Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi ngày, vào lúc 8:00, 13:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Ông Tedros, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiếp tục hứng chịu thêm áp lực liên quan đến cách ông đối phó với đại dịch COVID-19. Lần này, áp lực đến từ 14 dân biểu của Đảng Cộng hòa Mỹ, trong một công văn đề ngày 9/4.
Công văn chỉ trích WHO đang giúp Trung Quốc tuyên truyền thành tích chống dịch của họ, khen ngợi họ về tính “minh bạch” của Trung Quốc, và không quy bất kỳ trách nhiệm nào cho nước này.
“Ông, với tư cách là lãnh đạo của WHO, đi quá xa với việc ca ngợi tính “minh bạch” của chính quyền Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng này, khi mà, trên thực tế, chế độ này liên tục lừa dối thế giới bằng cách lấp liếm thống kê thực sự về số ca nhiễm và ca tử vong.”
Các dân biểu Mỹ cũng không quên nhắc ông Tedros rằng Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO, với 17% ngân sách vào năm 2017, tương đương 513 triệu USD.
Thư yêu cầu WHO cung cấp mọi thư tín, tài liệu trao đổi giữa họ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc, giữa họ với Đài Loan từ tháng Tám năm 2019 tới nay; cũng như thông tin liên quan đến số liệu thống kê về COVID-19 ở Trung Quốc.
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Thất vọng vì những hành động được cho là thân Trung Quốc của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, cư dân mạng đã khởi xướng một kiến nghị thư online trên trang change.org. Tính đến 17:30 hôm nay, kiến nghị thư này đã thu thập được tới hơn 920 nghìn chữ ký.
Cùng với cáo buộc ông Tedros chỉ biết nghe theo Trung Quốc, kiến nghị thư còn nói rõ “Đài Loan không nên bị loại ra khỏi WHO vì bất kỳ lý do chính trị gì. Công nghệ của họ tiên tiến hơn rất nhiều so với vài nước WHO chọn”.
Kiến nghị thư này đề nơi nhận là Liên Hợp Quốc. Change.org là một nền tảng thuộc loại phổ biến nhất thế giới để tạo kiến nghị và thu thập chữ ký cho đủ mọi vấn đề. Việc ký tên ở đây không có ý nghĩa bắt buộc người nhận kiến nghị phải trả lời, mặc dù nó tạo ra một sức ép xã hội nhất định.
Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.
CNN cho biết chính phủ Trung Quốc đã có chỉ thị kiểm duyệt các nghiên cứu về nguồn gốc của SARS-CoV-2, virus gây ra bệnh COVID-19, vốn bùng phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của nước này. Đại học Phúc Đán là nơi đầu tiên đăng chỉ thị này lên website nhưng gỡ xuống ngay sau đó. Tuy nhiên, một bản cache vẫn còn lưu lại thông tin này trên Internet.
Theo chỉ thị này, tất cả các nghiên cứu nêu trên phải được gửi cho Bộ Giáo dục, sau đó bộ này phải gửi cho một ban chỉ đạo trực thuộc Hội đồng Nhà nước để thẩm định. Chỉ sau khi được ban chỉ đạo này cho phép, các tác giả công trình mới được nộp cho các tạp chí.
Một nhà nghiên cứu giấu tên ở Trung Quốc cho biết: “Tôi nghĩ đây là một nỗ lực có điều phối của chính phủ Trung Quốc nhằm kiểm soát thông tin, và tô vẽ nó như thể là dịch bệnh không bắt nguồn từ Trung Quốc.”
Một cán bộ giấu tên của Bộ Giáo dục Trung Quốc nói với CNN: “Nó đúng ra không được không khai. Đó là một văn bản nội bộ.”
Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.
Hôm nay, Trung Quốc công bố số người mới nhiễm COVID-19 cao nhất trong sáu tuần vừa qua với 108 ca mới trong ngày Chủ nhật, tăng so với 99 ca ngày trước đó, Reuters cho biết. Trong đó, có tới 98 ca là ngoại nhập, với 49 ca nhập cảnh từ Nga qua cửa khẩu tỉnh Hắc Long Giang (Heilongjiang).
Một người dân cho biết: “Thị trấn nhỏ của chúng tôi ở đây, chúng tôi tưởng là nơi an toàn nhất”.
“Một số người Trung Quốc muốn trở lại, nhưng thế thì không có ý thức cho lắm, họ về đây làm gì?”
Các tỉnh biên giới Trung Quốc giáp Nga hiện đang tăng cường kiểm soát cửa khẩu, thậm chí có nơi còn đóng cửa biên giới và thi hành lệnh phong tỏa tương tự như Vũ Hán trước đây. Một số thành phố ở Hắc Long Giang đang thực thi lệnh cách ly 28 ngày với tất cả những ai từ nước ngoài tới.
Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.
Reuters đưa tin một công nhân ở nhà máy Samsung Display Bắc Ninh đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 ngày hôm qua (Chủ nhật), khiến chính quyền phải ra lệnh cách ly công nhân của nhà máy này.
Tuổi Trẻ cũng xác nhận thông tin này, nói rằng công nhân nói trên là ca số 262. Tỉnh Bắc Ninh đã phong tỏa khu vực làm việc của người này và cách ly những người có liên quan.
Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.
