Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Vài tháng qua, các bộ phim về dịch bệnh, thiên tai, tận thế đột nhiên thu hút một lượng lớn khán giả ở khắp nơi. Người ta rủ nhau xem lại những thước phim kể về một thế giới đáng sợ khi đối diện với thảm họa, nơi con người nếu không biến thành xác sống thì cũng tìm cách giẫm đạp lên nhau để tồn tại.
Viễn cảnh diễn ra trên cái màn hình nhỏ đó quả thật rùng mình, nhất là khi người xem liên tưởng đến những gì đang xảy ra trong đời thực.
Nhưng thế giới thực rộng lớn hơn rất nhiều và khác rất xa so với những thứ chúng ta thấy được trên cái màn hình bé tí.
Dịch bệnh COVID-19 đi đến đâu, người ta lại chứng kiến những điều tốt đẹp lan tỏa đến đó.
Ở tâm dịch Vũ Hán, khi thành phố bị phong tỏa, giao thông công cộng bị tạm dừng, những người có xe hơi lập ra cộng đồng tình nguyện chuyên chở các nhân viên y tế đi từ nhà đến bệnh viện và ngược lại.
Tại Ấn Độ, khi cả nước cách ly, những người trẻ tuổi vận động tổ chức các gói nhu yếu phẩm quyên tặng cho dân nghèo chạy ăn từng bữa, giúp họ sống sót qua cơn dịch.
Ở Nam Phi, những gói hàng sinh tồn gồm thực phẩm, nước uống, giấy vệ sinh và nước rửa tay cũng được chuẩn bị dành cho những người di cư lang bạt. Tại thủ đô Cape Town, những người địa phương còn lập sẵn nhóm tình nguyện có kiến thức về y tế, sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp lực lượng y tế chính quy bị quá tải.
Tại Mỹ, một tổ chức chuyên kết nối những người tình nguyện hỗ trợ các nhân viên y tế (về thực phẩm, chỗ ở, chăm sóc con cái, vật nuôi, nhà cửa…) giúp họ có thể toàn tâm toàn ý chống dịch. Một cô bé tám tuổi thì lập ra trang web tạo sân chơi ảo cho bạn bè đồng trang lứa không được đến trường những ngày dịch. Một trang web khác hỗ trợ cho các phụ huynh bị quá tải khi phải trông con ở nhà. Ngoài ra còn có trang web chia sẻ thông tin việc làm dành cho những người thất nghiệp trong mùa dịch.
Ở Na Uy, một nhóm người hồi phục sau khi nhiễm virus tình nguyện thực hiện các công việc có thể gây nguy hiểm cho những ai chưa nhiễm. Các tình nguyện viên tại Belgrade của Serbia tổ chức những buổi cà phê online và tư vấn tâm lý qua mạng. Những sinh viên ở thủ đô Prague của Cộng hòa Séc tự nguyện trông trẻ cho con cái của các bác sĩ và y tá.
Tại Anh, hàng ngàn các nhóm tương trợ đã tổ chức giao hàng và thuốc men, giúp đỡ cài đặt thiết bị giao tiếp cho những người lớn tuổi, thành lập các đường dây nóng hỗ trợ lẫn nhau. Một nhóm các bà mẹ chuyên chạy bộ thì kết hợp một công đôi việc, nhận chuyển giúp thuốc men từ các hiệu thuốc đến tận nhà cho những người không thể đi ra ngoài.
Khu dân cư ở Dublin của Ireland thì tổ chức chơi bingo (tương tự như trò chơi lô tô) giữa các hộ dân bị cách ly bằng cách người đọc số bắt loa ở sân chung cư, những người chơi đứng ở ban công căn hộ của mình đánh dấu theo.
Còn hình ảnh người dân Ý trong những ngày khó khăn cùng nhau thở bằng âm nhạc qua từng ban công cửa sổ đã lan truyền khắp thế giới từ nhiều tuần trước.
Các nhóm nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ trên khắp thế giới hợp nhau lại chia sẻ kiến thức và nguồn lực để cùng chống dịch.
