COVID-19: EU xuống giọng trước áp lực của Trung Quốc

COVID-19: EU xuống giọng trước áp lực của Trung Quốc
Ảnh: gt.at.

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật hai lần mỗi ngày, vào lúc 8:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

Kể từ hôm nay, Luật Khoa sẽ cập nhật bản tin hai lần mỗi ngày và bỏ phiên cập nhật lúc 13:00.

ĐIỂM TIN 18:00

COVID-19: EU xuống giọng trước áp lực của Trung Quốc

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Trụ sở của Liên minh Châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ). Ảnh: Reuters.

Tờ New York Times hôm 24/4 cho biết, Trung Quốc đã gây áp lực buộc Liên minh Châu Âu (EU) chỉnh sửa một báo cáo về việc các chính phủ đã triển khai các chiến dịch tin giả về đại dịch COVID-19 như thế nào. Ở bản báo cáo chính thức được công bố hôm thứ Sáu, EU đã xuống giọng và không còn thẳng thừng chỉ trích chính phủ Trung Quốc như ở các bản thảo trước đó nữa.

Các bản thảo trước đó nêu rõ các nỗ lực của Trung Quốc nhằm che giấu thông tin về nguồn gốc của coronavirus, mà một trong các cách đó là tung tin rằng Hoa Kỳ đã lan truyền bệnh dịch này ra toàn thế giới. Nó cũng nói về việc Trung Quốc chỉ trích Pháp và tung tin giả về chính khách Pháp như thế nào. Nga cũng được nhắc đến trong báo cáo về tin giả này.

Nhưng người Trung Quốc đã nhanh chóng phát hiện ra và gây áp lực với các quan chức EU.

Báo cáo dự kiến được công bố ngày 21/4, nhưng phải hoãn lại sau khi Trung Quốc biết được một số nội dung của báo cáo qua một bản tin của Politico. Một quan chức cấp cao của Trung Quốc liên lạc với phái đoàn EU ở Bắc Kinh cùng ngày, nói rằng “nếu bản báo cáo đúng là như vậy và nó được công bố hôm nay thì việc hợp tác sẽ rất khó khăn đấy”, theo Reuters.

Một quan chức ngoại giao Trung Quốc nói rằng báo cáo này sẽ làm Bắc Kinh “rất giận dữ” và cáo buộc quan chức EU đang cố gắng chiều lòng “ai đó” – một điều được quan chức EU hiểu là nói tới Washington.

EU sau đó đã chỉnh sửa báo cáo và mềm giọng hơn trong các chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh.

Nhiều quan chức EU tỏ ra bất bình với việc này và ít nhất một chuyên gia phân tích đã viết thư cho cấp trên nói rằng họ đang “tự kiểm duyệt để chiều lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

New York Times Reuters thu thập các thông tin trên qua các nguồn tin nội bộ của EU.

Sau thuốc sốt rét, TT Trump gợi ý thử nghiệm chất tẩy rửa, nhiệt và tia cực tím để trị COVID-19. Và nhanh chóng rút lời.

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Tổng thống Donald Trump gợi ý nghiên cứu dùng thuốc tẩy rửa để chữa COVID-19. Ảnh: Daily Mirror.

Chuyện gây xôn xao nước Mỹ cả ngày nay. Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump gợi ý rằng chất tẩy rửa, nhiệt và tia cực tím có thể tiêu diệt coronavirus rất nhanh chóng và có thể là một liệu pháp điều trị COVID-19, theo NPR.

“Tôi thấy chất tẩy rửa – nó tiêu diệt virus trong một phút, một phút thôi. Và có cách nào chúng ta làm chuyện đó không, tiêm chất tẩy vào hoặc gần như là rửa ấy?”, ông Trump nói sau khi tự nhận không phải là bác sĩ và mọi người nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Giới y khoa lập tức phản ứng mạnh mẽ và phản đối những phát biểu này của ông Trump. Một hãng chất tẩy rửa cũng phải cảnh báo khách hàng rằng sản phẩm của họ không phải dùng để tiêm vào cơ thể. Nhiệt và tia cực tím cũng được bác sĩ Deborah Birx nói ngay tại cuộc họp báo của ông Trump là “không phải liệu pháp chữa trị”.

Ngày hôm sau, khi bị phóng viên chất vấn về những phát ngôn này, ông Trump tỏ ra rút lời: “Câu hỏi đó là hỏi mỉa cho các nhà báo như anh để coi chuyện gì sẽ xảy ra”.

Một cơn bão nhỏ quét qua nước Mỹ, như nhiều cơn bão TT Trump đã tạo ra.

