TT Trump: Không tin kết quả thăm dò thể hiện ông Biden đang dẫn trước

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 29/4/2020. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 29/4/2020. Ảnh: Reuters.

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật hai lần mỗi ngày, vào lúc 8:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

TT Trump: Không tin kết quả thăm dò thể hiện ông Biden đang dẫn trước

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 29/4/2020. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 29/4/2020. Ảnh: Reuters.

Thứ Tư (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không tin những kết quả thăm dò dư luận cho thấy đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden, đang dẫn trước trên phạm vi toàn quốc, theo Reuters.

“Tôi không tin các thăm dò này”, ông nói. “Tôi tin người dân của đất nước này thông minh. Và tôi không nghĩ họ sẽ bầu cho một người kém năng lực”.

“Và tôi nói kém năng lực không phải vì tình trạng của ông ấy hiện nay. Ý tôi là ông ta đã kém năng lực cả 30 năm nay rồi. Mọi thứ ông ta làm đều tệ. Chính sách đối ngoại của ông ta là một thảm họa”, ông Trump công kích trực diện ông Biden.

Thăm dò của hãng thông tấn Reuters và hãng nghiên cứu thị trường Ipsos tuần này cho thấy 44% cử tri toàn quốc ủng hộ Biden, trong khi đương kim tổng thống Trump chỉ có 40%.

Không chỉ vậy, một thăm dò của hai hãng trên gần đây tại ba bang chiến trường của mùa bầu cử năm nay là Michigan, Wisconsin và Pennsylvania cho thấy ông Biden cũng dẫn trước với tỷ lệ thậm chí còn cách biệt hơn với tổng thống (45% – 39%).

Joe Biden ngày càng hứng chịu nhiều áp lực hơn trong cáo buộc tấn công tình dục nhân viên cũ

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Ứng cử viên Joe Biden, và bà Tara Reade vào năm 1993. Ảnh: AP.

Ứng cử viên Joe Biden của Đảng Dân chủ đang hứng chịu ngày càng nhiều áp lực hơn từ cả trong và ngoài đảng, yêu cầu ông phải trực tiếp giải quyết cáo buộc tấn công tình dục một nhân viên cũ vào năm 1993, theo Reuters.

Nhân viên cũ, bà Tara Reade, người làm việc cho văn phòng thượng nghị sĩ của ông một thời gian ngắn vào năm 1992-1993, tố cáo ông ghì bà vào tường và sờ soạng bên trong váy áo của bà. Hiện vừa có thêm hai nhân chứng là hàng xóm cũ và cựu đồng nghiệp của bà lên tiếng cho biết bà Reade đã kể với họ sự việc này vào những năm 1995-1996.

Văn phòng tranh cử của ông Biden đã phủ nhận cáo buộc này.

Ban xã luận của tờ Washington Post đã đăng bài kêu gọi ông Biden trực tiếp lên tiếng về vụ việc này và công bố những văn bản từ năm 1993 nếu thực sự bà Reade đã gửi đơn khiếu nại. Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Đảng Dân chủ) cũng cho rằng cáo buộc này xứng đáng được xem xét công bằng. Còn bà Nina Turner, cựu trưởng ban vận động tranh cử của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cũng cho rằng ông Biden phải trả lời rõ ràng việc này.

Văn phòng tranh cử của đương kim tổng thống Trump dĩ nhiên chỉ trích việc ông Biden lảng tránh sự việc.

Ông Trump, 73 tuổi, cũng từng bị hơn 10 người phụ nữ cáo buộc tấn công tình dục hoặc quấy rối tình dục trong những năm qua, nhưng ông đều phủ nhận.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến tối nay có gì mới?

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 18:53 ngày 30/4/2020, trên thế giới đã có 3.207.248 người nhiễm coronavirus với 227.971 ca tử vong.
  • Tổng số người bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế vẫn là 270 người, và không có trường hợp tử vong nào.

Ứng cử viên Joe Biden cân nhắc đưa người từ Đảng Cộng hòa vào nội các nếu thắng cử

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Ứng cử viên Joe Biden trong một cuộc vận động tranh cử ngày 11/2/2020. Ảnh: Getty Images.
Ứng cử viên Joe Biden trong một cuộc vận động tranh cử ngày 11/2/2020. Ảnh: Getty Images.

Trong một buổi gây quỹ vào thứ Tư, 29/4/2020, ứng cử viên tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ không loại trừ việc đưa người ngoài Đảng Dân chủ, và thậm chí là người của Đảng Cộng hòa vào các vị trí chủ chốt sau khi thắng cử, theo Reuters.

