Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Không ai chọn một nghề vì muốn trở thành anh hùng.
Năm 2020 chỉ mới qua được một phần tư chặng đường, nhưng có lẽ hai chữ “anh hùng” đã xuất hiện nhiều hơn bất kỳ năm nào trước đó.
Trên khắp các mặt báo, các kênh truyền hình, các trang mạng xã hội, những câu chuyện về “người hùng thời bình” được chia sẻ liên tục.
Nổi bật nhất, và cũng hợp lý nhất, là hình ảnh vất vả của những bác sĩ, y tá, nhân viên y tế… những người đã luôn tất bật ở tuyến đầu trong công tác chống dịch.
Đại dịch ngày càng lây lan, các biện pháp cách ly, cô lập khu vực, hay phong tỏa cả một đất nước được tiến hành, khái niệm “anh hùng” cũng được mở rộng, không còn chỉ xuất hiện khi người ta nói về lực lượng y tế.
Khi “nhà nào ở yên nhà đó” trở thành biện pháp số một để chống lại sự lây lan của dịch bệnh, vai trò của những người làm công việc giao hàng tận nơi (home delivery) bỗng trở nên cực kỳ quan trọng. Các shipper – những người giao hàng – đầu tắt mặt tối vẫn làm không xuể việc.
Từ hai thập niên qua, khi thương mại điện tử không ngừng phát triển, lợi ích của việc đặt hàng từ xa chủ yếu nằm ở sự “tiện lợi”. Giờ đây trong cơn khủng hoảng dịch, nó còn đem đến sự “an toàn” cho cả người bán lẫn người mua.
Nhưng ít người nhận ra, để đổi lấy sự an toàn tiện lợi cho người khác, những người giao hàng phải gánh lấy không ít nguy hiểm và bất trắc về phần mình.
Ở nhiều nơi, việc giao hàng tận nhà chủ yếu được thực hiện bằng xe hai bánh (xe máy hoặc xe đạp). Khi tai nạn giao thông vẫn là một vấn nạn lớn ở khắp các đô thị trên thế giới, những người di chuyển trên các phương tiện cá nhân thô sơ luôn là đối tượng có rủi ro tổn thương cao nhất. Tại Việt Nam, trong mười năm qua, liên tục mỗi năm có bình quân 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, tức là trung bình mỗi ngày có gần 30 người ra đường và không bao giờ trở về nhà.
Đấy là khi không có dịch bệnh. Dịch lan rộng, nhiều người có thể ngồi một chỗ thông qua vài động tác bấm chạm trên màn hình điện thoại, rung đùi chờ hàng giao đến tận tay. Các shipper trong khi đó phải tiếp xúc với đủ loại người mỗi ngày. Nhu cầu tăng vọt, số lượng người phải tiếp xúc cũng tăng lên, nguy cơ nhiễm bệnh đối với họ vì vậy cũng cao hơn nhiều lần so với những ai có thể ở yên trong nhà.
Một bài viết trên Wired cách đây không lâu từng đặt ra câu hỏi, rằng liệu có phù hợp với đạo đức không khi chúng ta có thể an toàn ngồi nhà tránh dịch, trong khi lại yêu cầu người khác phải chịu rủi ro đem đồ ăn đến tận cửa cho mình.
Câu trả lời, như tác giả bài viết thừa nhận, không hề đơn giản. Phần lớn những người làm nghề giao nhận đều thuộc nhóm “công nhân thời vụ” (gig workers). Họ không phải là nhân viên chính thức của các doanh nghiệp, không có lương cố định, không có bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chế độ nghỉ phép. Trong nền “kinh tế thời vụ” (gig economy), mối quan hệ giữa họ với doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thuần túy là “đối tác” (contractor). Thu nhập của họ hoàn toàn phụ thuộc vào đơn đặt hàng của khách.
Vậy khách hàng có thể làm gì để san sẻ gánh nặng rủi ro cho họ? Một trong những giải pháp đưa ra là dùng sức mạnh tiêu dùng của mình gây áp lực lên các công ty cung cấp dịch vụ, buộc các doanh nghiệp phải có giải pháp hỗ trợ an toàn cùng những chính sách trợ cấp cho “đối tác” (như nghỉ phép có lương nếu bị nhiễm bệnh).
Điều tối thiểu khác mỗi người có thể làm là dành cho họ sự tôn trọng đúng mực.