FDA Mỹ cảnh báo tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc kí ninh mà TT Trump khuyến khích

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Hôm thứ Sáu vừa rồi (giờ Mỹ), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo về những tác dụng phụ nghiêm trọng của hai loại thuốc hydroxychloroquine và chloroquine mà Tổng thống Donald Trump liên tục quảng bá trong thời gian qua, AP đưa tin.

FDA nói rằng những loại thuốc này chỉ nên dùng trong bệnh viện hoặc thử nghiệm lâm sàng vì nó có thể gây tử vong hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng. Những tác dụng phụ này bao gồm cả rối loạn nhịp tim.

Thời gian qua, đã có nhiều bác sĩ kê thuốc kí ninh nêu trên cho các bệnh nhân COVID-19.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến tối nay có gì mới?

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 17:58 ngày 25/4, trên thế giới đã có 2.822.003 người bị nhiễm coronavirus và 197.578 ca tử vong.
  • Tổng số người bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế vẫn là 270 như chúng tôi điểm tin lúc sáng.

ĐIỂM TIN 8:00

WHO và lãnh đạo thế giới họp về vaccine, hứa hẹn cung cấp cho cả người nghèo

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 8/4/2019. Ảnh: AP.
Trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 8/4/2019. Ảnh: AP.

Các nhà lãnh đạo của hàng loạt quốc gia trên thế giới đã nhóm họp trực tuyến vào hôm thứ Sáu cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để khởi động một sáng kiến phát triển thuốc, các biện pháp xét nghiệm và vaccine ngừa COVID-19, đồng thời đảm bảo mọi người dân trên thế giới đều được tiếp cận với các sản phẩm này.

Lãnh đạo Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ vắng mặt trong cuộc họp này.

Đảm bảo vaccine, bất kể giàu nghèo?

  • Mục đích chính của buổi họp này, ngoài việc cam kết thúc đẩy điều chế và thử nghiệm vaccine hiệu quả, thì các bên phải đảm bảo rằng mọi người dân đều có quyền được sử dụng vaccine không kể giàu nghèo. Các nước trên thế giới đều đồng ý với cam kết này, ngay cả Mỹ, dù không tham dự buổi họp.
  • Tại cuộc họp trực tuyến, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của WHO nêu rõ: “Kinh nghiệm đã cho chúng ta thấy rằng, dù có tìm được các công cụ hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả, tình trạng bất công trong việc tiếp cận các công cụ hỗ trợ này vẫn diễn ra. Chúng ta tuyệt đối không thể để tình trạng này xảy ra”, ông Tedros kêu gọi.

Phản ứng từ các bên:

  • Theo Tiến sĩ Seth Berkley, giám đốc của liên minh GAVI – một tổ chức phát triển chủng ngừa cho những nước nghèo – đã cho biết tại cuộc họp rằng hiện tại đang có hơn 100 vaccine được nghiên cứu, sáu trong số đó đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
  • Tổng thống Pháp kêu gọi các nước trong khối G7 và G20 đồng lòng ủng hộ sáng kiến này. Bên cạnh đó, các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Nam Phi đã hứa hẹn sẽ nỗ lực hỗ trợ WHO.
  • Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin: “Thế giới cần nỗ lực cùng nhau để phát triển các công cụ đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả” và “Liên Hợp Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng các công cụ hỗ trợ (máy móc, vaccine…) được cung cấp cho tất cả những người cần đến chúng, bất kể vùng lãnh thổ, trong khoảng thời gian ngắn nhất”.
  • Chuyên viên tư vấn pháp lý và chính sách của tổ chức Bác sĩ Không biên giới, Yuan Qiong nói thêm: “Chúng tôi đã kêu gọi từ giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng dịch bệnh, không nên tồn tại bất cứ sự trục lợi hay độc quyền sáng chế nào từ đại dịch này”.
  • Phát ngôn viên của phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ đã cho biết trong email: “Mặc dù Hoa Kỳ đã không tham gia vào cuộc họp lần này, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm triệt để tìm cách ứng phó với các vấn đề sức khỏe toàn cầu, bao gồm trận chiến với COVID-19. Việc Mỹ hiện tạm ngừng tài trợ sẽ không gây ảnh hưởng đến việc chúng tôi phối hợp chặt chẽ với thế giới để chống lại đại dịch chung lần này”.

