Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Khi nói đến chiến tranh Việt Nam, bạn đọc ắt hẳn sẽ nghĩ ngay đến Hoa Kỳ. Họ được mệnh danh là “kẻ xâm lược”, “kẻ giật dây”, “kẻ đầu sỏ” đứng đằng sau chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Điều này lại càng dễ nhận thấy hơn khi báo chí Hoa Kỳ và quốc tế liên tục đưa tin, bài về các hoạt động và những hỗ trợ của lực lượng này tại miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều “thế lực ngoại bang” khác can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. Song bởi thông tin ít ỏi và môi trường báo chí bị kiểm soát chặt chẽ của quốc gia đó, ít ai biết đến việc tham chiến này của họ để bình luận hay phán xét.
Dưới đây là những điểm sơ lược bạn cần biết về vai trò của Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến mà sách báo nhà nước vẫn gọi là “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Một trong những thất bại lớn nhất của báo chí phương Tây, cả trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam lẫn trong những khủng hoảng toàn cầu như đại dịch COVID-19 hiện nay, là Trung Quốc “nói sao” thì họ “nghe vậy”.
Giới tình báo Hoa Kỳ từ lâu đã báo cáo rằng họ phát hiện một số lượng lớn quân dân Trung Quốc đi qua biên giới Bắc Việt. Cùng với đó, các lực lượng tham chiến rất thường ghi nhận “quân nhân Bắc Việt” nhưng lại mặc quân phục Trung Quốc. Tuy nhiên, trong suốt nhiều thập niên, Trung Quốc phủ nhận việc này. Và báo chí phương Tây cũng không khai thác hay làm rõ gì thêm. Trung Quốc can dự vào chiến tranh Việt Nam trong một thời gian dài chỉ được xem là “thuyết âm mưu”.
Tuy nhiên, những nghi ngờ bị đánh tan khi chính giới tướng lĩnh và các nhà khoa học quân sự, pháp luật quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận chuyện này. Vào khoảng đầu những năm 2000, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với chính quyền Hoa Kỳ và hầu hết các tổ chức quốc tế trên thế giới, người Trung Quốc cũng “mở lòng” hơn với những đóng góp của họ trong chiến tranh Việt Nam.
Theo ghi nhận của Washington Post, báo cáo của chính phủ Trung Quốc cho thấy có đến 310.000 quân Trung Quốc hiện diện tại Việt Nam trong thời kỳ đỉnh điểm của chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1960 – 1970. Tổng chi phí mà họ đài thọ cho chính quyền Bắc Việt (hay Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa) cả về kinh tế lẫn công cụ, vũ khí quân dụng là hơn 20 tỷ USD. Một đóng góp khổng lồ trong giai đoạn 1955 – 1975.
Như vậy, điều cần khẳng định trước tiên, là Trung Quốc có tham gia vào chiến tranh Việt Nam cả về nhân lực lẫn tài lực. Và khoản đóng góp của họ là khổng lồ. Câu hỏi đặt ra ở đây là tầm ảnh hưởng chính sách và đường lối của Bắc Kinh đối với Hà Nội như thế nào?
Giáo sư Sử học người Trung Quốc Qiang Zhai là nhà khoa học đầu tiên mang góc nhìn của Trung Quốc về chiến tranh Việt Nam ra phương Tây. Quyển “Trung Quốc và chiến tranh Việt Nam” (China and the Vietnam War) do ông chấp bút vẫn là tư liệu quan trọng nhất để các nhà nghiên cứu ngoại quốc tìm hiểu về chính sách, đường lối và tham vọng của Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam.
Qiang Zhai thừa nhận rằng giới sử gia và người Việt Nam không muốn làm rõ vai trò và đóng góp của Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam. Trả lời phỏng vấn riêng của Wilson Center (hay tên đầy đủ là Woodrow Wilson International Center for Scholars, một trong mười tổ chức chiến lược hàng đầu thế giới), Zhai lý giải rằng vì niềm tự tôn dân tộc, người Việt muốn tin rằng họ tự chiến thắng chiến tranh Việt Nam mà không cần Trung Quốc trợ giúp. Ngược lại, Trung Quốc thời điểm đó cũng không muốn thế giới biết rằng mình can dự trực tiếp vào chiến tranh Việt Nam. Họ không muốn bị lôi vào cuộc chiến tranh Triều Tiên 2.0 này.
