Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Những ngày này có lẽ là khó chịu đựng nhất ở miền Nam Việt Nam. Không hẳn là vì nắng nóng kéo dài, vì nắng qua đến năm giờ chiều cũng dịu lại. Thứ nhất định không dịu lại, là những giai điệu tự hào vang lên khắp các ngõ ngách; những lời ca tụng chiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước xuất hiện không khoan nhượng trên mọi chương trình thời sự, bất kể khung giờ.
Mà không chỉ có thời sự. Tôi vừa xem một chương trình thể thao trên VTV1, trong đó có một cựu cầu thủ kể về trận đấu giao hữu đầu tiên giữa hai miền sau khi thống nhất đất nước. Trận đấu giữa đội Tổng cục Đường sắt (miền Bắc) và đội Cảng Sài Gòn (miền Nam) diễn ra vào tháng 11 năm 1976 tại sân vận động Cộng Hoà ở Chợ Lớn, lúc đó vừa được đổi tên thành sân Thống Nhất. Vị cựu cầu thủ đội Tổng cục Đường sắt kể, đại ý là ông và đồng đội rất xúc động vì được người dân miền Nam yêu mến. “Nói xin lỗi, người dân còn ra sờ tay sờ chân” và khen là “cầu thủ miền Bắc sao mà cao to, rắn rỏi thế”. Ông kết lại phần chia sẻ một cách bài bản, rằng được vậy là nhờ Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho anh em cầu thủ tập luyện ngay cả trong tình hình khó khăn.
Những chương trình như vậy được phát đi từ miền Bắc, bởi những người gọi chung là trung thành với lý tưởng cộng sản. Kỉ niệm 45 năm ngày “giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước” là một dịp không thể bỏ lỡ để họ, bên thắng cuộc, tiếp tục ca ngợi chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh năm xưa.
Nhưng không phải nơi nào trên đất nước Việt Nam cũng coi đó là một chiến công. Ở nơi tôi sống, một vùng ngoại ô của thành phố Biên Hoà, ngày 30/4/1975 chưa bao giờ là một ngày vui. Chưa bao giờ người dân ở đây cho rằng miền Nam được “giải phóng” từ sự kiện ấy. Bác hàng xóm những ngày này không mở VTV, mà sẽ mở đài Á Châu Tự Do (RFA) bằng âm lượng đủ lớn để cả xóm cùng nghe được. Rất thường xuyên, đài này sẽ phát những bản tin chỉ trích chính quyền cộng sản từ góc nhìn của những người từ phía bên kia, bên thua cuộc, những người không bao giờ được phép xuất hiện trên đài truyền hình chính thống quốc gia.
Ngày 30/4 trong kí ức của người dân ở đây là ngày “Việt Cộng tràn về”. Kí ức vẫn còn mồn một trong trí nhớ của cậu tôi, một người đàn ông ngoài năm mươi tuổi, về cảnh tượng những người bị kết tội theo “ngụy quân” phải đứng xếp hàng trước sân nhà thờ để bị bắn thẳng vào đầu. Đối với nhân chứng của những sự kiện khốc liệt như vậy, bốn mươi lăm năm là không đủ để họ quên. Một người bạn thời cấp hai của tôi từng bị một trận đòn oan chỉ vì đọc lịch sử hào hùng của ngày giải phóng trong sách giáo khoa thành tiếng để học thuộc, và chẳng may bà nội nghe thấy. Bạn ấy đã không biết là gia đình nội bị cướp hết tài sản sau biến cố “hào hùng” kia.
Nói như Giáo sư Chu Hảo trong cuốn Bên thắng cuộc của Huy Đức thì không thể có hoà giải dân tộc thực sự nếu như không có “công minh lịch sử”. “Công minh” không phải là tìm ra một lịch sử duy nhất đúng (tôi e là thứ ấy không tồn tại), mà có nghĩa là tiếp cận lịch sử bằng con mắt công bình và sáng suốt.
Tức là để cho con người từ cả hai chiến tuyến cùng được hiện diện. Là kể lại lịch sử qua lăng kính trung dung nhất, không bị bôi đen, mà cũng chẳng được tô hồng. Là không dùng bộ máy tuyên truyền áp đặt cảm thức dân tộc bằng cách ra rả rằng mọi người dân đều rất đỗi vui mừng và tự hào trước chiến công. Sự áp đặt bất chấp ấy sẽ chỉ gây hại thôi, vì lờ đi những cảm xúc khác nhau trong nhân dân sẽ chỉ càng làm sự bất mãn tiếp tục lớn lên theo năm tháng.
Tôi vẫn không thấy lịch sử công minh ở đâu trong những ngày này. Mà thiếu đi thứ ấy, hoà giải dân tộc sau bốn mươi lăm năm vẫn chỉ là ảo vọng xa xôi.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.