Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Mỗi đại dịch đều để lại những thay đổi ít nhiều trong lịch sử.
Trận dịch hạch kinh hoàng vào thế kỷ 14 giết chết một phần ba dân số châu Âu thời đó, những người sống sót được trả lương cao hơn, quyền lợi của họ tăng lên, góp phần làm suy yếu chế độ phong kiến, đồng thời thúc đẩy các phát minh cải tiến năng suất công việc.
Các nạn nhân của dịch cúm vào năm 1918 đa phần là nam giới được xem là một nguyên do thúc đẩy việc cải thiện quyền lợi và địa vị của phụ nữ từ những năm 1920.
Đại dịch COVID-19 lần này cũng không phải là ngoại lệ.
Các thay đổi về y tế, giáo dục, về cách thức làm việc, về tri thức, thể chế tất nhiên không phải bắt nguồn từ dịch bệnh, nhưng sẽ được thêm cú hích nhờ vào sự kiện này.
Dịch bệnh, tuy vẫn còn đang ở đỉnh điểm, nhưng khả năng cao sẽ không đem lại nhiều thiệt hại nhân mạng như các đại dịch khủng khiếp khác trong lịch sử.
Nhờ vậy, nó lại càng là điểm lặng có giá trị cho nhân loại nhìn lại mình.
Các nhà hoạch định kinh tế sẽ phải ưu tiên cho an toàn nhiều hơn là theo đuổi lợi nhuận tối đa, tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh việc lệ thuộc hoàn toàn vào một bên.
Những nhà hoạch định chính sách sẽ phải ưu tiên cho y tế công, đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chừa sẵn nguồn lực để đối phó với các loại dịch bệnh trong tương lai, thay vì cắt xén bớt hệ thống y tế để rồi chịu thiệt hại nặng mỗi khi có dịch mới xảy ra.
Mối nguy hại từ các loại dịch bệnh sẽ khiến con người càng phải cẩn trọng hơn với các nghiên cứu thí nghiệm vi sinh, nhằm tránh một thảm họa từ việc, vô tình hay cố ý, tạo ra những chủng virus gây bệnh có khả năng lây lan hủy diệt gấp nhiều lần trong tự nhiên.
Dịch bệnh lây lan không phân biệt bất kỳ ai cũng sẽ khiến xã hội phải nhìn nhận lại, tìm cách chăm sóc tốt hơn những người xung quanh, đặc biệt là những người có địa vị kinh tế xã hội thấp kém, dễ bị tổn thương nhất.
Bảo vệ người khác là cách tốt nhất để bảo vệ mình.
Đợt tập dượt này từ COVID-19 cũng là dịp giúp thế giới nếm trải một góc cảm giác của thảm họa, khi các hậu quả của khủng hoảng khí hậu ngày càng khốc liệt hơn; thời tiết cực đoan khiến nông nghiệp thiệt hại, an ninh lương thực bị đe dọa, nhiều loại dịch bệnh mới sẽ xuất hiện, hàng triệu người sẽ mất nơi sinh sống, bỏ chạy lánh nạn sang các khu vực khác, xung đột tranh giành các nguồn nước, thức ăn, nơi sinh sống sẽ bùng nổ…
Nếu có thể tận dụng cơ hội này để nhìn lại và thay đổi lối sống, thay đổi toàn bộ triết lý kinh tế, thay đổi thể chế, tìm cách bảo vệ hệ sinh thái còn sót lại của trái đất, nhân loại hoàn toàn có cơ hội để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ sau, thay vì bắt những đứa trẻ đang sinh ra phải dọn dẹp đống rác bẩn khổng lồ của chúng ta.
Tương lai của nhân loại phải được giải quyết ngay từ thế hệ hiện tại.
Nhà khoa học Carl Sagan từng nói, “rất nhiều những hiểm họa mà chúng ta đang đối diện đích thực đến từ sự phát triển của khoa học và kỹ thuật – nhưng, về bản chất, đó là vì chúng ta đã có nhiều quyền lực hơn là nhiều trí tuệ. Để xứng đáng với sức mạnh thay đổi thế giới đang có trong tay, chúng ta cần sự thấu suốt và tầm nhìn vượt xa tất cả những gì xưa nay từng có.”
Tương lai ra sao, tất cả đều tùy thuộc vào trí tuệ và hành động của nhân loại.
Hành động theo thứ trí tuệ nào là lựa chọn của mỗi người.
Còn tương lai thì đã bắt đầu ngay từ bây giờ.