Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Khắp mọi ngóc ngách trên đất nước Việt Nam, hàng chục triệu tín đồ của các tôn giáo vừa mới bước vào những ngày đầu sinh hoạt tâm linh không như bình thường.
Tối Chủ nhật này, ngày 05/04/2020, cũng như tối Chủ nhật trước đó, chị Tú, 28 tuổi, một người dạy tiếng Anh tại nhà ở thành phố Hồ Chí Minh, sẽ đi lễ nhà thờ cùng gia đình qua màn hình TV.
Bà Trang, 45 tuổi, một phật tử đã quy y ở Cần Thơ, đã không đi chùa trong một tuần qua. Vào mỗi buổi sáng và buổi tối, bà thay áo tràng rồi cầu kinh trước bàn thờ phật trong gian phòng rộng rãi của mình.
Ở Sóc Trăng, bà Thuý, 60 tuổi, không đi tảo mộ cùng gia đình trong dịp Tết Thanh minh năm nay. Thay vào đó, gia đình bà cúng bái đơn sơ ở nhà.
Cho đến khi thế giới có câu trả lời cho dịch Covid-19, các hoạt động tâm linh của người Việt vẫn sẽ diễn ra ở hai nơi là trong ngôi nhà của mình và trên mạng xã hội.
Trước đây, khi còn đi lễ nhà thờ vào các buổi tối Chủ nhật, chị Tú cảm nhận sự đoàn kết và năng lượng khi ngồi cầu nguyện cùng mọi người trên băng ghế gỗ của nhà thờ.
Đối với chị Tú, đi lễ nhà thờ còn là dịp để hâm nóng tình cảm gia đình. Nhưng vào thời điểm dịch bệnh này, gia đình chị đành đi lễ nhà thờ qua màn hình của chiếc TV có kết nối với chiếc điện thoại.
“Xem lễ qua TV thì mình khó tập trung hơn và không có trang trọng như lúc đi nhà thờ”, chị Tú cho biết. “Với mùa dịch mọi người cũng muốn cầu nguyện chung với nhau. Có cộng đồng thì mình có cố gắng hơn”.
Chị Tú có chút lo lắng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài lâu hơn sẽ ảnh hưởng đến các lễ cưới và lễ tang. Các cặp đôi sẽ không được tổ chức lễ cưới trong nhà thờ. Cha xứ sẽ không đến nhà của giáo dân để làm lễ tang như trước đây.
Là một người phật tử đã tu hành tinh tấn, bà Trang nói mình vẫn tự tụng kinh được ở nhà nên không cảm thấy có khó khăn gì. Nếu có thắc mắc, bà vẫn có thể gọi điện thoại cho các thầy để nhờ họ giải đáp.
“Một số người có thể cần đi đến chùa để cầu nguyện hoặc nhà họ không có bàn thờ phật nên họ phải cần đến chùa để lạy phật. Nhưng cách ly trong thời gian ngắn thì có lẽ không có khó khăn gì”, bà Trang nói qua điện thoại.
Bà Trang nói lễ Phật Đản và lễ Trường Hạ (một hoạt động cấm túc để tu hành quan trọng của các tăng ni từ trong khoảng tháng Tư đến tháng Bảy âm lịch hàng năm) chắc chắn sẽ bị hoãn.
Trong thâm tâm, bà Thúy vẫn cảm thấy Tết Thanh minh sẽ không trọn vẹn nếu chỉ cúng bái ở nhà. Đó không chỉ là thói quen của những gia đình người Hoa như nhà bà Thúy mà còn đối với hầu hết các gia đình người Kinh, khi hàng năm mọi người đi cùng con cháu mang đồ cúng đến nghĩa trang để sửa sang mồ mả, cúng bái gia tiên, nhớ lại gốc gác của mình.
Giống như rất nhiều người khác, sắp tới bà Thúy cũng phải từ bỏ các cuộc hành hương hàng năm mà bà cho là rất linh ứng của mình như lễ vía bà Nam Hải ở tỉnh Bạc Liêu vào cuối tháng Ba âm lịch hay lễ vía Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, tỉnh An Giang vào tháng Tư âm lịch.
Trong dài hạn, việc gián đoạn các hoạt động tâm linh ở Việt Nam có thật sự là câu trả lời đối với bệnh dịch? Các lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam có cần những bị kế hoạch dài hạn và sáng tạo hơn khi thế giới chưa biết đến bao giờ mới đánh bại dịch Covid-19?
Thế giới đang trông cậy vào khoa học để đánh bại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các nhà khoa học đến nay vẫn biết rất ít về cách đối phó với đại dịch này ngoài việc đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng.
Tại Mỹ, một khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy hơn 36% những người không có các sinh hoạt tôn giáo cụ thể trước kia nay đã bắt đầu cầu nguyện để sớm chấm dứt đại dịch, 15% những người chưa bao giờ cầu nguyện cũng đang xin đấng tối cao giúp mọi người sớm thoát khỏi khủng hoảng trầm trọng này.
Theo bà Trang, hiện nay các phật tử cũng thực hành cầu nguyện để xua tan bệnh dịch, các nhà sư đang tích cực tu tập nhiều hơn để hóa giải nạn kiếp. Nhưng cũng có nhiều người thực hành tâm linh với những niềm tin khác nhau.
