Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Dịch từ bài “You may be able to spread coronavirus just by breathing, new report finds“, đăng ngày 2/4/2020 trên tạp chí Science của Hiệp hội vì Sự phát triển Khoa học Hoa Kỳ (AAAS). Tựa bài do Luật Khoa đặt.
Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) vừa lên tiếng ủng hộ một ý tưởng vốn còn chưa ngã ngũ: loại virus corona chủng mới có thể lan truyền qua không khí chứ không chỉ qua các giọt bắn từ việc ho hay hắt xì.
Mặc dù các nghiên cứu cho đến nay chưa hoàn toàn chắc chắn, hôm 1/4/2020, ông Harvey Fineberg, chủ trì một hội đồng rất có uy tín về “các bệnh truyền nhiễm mới và nguy cơ cho sức khỏe của thế kỷ 21” đã viết một bức thư gửi ông Kelvin Droegemeier, người đảm nhiệm các chính sách khoa học kỹ thuật của Nhà Trắng, nói rằng “kết quả các nghiên cứu hiện tại đều cho thấy virus có thể được mang trong các vi hạt lơ lửng (hay còn gọi là hạt khí dung – ND) hình thành từ quá trình hít thở bình thường”.
Cho đến nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ cũng như các cơ quan y tế khác đều một mực nhấn mạnh đường lây truyền chính của virus SARS-CoV-2 là thông qua các giọt bắn với đường kính lớn tới chừng 1mm, mà con người thường phát tán khi ho hoặc hắt xì. Do trọng lực, các giọt bắn sẽ rơi xuống trong phạm vi 1 – 2m, hoặc sẽ rơi xuống bề mặt để sau đó người ta lỡ chạm phải và vô tình chạm vào miệng, mắt, mũi mình rồi nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, nếu như virus corona có thể lơ lửng trong các hạt ẩm hết sức nhỏ từ đám hơi mù khi chúng ta thở ra thì việc phòng ngừa sẽ trở nên khó khăn hơn. Điều này càng củng cố cho lập luận rằng tất cả chúng ta nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng để ngăn ngừa sự lây nhiễm không mong muốn từ những người mang virus nhưng không có triệu chứng.
Cuộc tranh luận bắt đầu từ một báo cáo của các nhà nghiên cứu được đăng trên tờ NEJM hồi đầu năm nay, rằng virus SARS-CoV-2 có thể nằm trong các vi hạt lơ lửng (aerosol droplets) nhỏ hơn 5 micron (1mm =1000 micron – ND) trong vòng ba giờ mà vẫn còn khả năng gây bệnh. Trong một bài đánh giá tổng quan, Fineberg và cộng sự đã đề cập đến các nghiên cứu khác, trong đó có cả một công trình mới đây (chưa được bình duyệt) của Joshua Santarpia và đồng nghiệp hiện đang làm việc tại Trung tâm Y tế của Đại học Nebraska (University of Nebraska Medical Center). Công trình này phát hiện bằng chứng của việc lây lan dễ dàng đó là vật chất di truyền RNA của virus trong phòng cách ly của các bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị. Vật chất di truyền RNA của virus đã được tìm thấy tại các bề mặt bình thường khó chạm tới cũng như trong các mẫu không khí cách bệnh nhân hơn hai mét. Mặc dù Santarpia và đồng nghiệp không tìm thấy các phần tử virus còn khả năng gây bệnh, họ kết luận rằng bằng chứng hiện diện RNA chứng tỏ virus này có thể lan truyền thông qua các hạt khí dung (aerosols).
Một công trình nghiên cứu khác cũng chưa qua bình duyệt được Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ trích dẫn đã nêu lên quan ngại rằng các vật dụng bảo hộ cá nhân (personal protective equipment-PPE) có thể chính là nguồn lây cho các bệnh truyền nhiễm qua không khí. Trong công trình nghiên cứu này, dưới sự dẫn dắt của ông Yuan Liu tại Đại Học Vũ Hán, các nhà nghiên cứu đã phát hiện loại virus corona mới này có thể lơ lửng trong không khí khi các nhân viên y tế cởi bỏ vật dụng bảo hộ cá nhân, chùi sàn nhà và từ đó làm virus lây lan từ các nơi bị nhiễm. Tựu trung lại, hội đồng của Viện Khoa học Quốc gia của Mỹ kết luận: “Bằng chứng hiện diện của vật chất di truyền RNA từ virus trong các hạt dịch lơ lửng trong không khí và các hạt khí dung đã cho thấy virus này có thể lây truyền qua không khí”.
“Tôi thấy nhẹ nhõm khi khái niệm khí dung mang virus được chấp nhận”, Kimberly Prather, nhà hóa học chuyên về khí dung tại Đại học California – Chi nhánh San Diego đã viết một email cho tờ Science Insider: “Đường lây nhiễm qua không khí này đã góp phần giải thích vì sao virus lây nhiễm quá nhanh”.
Điều này cũng liên quan đến chuyện đeo khẩu trang. Hội đồng của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ viện dẫn công trình của bà Nancy Leung và cộng sự của trường Đại học Hồng Kong. Các nhà nghiên cứu này thu thập các giọt bắn tạo ra qua đường hô hấp và các hạt khí dung từ các bệnh nhân bị bệnh đường hô hấp do virus, trong đó, một số người có mang khẩu trang phẫu thuật. Khẩu trang phẫu thuật đã làm giảm khả năng phát hiện vật chất di truyền RNA của virus corona trong các giọt bắn cũng như trong hạt khí dung, trong khi đó khẩu trang chỉ làm giảm khả năng tìm thấy virus cúm influenza trong các giọt bắn của người bị nhiễm. Các nhà nghiên cứu kết luận: kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã cung cấp bằng chứng hiện hữu rằng khẩu trang phẫu thuật nếu được những người nhiễm bệnh không triệu chứng đeo sẽ có thể phòng ngừa được sự lây nhiễm virus cúm và corona từ người sang người.
Không phải tất cả các chuyên gia đều đồng tình rằng các hạt khí dung là đường lây nhiễm của virus. Trong một thông báo khoa học hôm 27/03/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định virus rất có thể lây nhiễm qua hạt khí dung trong những tình huống đặc biệt và trong các quá trình tạo ra các hạt khí dung, chẳng hạn như là khi bệnh nhân được đặt ống nội khí quản. Tuy vậy, chuyên gia của WHO nói: một phân tích trên 75.000 trường hợp nhiễm virus corona ở Trung Quốc không cho thấy bằng chứng nào của việc lây nhiễm qua đường không khí. Họ cũng dẫn chứng rằng trong các nghiên cứu như từ nhóm của Santarpia, sự phát hiện ra RNA trong mẫu vật từ môi trường qua phản ứng PCR không có nghĩa là virus còn sống và có khả năng gây bệnh.
Mặc dù vậy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ dường như đã sẵn sàng thay đổi quan điểm của mình về vấn đề này. Theo nhiều nguồn tin, cơ quan này đã cân nhắc khuyến cáo người dân ở Mỹ nên đeo khẩu trang vải tại các nơi công cộng để nhằm làm giảm sự lây lan của virus.