Joe Biden bắt đầu nghĩ về việc tìm kiếm người làm việc cho nội các của mình trước khi ông chính thức trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Ông đang cân nhắc tiết lộ một số cái tên trong nội các tương lai của mình để cử tri có được cái nhìn tổng thể hơn.

“Tôi không có giới hạn gì với những người thuộc Đảng Cộng hòa, tôi chỉ quan tâm đến việc đó có phải là người phù hợp nhất cho công việc hay không”, ông nói.

“Ngay từ khi bắt đầu, tôi đã muốn làm rõ rằng nếu tôi trở thành tổng thống, thì chính phủ của tôi, nội các, phó tổng thống, thẩm phán của Tối cao Pháp viện… sẽ trông giống như tổng thể đất nước của chúng ta và sẽ giống với nước Mỹ”.

Cựu phó tổng thống cho biết hiện vẫn còn sớm và ông vẫn chưa có bất cứ quyết định chắc chắn nào.

Hiện nay, ông đang tìm kiếm ứng cử viên phó tổng thống để lập liên danh tranh cử. Ông Biden đã tuyên bố là sẽ chọn một người phụ nữ cho chức vụ phó tổng thống và mọi người có thể biết được danh tính ứng viên này vào tháng 7/2020.

Remdesivir – Loại thuốc có thể chữa trị coronavirus?

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Bác sĩ Anthony Fauci trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 29/4/2020. Ảnh: AFP.
Bác sĩ Anthony Fauci trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 29/4/2020. Ảnh: AFP.

Mới đây, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NAIAID) đã thử nghiệm Remdesivir (được xem như là một loại thuốc kháng virus, điều trị các bệnh nhiễm trùng do virus như Ebola, Marburg) trên 1063 tình nguyện viên.

Bác sĩ Anthony Fauci, người điều hành dự án, cho biết: “Số liệu cho thấy Remdesivir có tác dụng cụ thể và rõ ràng, thể hiện thời gian người bệnh phục hồi nhanh chóng hơn”.

Tại những cơ sở thử nghiệm Remdesivir trong phác đồ điều trị, loại thuốc này đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc đẩy lùi các triệu chứng chỉ trong vòng 11 ngày. Những ca không dùng thuốc này thường có triệu chứng kéo dài 15 ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong giữa những ca có sử dụng thuốc Remdesivir (8%) và trường hợp không sử dụng (11,6%) không khác biệt đáng kể.

Kết quả thử nghiệm chi tiết chưa được công bố. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng không chắc rằng Remdesivir là “viên đạn ma thuật” trước dịch bệnh toàn cầu này. Họ hy vọng rằng nếu có thêm báo cáo thì việc sử dụng Remdesivir có thể sẽ giúp cho người bệnh không cần vào nằm ở những khu chăm sóc đặc biệt và cũng giảm tải cho bệnh viện. Từ đó, lệnh cách ly và giãn cách có thể được gia giảm.

Nhật Bản: Sẽ không có Tokyo Olympic vào năm tới nếu COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có thể phải tiếp tục lùi Olympic thêm một lần nữa. Ảnh: TIME.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có thể phải tiếp tục lùi Olympic thêm một lần nữa. Ảnh: TIME.

Tháng trước, Ủy ban Olympic Quốc tế và chính phủ Nhật Bản đã cùng thông báo sẽ hoãn thế vận hội đến tháng Bảy năm 2021 do ảnh hưởng của coronavirus.

Tuy nhiên, hôm thứ Tư, 29/4/2020, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đưa ra một thông báo mới rằng chỉ có thể tổ chức thế vận hội vào năm 2021 khi COVID-19 đã được ngăn chặn.

Ông Abe phát biểu: “Thế vận hội Olympic và Paralympic phải được tổ chức trong một khung cảnh thật toàn diện. Đó là, tất cả những vận động viên và khán giả phải được an toàn. Những tiêu chí trên gần như không thể được đảm bảo trừ khi chúng ta kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh toàn cầu COVID-19”. Thủ tướng Abe chia sẻ thêm: “Thế vận hội nên được tổ chức trong tâm thế toàn thế giới chiến thắng được đại dịch coronavirus”.

Mới đây, thủ đô Tokyo xác nhận thêm 47 ca nhiễm mới vào thứ Tư. Cả nước Nhật hiện có 13.895 ca nhiễm và 413 ca tử vong, theo số liệu của NHK.

