Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi ngày, vào lúc 8:00, 13:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times của Anh hôm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon không đồng ý với quan điểm cho rằng Trung Quốc đã ứng phó với đại dịch COVID-19 tốt hơn các nền dân chủ phương Tây, Reuters cho biết.
FT dẫn lời ông Macron nói không thể so sánh những nước nơi mà thông tin được tự do lưu thông và công dân có thể phê phán chính phủ với những nước đàn áp sự thật.
“Với những khác biệt như vậy, với những gì đã lựa chọn và những gì Trung Quốc hôm nay đang có, dù tôi tôn trọng, nhưng hãy đừng ngây thơ đến mức nói rằng họ ứng phó [với đại dịch này] tốt hơn nhiều [so với chúng ta]”, ông nói. “Chúng ta không biết rõ. Rõ ràng là có những chuyện xảy ra mà chúng ta chẳng biết gì cả”.
Tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở nước này lên để trao đổi về những thông tin trên website đại sứ quán Trung Quốc mà một số chính trị gia Pháp gọi là “tin giả”.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Người đang nắm quyền thủ tướng Anh hiện nay, Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab, hôm thứ Năm cho biết nước Anh sẽ không thể làm ăn với Trung Quốc như trước đây sau đại dịch COVID-19 này, tờ SCMP cho biết.
“Không có gì phải nghi ngờ là chúng ta không thể làm ăn như thường lệ sau cuộc khủng hoảng này”, ông nói. “Chúng ta sẽ phải hỏi những câu hỏi hóc búa về việc đại dịch này xảy đến thế nào và làm sao để ngăn chặn nó sớm hơn”.
“Hoàn toàn cần thiết phải đào rất, rất sâu vấn đề sau sự kiện này và xem lại những bài học, kể cả bài học về đại dịch virus này”, ông quả quyết.
Ông Raab hiện đang nằm quyền thủ tướng, sau khi Thủ tướng Boris Johnson nhiễm bệnh COVID-19, phải nhập viện và hiện nay đang phải cách ly tại gia.
Anh hiện đã thống kê được gần 14.000 ca tử vong trong bệnh viện vì COVID-19, mặc dù tổng số ca tử vong trên thực tế có thể cao hơn nhiều.
Giáo sư Anthony Costello, chuyên gia hàng đầu về y tế công cộng của Anh, nói hôm 17/4: “Chúng ta đã quá chậm chạp trong một số việc. Nhưng việc chúng ta có thể đảm bảo là không quá chậm chạp trong đợt bùng dịch thứ hai.”
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Chính phủ Tây Ban Nha đang lên kế hoạch chi trả thu nhập cơ bản hàng tháng cho khoảng một triệu hộ dân nghèo nhất để giúp họ khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, Bộ trưởng An sinh Xã hội nước này cho biết hôm nay, theo Reuters.
Khoản tiền này sẽ bắt đầu được phê duyệt vào tháng Năm, bao gồm cả những khoản trợ cấp xin việc làm. Nghĩa là nếu họ tìm được việc thì vẫn được hưởng khoản trợ cấp hàng tháng của chính phủ trong một khoảng thời gian nhất định.
Vị bộ trưởng cho biết khoảng 1/5 số hộ ở Tây Ban Nha có thu nhập hàng tháng dưới 246 euro (khoảng hơn sáu triệu đồng).
Chính sách thu nhập cơ bản thực ra đã được Đảng Xã hội và đảng liên minh cực tả của họ đồng ý tiến hành từ tháng Một, trước khi đại dịch bùng phát.
Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.
Giới chức y tế thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vừa sửa lại thống kê về số người chết ở đây lên 50%, nghĩa là thêm 1.290 ca tử vong so với số liệu cũ, Hong Kong Free Press cho hay.
Chính quyền nói rằng việc sửa đổi này là để tính gộp cả những người không được chữa trị ở bệnh viện và chết ở nhà, bởi vì hạ tầng y tế của họ thời kỳ đầu dịch thiếu thốn.
Vũ Hán là nơi đầu tiên bùng phát dịch COVID-19.
Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.
Theo Reuters, lần đầu tiên kể từ năm 1992 khi Trung Quốc công bố số liệu GDP, GDP quý của nước này suy giảm với quý I của năm nay giảm 6,8%. Đây là số liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc.
Ở quý trước, kinh tế nước này tăng trưởng 6%.
Các thị trường tài chính toàn cầu không phản ứng gì đáng kể với thông tin này do đã dự báo kịch bản này từ trước trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19.
Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.
Trước việc nhiều nước trên thế giới nhầm lẫn China Airlines là của Trung Quốc, hãng hàng không quốc gia của Đài Loan này đang cân nhắc đổi tên, theo CNN.