Người viết từng chứng kiến cảnh một cô gái trẻ không trực tiếp xuống nhận hàng (có lẽ vì sợ nhiễm bệnh), nhờ shipper để đồ lại trước cửa, rồi thả tờ tiền buộc bằng dây thun từ trên gác. Tờ giấy bạc rơi xuống vũng nước ngay miệng cống trước nhà. Anh nhân viên giao hàng nhặt lên, mở tờ giấy ướt sũng ra, lau sạch, nhét vào trong bóp và lặng lẽ tiếp tục đi giao các đơn hàng tiếp theo.
Khác với các shipper, những nhân viên phục vụ tại các siêu thị đa phần được tuyển dụng chính thức, có chế độ chính sách hỗ trợ theo luật định.
Nhưng cũng giống như nhân viên giao hàng, những người này không có được may mắn có thể làm việc tại nhà. Trong khi xã hội thực hiện cách ly, họ vẫn phải có mặt tại chỗ làm, và mỗi ngày phải tiếp xúc với vô số người khác nhau. Nguy cơ nhiễm bệnh đối với họ vì vậy cũng lớn hơn nhiều lần so với những ai có thể ở yên trong nhà.
Tại Mỹ, nhiều tờ báo đã gọi các nhân viên siêu thị là những người ở tuyến đầu (frontline) trong đại dịch. Công việc của họ đảm bảo mọi người đều có thể mua được nhu yếu phẩm. Trong những thời điểm nhiều người đổ xô đến giành giật mua sắm (panic buying), các nhân viên siêu thị lại càng có vai trò quan trọng trong việc giữ cho mọi thứ ổn định trật tự, không vượt quá kiểm soát. Khách hàng có quyền hoảng loạn, họ thì không.
Vậy nhưng cũng giống như nhân viên giao hàng, chúng ta không mấy khi tôn trọng đúng mực những đóng góp của họ.
Nhiều người dễ dàng bực bội khi phải xếp hàng lâu, cáu tiết khi không mua được món mình muốn, và sẵn sàng nổi điên lên mắng chửi khi phát hiện sai sót trong hóa đơn thanh toán.
Đối với khách hàng, nhân viên siêu thị có thể là đối tượng duy nhất trong ngày, hoặc thậm chí trong tuần mà họ phải tiếp xúc. Cơn giận của họ vì vậy thật chính đáng. Nhưng đối với nhân viên siêu thị, họ không thể nào nhớ nổi một ngày mình phải tiếp xúc với bao nhiêu người, và phải đối diện với bao nhiêu hỷ nộ ái ố của thiên hạ.
Trong một bài viết trên tờ Politico, các nhân viên siêu thị ở châu Âu cho biết mình phải đến chỗ làm hàng ngày trong tâm trạng lo lắng không biết lúc nào sẽ nhiễm bệnh, không được chuẩn bị đầy đủ, không có trang thiết bị bảo vệ, và đều phải làm việc quá sức.
Trong khi đó các trường hợp nhân viên siêu thị qua đời vì nhiễm dịch COVID-19 đã bắt đầu được ghi nhận tại Mỹ.
Tất nhiên các nạn nhân của đại dịch không phân biệt nghề nghiệp hay giới tính, tuổi tác, chủng tộc… Nhưng với những người gánh chịu rủi ro cao để tiếp tục công việc của mình, và đặc biệt là khi công việc đó mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, sẽ không phải là điều gì quá đáng nếu yêu cầu một sự trân trọng đúng mực dành cho họ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một bài phát biểu trước người dân cả nước vào tháng ba vừa qua đã dành lời tri ân cho những nhân viên đang làm việc tại các siêu thị. Bà nói “những người làm tại các quầy tính tiền hoặc lên hàng tại các quầy kệ đang đảm trách một trong những phần việc khó khăn nhất trong thời điểm hiện tại”. Thủ tướng Merkel cám ơn họ đã “có mặt để giúp đỡ những người khác và giữ cho siêu thị tiếp tục mở cửa”.
So với các nhân viên giao hàng và nhân viên siêu thị, những nhà khoa học không chịu rủi ro từ việc phải tiếp xúc với quá nhiều người. Phần lớn thời gian của họ xưa nay là ở trong các phòng thí nghiệm.
