Có đúng chính quyền Trump đã sa thải toàn bộ đơn vị ứng phó với đại dịch vào năm 2018?

Tổng thống Trump và nhóm ứng phó với đại dịch COVID-19 trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng giữa tháng 3/2020. Ảnh: Getty...
Tổng thống Trump và nhóm ứng phó với đại dịch COVID-19 trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng giữa tháng 3/2020. Ảnh: Getty Images.

Lược dịch từ bài kiểm chứng “Partly false claim: Trump fired entire pandemic response team in 2018” của hãng thông tấn Reuters, đăng ngày 26/3/2020.


Thông tin về việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải toàn bộ đội ngũ ứng phó với đại dịch vào năm 2018 gần đây đang làm dậy sóng dư luận.

Tin đồn nói trên bắt đầu rộ lên vào hôm 24/3, khi mà đại dịch COVID-19 đã lan rộng và hoành hành trên khắp thế giới với hơn 372.000 người bị lây nhiễm và hơn 16.000 người tử vong.

Năm 2015, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Barack Obama, bà Susan Rice, đã đề xuất và thành lập được đơn vị An ninh Y tế và Phòng vệ Sinh học Toàn cầu – chịu trách nhiệm về phòng chống đại dịch. Cơ quan này trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia – nơi tập hợp một hội đồng các chuyên gia cố vấn cho tổng thống về các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại.

Tháng 5/2018, tờ Washington Post tường thuật rằng chính quyền Trump đã giải thể đơn vị ứng phó với đại dịch này, và người đứng đầu cơ quan này khi đó là ông Timothy Ziemer – một trong những quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia – đã bị buộc phải rời chính quyền Trump. Bài báo cũng cho biết một số thành viên của đơn vị này được điều chuyển công tác sang những đơn vị khác trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia.

Những luồng thông tin trái chiều

Trong một bài viết trên tờ Washington Post, Beth Cameron, cựu giám đốc của đơn vị này dưới thời Tổng thống Trump, viết: “Khi Tổng thống Donald Trump nhận nhiệm sở năm 2017, Cơ quan An ninh Y tế và Phòng vệ Sinh học Toàn cầu trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia đã được giữ lại.”

“Cơ quan được Tổng thống Barack Obama ký quyết định thành lập sau đại dịch Ebola năm 2014. Và sứ mệnh tôi phải làm không có gì thay đổi khi tôi được Tổng thống Trump bổ nhiệm là người lãnh đạo cơ quan này: làm mọi thứ có thể trong phạm vi quyền lực cho phép cũng như sử dụng các nguồn lực của chính phủ Hoa Kỳ để đối phó với sự bùng nổ của đại dịch tiếp theo, cũng như ngăn cản nó trở thành đại dịch toàn cầu hoặc thảm họa nhân loại. Một năm sau đó, tôi thực sự hoang mang khi Nhà Trắng giải tán cơ quan này, để lại một nước Mỹ thiếu sự chuẩn bị cho những thảm họa giống như đại dịch COVID-19”.

Ba ngày sau đó, cựu giám đốc bộ phận chống phổ biến vũ khí và phòng vệ sinh học trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, Tim Morrison, viết trong một bài báo khác trên Washington Post: “Sự thật là chính quyền của Tổng thống Trump đã quyết định cắt giảm nhân sự tại Hội đồng An ninh Quốc gia. Những rắc rối dưới thời tổng thống tiền nhiệm (Barack Obama) khiến chính quyền mới phải sửa đổi cơ quan này. Một trong những động thái đó là thành lập cơ quan chống phổ biến vũ khí và phòng vệ sinh học. Đó là kết quả của việc hợp nhất ba cơ quan thành một, do sự chồng chéo trước đó giữa các cơ quan kiểm soát vũ khí và phi hạt nhân hóa, cơ quan chống vũ khí hủy diệt hàng loạt của chủ nghĩa khủng bố, và cơ quan y tế và phòng vệ sinh học toàn cầu. Đây đơn thuần chỉ là sự tái cơ cấu, và chính sự tái cơ cấu này lại bị giới phê bình hiểu sai hoặc cố tình lý giải sai lệch. Dù gì đi nữa, việc hợp nhất ba cơ quan lại làm một sẽ khiến cơ quan này mạnh mẽ hơn bởi các chuyên gia có thể làm việc hòa hợp và dễ dàng thống nhất với nhau.”

Vào ngày 14/3/2020, cựu cố vấn an ninh quốc gia là ông John Bolton đã mô tả những thay đổi thực hiện tại cơ quan chống đại dịch là tái cấu trúc. Ông tweet: “Những tuyên bố rằng việc tái cơ cấu của Hội đồng An ninh Quốc gia làm suy yếu hệ thống phòng vệ sinh học quốc gia chúng ta là sai. Sức khỏe toàn cầu vẫn là ưu tiên hàng đầu của Hội đồng và đội ngũ chuyên gia của Hội đồng đã đóng quan trọng trong việc xử lý một cách hiệu quả cuộc khủng hoảng Ebola tại châu Phi 2018-19. Chỉ là phe cánh tả không thể ngừng tấn công chính quyền mới, thậm chí ngay giữa một cuộc khủng hoảng.”

Vào ngày 19/3/2020, cựu phó tổng thống và là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden đã chỉ trích chính quyền Trump về động thái trên. Ông tweet: “Chính quyền Obama-Biden đã thành lập Cơ quan An ninh Y tế và Phòng vệ Sinh học Toàn cầu để chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai như COVID-19. Donald Trump đã loại bỏ nó – và bây giờ chúng ta đang phải trả giá.”

Kết luận

Có sự bất đồng về cách mô tả các thay đổi tại Cơ quan An ninh Y tế và Phòng vệ Sinh học Toàn cầu trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia năm 2018. Sự ra đi của một số nhân viên cơ quan phản ứng với đại dịch do những nỗ lực “tái cơ cấu” theo như cố vấn an ninh quốc gia John Bolton miêu tả đã được ghi nhận. Cơ quan phản ứng với đại dịch, với tư cách là một đơn vị riêng, cơ bản đã bị giải thể.

Nhận định

Chính quyền Trump đã giải tán cơ quan phản ứng với đại dịch nhưng một vài thành viên của cơ quan này đã được tái bổ nhiệm và điều chuyển sang các bộ phận liên quan đến việc ứng phó với các đại dịch.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.