China Airlines được chính quyền Đài Loan lập ra năm 1959, với chính phủ nắm cổ phần chi phối cho đến nay. Tên chính thức của Đài Loan là “Trung Hoa Dân Quốc” (Republic of China), vốn là một nhà nước từng kế thừa triều đại nhà Thanh và thống lĩnh phần lớn lãnh thổ Trung Quốc ngày nay. Nhiều công ty Đài Loan vẫn lấy tên có chữ “China” từ xưa đến nay.
Tuy vậy, gần đây, với việc các nước cấm các chuyến bay từ Trung Quốc để chống dịch COVID-19 và đưa nhầm China Airlines vào danh mục cấm bay, hãng này đang cân nhắc nghiêm túc việc đổi tên, sau khi đã gạt bỏ ý tưởng này suốt nhiều năm qua.
Hai cái tên đang được công chúng Đài Loan thảo luận là “Taiwan Airlines” và “Formosa Airlines”. Formosa là tên gọi cũ của Đài Loan, có nghĩa là “mỹ lệ đảo” (hòn đảo xinh đẹp).
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Liên Hợp Quốc cảnh báo các lãnh đạo quốc gia trên toàn thế giới rằng sẽ có hàng trăm nghìn trẻ em có thể chết vì khủng hoảng do COVID-19 tạo ra. Hơn thế, cũng sẽ có hàng triệu trẻ em rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực vì dịch bệnh này, theo Reuters.
Trẻ em chết vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 không phải từ lây nhiễm coronavirus. Nhưng theo báo cáo từ Liên Hợp Quốc, dịch bệnh sẽ khiến cho rất nhiều gia đình gặp cảnh khó khăn về kinh tế, cộng với suy thoái kinh tế toàn cầu, gián tiếp cướp đi sinh mạng của trẻ em.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Trong tuần vừa qua, đã có thêm 5,5 triệu người Mỹ khai thất nghiệp vì bệnh dịch COVID-19. Hoa Kỳ hiện nay đã có 22 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vì dịch bệnh này, theo AP.
Tất cả các ngành nghề tại Mỹ đều có người bị mất việc làm khi nền kinh tế bị đóng cửa vì coronavirus. Những tuần trước đây, thường là những người làm việc lao động tại các quán ăn, khách sạn, cửa hàng… mất việc làm. Nhưng đến hiện nay, ngay cả nhân viên văn phòng hay kỹ sư cũng bị cho thôi việc.
Như vậy, theo Bloomberg, chỉ sau một tháng kể từ khi các lệnh phong tỏa xã hội được tuyên bố, nước Mỹ đã mất đi toàn bộ số việc làm được tạo ra trong cả 10 năm qua.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Nhà Trắng đã ban hành hướng dẫn ba bước về việc mở cửa nền kinh tế, theo Reuters.
“Chúng ta sẽ không mở cửa đồng loạt, mà cẩn thận từng bước một”, ông nói.
Khác với tuyên bố cách đây mấy hôm rằng ông có “thẩm quyền tuyệt đối” trong việc mở cửa nền kinh tế, văn bản mang tính khuyến nghị này của Nhà Trắng để cho các thống đốc bang quyết định dựa trên tình hình cụ thể ở bang mình.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Các lãnh đạo của nhóm G7 đã có một cuộc hội thảo trực tuyến vào ngày thứ Năm, 16/4/2020 (giờ Mỹ). Nhà Trắng tuyên bố G7 sẽ tiếp tục nỗ lực để giúp thế giới vượt qua cơn khủng hoảng về bệnh dịch COVID-19.
Ngoài ra, trong cùng một văn bản từ Nhà Trắng báo cáo về cuộc họp, các nhà lãnh đạo G7 cũng mong muốn sẽ có một quy trình kiểm điểm và cải cách Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các nước trong nhóm G7 mỗi năm đóng góp hơn một tỷ đô cho WHO. Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, WHO đã bị cáo buộc là thiếu minh bạch khi đưa tin về coronavirus trong những ngày đầu tiên.
Cũng tại cuộc họp trên, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, kêu gọi quốc tế phải cùng đoàn kết và chung tay tiêu diệt dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, bà Merkel cũng vẫn ủng hộ WHO ngay sau khi Mỹ tuyên bố tạm hoãn tài trợ cho tổ chức này trong năm 2020. Nhiều nguyên thủ quốc gia khác cũng lên tiếng chỉ trích việc Mỹ tạm hoãn tài trợ cho WHO trong lúc dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lây nhiễm toàn cầu.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Vào năm 2025, nền kinh tế của các nước châu Mỹ Latin và Caribbean nhiều khả năng sẽ trở về mức phát triển của năm 2015. Nghĩa là 10 năm không tăng trưởng, Reuters đưa tin.
Đó là dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dựa trên các phân tích về tác động của đại dịch COVID-19 và các vấn đề khác ở khu vực này.