Ở Latvia, người ta tổ chức cuộc thi “hackathon” trong 48 giờ để tìm ra vật liệu nhẹ nhất làm ra tấm bảo hộ che mặt dùng cho nhân viên y tế, có thể sản xuất được bằng máy in 3D. Tại Philippines, các nhà thiết kế thời trang biến công xưởng của mình thành nơi sản xuất trang phục bảo hộ y tế. Trong một tuần, nhóm kỹ sư, bác sĩ, sinh viên từ hai trường đại học tại Anh đã sáng chế ra loại máy trợ thở OxVent có thể sản xuất đại trà với giá thành khoảng 1.200 USD.
Ở Việt Nam, cũng chỉ trong một tuần nhóm các nhà báo tự do đã vận động được 4.400 bộ đồ bảo hộ gửi tặng cho lực lượng y tế. Nhiều nhóm tình nguyện vừa bỏ tiền túi, vừa vận động quyên góp, tổ chức trao nhu yếu phẩm đến tận tay người nghèo.
Dịch bệnh nói riêng hay các thảm họa nói chung là một chiếc gương soi đặc biệt.
Đối diện với nó, những người luôn để nỗi sợ hãi, thù hằn và thành kiến lấn át sẽ chỉ nhìn thấy bóng mình trong gương. Những ai gieo mầm hy vọng, yêu thương và tử tế lại luôn nhận ra hình ảnh của người khác trong mình.
Lựa chọn tốt đẹp không cứ phải là điều gì to lớn vĩ đại.
Nó có thể chỉ đơn giản là ý thức tự bảo vệ bản thân để không thành nguồn bệnh lây cho người xung quanh, chống lại những thành kiến kỳ thị nạn nhân, phân biệt chủng tộc, không tranh giành vơ vét sạch nhu yếu phẩm trong siêu thị, không bị cuốn theo những con sóng tin giật gân “chưa kiểm chứng”…
Nó cũng không cần phải là những thứ xa xôi: quan tâm những người sống ngay cạnh mình đã là một hành động tốt đẹp mà ai cũng có thể làm.
Có một chi tiết đáng suy nghĩ trên một bài báo của The Guardian tại Anh, rằng khi đại dịch bùng phát, nhiều người lớn tuổi cảm thấy mình bớt cô đơn, bớt bị cô lập hơn là ngày thường, khi hàng xóm và những người chung quanh dành cho họ nhiều sự động viên chăm sóc hơn, giúp họ nhận ra mình không bị bỏ rơi.
Trong nhiều bộ phim về thảm họa hay tận thế, người ta thường thấy hình ảnh những người sống sót nếu không phải là giàu có, quyền lực, thì cũng là khôn lanh, biết tranh giành, tóm lại là phải hơn người.
Không biết từ bao giờ, hơn người đã trở thành một nỗi ám ảnh của nhiều nhân loại.
Những đứa trẻ từ khi lọt lòng đã được cha mẹ dồn mọi tâm trí để “hơn chúng bạn”, hoặc ít nhất là “không thua kém tụi nó”.
Chuẩn mực làm người được gom lại trong năm chữ G: kẻ khôn phải biết giành, người lanh mới nhanh giàu, lâu lâu đừng ngại gian, sẵn sàng chấp nhận giả, và phấn đấu vậy tới già.
Tất cả đều khao khát trở thành một phần của thế hệ 5G ưu việt.
Nhưng đó chỉ là ảo giác.
Tuyệt đại đa số những đứa trẻ, chỉ cần không bị người lớn “dạy dỗ” theo thứ chuẩn mực lệch lạc đó, tự chúng đều biết yêu thương và chia sẻ, đều biết khám phá và sáng tạo, đều có năng lực học hỏi và tưởng tượng vô biên, đều có thể trở thành những phiên bản tốt nhất của chính mình, không cần phải đi so đo với bất kỳ ai.
Tất cả chúng ta từ lúc sinh ra đều đã biết lựa chọn yêu thương, và khi lớn lên, biết chia sẻ tình yêu đó.
