Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Sau ngày 30/4/1975, không chỉ quan chức Sài Gòn phải chịu cảnh tù đày mà những danh nhân đã chết hàng trăm năm trước cũng bị buộc tội.
Theo Sơn Nam, từ sau năm 1914, lăng miếu Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 – 1832) bắt đầu rộn ràng khi đốc phủ Gia Định đề cao công trạng của Tả quân. Người dân khi đó đồn đãi rằng đêm đêm quân lính của Tả quân hiện về ngựa hí vang trời. [1]
Vào năm 1943, lăng miếu của Tả quân đã vào bậc có “bề thề” lớn ở Sài Gòn. Trong tâm thức người Nam Kỳ, Tả quân Lê Văn Duyệt đã trở thành một phúc thần của đất Nam Kỳ. Người Hoa cũng tôn kính ông không kém gì Quan Công.
Sơn Nam trích một đoạn mô tả do Nguyễn Triệu viết trên tạp chí Tri Tân năm 1943 về cái khí thế của đền thờ Lê Văn Duyệt: “Đền thờ ấy nay đã trở nên trung tâm điểm cho các thiện nam tín nữ khắp Lục Tỉnh và miền Chợ Lớn – Sài Gòn lui tới đèn nhang hương khói. Nhất là đêm giao thừa, năm nào cũng vậy, ở đây có vẻ còn náo nhiệt hơn chùa Trấn Võ hay đền Ngọc Sơn ở Hà thành”. [2]
Nhưng đối với quân giải phóng, những tục lệ thờ phượng các vị thần là những việc làm vô nghĩa. [3] Đền thờ Lê Văn Duyệt không tránh khỏi cáo buộc chung như các đền miếu khác: là công cụ cai trị của giai cấp phong kiến.
Theo nhà nghiên cứu Philip Taylor, sau năm 1975, tuy khuôn viên trong lăng miếu Lê Văn Duyệt vẫn mở cửa nhưng khu đền thờ, nơi người dân lui tới thắp nhang, tổ chức các lễ cúng bái, đã bị đóng cửa hoàn toàn cho đến năm 1989. [4]
Người giữ lăng Tả quân Lê Văn Duyệt nói với nhà nghiên cứu Philip Taylor vào những năm 1990 rằng ngôi miếu từng bị chính quyền mới xem là nơi tuyên truyền mê tín dị đoan. Nhưng người giữ đền cũng cho rằng chế độ mới không thừa nhận Lê Văn Duyệt là một danh nhân, vì chế độ mới cho rằng ông theo phò nhà Nguyễn, triều đại bị cho là đã giao nước nhà cho ngoại bang.
Hơn nữa, người giữ đền đó cho rằng Lê Văn Duyệt đã giúp chúa Nguyễn đánh quân Tây Sơn, triều đại mà những người cộng sản rất mực ngưỡng mộ vì đã huy động nông dân bần cùng nổi dậy khởi nghĩa rồi chống giặc ngoại xâm. [5]
Sau 30/4/1975, anh em nhà Tây Sơn được chế độ mới ca ngợi hết mực và xây dựng nhiều đền đài lộng lẫy. Còn những đền đài của quan thần triều Nguyễn thì bị ghẻ lạnh.
Cho đến năm 1989, đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt mới được mở trở lại nhưng cái trang nghiêm, bề thế ngày xưa đã không bao giờ trở lại.
Cô Như, một người vẫn duy trì viếng đền của Lê Văn Duyệt từ những năm 1970 nói với nhà nghiên cứu Philip Taylor rằng sau năm 1975 chế độ mới đã muốn biến ngôi đền thành công viên hay sân chơi cho trẻ con. Có lần chính quyền động thổ để san phẳng ngôi mộ của Lê Văn Duyệt thì dụng cụ đào bới đều bị gãy một cách kỳ lạ.
Từ những năm 1990, cô Như nói Mặt trận Tổ quốc đã biến nơi này thành chốn tham quan du lịch và buôn bán tạp nham, ở phía trước công Tam Quang có một chỗ bán cây cảnh và một quán cà phê nhỏ làm mất vẻ linh thiêng của ngôi đền. [6]
Những hình ảnh về Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt trước năm 1975. Ngày nay, lăng ông ở số 1, đường Vũ Tùng, Phường 1, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh từ nhiều nguồn: Thomas W. Johnson, Douglas Ross, và George Muccianti.
