‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Bầu cử ở Việt Nam Cộng hòa, nhất là cuộc trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại, lập nền cộng hòa và đưa Ngô Đình Diệm lên chức tổng thống, theo mô tả của báo chí đương đại hiện nay, có thể tổng hợp trong vài từ như “giả hiệu”, “giật dây”, “trắng trợn”, “mưu hèn kế bẩn”… Và thật đáng tiếc phải nói, góc nhìn thế này không phải chỉ được chính quyền cộng sản xây dựng và củng cố, mà kể cả nếu tham khảo nhiều tư liệu sử nước ngoài, bạn đọc cũng sẽ tìm thấy những luận điểm tương tự.
Bản thân Quốc trưởng Bảo Đại của Quốc gia Việt Nam (State of Vietnam, chính thể tồn tại liền trước Việt Nam Cộng hòa) cũng đã phủ nhận và phê phán nặng nề kết quả của cuộc “trưng cầu dân ý” đột ngột mà Thủ tướng Ngô Đình Diệm sắp đặt. Trong một bài báo trang đầu của The New York Times hồi năm 1955, Bảo Đại khi đang ở Pháp đã ra lệnh bãi nhiệm chức vụ Thủ tướng của Ngô Đình Diệm, song vị thủ tướng vẫn tiếp tục công việc quản trị quốc gia của mình và tổ chức cuộc trưng cầu dân ý như dự kiến.
Hay trong một số tài liệu nghiên cứu uy tín, các sử gia có vẻ cũng rất hoài nghi con số 98,7% phiếu ủng hộ Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống nhà nước cộng hòa mới và tước bỏ chức vụ Quốc trưởng của Bảo Đại. Với sự có mặt của các cảnh binh áo trắng khắp những bốt bỏ phiếu, cộng với các chiến dịch tuyên truyền một chiều mạnh mẽ được tài trợ bởi nguồn lực tài chính do chính… ông Diệm nắm quyền chi trả, kết quả bầu cử cao ngất ngưởng được cho là đáng xấu hổ với tất cả các bên liên đới. Ông Ngô Đình Diệm, hiển nhiên, không thấy vậy.
“Cú phốt” thiên thu này khiến cho một người đọc, một cá nhân khi tiếp xúc với lịch sử Việt Nam Cộng hòa, nhẹ nhàng nhất thì có thái độ dè dặt về tính minh bạch và đáng tin cậy của cuộc bầu cử này cũng như các cuộc bầu cử về sau. Còn nặng nề hơn, thì phủ nhận sạch trơn bất kỳ lý giải dân chủ nào cho sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn. Chính quyền cộng sản gọi họ là “ngụy quyền” cũng từ lý do ấy mà ra.
Tổng hợp thông tin từ các nguồn, người viết cho rằng, bối cảnh bầu cử trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955 do chính quyền Diệm thực hiện có lẽ sẽ gần nhất với cách mà Quốc sử Vụ Hoa Kỳ (The US Office of Historian) mô tả: Cuộc trưng cầu có thiên vị và thậm chí là định hướng tuyên truyền một cách lộ liễu, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc kết quả bầu cử bị thao túng bằng các động tác như thay đổi số phiếu, cưỡng ép bỏ phiếu hay các hành vi sử dụng vũ lực tương tự.
Theo Quốc sử Vụ Hoa Kỳ, trước cuộc trưng cầu, đường phố Sài Gòn và các thành phố, thị trấn lớn nhỏ tràn ngập các sản phẩm tuyên truyền với mục tiêu phản diện hóa Bảo Đại, cộng sản và người Pháp hết mức có thể.
Các xe phát thanh vần vũ đường phố với những kịch bản chê bai và chỉ trích Bảo Đại.
Hàng triệu tờ rơi, poster và banner được phát, dán khắp mọi nẻo; với nội dung từ ca ngợi nhà cách mạng vĩ đại Ngô Đình Diệm, cho đến chống Cộng, chống Hiệp định Geneva, và chống Pháp.