Ông này cũng nói thêm, khó có thể cáo buộc rằng Hồ Chí Minh và các ban bệ của ông ta là con rối của chính quyền Trung Quốc. Ông Hồ có tham vọng riêng và theo đuổi những lợi ích riêng, và chúng đôi khi trái ngược với những thứ Trung Nam Hải mong muốn. Nhưng hầu hết những tham vọng mà họ đạt được, mặt khác, lại đều cần có sự hỗ trợ hết mình, hay thậm chí là chỉ dẫn, từ phía Trung Quốc.
Quyển “Trung Quốc và chiến tranh Việt Nam” cùng với các nghiên cứu sau này của Trung Quốc lẫn quốc tế chứng minh giả thuyết đó.
Zhai bắt đầu quyển sách các thảo luận về mối quan hệ giữa chính quyền Bắc Việt và Bắc Kinh bằng cách nói về lịch sử văn hiến giữa hai quốc gia. Người Việt luôn có thói quen ngàn năm là dò xét và học hỏi từ Trung Quốc. Từ nông nghiệp đến quân đội, từ thực phẩm đến văn hóa, và cao nhất là chính trị. Vậy nên việc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhờ cậy vào chính quyền cộng sản Trung Quốc, vốn thành lập sau họ đến tận bốn năm, cũng là một chuyện dễ hiểu. Đến cuối cùng, chính sách và Luật Cải cách Ruộng đất năm 1953 tại Bắc Việt cũng là một sản phẩm được hội ý rất kỹ với các tham mưu và lãnh đạo người Trung Quốc. Thậm chí cũng có cáo buộc rằng toàn bộ chương trình cải cách ruộng đất là từ sức ép của Bắc Kinh mà ra.
Những vấn đề trên chúng ta sẽ phải thảo luận trong một dịp khác, kỹ càng hơn, nhưng có thể an toàn mà thống nhất rằng vai trò của Trung Quốc trong các quyết sách của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là không hề nhỏ.
Tác giả Chen Jian cũng sẽ đồng ý với nhận định trên. Trong nghiên cứu “China’s Involvement in the Vietnam War”, đăng tải trên tạp chí China Quarterly do Đại học Cambridge chịu trách nhiệm xuất bản, Jian tìm kiếm các văn bản trao đổi chính thức giữa hai đảng và tìm thấy nhiều tài liệu thú vị.
Ví dụ, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam gửi Bắc Kinh một văn kiện hỏi ý kiến Bắc Kinh về “cách mạng ở miền Nam Việt Nam” vào mùa hè năm 1958, tức sau khi họ thực hiện xong cải cách ruộng đất. Khi trả lời, những người đồng nhiệm Trung Quốc khuyên rằng “nhiệm vụ cốt lõi, quan trọng và gấp rút nhất” hiện nay là quảng bá xây dựng xã hội chủ nghĩa và tái xây dựng miền Bắc. Theo Trung Nam Hải, kỳ vọng thực hiện cách mạng tại miền Nam Việt ngay tại thời điểm đó là “bất khả thi”.
Năm 1960, Chu Ân Lai (Zhou Enlai) thăm và làm việc tại Hà Nội. Ở đây, ông nhấn mạnh với những người bạn Việt Nam của mình rằng cần kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Và rằng dù đấu tranh vũ trang là không thể tránh khỏi, Hà Nội cần chuẩn bị xây dựng lực lượng và tranh thủ các cơ hội chính trị để xây dựng nền tảng.
Trùng hợp thay, đây cũng là thời điểm Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam được thành lập, ngày 20/12/1960.
Bản thân những người bạn Trung Quốc vẫn khẳng định quyết định tiếp tục tranh đấu ở miền Nam Việt Nam là ý muốn tự thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn là “hậu phương” vững chắc nhất cho Bắc Việt yên tâm chuẩn bị cho giai đoạn tiền leo thang của chiến tranh Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Li Ke và Hao Shengzhang có tên gọi “The People’s Liberation Army during the Cultural Revolution” (bản gốc tiếng Trung), một trong những nguồn khả tín nhất về lịch sử chiến tranh của quân đội Trung Quốc trên toàn thế giới, các chuyến hàng viện trợ quân sự chở đến Việt Nam bao gồm 270.000 khẩu súng, 10.000 pháo, 200 triệu đạn các loại, 2 triệu đạn pháo, 1.000 xe tải, 15 máy bay, 28 tàu hải quân và 1,18 triệu bộ quân phục, chưa kể đến hàng triệu loại quân nhu khác. Và chúng chỉ tính đến năm 1963.