Ở xã Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An, lăng mộ Tổng trấn Gia Định Nguyễn Huỳnh Đức (1748 – 1819), nơi trước kia quan chức Việt Nam Cộng hòa thường xuyên lui tới để cúng bái, nay đã trở nên cũ kỹ và đìu hiu.
Cuối những năm 1950, lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức được tân trang từ ngân sách của chính quyền Sài Gòn, trở nên rất bề thề. Năm 1968, lăng mộ của ông tiếp tục được trùng tu thêm một lần nữa với nhiều căn phòng được xây mới để đón đông đảo khách viếng thăm. Theo Philip Taylor, con hổ đến nay vẫn trưng trong tủ kính trong đền thờ ông là quà tặng do chính phủ Việt Nam Cộng hòa tặng để vinh danh vị hổ tướng của miền Gia Định. [7]
Tuy nhiên, với quá khứ đánh quân Tây Sơn và phò trợ chúa Nguyễn Phúc Ánh, lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức không tránh khỏi bị đối xử tệ bạc như đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt.
Theo Philip Taylor, khoảng 15,7 hecta đất của lăng mộ do hậu duệ của Nguyên Huỳnh Đức mua vào giữa thế kỷ 19 đã bị chính quyền tịch thu, để lại đền thờ và khu lăng mộ trên phần đất chật hẹp 0,3 hecta còn lại. Khu đất bị tịch thu này sau đó được giao cho những người nông dân khi đó đang thuê đất từ gia đình Nguyễn Huỳnh Đức. [8]
Philip Taylor ghi nhận rằng người dân ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã lập bàn thờ Nguyễn Huỳnh Đức trong Lăng Cá Ông nhưng sau năm 1975, bàn thờ này phải nhường chỗ cho bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. [9]
Tháng 10/2019, trả lời báo Phụ nữ Online, Tiến sĩ Trần Ngọc Khánh nói nhiều di vật, cổ vật ở ngôi đền và lăng mộ của Nguyễn Huỳnh Đức đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Trong khi đó, ở Đồng Tháp, đền thờ cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành một khu di tích rộng hơn 9 hecta được gìn giữ cẩn thận với nhiều công trình như “nhà sàn Bác Hồ”, nhà gỗ, đài tưởng niệm, nhà trưng bày… được hoàn thành hai năm sau chiến tranh Việt Nam.
Hai khu lăng mộ và đền của Lê Văn Duyệt và Nguyễn Huỳnh Đức được công nhận là di tích quốc gia lần lượt vào năm 1989 và năm 1993 nhưng chỉ đơn thuần là “di tích nghệ thuật lăng mộ và đền thờ” chứ không phải là “di tích lịch sử” (lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân), theo Nghị định 98/2010/NĐ-CP về thi hành và sửa đổi điều luật liên quan đến di sản.
Những hình ảnh về đền thờ Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức ngày nay ở xã Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Ảnh: Đỗ Minh Tiến.
Trường hợp của Đại thần Phan Thanh Giản (1796 – 1867) có phần khác biệt hơn hai nhân vật Tả quân Lê Văn Duyệt và Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức, ông đã có sẵn án trước ngày Sài Gòn sụp đổ.
Ở miền Bắc, năm 1963, tổng kết cuộc tranh luận về Phan Thanh Giản trên tạp chí Lịch sử, nhà sử học Trần Huy Liệu đã kết tội ông là “bán nước”, “dâng thành hiến đất cho giặc” vì năm 1862 ông đã nhượng ba tỉnh Nam Kỳ cho người Pháp.
Sau khi thành Vĩnh Long thất thủ trước người Pháp, Phan Thanh Giản đã tự vẫn bằng một chén thuốc độc sau 17 ngày nhịn ăn vào năm 1867.