Những con rối mang hình ảnh Bảo Đại cầm tiền chạy trốn khỏi Việt Nam cũng được dựng lên.
Quốc sử Vụ cũng thừa nhận ba điều quan trọng:
(1) Chính phủ Diệm thật sự quan tâm đến con số người đi bầu, với rất nhiều biện pháp từ gửi các nhóm tuyên truyền đến từng nhà dân, tổ chức các cuộc họp làng xã nơi xa để giải thích khái niệm trưng cầu dân ý, và hiển nhiên vì sao nên bỏ phiếu ủng hộ Diệm; rồi đến việc các nhóm học sinh, hướng đạo sinh được vận động dậy sớm đến từng nhà gõ cửa nhắc nhở đi bỏ phiếu; hay tổ chức các chuyến chiếu phim, lưu diễn để giải thích quy trình bầu cử và cách thức bỏ phiếu…
(2) Trong quá trình diễn ra hoạt động bỏ phiếu, tài liệu của Quốc sử Vụ và các đại diện đến từ Anh, Pháp hay Úc đều nhất trí rằng không có bằng chứng cho các hành vi gian dối hay xâm phạm bí mật bầu cử. Quy trình bầu cử được thực hiện đúng như quy định mà Hội đồng Bầu cử đặt ra.
(3) Bản thân Ngô Đình Diệm không phải là không có nền tảng chính trị được ủng hộ ở miền Nam Việt Nam. Hầu hết các đảng phái chính trị có tiếng nói, bao gồm cả các đảng phái tôn giáo đang rất mạnh thời kỳ này trực thuộc Đạo Cao Đài và Hòa Hảo (với hàng triệu giáo dân), đều có chân trong trong Hội đồng Bầu cử tại miền Nam Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng con số 98% cử tri đi bầu là rất khó lý giải, cân nhắc các yếu tố về đường xá, trường trạm và việc một số tổ chức hoạt động mật như Việt Minh kêu gọi tẩy chay, và rằng hoạt động thống kê của chính quyền dân sự mới còn rất non nớt, thiếu kinh nghiệm.
Tuy vậy, họ cũng nhận định rằng việc ông Diệm giành được sự ủng hộ gần như tuyệt đối (5,7 triệu phiếu so với 63 ngàn phiếu của Bảo Đại) không phải là bất khả thi. Gần như không có hoạt động ủng hộ Bảo Đại nào diễn ra (hay được phép diễn ra), và rất nhiều người dân miền Nam Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc loại bỏ một ông vua dân chơi khỏi nền chính trị rệu rã nơi đây. Ngô Đình Diệm, rõ ràng, vẫn là một nhà dân tộc chủ nghĩa còn đang được yêu thích, dù có thể sự yêu thích này sẽ thay đổi chỉ vài năm sau đó.
Nhiều tác giả dù phê phán cuộc trưng cầu dân ý mà ông Diệm và phe thân Diệm đề ra, cũng cùng lúc thừa nhận rằng bản thân kết quả bầu cử hình thành nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc ngày 6 tháng Giêng năm 1946 cũng không khá khẩm hơn là mấy.
Giáo sư Robert G. Scigliano của Đại học Michigan, dù không bênh vực được cuộc trưng cầu dân ý một chiều của Ngô Đình Diệm, khẳng định rằng đây không phải là lần đầu tiên người dân Việt Nam phải đối mặt với kiểu bầu cử dân chủ “hờ” như thế này.
Ông ghi nhận trong cuộc tổng tuyển cử năm 1946, lực lượng vũ trang của Việt Minh gần như kiểm soát hoàn toàn quá trình vận động cũng như tiến trình bầu cử. Tất cả các ứng viên được đề cử đều phải có cái gật đầu trước của Việt Minh. Trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các ứng viên gần như không tồn tại, với các khu vực đôi khi chỉ có một ứng viên đại diện. Chỉ có ở Hà Nội mới có tới 77 ứng viên cho chỉ sáu ghế.
