Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Khi hàng ngàn trường học và đại học phải đóng cửa theo lệnh của chính phủ dưới chính sách hạn chế tiếp xúc xã hội (social distancing) thì hình thức giảng dạy trực tuyến thông qua các ứng dụng Zoom hay Google Meeting đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Là một người đi dạy và bị ảnh hưởng trực tiếp vì việc đóng cửa các trường đại học, tôi chấp nhận dạy trực tuyến nhằm đảm bảo sinh viên của tôi có thể ra trường hoặc hoàn thành học phần đúng hạn. Song, chính cách dạy tiên tiến này càng cho thấy rõ hơn về sự bất bình đẳng giữa người học có khả năng truy cập vào Internet và người học không có điều kiện đó.
Một số học giả nhận định rằng khoảng cách số là khoảng cách tồn tại “giữa các cá nhân có khả năng truy cập, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại và những người không hay thiếu khả năng truy cập”.
Khoảng cách này tạo nên sự bất bình đẳng kỹ thuật số và phản ánh những bất công về kinh tế, xã hội, giới tính, và chủng tộc trong đời sống thực. Đây là sự ảnh hưởng qua lại chặt chẽ giữa sự chênh lệch trong đời thực và ảo. Rõ ràng, các công cụ công nghệ chỉ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng vốn đã quá nghiêm trọng thay vì “chữa lành” chúng. Bởi vì khoảng cách số này, một bộ phận lớn sinh viên toàn cầu đã bị bỏ lại phía sau khi các trường học và đại học tuyên bố đóng cửa và chuyển sang các hoạt động học tập từ xa và trực tuyến.
Đối với sinh viên đại học, việc trường tạm dừng hoạt động có nghĩa là họ không còn khả năng đến trường để sử dụng nguồn wifi miễn phí hoặc tìm kiếm sách giáo khoa hay tài liệu nghiên cứu nhằm hỗ trợ cho việc học. Đồng nghĩa, sinh viên cần có thiết bị truy cập (laptop, điện thoại thông minh, hay máy tính để bàn) và nguồn kết nối Internet tại nhà. Song, vì hoàn cảnh địa lý và tài chính, một số sinh viên không có khả năng mua máy vi tính, mua các gói Internet, hoặc tốc độ kết nối quá chậm để cho phép họ tham gia các khóa học trực tuyến, tham gia các buổi học nhóm với các bạn đồng môn. Hậu quả là họ không thể hoàn thành các yêu cầu tốt nghiệp của trường đưa ra và phải đợi chờ cho đến khi trường mở lại các lớp học truyền thống.
Một bài báo mới đây đăng trên tờ The Guardian về việc học trực tuyến ở các trường tiểu học và trung học đã nêu bật hệ quả của vấn đề khoảng cách số.
Số là một giáo viên tại một trường tư thục ở Ý nhận thấy rằng mô hình học từ xa gần như là không công bằng khi các học sinh học trường tư đều có iPad và có khả năng truy cập bất cứ lúc nào. Trong khi đó, bạn bè của cô dạy ở trường công lập địa phương cảm khái rằng họ phải in hàng chồng giấy bài tập và gửi đến nhà cho các em qua đường bưu điện bởi vì một số em không đủ điều kiện và thiết bị để học trực tuyến. Ba mẹ của các em sẽ thu lại và gửi cho trường vào sáng thứ hai hàng tuần.
Thêm vào đó, các học sinh ở trường tư đôi khi không làm bài tập trực tuyến mà giáo viên đưa ra vì cha mẹ chúng ít khi để tâm. Họ còn phải làm việc tại nhà nếu không muốn bị sa thải và trông cậy hoàn toàn cho thầy cô. Ở đây, có thể thấy vai trò của các bậc phụ huynh cũng rất quan trọng đối với mô hình học trực tuyến. Những đứa trẻ có cha mẹ kèm cặp và theo dõi khi học từ xa luôn có lợi hơn so với việc học có đầy đủ thiết bị nhưng bị buông lỏng.
Dù thế nào, vấn đề khoảng cách số và mô hình học trực tuyến cho ta thấy rõ ràng những người ở những vị trí kinh tế-xã hội thấp thì sẽ luôn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc theo đuổi mô hình học tập đòi hỏi nhiều công sức và tài chính này.
Khi tiếp cận vấn đề khoảng cách số này, bước đầu tiên cộng đồng cần nhìn nhận là phải tạo nên nhận thức về sự thiên vị và thiếu công bằng giữa người học (học sinh/sinh viên) giàu và nghèo trong môi trường giáo dục. Thực tế, các trường trung học và đại học luôn luôn khẳng định về quyền bình đẳng tiếp cận giáo dục và chào đón tất cả mọi người học nhưng những người làm giáo dục đã không đưa ra bất cứ kiến giải nào để giải quyết sự bất bình đẳng giữa học sinh hay sinh viên xuất phát từ các tầng lớp khác nhau. Họ cũng không thừa nhận những hạn chế này và bỏ quên những vấn đề kinh tế, xã hội, giới tính, và chủng tộc. Để thu hẹp khoảng cách số, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh và sự trỗi dậy của việc học trực tuyến, những người làm giáo dục phải học cách thừa nhận những vấn đề trên trước tiên.
Theo đó, cả cộng đồng và những người làm giáo dục cần sẵn sàng đầu tư, cả về tài chính và pháp lý, nhằm mục đích phổ cập các thiết bị công nghệ học tập thiết yếu, tốc độ đường truyền Internet cao với giá cả phải chăng và hỗ trợ kiến thức kỹ thuật số trên toàn quốc cho những học sinh sinh viên đến từ những tầng lớp dễ bị tổn thương nhất.
Các biện pháp như hỗ trợ dịch vụ cho mượn máy tính xách tay, các gói Internet gia đình miễn phí với tốc độ cao hoặc các gói Internet di động cho sinh viên có thu nhập thấp nên được khuyến khích tại các trường và đại học. Hiện nay, một số trường đại học Việt Nam đã làm được điều đó. Đại học Kinh tế – Luật đã hỗ trợ sinh viên 50.000 đồng để tăng cường khả năng truy cập Internet phục vụ cho việc học trực tuyến. Bên cạnh đó, kiến thức về kỹ thuật số nên trở thành một phần của chương trình giảng dạy toàn quốc và người đứng lớp cần được đào tạo về cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và có khả năng hướng dẫn đầy đủ cho tất cả học sinh sinh viên về các ứng dụng công nghệ học trực tuyến này. Song, các nước Đông Nam Á đang phát triển, nhất là Việt Nam, vẫn chưa sẵn sàng cho vấn đề này khi giảng viên đại học và giáo viên cao tuổi vẫn chưa thể thích ứng với cách giảng dạy trực tuyến vì tuổi cao hoặc không có khả năng tiếp thu cách sử dụng. Họ đã quen với việc dạy và học truyền thống hay mặt đối mặt.
Dù thế nào, mục tiêu của giáo dục là cung cấp và phổ biến tri thức đến mọi tầng lớp cũng như cho phép hàn gắn những bất công của xã hội. Một khi con người có thể kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh hiện nay, chúng ta nên hướng đến việc xây dựng các tổ chức và mô hình giáo dục được tổ chức chặt chẽ hơn và đầu tư nhiều hơn. Để sau đó, khi qua cơn khủng hoảng hiện nay hoặc về lâu về dài, sẽ không có bất cứ cá nhân nào bị bỏ lại sau lưng.