Đây là những con số khổng lồ trong thời kỳ khó khăn, khi mà bản thân Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những hậu quả của phong trào Đại nhảy vọt và Đả ma tước vận động. Điều này cho thấy Trung Quốc hết lòng trong việc can dự và gây ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của chiến tranh Việt Nam. Song những khoản viện trợ nói trên cũng chỉ là số lẻ.
Mùa hè năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Nguyễn Chí Thanh sang Trung Quốc để tổng hợp tình hình chung tại Việt Nam cho lãnh đạo ở Trung Quốc. Họ nhắc đến khả năng Hoa Kỳ sẽ can dự sâu hơn vào chiến tranh Việt Nam, không loại trừ khả năng Hoa Kỳ dùng không quân tấn công ra Bắc Việt. Ngay lập tức, Bắc Kinh đề nghị hỗ trợ 230 tiểu đoàn bộ binh đóng ở Bắc Việt để sẵn sàng yểm trợ.
Tháng Năm năm 1963, Lưu Thiếu Kỳ thăm và làm việc chính thức ở Hà Nội. Đây là một sự kiện lớn, bởi Lưu Thiếu Kỳ là nhân vật thứ hai chỉ đứng sau Mao Trạch Đông trong giai đoạn cầm quyền này ở Trung Quốc, thể hiện sự cam kết lớn của Bắc Kinh đối với chiến tranh Việt Nam.
Trong các buổi làm việc với Hồ Chí Minh và các lãnh đạo đảng, ông Lưu cũng nhấn mạnh rằng những hỗ trợ của Trung Quốc sẽ không dừng lại ở mức phòng vệ Bắc Việt. Ông nói miễn là chính quyền Bắc Việt có quyết tâm trong việc tiếp tục thực hiện cách mạng vô sản tại miền Nam, Hà Nội luôn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ chiến lược tuyệt đối của Bắc Kinh.
Ngày 8 tháng Tư năm 1965, Lưu Thiếu Kỳ gặp lại Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp trên đất Trung Quốc để bàn về các hỗ trợ nhân sự cần thiết. Theo đó, Lê Duẩn đề nghị Trung Quốc gửi “chí nguyện quân” là phi công, bộ binh và một lực lượng quan trọng khác là các đơn vị kỹ thuật công binh cho hoạt động xây dựng, sửa chữa hệ thống hạ tầng. Lê Duẩn nhấn mạnh rằng nếu yêu cầu hỗ trợ được đáp ứng, Hà Nội có thể chuyển trực tiếp quân đội chính quy của mình vào miền Nam Việt Nam, giao việc bảo vệ miền Bắc cho quân đội Trung Quốc. Từ đó đẩy nhanh “cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Những yêu cầu này đều được phía Bắc Kinh gật đầu.
Đây chỉ là những cuộc gặp mặt điển hình mà người viết nghĩ bạn đọc cần quan tâm. Khi chiến tranh diễn ra, mỗi năm hai bên có đến hàng trăm cuộc điện đàm và hàng chục chuyến thăm chính thức hay không chính thức, vừa để yêu cầu hỗ trợ, vừa để tham vấn ý kiến của Bắc Kinh.
Và Trung Quốc cũng tỏ ra là một bên tham chiến thực thụ.
Tháng Tám năm 1964, hàng nghìn máy bay và các đơn vị đất đối không được chuyển đến biên giới Việt – Trung. Cơ quan đầu não của Quân đoàn 7 Không quân Giải phóng Quân Trung Quốc được chuyển từ Quảng Đông (Guangdong) sang Nam Ninh (Nanning). Điều này giúp cho không quân Trung Quốc có thể tham chiến tại vùng trời Bắc Bộ và Vịnh Bắc Bộ bất kỳ lúc nào.