Khi tôi hỏi thăm một người bạn ở Hà Nội về đại dịch thì bất thình lình nhận được lời đáp: “Đây là kiếp nạn mà chứ không phải dịch bệnh thông thường, con người không mau thức tỉnh nhìn lại lương tâm mình và thái độ bất kính với thần phật thì sẽ không vượt qua được đâu…”.
Từ lúc dịch COVID-19 lan rộng ra toàn cầu, không ít lần trên mạng xã hội tôi thấy những người bạn của mình chia sẻ những lời tiên tri rất u ám về tương lai.
Trong dài hạn, người dân không thể vừa sống vừa hoảng sợ vì bệnh dịch. Các thực hành tâm linh theo những cách sáng tạo có thể sẽ phải sớm được hướng dẫn cho công chúng.
Nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam cho rằng vai trò tôn giáo ở Việt Nam có thể hiểu như các cách đáp trả của người Việt đối với sự việc hiện hữu như chết chóc, bệnh hoạn hay khi mất đi người thân của mình (Malarney 2001, 2002; Nakamura 1999; Salemink 1997; Soucy 1999, P. Taylor 2002) [1].
Tín đồ Thiên Chúa giáo hay Tin Lành có thể đi lễ trên Facebook, một số phật tử của đạo Phật có thể nghe pháp thoại trên Youtube mặc dầu cũng lắm trục trặc như đường truyền mạng Internet yếu, nghe không rõ, điện thoại đang dùng để quay thì có người gọi,… nhưng vẫn có thể đảm bảo tạm thời nhu cầu tâm linh của tín đồ.
“Đi lễ online bây giờ vẫn ổn vì không phải ra ngoài đường. Mình vẫn giữ được niềm tin và cập nhật được tình hình của giáo hội”, chị Tú cho biết.
Đối với bà Trang, xem các pháp thoại trên Youtube cũng là một cách để thay thế khi không đến được các ngôi chùa.
Tuy nhiên, các tín ngưỡng dân gian truyền thống như các lễ hội ở các đền, miếu dường như đang chưa có cách nào để tạo ra những ảnh hưởng tích cực để an dân trong mùa dịch này.
Cầu xin các vị thần thánh như Thánh mẫu Liễu Hạnh, Thánh mẫu Thượng Ngàn ở miền Bắc, hay như Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen) ở miền Nam cũng có tác dụng tương tự. Như các nhà nghiên cứu địa phương đã chỉ ra, khi người dân hành hương đến Bà Chúa Xứ ở An Giang là được xem như một liệu pháp tâm lý cho số đông người dân trong những thời khắc khó khăn, đảm bảo sự gắn kết cộng đồng và duy trì đạo đức trong những hoàn cảnh căng thẳng của xã hội. [2]
Ở nhiều nơi trên thế giới, khi đại dịch COVID-19 vừa bùng nổ, từ các nơi trên thế giới người dân đã phản ứng về mặt tâm linh theo những cách khác nhau. Một số hoạt động được mọi người hưởng ứng nhưng cũng có các hoạt động bị chỉ trích nặng nề.
Ở Myanmar, một nhà sư nổi tiếng đã tuyên bố rằng chỉ cần một lượng vôi ăn trầu thêm vào ba hạt cọ sẽ mang lại khả năng miễn dịch để chống dịch bệnh. Ở Iran, một số người hành hương đạo Hồi đã liếm đền Shiite vì cho rằng có thể giúp họ tránh bị nhiễm bệnh. Một đoạn băng ghi hình ở Ấn Độ cũng cho thấy các tín đồ đạo Hindu đã tích cực uống nước tiểu của bò để giải trừ dịch COVID-19.
Nhưng cũng có những thực hành tâm linh khác có sự ảnh hưởng tích cực.
Vào đầu tháng 3/2020, ngôi đền Phật giáo nổi tiếng Kinpusen-ji ở Nhật Bản đã phát trực tuyến buổi lễ tế “goma” – đốt các vật tế để cầu xin sự giúp đỡ từ các đấng thiêng liêng – nhằm xua tan dịch COVID-19 với khoảng 600 người theo dõi qua mạng xã hội.
Trụ trì của đền Tu sĩ Yoshio Sakamoto, 71 tuổi, nói rằng ông muốn tập hợp các lời cầu nguyện trực tuyến trong thời điểm khó khăn để động viên mọi người vượt qua khủng hoảng khi các hoạt động tôn giáo đang bị hủy bỏ ở Nhật Bản.
Những hoạt động tâm linh ở Việt Nam có thể sẽ không tránh khỏi những trường hợp bị chỉ trích như ở một số nơi trên thế giới, nhưng nếu các tổ chức tôn giáo chuẩn bị tốt hơn thì có thể sẽ mang lại lợi ích rất lớn đối với tinh thần của người dân đang chao đảo vì bệnh dịch.
___
Các trích dẫn:
[1] Goddess on the Rise, Pilgrimage and Popular Religion in Vietnam, Phillip Taylor, University of Hawai’i Press, trang 6.
[2] Sách đã trích dẫn, Goddess on the Rise, trang 9.
Tài liệu tham khảo:
1. Most American Say Corona Outbreak Has Impacted Their Lives, Pew Research Center.
2. In a Pandemic, Religion Can Be a Balm and a Risk, The New York Times.
3. West Japan temple holds ritual to pray for early end of coronavirus outbreak, The Mainichi.