Chúng tôi đang quan sát và theo dõi và đưa các đồng nghiệp Đài Loan vào các mạng lưới chuyên môn để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm và họ có thể vừa đóng góp kiến thức nhưng cũng có thể học hỏi từ bên ngoài”.
WHO nói họ giữ liên lạc thường xuyên với Đài Loan kể từ khi đại dịch bùng phát, nhưng Đài Loan liên tục phàn nàn rằng họ bị từ chối tham gia các cuộc họp của WHO. Tuần trước, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết 70% số đề nghị tham gia họp của Đài Loan đã bị WHO từ chối trong 10 năm qua.
Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.
Trung tâm nghiên cứu Pew, một hãng khảo sát trung lập của Mỹ, vừa công bố một kết quả khảo sát mới hôm 16/4 vừa qua. Theo đó 65% số người được hỏi cho rằng Tổng thống Donald Trump đã quá chậm trễ trong việc đưa ra những giải pháp quan trọng ban đầu nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Chỉ có 34% cho rằng ông đã phản ứng nhanh.
66% số người được hỏi lo ngại về việc các chính quyền tiểu bang sẽ dỡ bỏ các lệnh phong tỏa quá sớm, chỉ có 32% lo ngại mở cửa quá trễ.
Đặc biệt, 73% cho rằng những điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến, trong khi có 26% tin rằng Mỹ đã qua thời kỳ tồi tệ nhất.
Cũng trong đợt khảo sát này, Pew cho biết cử tri của Đảng Cộng hòa/có thiên hướng Cộng hòa khá chia rẽ trong việc chấp nhận hay không chấp nhận chuyện các quan chức dân cử chỉ trích chính quyền Trump về cách ứng phó với đại dịch. Có đến 52% số cử tri Cộng hòa được hỏi không chấp nhận, còn 47% thì chấp nhận.
Trong khi đó, có tới 85% cử tri Dân chủ/có thiên hướng Dân chủ đồng ý với chuyện quan chức dân cử chỉ trích chính quyền Trump, chỉ có 14% không đồng ý.
Tựu chung lại, 66% người được hỏi đồng ý, 33% không đồng ý.
Tuyên bố chính sách: Có rất nhiều khảo sát của các hãng, báo, đài khác nhau. Luật Khoa lựa chọn những khảo sát của các cơ quan phi đảng phái và trung lập nhất có thể để đưa tin.
Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.
Sau khi chính quyền đặc khu Hong Kong bắt giữ 15 nhà hoạt động dân chủ hôm qua (18/4) vì tổ chức và tham gia biểu tình năm ngoái, hàng loạt chính phủ nước ngoài và tổ chức quốc tế đã lên án hành động này.
Mỹ: Ngoại trưởng Mike Pompeo nói “Hoa Kỳ lên án vụ bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong”. “Bắc Kinh và những người đại diện của họ ở Hong Kong tiếp tục hành động trái với những cam kết trong Tuyên bố chung Trung Quốc – Anh Quốc vốn bao gồm sự minh bạch, pháp quyền, và đảm bảo Hong Kong sẽ tiếp tục thụ hưởng một quy chế tự trị mức độ cao”.
Anh: Bộ Ngoại giao Anh nói quyền biểu tình ôn hòa là “căn bản của lối sống Hong Kong” và nhà chức trách nên tránh “những hành động châm ngòi căng thẳng”. “Nhà chức trách nên tập trung vào việc xây dựng lại niềm tin thông qua một quá trình đối thoại chính trị thực chất”.
Hiệp hội Luật sư Quốc tế cũng lên án việc bắt giữ hai nhà hoạt động Lee và Ng và nói: “Điều cực kỳ quan trọng là nhà chức trách không sử dụng quyền lực của họ để xâm phạm nhân quyền cơ bản, và hệ thống pháp luật cần thiết phải tiếp tục bảo vệ công dân khỏi mọi hình thức lạm quyền vốn có thể không ai nhận khi cộng đồng thế giới đang chìm trong cuộc khủng hoảng COVID-19”.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Hôm thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Mỹ mới ra tuyên bố về việc tàu thăm dò của chính phủ Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp với Malaysia, theo Reuters. Theo đó, Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng “hành vi bắt nạt” trên Biển Đông và bày tỏ quan ngại trước các thông tin cho thấy Trung Quốc có những “hành vi khiêu khích” nhắm vào các hoạt động khai thác dầu và khí ngoài khơi ở những vùng biển đang tranh chấp.
Cũng trong tuần này, tàu thăm dò Haiyang Dizhi 8 xuất hiện ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoai giao Trung Quốc cho biết con tàu này đang tiến hành những hoạt động bình thường và cáo buộc các quan chức Mỹ bôi nhọ Trung Quốc.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Bảy (giờ Mỹ), 18/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Trung Quốc có thể phải chịu trách nhiệm cho việc để đại dịch COVID-19 bùng phát.
“Nếu nó là một sai lầm, thì sai lầm là sai lầm. Nhưng nếu họ cố ý, thì vâng, ý tôi là, thì chắc chắn phải có hậu quả”, ông Trump nói. Ông không làm rõ Mỹ sẽ hành động như thế nào.
Ông Trump ban đầu khen ngợi Bắc Kinh về cách ứng phó với đại dịch, nhưng sau đó chuyển sang chỉ trích Trung Quốc và gọi SAR-CoV-2 là “Chinese virus”, đồng thời cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới đã nghiêng về Trung Quốc từ đầu đại dịch đến nay.
TT Trump cho hay vấn đề bây giờ là liệu những gì xảy ra với coronavirus là “một sai lầm vượt khỏi tầm kiểm soát hay là có chủ ý”.
“Hai cái đó khác nhau nhiều lắm”, ông nói.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số lượng máy thở tại châu Phi rất đáng quan ngại trong tình hình dịch COVID-19 lây lan đến đó, vì nó quá ít. Trong 41 nước châu Phi đưa ra báo cáo, thì toàn bộ họ có chỉ là 2.000 máy thở. Ngoài ra, tại những nước châu Phi có máy thở, thì cũng rất ít bác sĩ đã được huấn luyện để sử dụng chúng.
Trong tình trạng này, khi COVID-19 lây nhiễm trên diện rộng tại châu Phi, con số người tử vong có thể sẽ lên rất cao. Hiện nay, đã có 19.000 người bị nhiễm coronavirus và 1.000 người chết tại châu Phi, theo Washington Post.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Mỹ và Canada sẽ tiếp tục các biện pháp phong tỏa biên giới hai nước để chống dịch COVID-19 thêm 30 ngày nữa, theo lời Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố vào ngày thứ Bảy vừa qua.
Tuy nhiên, các mặt hàng y cụ – ví dụ như khẩu trang – sẽ vẫn tiếp tục được vận chuyển giữa hai nước. Trong tháng 3/2020, Hoa Kỳ đã cho phép công ty 3M – là nơi chuyên sản xuất các mặt hàng y cụ – được phép xuất khẩu khẩu trang đến Canada và các nước Nam Mỹ.