Đó không phải đặc tính ưu việt gì của nhân loại. Đó là trí khôn tiến hóa của tất cả động vật, và của tất cả các sinh vật. Tiến hóa không chỉ có cạnh tranh. Tiến hóa là một quá trình cạnh tranh và cộng sinh, cùng phát triển.
Sự sống là kết quả của các mối liên hệ. Không có sự sống, thậm chí không có sự vật nào trên đời tồn tại độc lập mà không có liên hệ với bất kỳ thứ gì khác.
Con người tất nhiên cũng không phải là ngoại lệ.
Vì vậy trong thảm họa, lựa chọn tốt nhất để tồn tại và tiến hóa chỉ có chia sẻ và yêu thương. Thay vì nghĩ tới chuyện làm sao để hơn người, tất cả những gì nên làm là đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Dịch bệnh lần này không chỉ là cơ hội để soi hiện tại, nó còn là chiếc gương để nhìn vào tương lai.
Trong một bài viết trên báo Tuổi Trẻ cách đây vài ngày, người xem được ngắm nhìn những bức vẽ của các em học sinh cấp hai, mô tả suy nghĩ của các bạn nhỏ về đại dịch đang diễn ra.
Trong các bức tranh đó, có bức diễn tả con virus corona khổng lồ xâm nhập đe dọa trái đất, một bức khác thì hy vọng trái đất sẽ nhanh chóng lấy lại màu xanh tươi sau đại dịch.
Đó đều là những hình ảnh đáng yêu và ngộ nghĩnh.
Nhưng sẽ phải có ai đó chia sẻ với những bạn nhỏ, rằng sự thật là các con virus không xâm nhập trái đất, mà chúng đã tồn tại trên trái đất này từ rất lâu trước khi con người xuất hiện.
Và điều quan trọng hơn, ai đó sẽ phải nói sự thật cho các bạn nhỏ, rằng khi đại dịch kết thúc, nếu người lớn vẫn tiếp tục giữ thói quen khai thác nhiên liệu hóa thạch, bơm xả CO2 vào khí quyển, làm ô nhiễm mọi thứ từ không khí, nguồn nước đến thực phẩm, tiêu dùng vô tội vạ, xả rác ngập tràn đại dương, đốn trụi các mảng rừng xanh ít ỏi, đẩy những giống loài khác đến bờ vực tuyệt chủng… hành tinh này sẽ không bao giờ xanh trở lại.
Hay chính xác hơn, thiên nhiên sẽ chỉ phục hồi sau khi chính những đứa trẻ của tương lai phải gánh chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu. So với tương lai báo động đó, thảm họa COVID-19 hiện tại chỉ là một bài tập dợt quá nhẹ nhàng.
Những người lớn sẽ phải nói thật với các bạn nhỏ, rằng chỉ trong vài tháng thế giới tiến hành cách ly, tạm dừng đi lại, ngưng đoạn sản xuất, khắp nơi từ Trung Quốc đến Mỹ, từ Châu Âu đến Ấn Độ, bầu trời đều trong xanh hơn, không khí đều sạch sẽ hơn, và sự sống của các sinh vật khác nở bung khi con người tự nhốt mình trong nhà.
Người lớn cần phải giải thích với những đứa trẻ, rằng lựa chọn yêu thương và tử tế nếu chỉ được dành cho các đồng loại mang hình dáng người mà không đếm xỉa đến các sự sống khác, nhân loại sẽ không có tương lai trên hành tinh này.
Hoặc có lẽ chính các đứa trẻ sẽ phải giải thích cho những người lớn khôn ngoan hiểu ra chân lý đó.
Có hay không có thảm họa, lựa chọn nào cũng phải được trân trọng và cân nhắc, vì nó quyết định tất cả hiện tại và toàn bộ tương lai của chúng ta.
Như nhà thơ người Ba Lan Wisława Szymborska từng đúc kết,
“Whatever I do
Will become forever what I’ve done”.
“Bất kỳ điều gì tôi làm
Đều sẽ mãi mãi biến thành thứ đã làm nên tôi”.