Để tưởng nhớ công lao của ông trong thời cuộc gian nan khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, người dân thờ ông tại Văn Thánh Miếu, nơi thờ Khổng Tử, tại tỉnh Vĩnh Long. Hàng năm, người dân làm các lễ lớn để cúng ông.
Trước ngày 30/4/1975, tỉnh Cần Thơ có trường trung học Phan Thanh Giản. Tỉnh Vĩnh Long có tượng đài Phan Thanh Giản nằm ở ngã từ Phan Thanh Giản – Lê Lai. Đô thành Sài Gòn cũng như khắp các tỉnh miền Nam có đường Phan Thanh Giản.
Sau ngày Sài Gòn sụp đổ, trường trung học Phan Thanh Giản bị đổi tên thành THPT Châu Văn Liêm, tượng của ông trong ngôi trường này bị phá huỷ. Những con đường mang tên ông ở các tỉnh thành bị thay tên.
Người giữ Văn Thánh Miếu nói với nhà nghiên cứu Philip Taylor rằng sau khi Sài Gòn sụp đổ thì nơi này bị hư hại nặng do chế độ mới cho rằng đây là nơi “tuyên truyền mê tín dị đoan”, đất đai của khu miếu bị tịch thu để giao cho các cán bộ cách mạng. Các dịp cúng tế bị hủy bỏ.
Người giữ miếu cho rằng cái nhãn “mê tín dị đoan” có lẽ là cách để các cán bộ cách mạng dễ dàng chiếm dụng khu đất nhìn ra sông Long Hồ và dựa vào một gò đất cao của ngôi miếu. [7]
Sau cuộc hội thảo về nỗi oan của Phan Thanh Giản của hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre vào năm 1994, đền thờ Phan Thanh Giản mới bắt đầu được tu sửa vào cuối thập niên 1990 trong tình trạng hư hại rất nặng.
Theo Philip Taylor, khi bắt đầu trùng tu ngôi đền thì nhiều viên gạch ngói đã bị vỡ, bức tường bị thủng một lỗ lớn và nhiều di vật đã bị mất. Cán bộ văn hóa địa phương bị người dân cáo buộc là ăn cắp tiền công đức. Cán bộ địa phương không chịu trả lại đất họ đã lấy của ngôi miếu. Sau trùng tu, ngôi đền của Phan Thanh Giản mở cửa trở lại nhưng lịch đón khách rất hạn chế, các lễ vật cúng bái cũng không nhiều hơn đồ cúng cho các cô hồn. [10]
Mặc dù sự nghiệp đầy tranh cãi của Phan Thanh Giản đến nay phần nào đã sáng tỏ trong mắt chính quyền, tuy nhiên, khu lăng mộ của ông ở Bến Tre đến nay vẫn mang dáng dấp đơn sơ, buồn bã của một đại thần từng bị bên thắng cuộc vùi dập.
Những hình ảnh về khu đền và lăng mộ của Kinh lược đại thần Phan Thanh Giản vào năm 2015 tại ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi vì sao những người cộng sản lại đóng cửa các đền miếu sau ngày 30/4/1975?