Nhưng trong đại dịch, không cần phải tiếp xúc trực tiếp, người ta cũng bắt đầu nhận ra giá trị từ việc làm của các nhà khoa học.
Chính những tri thức khoa học chính xác, chứ không phải bất kỳ thế lực siêu nhiên, phép thuật màu nhiệm hay lý luận cao cấp nào, mới là thứ có thể giúp nhân loại đối mặt và vượt qua dịch bệnh.
Khắp nơi trên thế giới, các nhà khoa học trở thành tâm điểm chú ý mỗi khi họ xuất hiện trên truyền hình để chia sẻ với người dân về tình hình đại dịch.
Trong một khảo sát được đăng tải trên tờ Business Insider, khi được hỏi về những thông tin liên quan đến dịch bệnh, người dân Mỹ đặt niềm tin nhiều nhất vào bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh của nước này (người đứng thứ hai trong khảo sát là Thống đốc bang New York Andrew Cuomo, còn Tổng thống Donald Trump đứng áp chót bảng xếp hạng).
Ở Trung Quốc, tuy Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố mình là “chỉ huy tối cao” của “cuộc chiến chống virus”, cái tên được người dân nước này tin tưởng nhất lại là bác sĩ Zhong Nanshan (Chung Nam Sơn). Ông được nhiều người xem như anh hùng, kể từ dịch bệnh SARS vào năm 2003, vì “dám nói lên sự thật”. Một lý do giản dị nhưng không hề đơn giản trong chế độ cộng sản độc tài.
Tại những nước châu Âu bị rung chuyển bởi dịch bệnh, các bác sĩ cũng là những nhân vật được nhiều người lắng nghe hơn là các chính trị gia.
Bác sĩ Massimo Galli, giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Luigi Sacco của Milan, xuất hiện trên truyền hình Ý cảnh báo người dân về mức độ nghiêm trọng của dịch, và ý nghĩa của việc thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội.
Tại Đức, bác sĩ Christian Drosten, chuyên gia hàng đầu về virus học tại Bệnh viện nghiên cứu thuộc Đại học Charité, Berlin, thường xuyên xuất hiện trên các talk-show truyền hình, đồng thời là người tư vấn cho các quyết sách của chính quyền Thủ tướng Angela Merkel.
Bác sĩ Fernando Simón, giám đốc Trung tâm Y tế Khẩn cấp của Tây Ban Nha cũng là gương mặt quen thuộc trên truyền hình nước này trong những tháng ngày dịch bệnh. Khi Simón bị xác nhận nhiễm bệnh vào cuối tháng ba vừa qua, người dân khắp đất nước đã gửi những lời thăm hỏi động viên đến ông.
Ở thời đại tin giả hoành hành, khi đối diện với mối đe dọa sống chết, người ta mới thấy rõ vai trò không thể thay thế của khoa học nói chung và những nhà khoa học nói riêng.
Những người làm khoa học chỉ quan tâm đến việc tìm kiếm tri thức, chia sẻ hiểu biết và bảo vệ sự thật, bất kể sự thật đó có làm phật ý ai hay không.
Dù dịch bệnh khiến nhiều người nổi tiếng còn hơn cả các lãnh đạo quốc gia, nhưng các nhà khoa học đều không bận tâm đến điều đó.
Như lời của bác sĩ người Đức Christian Drosten, “tôi không làm chính trị, tôi là một nhà khoa học”.
Ông cho rằng “các kiến thức khoa học cần được truyền đạt rõ ràng đến mọi người, để tất cả chúng ta đều hiểu được tình thế hiện tại”.
“Sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết của mình”, bác sĩ Drosten cũng đồng thời “thẳng thắn trung thực về những gì tôi không biết”.
Không chỉ có các bác sĩ y tá, người giao hàng, nhân viên siêu thị mới chịu nhiều rủi ro mắc bệnh. Cũng không chỉ có các nhà khoa học mới truyền tải tri thức và sự thật. Và cũng không chỉ có hai lý do trên mới tạo ra các người hùng trong thời dịch.
Một bài viết trên tờ Politico đã liệt kê ra danh sách 19 “anh hùng chống dịch” trong các lĩnh vực khác nhau.