Yoshitake Yokokura, người đứng đầu Hiệp hội Y khoa Nhật Bản (JMA) phát biểu trên truyền hình vào thứ Ba vừa rồi: “Nếu không tìm được loại vaccine chữa trị hiệu quả dịch bệnh này thì sẽ rất khó để có thể tổ chức Olympic”.

Thomas Bach, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Quốc tế đã có phản hồi trước thông tin này với Reuters: “Ủy ban Olympic Quốc tế hoàn toàn đồng ý với Thủ tướng Nhật Bản”.

Kinh tế Đức đang có nguy cơ suy thoái trầm trọng nhất kể từ Thế Chiến thứ Hai

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Thủ tướng Đức Angela Markel và Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier. Ảnh: Kay Nietfeld.
Thủ tướng Đức Angela Markel và Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier. Ảnh: Kay Nietfeld.

“Chúng ta đang phải đối mặt với những thử thách quan trọng bậc nhất, cả về kinh tế lẫn chính trị”, Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier phát biểu vào thứ Tư (giờ Mỹ). Ông cho rằng coronavirus và diễn biến phức tạp của dịch bệnh toàn cầu này đang đẩy Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – đi vào thời kỳ suy thoái trầm trọng nhất kể từ Thế Chiến thứ Hai.

Berlin đã cắt giảm ước tính tăng trưởng GDP xuống còn -6,3%, dự đoán nền kinh tế sẽ chạm đáy suy thoái vào quý Hai và từng bước hồi phục sau đó với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát. Chính phủ Đức kỳ vọng nền kinh tế sẽ có tiến triển trong năm 2021 với tỷ lệ tăng trưởng 5,2% GDP, dựa trên giả định lệnh phong tỏa toàn quốc được dỡ bỏ.

Đức đã bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc từ tuần trước. Một số cửa hàng đã được phép mở cửa trở lại và tất cả mọi người ra vào tại đây phải tuân theo các nội quy nghiêm ngặt về khoảng cách. Tuy nhiên, các nhà khoa học Đức và Thủ tướng Angela Merkel lo ngại nguy cơ số ca nhiễm sẽ tăng vọt trở lại.

Bộ trưởng Altmaier cũng cho rằng chính phủ Đức không nên nóng vội. Thay vào đó, Đức nên từng bước một nới lỏng lệnh phong tỏa để tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế một cách chắc chắn, tránh bùng dịch.

Cũng như các nước khác, chính phủ Đức đã bắt đầu triển khai các gói cứu trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi coronavirus, giá trị có thể lên đến 756 tỷ euro.

Trung Quốc đang nghiên cứu các mầm bệnh truyền nhiễm?

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ Mike  Pompeo tại Bắc Kinh, ngày 14/6/2018. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bắc Kinh, ngày 14/6/2018. Ảnh: Reuters.

Hôm thứ Tư, 29/4/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo phát biểu: “Mỹ tin rằng nhiều phòng thí nghiệm tại Trung Quốc đang nghiên cứu các dịch bệnh truyền nhiễm nhưng không thể chắc chắn liệu họ có đủ nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo ngăn chặn được sự phát tán của các mầm bệnh này ra bên ngoài trong tương lai không”.

“Nên nhớ rằng đây không phải là lần đầu chúng ta phải đối mặt với dịch bệnh đến từ Trung Quốc”, Pompeo tuyên bố.

Trung Quốc tuyên bố Ấn Độ không công bằng khi huỷ đơn hàng bộ xét nghiệm virus

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Allahabad, Ấn Độ, ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/Getty Images.
Allahabad, Ấn Độ, ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/Getty Images.

Thứ Hai vừa rồi, Ấn Độ tuyên bố hủy đơn hàng gồm hơn một triệu bộ thử nghiệm virus từ Trung Quốc vì lo ngại độ chính xác của sản phẩm này. Vào thứ Ba, ông Ji Rong, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ lên tiếng: “Thật không công bằng và vô trách nhiệm khi một số cá nhân gắn mác các sản phẩm từ Trung Quốc là ‘hàng lỗi’ và nhận định một cách quy chụp với định kiến có sẵn”.

Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ đã khuyên các bang của đất nước này không nên sử dụng và gửi trả lại bộ sản phẩm xét nghiệm kháng thể nhanh, được hai công ty Trung Quốc là Guangzhou Wondfo Biotech và Zhuhai Livzon Diagnostics sản xuất. Họ cho rằng các sản phẩm cho độ nhạy khác nhau dù được hứa hẹn những sản phẩm này hoạt động tốt.