Ông cũng chỉ ra một thỏa hiệp quan trọng mà nhiều người hay nhắc đến khi nói về cuộc tổng tuyển cử, song lại ít khi thắc mắc về tính hợp lý của nó trong một cuộc bầu cử dân chủ: thỏa thuận chia ghế giữa Việt Minh và Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân Đảng) và Việt Cách (Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội). Câu hỏi đặt ra là, nếu kết quả của cuộc tuyển cử không được “quán triệt” từ trước, cả ba đảng phái lấy gì để chia ghế? Nói cách khác, cuộc tổng tuyển cử thật ra cũng mang bản chất dàn xếp chính trị mà thôi.
Quan điểm này được Giáo sư Jessica Chapman, Tiến sĩ đến từ Đại học California, chia sẻ một phần trong tác phẩm sử “Cauldron of Resistance: Ngo Dinh Diem, the United States, and 1950s Southern”. Bà dẫn lời nhiều nhà báo, tạp chí và phe phái không có cảm tình hay chống chủ nghĩa cộng sản tại miền Nam Việt Nam như nhà báo Nghiêm Thị Xuân hay Tạp chí Thời luận, Tạp chí Lúa sống… để liệt kê nhiều phương pháp mà các nhóm vũ trang Việt Minh gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 1946.
Chúng bao gồm việc các toán lính Việt Minh đến từng nhà cử tri ra lệnh họ phải bầu cho đúng đại biểu của Việt Minh, hay nhắc nhở họ không được làm những điều khiến phiếu bầu vô hiệu trong trường hợp chỉ có một ứng cử viên của đảng này. Hay sáng hôm đi bầu, các toán vũ trang cũng đứng chực chờ ở bốt bỏ phiếu để kiểm tra và quan sát việc khoanh phiếu bầu, đếm phiếu bầu… Bà từ đó đi đến kết luận, một bộ phận không nhỏ tại miền Nam Việt Nam tin rằng “không bất kỳ chính phủ quốc gia nào, hay bất kỳ một công dân tự do nào, lại có thể chấp nhận một cuộc bầu cử vô nghĩa như thế”.
Hiển nhiên, sẽ có bạn đọc phủ nhận tính xác thực của những thông tin nói trên. Song nếu đối chiếu với thái độ và cách hành xử của phe Việt Minh ngay sau 1945 mà Luật Khoa đã có dịp đề cập, mà đặc biệt là hoạt động khủng bố, ám sát các phe phái khác (từ nhóm thủ cựu của gia đình họ Ngô, cho đến các lãnh tụ tôn giáo như Huỳnh Phú Sổ, hay các lãnh đạo của phe Marxist theo chủ nghĩa Trotsky như Tạ Thu Thâu, Hình Thái Thông, Trần Văn Thạch, Trần Đình Minh), không quá khó để tưởng tượng ra cảnh giám sát và áp đặt kết quả bầu cử do nhóm Việt Minh thực hiện.
Tranh cãi về tính chính danh và tính dân chủ giữa cuộc tổng tuyển cử 1946 với cuộc trưng cầu dân ý năm 1955, vì vậy, có vẻ là một trận chiến kẻ tám lạng, người nửa cân, hay nói thẳng ra là “ông ăn chả, bà ăn nem”.
Bên ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì ca ngợi cuộc tổng tuyển cử của họ là hợp ý dân, là chính danh dân chủ, thì bên ủng hộ chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng có thể làm điều tương tự. Vậy nếu ta cho rằng chính phủ Diệm lập ra là không có tính chính danh, là “không tính”, là “xé nháp làm lại”, liệu nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa có nên bị xem là như thế hay không?
Đến đây, cần khẳng định lại những luận điểm phía trên không nhằm biện minh cho cuộc trưng cầu dân ý của ông Diệm là trong sạch, văn minh hay hoàn toàn dân chủ. Song bài viết lại cũng muốn khẳng định rằng ông Diệm và các biện pháp của ông này trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1955 không tệ hơn so với Việt Minh.