Đó là hàng chục ngàn người Tây Ban Nha đã gửi thư tay đến các bệnh nhân để động viên chia sẻ với họ. Đó là các đầu bếp tại Úc và Anh nấu những bữa ăn miễn phí cho những người kém may mắn. Đó là những người lao công lau chùi trong quốc hội và những người quét dọn vệ sinh trong các bệnh viện. Những thợ làm bánh tại Pháp ngày ngày vẫn dậy từ bốn giờ sáng để cho ra các mẻ bánh thơm lừng. Những công nhân sản xuất các loại nước rửa tay sát khuẩn. Những công nhân may khẩu trang. Những kỹ sư tin học ngày đêm đảm bảo hệ thống thông tin vận hành thông suốt. Những công nhân dọn vệ sinh giữ cho đường phố luôn sạch sẽ. Những chủ nhà miễn phí tiền thuê cho người ở trọ. Những chủ nhà sách chịu phí vận chuyển cho mọi đơn hàng, khuyến khích mọi người dành thời gian tịnh tâm bên trang sách. Những ai biết dùng âm nhạc để xoa dịu tinh thần người chung quanh. Những đứa trẻ truyền thông điệp yêu thương qua các bức tranh nguệch ngoạc ngộ nghĩnh…
Và tất nhiên không chỉ có 19 người hùng trong bài báo đó. Các câu chuyện anh hùng xuất hiện khắp nơi.
Những thực khách vào nhà hàng để lại hàng ngàn đô la tiền típ với lời nhắn gửi “giữ lấy để trả lương cho các bạn trong những tuần tiếp theo”. Những tài xế xe tải dầm mình sau vô lăng suốt hàng ngàn km chuyên chở những chuyến hàng thiết yếu. Những người giúp việc nhà quay cuồng với khối lượng công việc tăng gấp mấy lần ngày thường.
Rồi còn những người nông dân làm ra lương thực nuôi sống xã hội, còn những thợ điện thợ nước túc trực đảm bảo hệ thống sinh hoạt vận hành liên tục, còn lực lượng cảnh sát quân đội canh gác duy trì trật tự ổn định, và còn vô số những người khác…
Đến đây có lẽ bạn đã phải tự hỏi, rốt cục thì ai mới không phải là anh hùng?
“Anh hùng” trong tiếng Việt có nghĩa khá giản dị. Nó dùng để chỉ những người thông minh tài giỏi (anh) và có sức mạnh (hùng). Dĩ nhiên chỉ như vậy thì chưa đủ làm anh hùng. Họ phải xuất chúng (hơn người).
Từ anh hùng trong tiếng Anh, “hero”, có nghĩa gốc để chỉ những nhân vật “nửa thần nửa người” (demi-god), như kiểu Hercules hoặc Achilles của thần thoại Hy Lạp.
Anh hùng vì vậy là những người tài giỏi mạnh mẽ như thần.
Nhưng vì sao chúng ta cần có anh hùng?
Các anh hùng phiên bản đầu tiên của lịch sử loài người có lẽ là những nhân vật trong các thần thoại cổ tích. Họ vừa là cố gắng để con người giải thích các hiện tượng tự nhiên, vừa đại diện cho khát khao hướng đến những giá trị mà nhân loại theo đuổi: trí tuệ, sức mạnh, lòng dũng cảm, tình yêu thương, sự kiên trì bền bỉ…
Ngày xưa, đứng trước thiên nhiên quá hùng vĩ to lớn, những anh hùng tưởng tượng là cách để con người thấy mình không quá bé nhỏ.
Ngày nay, mỗi khi cảm giác bị đe dọa, nhân loại lại luôn tìm về bản năng gốc xa xưa, ngóng trông sự xuất hiện của các anh hùng.
Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… là những sự kiện mang tính đe dọa hủy diệt. Không ngạc nhiên gì khi trong những cuộc khủng hoảng đó, các câu chuyện anh hùng xuất hiện khắp nơi và lan truyền rộng rãi.
Nhưng ngày nay, liệu chúng ta có còn cần anh hùng?
Hoặc, có thể hỏi một cách khác, rằng khi khắp nơi đâu đâu cũng xuất hiện anh hùng như từ đầu câu chuyện, liệu có còn hợp lý khi chúng ta trông ngóng người khác trở thành anh hùng, suy tôn người khác, và biết ơn người khác vì những hy sinh đó?
Trong một bài viết trên tờ Die Zeit của Đức, tác giả Alice Bota đã nhận định có lẽ cách chúng ta ca ngợi chúc tụng những tấm gương anh hùng chống dịch là một kiểu che đậy cho cảm giác tội lỗi của xã hội nói chung và bản thân nói riêng.