Không chỉ tịch thu, đóng cửa các đền miếu, chùa chiền ở miền Nam sau năm 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm điều tương tự ở miền Bắc từ những năm 1940 trong một số khu vực mà họ kiểm soát được. [11]
Theo Trần Hữu Tiến trên Tạp chí Cộng sản năm 1977, những người cộng sản là những người theo thuyết tiến hóa, họ cho rằng các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo là giai đoạn sơ khai của xã hội loài người khi người ta thần thánh hóa các thế lực tự nhiên vì họ không khả năng kiểm soát hay vượt qua chúng. [12]
Năm 1986, Bùi Thị Kim Quý trên Tạp chí Cộng sản đã cho rằng niềm tin vào sức mạnh của thần linh chỉ là ảo tưởng, khiến người ta bất lực và tin vào định mệnh không thể thay đổi. Nó sẽ làm con người không còn tự tin vào bản thân mình nữa và người ta không nghĩ rằng họ có thể tự giải quyết vấn đề của mình. [13]
Tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam vào thời điểm đó còn được xem là công cụ của giai cấp phong kiến dùng để cai trị và bóc lột xã hội. [14] Hơn nữa, đối với những người cộng sản chỉ trích tôn giáo nghiêm khắc nhất thì các đạo như Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa và Đạo Khổng đều nguồn gốc từ nước ngoài. [15]
Khi những người khách du lịch đầu tiên đến Việt Nam vào đầu những năm 1990, đó cũng là lúc các đền miếu được phục hoạt. Vào lúc này, người ta cũng thấy những cuốn sách nói về nguồn gốc văn hóa, bản sắc dân tộc, phong tục tập quán, cách cúng bái trong lễ hội… được xuất bản. [16]
Trước đó, các nhà nghiên cứu đã lên tiếng cho đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú và đa dạng của Việt Nam khi nhà nước bắt đầu “Đổi mới”. Theo Nguyễn Khánh Toàn, các nhà nghiên cứu miền Nam đã vận động để nhà nước xem tín ngưỡng, tôn giáo là vùng biên, nơi không phụ thuộc Khổng giáo hay kiểm soát cứng nhắc của tòa án, mà nên được xem là sự đa dạng về bản sắc dân tộc và ảnh hưởng lịch sử của đất nước. [16]
Cách tiếp cận này khi đó dần được nhà nước chấp nhận, các địa phương đã thay đổi cách nhìn từ “hiểu biết lệch lạc về bản chất tự nhiên”, “mê tín dị đoan”, “công cụ của giai cấp phong kiến” thành “tín ngưỡng dân gian truyền thống”, “văn hóa dân gian”, “văn hóa tâm linh Nam Bộ”. [17]
Gần 15 năm sau chiến tranh, các đền miếu phủ bụi ở miền Nam, nếu còn trụ được, mới được tái hoạt động, trả lại một phần không khí linh thiêng, rộn ràng của những ngày xưa.
Tuy nhiên, sự thiên vị trong cách đối xử giữa các ngôi đền vẫn còn đó.
___
Các trích dẫn:
[1] Sơn Nam, Đình miễu & lễ hội dân gian miền Nam, Nhà xuất bản trẻ, 2018, trang 85.
[2] Sách đã dẫn, Đình miễu & lễ hội dân gian miền Nam, trang 163.
[3] Trương Chính, Đặng Đức Siêu, Sổ tay Văn hóa Việt Nam, 1978, trang 122 – 142.
[4] Philip Taylor, Goddess on the Rise…, University of Hawai’i Press, 2004, trang 220.
[5] Sách đã dẫn, Goddess on the Rise…, trang 219.
[6] Sách đã dẫn, Goddess on the Rise…, trang 221.
[7] Sách đã dẫn, Goddess on the Rise…, trang 212.
[8] Sách đã dẫn, Goddess on the Rise…, trang 212.
[9] Sách đã dẫn, Goddess on the Rise…, trang 217.
[10] Sách đã dẫn, Goddess on the Rise…, trang 220.
[11] Sách đã dẫn, Goddess on the Rise…, trang 37.
[12] Trần Hữu Tiến, Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và quyền tôn giáo, 1977, Tạp chí Cộng sản, (đoạn này dẫn từ Philip Taylor trích trong sách đã dẫn, Goddess on the Rise…, trang 38).
[13] Bùi Thị Kim Quý, Cần sớm khắc phục mê tín dị đoan, 1986, Tạp chí Cộng sản, (đoạn này dẫn từ Philip Taylor trích trong sách đã dẫn, Goddess on the Rise…, trang 38).
[14] Trương Chính, Đặng Đức Siêu, sách đã dẫn, Sổ tay Văn hóa Việt Nam (đoạn này dẫn từ Philip Taylor trích trong sách đã dẫn, Goddess on the Rise…, trang 38).
[15] Sách đã dẫn, Goddess on the Rise…, trang 38.
[16] Nguyễn Khánh Toàn, Một số vấn đề khoa học xã hội đồng bằng Sông Cửu Long, 1982, (đoạn này dẫn từ Philip Taylor trích trong sách đã dẫn, Goddess on the Rise…, trang 43).
[17] Sách đã dẫn, Goddess on the Rise…, trang 43.