Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật ba lần mỗi ngày, vào lúc 8:00, 13:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.
ĐIỂM TIN 18:00
Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến tối nay có gì mới?
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Thống kê của Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho biết cho đến 17:50 (giờ Việt Nam) đã có 2.258.926 người nhiễm coronavirus trên toàn thế giới và con số tử vong là 154.686. Như vậy, trong 24 giờ qua đã có thêm gần 90.000 ca nhiễm và hơn 8.600 ca tử vong.
Cho đến 17:50, Bộ Y tế Việt Nam chưa công bố thêm ca mới nào. Số ca nhiễm vẫn dừng ở 268 và chưa có ca tử vong nào được công bố. Đây có thể sẽ là ngày thứ hai liên tiếp Bộ Y tế không công bố thêm ca nào.
Số ca nhiễm mới được công bố ở Singapore đang tăng vọt, với riêng hôm nay đã có thêm 942 ca, nâng tổng số ca lên 5.992, trong đó có 11 ca tử vong.
Châu Phi đã có hơn 1.000 ca tử vong trong tổng số 19.800 ca nhiễm được công bố, trải rộng trên 52/54 quốc gia của châu lục này. WHO cho biết do năng lực xét nghiệm của các nước châu Phi rất hạn chế nên con số ca nhiễm và ca tử vong có thể cao hơn rất nhiều.
Hôm thứ Sáu, Hàn Quốc tiếp tục công bố thêm ca tái phát, với tổng số lên đến 163 ca, tăng gấp đôi sau một tuần.
Hôm nay, Đài Loan công bố ba quân nhân thuộc lực lượng hải quân đã nhiễm COVID-19. Hơn 700 người có liên quan đã bị cách ly. Tổng thống Thái Anh Văn, người tham dự một sự kiện có mặt ba quân nhân trên vào ngày 9/4 được xác nhận không có nguy cơ lây bệnh do chỉ đứng trên bờ, cách xa tàu các thủy thủ làm nhiệm vụ.
Indonesia trở thành nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ hai châu Á
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Tính đến thứ Sáu, Indonesia đã có 520 ca tử vong trong tổng số 5.923 ca nhiễm COVID-19. Số ca tử vong này là cao nhất Đông Nam Á và cao thứ hai châu Á, sau Trung Quốc.
Chính phủ nước này đang bị chỉ trích vì không tiến hành xét nghiệm sớm hơn và không thi hành những chính sách phong tỏa nghiêm ngặt hơn.
Việc dịch bệnh lây lan mạnh mẽ Indonesia, một nước xích đạo, làm giảm bớt kỳ vọng rằng khi mùa hè đến tình hình sẽ bớt căng thẳng hơn do thời tiết nóng ở Bắc bán cầu.
ĐIỂM TIN 13:00
8 nhà hoạt động dân chủ Hong Kong bị bắt
Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.
Theo Hong Kong Free Press, Liên đoàn các nhà dân chủ xã hội ở Hong Kong cho biết cảnh sát Hong Kong đã bắt bốn nhà hoạt động dân chủ là lãnh đạo của tổ chức này sáng thứ Bảy, 18/4.
Ngoài ra, hai nhà hoạt động khác của Đảng Dân chủ, một người của Đảng Lao động và tỷ phú truyền thông Jimmy Lai cũng đã bị bắt đi với cáo buộc tổ chức biểu tình vào ngày 18/8 và 1/10 năm ngoái.
Năm ngoái, cảnh sát tuyên bố các cuộc biểu tình ở hàng loạt quận huyện ở Hong Kong trong ngày 1/10 (Quốc khánh Trung Quốc) là bạo loạn, và cảnh báo người biểu tình vào ngày 18/8.
Cập nhật: Theo Hong Kong Free Press, cho đến chiều cùng ngày, tổng số nhà hoạt động bị bắt là 14 người.
Dịch COVID-19 trên hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt nhiều khả năng không bắt nguồn từ chuyến thăm Việt Nam
Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.
Hôm 15/4, tờ Wall Street Journal đưa tin cho rằng các quan chức quân sự Hoa Kỳ ngày càng có cơ sở chắc chắn việc dịch bệnh bùng phát trên tàu USS Theodore Roosevelt bắt nguồn từ các chuyến bay đến và đi từ hàng không mẫu hạm này, chứ không phải từ chuyến thăm Việt Nam gần đây (5-9/3).
Hiện đã có tới 600 thủy thủ của tàu này đã nhiễm COVID-19, một trong số đó đã qua đời và năm người đã phải nhập viện.
Dịch bệnh bùng phát kéo theo hàng loạt diễn biến chính trị gây tranh cãi. Đầu tiên là việc Quân chủng Hải quân Mỹ tước quyền chỉ huy của Hạm trưởng Brett Crozier, sau đó Tư lệnh Hải quân bay đến tàu công kích ông Brett Crozier khiến thủy thủ đoàn và dư luận bức xúc, tiếp đó, chính Tư lệnh Hải quân này phải từ chức.