Những người ở tuyến đầu chống dịch đó, không ai chọn nghề vì muốn trở thành anh hùng.
Họ chọn nghề nếu không phải đam mê bản thân, vì ý nghĩa công việc, thì cũng là đơn giản để nuôi sống mình và gia đình.
Không ai muốn mạo hiểm tính mạng, không ai muốn làm việc đến kiệt sức, không ai muốn bị chia tách khỏi người thân.
Nếu có đủ bác sĩ, nếu bác sĩ y tá có đủ phương tiện bảo vệ, nếu bệnh viện có đủ thiết bị y tế, nếu tất cả có đủ nhu yếu phẩm, nếu mọi nhân viên đều được trả lương nghỉ bệnh, nếu mỗi người đều có trợ cấp xã hội… sẽ không ai phải lựa chọn làm anh hùng.
Chúng ta biến người khác thành anh hùng vì chúng ta đã buộc họ vào thế không thể làm khác.
Chúng ta xây thừa những cung điện biệt thự nguy nga nhưng lại thiếu bệnh viện thiếu giường bệnh. Chúng ta làm ra vô số những chiếc xe hơi hiện đại để mỗi năm phá bỏ nhưng lại không có đủ máy thở cho người bệnh khi cần. Chúng ta tiêu ngàn tỷ vào những tượng đài lăng tẩm phù phiếm nhưng lại than thở không có tiền trợ cấp cho người nghèo qua cơn đói.
Để rồi khi thảm họa xảy ra, chúng ta trông đợi ở người khác sự hy sinh.
Có lẽ không thừa khi nhắc lại ý nghĩa của hai chữ “hy sinh”, vốn đã bị lạm dụng quá nhiều từ xưa đến nay.
Từ gốc của “hy sinh” trong tiếng Hoa (犧牲) là để chỉ hành động hiến tế sinh mạng của thú vật trong các nghi lễ tôn giáo, nhằm cầu xin giúp đỡ của thần linh.
Từ tương đương với “hy sinh” trong tiếng Anh, “sacrifice”, có cùng gốc với chữ “sacred” (linh thiêng), cũng mang nghĩa tương tự: những hành động tế thần.
“Hy sinh” vì vậy không chỉ có nghĩa là từ bỏ sinh mạng. Nó còn là hành động vốn dĩ chỉ dành cho con vật, không phải con người.
Ngày nay, nhân loại đang dần học (lại) cách tôn trọng sự sống của tất cả các sinh vật khác nhau.
Nhưng thói quen muốn “hy sinh” kẻ khác thì vẫn luôn còn hằn sâu trong não của không ít người.
Không ai sinh ra trên đời lại muốn từ bỏ sự sống.
Đòi hỏi ở người khác sự hy sinh, cho dù dưới bất kỳ hình thức nào, cũng đều là thứ yêu cầu ngạo ngược, trái với bản năng của mọi loài sinh vật trên đời.
Cách đây 100 năm, khi có hơn 600 y sĩ tử nạn trong đại dịch cúm tại Mỹ, quy tắc đạo đức (code of ethics) của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ thời đó vẫn quy định rằng những y bác sĩ buộc phải tiếp tục chăm sóc cho bệnh nhân mà “không được xem xét đến các rủi ro ảnh hưởng đến mình”.
Thứ quy định cao thượng nhưng vô lý này sau đó đã bị bãi bỏ.
Phiên bản quy tắc đạo đức hiện thời vẫn yêu cầu y bác sĩ phải chăm sóc bệnh nhân trong trường hợp thiên tai dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng yêu cầu họ phải “đánh giá rủi ro của việc chăm sóc cho bệnh nhân này đối với khả năng có thể chăm sóc các bệnh nhân khác trong tương lai”.
Họ có thể chấp nhận các nguy cơ cao hơn xảy ra với mình, nhưng đó hoàn toàn là lựa chọn đạo đức (moral option) của từng người, không phải là đòi hỏi bắt buộc (morally obligatory) với bất kỳ ai.
Mọi thứ đều là lựa chọn.
Vậy nên nếu muốn có hy sinh, muốn có anh hùng để ca tụng, mỗi người hãy tự nhìn vào gương.
Đừng bắt bất kỳ ai khác phải làm anh hùng.