Sáng nay giờ Việt Nam, trong hàng loạt tweet tấn công báo chí cả cánh tả lẫn cánh hữu, Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ một tweet kêu gọi sa thải cố vấn y tế Anthony Fauci, nhân vật cốt cán trong ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng.
Nội dung của tweet được ông Trump chia sẻ nói: “Fauci giờ nói rằng nếu Trump nghe lời các chuyên gia y tế sớm hơn thì ông đã có thể cứu được nhiều mạng sống hơn. Fauci đã nói với mọi người vào ngày 29 tháng Hai rằng chẳng có gì để lo và virus này nhìn chung không đe dọa công chúng Mỹ. Đã đến lúc #Sa-thải-Fauci…”
Trước đó, ông Fauci nói một cách tế nhị trên đài CNN rằng thường những lời khuyên sẽ được lắng nghe, đôi khi thì không, và nếu chính phủ hành động sớm hơn thì không ai phủ nhận là mọi thứ sẽ tốt hơn. Phát biểu này của ông gián tiếp xác nhận một phóng sự điều tra của tờ The New York Times rằng ông và nhiều quan chức khác đã đề nghị ông Trump thực hiện chính sách hạn chế tiếp xúc xã hội (social distancing) để phòng chống dịch bệnh từ tháng Hai, nhưng lời khuyên này không được lắng nghe cho đến gần một tháng sau.
Hôm nay, ông Trump cũng tấn công The New York Times vì phóng sự này.
Ông nói: “Bài báo của @nytimes là Giả, cũng như chính cái “tờ báo” ấy thôi. Tôi bị chỉ trích vì hành động quá nhanh khi tôi ban hành lệnh cấm nhập cảnh từ Trung Quốc, rất lâu trước khi hầu hết mọi người muốn làm. @SecAzar [Bộ trưởng Y tế và An sinh] chẳng nói gì với tôi cho đến mãi sau đó, và bản ghi nhớ của Peter Navarro [cố vấn thương mại] cũng là cấm nhập cảnh thôi (xem tuyên bố của ông ấy thì rõ). Bọn Tin Giả!”
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Phó Chủ tịch điều hành của Liên minh Châu Âu (EU) trả lời tờ Financial Times của Anh rằng các nước thành viên EU nên mua cổ phần của các doanh nghiệp để ngăn chặn khả năng Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp này.
“Một việc rất quan trọng là ý thức được rằng có một rủi ro lớn là các doanh nghiệp yếu sẽ trở thành đối tượng thâu tóm”, bà nói.
Lời khuyên này được đưa ra trong bối cảnh EU đang thảo luận về các kế hoạch giải cứu nền kinh tế trong đại dịch COVID-19.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
AFP, dẫn lời báo chí Đức, đưa tin Bắc Kinh đang tìm cách tuyên truyền ra thế giới rằng đại dịch COVID-19 không khởi phát từ Trung Quốc và nhấn mạnh sự trợ giúp của Trung Quốc với phương Tây trong việc đối phó với đại dịch này.
Nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Đức đã được gợi ý phát biểu tích cực về cách Trung Quốc xử lý đại dịch này. Bộ Ngoại giao Đức đã khuyến nghị các cơ quan bộ ngành từ chối gợi ý này.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Rishi Sunak nói trong khoảng giữa tháng Tư và tháng Sáu, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh có thể giảm từ 25% đến 30%, theo Reuters.
Trong khi đó, ít nhất mười bộ trưởng đang gây áp lực đòi từng bước dỡ bỏ tình trạng phong tỏa xã hội vào tháng tới.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xuất viện hôm Chủ nhật vừa qua và cảm ơn các nhân viên y tế đã cứu ông khỏi bệnh COVID-19, đồng thời nhắc tên từng người và không quên pha trò như phong cách thường thấy, Reuters đưa tin.
Ông sẽ tiếp tục dưỡng bệnh tại căn hộ công vụ dành riêng cho thủ tướng ở Tây Bắc thủ đô London. Hiện chưa rõ khi nào ông có thể đi làm trở lại.
Ông và nội các của mình đang phải đối mặt với áp lực lớn từ dư luận về cách thức đối phó với đại dịch lần này, khi số người chết ở Anh tăng chóng mặt và lên tới 10.612 ca tính đến chiều thứ Bảy.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan cho hay một nhóm tàu hải quân Trung Quốc do hàng không mẫu hạm Liêu Ninh dẫn đầu đã xuất hiện ngoài khơi bờ biển phía Đông và Nam hòn đảo này vào Chủ nhật vừa qua, theo Reuters. Đài Loan cũng cho biết Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự gần hòn đảo này trong những tuần qua.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ kiểm soát được hòn đảo này.
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Rạng sáng nay (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tấn công báo chí Mỹ với hàng loạt tweet mới. Ông không nói tên cụ thể báo, đài nào, nhưng gọi họ là “Đảng Đối lập Tin giả” (Fake News Opposition Party) và phản đối cách các báo, đài này đưa tin rằng ông đã phớt lờ các cảnh báo sớm về đại dịch COVID-19.
Tuy vậy, một đài cánh hữu vốn được cho là thân TT Trump, Fox News, tiếp tục bị tấn công ngày thứ hai liên tiếp. Điểm danh chương trình của nhà báo Chris Wallace, ông Trump tweet: “Chuyện quái gì đang xảy ra với Fox News vậy?”