Cùng lúc đó, hơn 300.000 quân Trung Quốc đi vào biên giới Việt Nam, với 100.000 trong số đó thuộc nhóm công binh. Nhóm này có công xây dựng 12 con đường huyết mạch khắp Bắc Bộ, nối với Trung Quốc, từ đó bảo đảm quá trình vận chuyển và giao thông liên lạc suốt chiến tranh. Các tùy viên quân sự Trung Quốc cũng có mặt với số lượng lớn để chỉ đạo việc xây dựng hệ thống phòng thủ của Bắc Việt.
Ngay từ năm 1965, các sư đoàn pháo binh Trung Quốc cũng có mặt để trấn giữ “hộ” vùng trời Việt Nam. Đáng kể nhất là hai Sư đoàn Pháo binh 61 và 63 xuất hiện tại Việt Nam rất sớm. Theo báo cáo chính thức từ quân đội Trung Quốc, có tổng cộng 16 sư đoàn pháo binh Trung Quốc tham chiến tại Việt Nam, trải qua 2.154 trận đánh, bắn hạ 1.707 tàu bay Mỹ các loại.
Điểm còn tranh cãi duy nhất hiện nay là liệu các sư đoàn này có tham gia bảo vệ đường Hồ Chí Minh vận chuyển vũ khí và quân lực vào miền Nam Việt Nam hay không? Phía tình báo Hoa Kỳ ghi nhận là có, trong khi giới quân sự Trung Quốc cho đến giờ vẫn úp mở. Có lẽ vì Bắc Kinh không muốn bị cáo buộc trực tiếp hỗ trợ hoạt động xâm lược dưới góc độ pháp luật quốc tế.
Không chỉ vậy, chính quyền Bắc Kinh còn hỗ trợ thiết bị quân sự, quân nhu và nhu yếu phẩm của quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho hoạt động của họ ở mọi mặt trận, từ Lào, Cambodia đến miền Nam Việt Nam.
Như việc quân đội Bắc Việt đóng quân tại Lào nhằm bảo vệ tuyến đầu của đường Hồ Chí Minh, người Trung Quốc không dừng lại việc giúp vũ khí, quân trang. Các tiêu chuẩn về dinh dưỡng, vệ sinh, mức sống và giải trí dành cho quân nhân Bắc Việt ở Lào cũng được Bắc Kinh đáp ứng. Trong tổng hợp của Li Ke và Hao Shengzhang mà chúng ta nhắc đến ở phần trước, thống kê chính thức ghi nhận Trung Quốc ủng hộ hơn 5.500 bộ quân phục và giày, 550 tấn gạo, 55 tấn thịt heo (lợn), 20 tấn muối, 20 tấn cá, 20 tấn đường trắng, 6,5 tấn nước tương, 8.000 bộ bàn chải đánh răng, 10.000 cục xà phòng và 74.000 hộp thuốc lá… Gộp lại tất cả, Trung Quốc cung ứng đến hơn 687 đầu mục sản phẩm cho quân đội Bắc Việt chỉ ở Lào, phản ánh tầm quan trọng sống còn của các nguồn viện trợ Trung Quốc cho các hoạt động của quân đội Bắc Việt ở mọi mặt trận.
***
Từ năm 1972, hoạt động viện trợ của Trung Quốc tăng mạnh thêm lần nữa nhằm trang bị tận răng cho quân đội Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng, từ đó kết thúc chiến tranh Việt Nam. Không lâu sau đó, đầu năm 1973, quân đội Hoa Kỳ rút đợt lính cuối cùng của mình khỏi Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam và ngừng các khoản viện trợ quân sự.
Trong giai đoạn 1963 đến 1975, người Trung Quốc trang bị cho miền Bắc gần 2 triệu khẩu súng, gần 50.000 khẩu pháo các loại và thậm chí là gần 500 xe tăng – thứ vũ khí xa xỉ và đắt đỏ thời chiến. Và đó mới chỉ là đến những loại quân trang thiết yếu cho chiến tranh, chưa tính những khoản viện trợ khác.
Nhìn vào những số liệu trên, “cuộc chiến tranh của quân và dân ta” không mang cái nghĩa đen hoàn toàn của nó. Và cũng khó mà tưởng tượng chiến tranh Việt Nam sẽ đi về đâu nếu quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành từ đồng minh phương Bắc. Thấu hiểu chúng cũng giúp bạn đọc phần nào nắm bắt được xu hướng ngoại giao mà Việt Nam đang lựa chọn ngày nay.