Kể từ lúc dịch bệnh bùng nổ ở Vũ Hán, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu tìm cách xuất khẩu các bộ dụng cụ thử nghiệm và các thiết bị y tế ra toàn thế giới. Trước Ấn Độ, đã có Tây Ban Nha, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ huỷ đơn đặt hàng với Trung Quốc vì lo ngại chất lượng và độ chính xác của các sản phẩm.

33 quốc gia và vùng lãnh thổ không có ca nhiễm COVID-19

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Dù là cường quốc, nước phát triển hay nước nghèo, những cái tên quốc gia giờ đây gắn liền với số ca nhiễm, ca tử vong trong gần bốn tháng qua. Tuy nhiên, vẫn có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ chưa bị dịch bệnh này chạm đến.

Tính đến ngày 20/4/2020, theo số liệu từ Reuters, đã có 214/247 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới xác nhận có ít nhất một ca nhiễm coronavirus. Trong đó, ít nhất có 166 quốc gia và vùng lãnh thổ có trường hợp tử vong. Việt Nam nằm trong số ít ỏi các quốc gia chưa công bố bất kỳ ca tử vong nào.

Mặc dù vậy, mức độ đáng tin cậy của các số liệu cũng khác nhau tùy theo từng quốc gia, vùng lãnh thổ. Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam không được đánh giá cao về tính minh bạch.

Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có ca nhiễm COVID-19 tính đến ngày 20/2/2020. Ảnh: Reuters.
Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có ca nhiễm COVID-19 tính đến ngày 20/2/2020. Ảnh: Reuters.

Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ vẫn tiếp tục điều tra Tổng thống Trump

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Điều tra viên đặc biệt Robert Mueller, Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tư pháp William Barr. Ảnh: AP.

Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Hoa Kỳ đã yêu cầu một tòa án phúc thẩm liên bang tại Washington DC cho họ được tiếp cận những thông tin mà ông Robert Mueller đã điều tra về Tổng thống Donald Trump, theo CNN.

Theo hồ sơ mà ủy ban này nộp với tòa phúc thẩm, họ muốn nhận được những thông tin này để tiếp tục điều tra Trump với những tội danh có thể dẫn đến một phiên tòa luận tội khác.

Trước đây, tòa án đã cho phép Hạ viện có thể được xem những tài liệu mật về các lời khai mà ông Robert Mueller đã đưa ra trước một đại bồi thẩm đoàn (grand jury) trong vụ điều tra Nga gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ không chấp nhận cho Hạ viện xem qua những thông tin này, vì đó là những phần đã bị che lại khi báo cáo Mueller được công bố. Bộ Tư pháp còn cho biết, họ sẽ kháng cáo lên Tối cao Pháp viện và muốn Hạ viện không được xem những tài liệu này cho tới khi Tối cao Pháp viện có phán quyết, dự đoán là trong tháng 8/2020.

Dân biểu độc lập Justin Amash xem xét tranh cử tổng thống

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Dân biểu Justin Amash. Ảnh: AP.
Dân biểu Justin Amash. Ảnh: AP.

Justin Amash, một dân biểu Hạ viện của tiểu bang Michigan, tuyên bố ngày thứ Tư, 29/4/2020 (giờ Mỹ) rằng ông đang xem xét tranh cử tổng thống như một ứng viên của Đảng Tự do (Libertarian Party).

Justin Amash vốn là dân biểu của Đảng Cộng hòa cho đến năm 2019. Tuy nhiên, vì bất đồng với Tổng thống Donald Trump, Amash đã rời đảng này vào tháng 7/2019 và trở thành một dân biểu độc lập.

Hiện chưa rõ việc Amash tranh cử tổng thống sẽ có lợi hơn cho Donald Trump hay Joe Biden. Trong kỳ tổng tuyển cử 2016, ứng cử viên Jill Stein của đảng Xanh (Green Party) được cho là gây hại tới số phiếu của Hillary Clinton, giúp cho Donald Trump thắng cử. Một số nhà quan sát cũng cho rằng việc Amash ứng cử cũng sẽ là điều có lợi cho Donald Trump năm nay.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 7:21 ngày 30/4/2020, trên thế giới đã có 3.189.017 người nhiễm coronavirus với 227.247 ca tử vong.
  • Tổng số người bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế vẫn là 270 người, và không có trường hợp tử vong nào.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.