Hiện nay, Hải quân Hoa Kỳ đang cân nhắc tái bổ nhiệm ông Crozier vào vị trí hạm trưởng.
Trong một diễn biến khác, tờ Washington Post đưa tin rằng bức thư cựu hạm trưởng Cronizer gửi cấp trên đề nghị sơ tán thủy thủ đoàn vì dịch bệnh chỉ được gửi cho 10 người, thay vì “20 hay 30 người” như cựu Tư lệnh Hải quân nói khi lý giải quyết định tước quyền chỉ huy của ông Crozier.
Hai sinh viên gốc châu Á ở Australia bị tấn công, nghi vấn do kỳ thị chủng tộc
Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.
Chuyện không lạ ở Australia và nhiều nước phương Tây nhưng có thể mới với nhiều người Việt Nam: hai sinh viên có nhân dạng người Á Đông mới bị hai phụ nữ da trắng hành hung hôm 15/4 vừa qua giữa trung tâm thành phố Melbourne. Hai nạn nhân hiện là sinh viên của Đại học Melbourne, theo 9News.
Theo lời kể của một trong hai nạn nhân, thủ phạm đã quát “cút về nước mày đi, mày không thuộc về nơi này”. Do đó, tồn tại nghi vấn đây là một cuộc hành hung có yếu tố phân biệt chủng tộc. Hiện cảnh sát đang điều tra và truy tìm hai thủ phạm.
Đại học Melbourne lập tức ra tuyên bố lên án hành vi tấn công này.
Luật Khoa từng đưa tin hai phụ nữ gốc châu Á khác bị một phụ nữ da trắng tấn công vì cho rằng họ mang coronavirus đến Úc.
ĐIỂM TIN 8:00
TT Trump kêu gọi “giải phóng” Michigan, Minnesota và Virginia
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Trong một động thái gây tranh cãi, hôm 17/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump đăng liên tục ba tweet kêu gọi “giải phóng” ba bang Michigan, Minnesota và Virginia, kèm theo một thông điệp bảo vệ quyền sở hữu và sử dụng súng.
Khi được hỏi trong cuộc họp báo cùng ngày tại Nhà Trắng rằng các bang có nên dỡ lệnh phong tỏa không, ông Trump nói: “Không, nhưng tôi nghĩ một số khía cạnh họ làm quá đà. Nó chỉ hơi quá đà thôi.”
Bối cảnh:
Cả ba bang đều đang áp dụng chính sách phong tỏa xã hội, yêu cầu người dân ở nhà nếu không có nhu cầu cần thiết phải ra ngoài, để phòng chống đại dịch COVID-19.
Cả ba bang đều đang có các nhóm biểu tình liên tục trong nhiều ngày qua đòi dỡ bỏ lệnh phong tỏa để trở lại cuộc sống bình thường. Thậm chí một số nhóm còn đòi bỏ tù thống đốc bang Michigan.
TT Trump mới ban hành hướng dẫn về việc mở cửa trở lại nền kinh tế trước đó một ngày, trong đó nói rõ các thống đốc bang chủ động quyết định dựa trên tình hình cụ thể ở bang mình.
Các nhóm biểu tình này được cho là những người bảo thủ ủng hộ ông Trump, thể hiện qua áo mũ, cờ và các biểu tượng khác mà họ mang theo.
Cả ba bang đều đang có các thống đốc là người của Đảng Dân chủ đối lập với ông Trump. Riêng ở bang Virginia, Đảng Dân chủ còn kiểm soát các Quốc hội tiểu bang và đang vận động thông qua các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn việc sở hữu và sử dụng súng.
Cả ba bang đều được cho là những bang chiến trường của mùa bầu cử tháng 11 tới, gọi là “swing state”, tức là không có truyền thống ủng hộ thường xuyên cho một đảng nào mà dao động.
Các thống đốc của ba bang nói gì:
Thống đốc Michigan, Gretchen Whitmer, nói bà hy vọng những bình luận của tổng thống sẽ không kích động thêm nhiều cuộc biểu tình. “Điều quan trọng nhất mà một người có một diễn đàn để nói là nói với người dân rằng ‘Chúng ta sẽ vượt qua được'”.
Thống đốc Virginia ông Ralph Northam: “Tôi không có thì giờ tham chiến trên Twitter.”
Thống đốc Minnesota ông Tim Walz nói ông đã gọi điện để hỏi tổng thống về việc này nhưng không được trả lời. “Chúng ta phải làm gì khác để đưa mọi người trở lại làm việc mà không ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân đây?” – “Có lẽ mọi thứ cần nhiều thời gian hơn là gõ một cái tweet hai chữ.”
Chuyên gia nói gì:
Mary McCord, giáo sư thỉnh giảng Trung tâm Luật, Đại học Georgetown: “Đây rõ ràng là một hành vi vi phạm các nguyên tắc liên bang [không cho phép kích động bạo lực lật đổ chính quyền dân cử], và nhiều khả năng là một tội phạm theo luật liên bang. Và bạo loạn hay phản bội chính quyền tiểu bang bị coi là tội phạm ở Virginia, Michigan và Minnesota, cũng như hầu hết các bang.”
Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 7:00 ngày 18/4/2020 trên toàn thế giới đã có 2.240.191 người nhiễm bệnh và 153.822 người tử vong vì bệnh COVID-19.
Một chuyên gia hàng đầu của tổ chức WHO, ông Mike Ryan, cho biết những kháng thể trong máu sẽ không giúp ích trong việc chống lại khả năng lây nhiễm bệnh COVID-19. Ông cũng nói thêm là cho dù các kháng thể này có hữu ích đi chăng nữa, thì số người có kháng thể trong máu vẫn còn rất ít để có thể trở thành miễn dịch trong cộng đồng.
Các nhà lập pháp của Cộng hòa Séc kêu gọi chính phủ phải tự sản xuất các vật tư y tế và nếu cần phải mua thì có thể mua tại những nơi gần hơn, không nhất thiết phải mua hàng nhập từ Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Séc, Pavel Fischer, nói với Reuters rằng “việc tự lực được về các dụng cụ y tế là một bước đầu để khẳng định an ninh quốc gia.”
Italy hiện nay là nước có số người nhiễm bệnh COVID-19 cao thứ ba trên toàn thế giới sau Mỹ và Tây Ban Nha. Số người chết vì COVID-19 tại Ý trong ngày thứ Sáu 17/4/2020 là 575, tăng 50 người so với ngày hôm trước. Tuy nhiên, con số người bị nhiễm bệnh mới hiện nay được cho là đa số chỉ xảy ra trong từng gia đình, theo Reuters. Vì vậy, việc có nên tiếp tục cách ly và phong tỏa cộng đồng hiện đang là vấn đề mà các khu vực tại Ý phải đưa ra quyết định. Ý đã có lệnh cách ly và phong tỏa trong vòng sáu tuần vừa qua.
Tổng thống Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador, hiện đang kêu gọi những nhân viên y tế, bác sĩ, và y tá trong độ tuổi 60-65 nên trở lại làm việc để chăm sóc những bệnh nhân không thuộc nhóm bị nhiễm COVID-19. Mexico dự đoán bệnh COVID-19 sẽ tăng lên trong những ngày sắp tới, và những nhân viên y tế cao tuổi sẽ giúp đỡ các bác sĩ trẻ đang phải gia tăng mức độ làm việc trong mùa chống dịch này.
Một chuyên gia dịch tễ tại WHO, bà Maria van Kerckhove, cho biết việc Trung Quốc đã chỉnh sửa con số về người chết vì bệnh COVID-19 tại Vũ Hán là nhằm mục đích không bỏ sót ai ra khỏi báo cáo. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Zhao Lijian, cũng tuyên bố với báo chí trong ngày thứ Sáu rằng Trung Quốc không hề che giấu số người bị bệnh và tử vong vì COVID-19. Việc Trung Quốc sửa con số người đã chết vì coronavirus tại Vũ Hán là việc họ đã rà soát lại tất cả báo cáo, kể cả số người bị chết tại nhà trong thời gian vừa qua. Có nhiều quốc gia, ví dụ như Hoa Kỳ, đã tỏ vẻ nghi ngờ về các số liệu mà Trung Quốc đưa ra về dịch bệnh COVID-19.
Đã sản xuất được một loại vaccine phòng bệnh COVID-19, chờ thử nghiệm lâm sàng
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Oxford, Anh Quốc, đã tạo ra một loại vaccine chống COVID-19 và đang tiến hành các quy trình thử nghiệm lâm sàng cần thiết.
Vào thứ Sáu ngày 17/4/2020 (giờ Anh), nhóm này cho biết họ đang sản xuất một triệu liều thuốc này, song song với việc thử nghiệm lâm sàng, để nếu thử nghiệm thành công thì có thể đưa vào sử dụng ngay từ tháng 9/2020. Giáo sư Sarah Gilbert, một trong ba nhà nghiên cứu từ nhóm cho biết họ mong rằng “liều thuốc này sẽ có khả năng rất cao là sẽ hữu hiệu.”
Hiện có 70 nhóm đang chạy đua sản xuất vaccine nhưng chưa có vaccine nào được thử nghiệm thành công ở người.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Joung-un vắng mặt bất thường
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.
Tại Triều Tiên, hôm thứ Tư vừa rồi là ngày lễ lớn tại quốc gia này vì đó là ngày kỷ niệm sinh nhật của lãnh đạo Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, một số chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên cho biết họ đã không nhìn thấy Kim Jong-un, cháu nội của Kim Nhật Thành, đến dự buổi lễ này.
Đây là lần đầu tiên Kim Jong-un đã vắng mặt trong buổi lễ kỷ niệm ngày sinh của ông mình. Việc vắng mặt của Kim Jong-un đã làm dấy lên thông tin rằng vị lãnh đạo 36 tuổi này của Triều Tiên có thể đang gặp vấn đề về sức khỏe.