Một số tiểu bang của Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại bất chấp lời khuyến cáo từ chuyên gia y tế

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Mặc dù con số ca tử vong do coronavirus tại Mỹ ngày một tăng và đã lên đến 50.000 tính đến 24/4, một số tiểu bang như Georgia và Oklahoma, đã bắt đầu cho phép mở cửa một số công viên, bãi biển công cộng. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh cũng được từng bước đi vào hoạt động bình thường vào thứ Sáu vừa rồi. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ các lệnh cấm này không được các chuyên gia y tế ủng hộ và ngay cả Tổng thống Trump cũng phản đối khi Thống đốc bang Georgia ra lệnh nới lỏng phong tỏa xã hội. (Mặc dù vào tuần trước, ông Trump đã kêu gọi cư dân của một số tiểu bang “giải phóng” khỏi lệnh phong toả.)

Một số chủ cơ sở kinh doanh đã nghĩ đến phương án giới hạn tiếp cận khách hàng bằng việc chỉ lấy lịch hẹn trước, giao hàng tận nhà hoặc nhận hàng từ bãi đỗ xe.

Thống Đốc bang New York, Andrew Cuomo thì tỏ vẻ quan ngại và cho rằng việc mở cửa trở lại sớm của một số tiểu bang có thể tạo nên mối đe dọa cho các bang khác.

Thống đốc New York: Nguồn cơn lây lan COVID-19 cho New York là đến từ châu Âu, không phải Trung Quốc

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo. Ảnh: New York Post.

Thống đốc New York, Andrew Cuomo, đã chỉ ra những chuyến bay đến từ châu Âu mới là nguồn chính mang virus lây nhiễm cho tiểu bang của ông. Coumo đã dựa trên cuộc khảo sát của Đại học Northeastern và cho biết là hơn 10.000 người dân New York có thể đã bị lây nhiễm coronavirus trong giai đoạn ca đầu tiên được xác nhận tại chính tiểu bang này vào ngày 1/3/2020. Ông còn cho rằng nguồn lây nhiễm có khả năng cao đến từ Italy.

Thống đốc chỉ ra, Tổng thống Trump đã cấm các chuyến bay từ Trung Quốc vào ngày 2/2/2020, sau hơn một tháng kể từ lúc tin tức về sự bùng nổ của một dịch bệnh bắt nguồn từ Wuhan. Và phải đến một tháng sau nữa thì ông Trump mới bắt đầu hạn chế các chuyến bay đến từ châu Âu. Ông Coumo còn nhận định là có hơn 2,2 triệu người đã di chuyển bằng máy bay từ châu Âu đến New York trong khoảng thời gian đó, và có rất nhiều khả năng những người này đã mang theo COVID-19.

Theo đó, ông cho rằng Tổng thống Trump đã chậm trễ trong việc đưa ra lệnh cấm dịch nhập cảnh, gây nên sự lây lan mạnh mẽ của COVID-19.

Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

  • Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 7:00 ngày 25/4, trên thế giới đã có 2.790.986 người bị nhiễm coronavirus và 195.920 ca tử vong.
  • Tổng số người bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế đã tăng thêm hai ca sau tám ngày không có thêm bệnh nhân mới. Hai ca mới nhiễm dương tính coronavirus là hai du học sinh về lại Việt Nam từ Nhật Bản vào ngày 22/4/2020.
  • Xét nghiệm toàn dân ở Moscow đã đưa ra kết quả cứ 10 người ở Moscow thì có một người bị nhiễm coronavirus. Mặc dù sắc lệnh phong tỏa toàn dân được thực hiện nghiêm ngặt ở Nga, số ca nhiễm bệnh vẫn tăng mạnh, vượt qua con số 68.000 tính đến thứ Sáu tuần này.
  • Lệnh phong tỏa ở London gián tiếp gia tăng bạo lực gia đình. Giới chức trách ở Anh cho biết trong sáu tuần vừa rồi, báo cáo về các vụ bạo hành gia đình tăng đến một phần ba, mỗi ngày có khoảng 100 vụ bắt giữ vì bạo hành.
  • Bộ trưởng Bộ Y tế Ba Lan đề nghị dời tổng tuyển cử thêm hai năm vì bệnh COVID-19. Tổng tuyển cử của Ba Lan sẽ diễn ra vào ngày 10/5/2020 nhưng vì lý do an toàn sức khỏe trong mùa dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Lukasz Szumowski đưa ra đề nghị hoãn lại hai năm. Theo nhiều chuyên gia nhận định, tổng thống hiện thời Andrzej Duda và đảng PiS sẽ dành chiến thắng nếu buổi bầu cử diễn ra trong tháng 5/2020.

Ả Rập Saudi xóa bỏ hình phạt dùng roi theo luật Hồi giáo

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Theo Reuters, trong một văn bản được cho là do tòa án cao nhất tại Ả Rập Saudi đưa ra, hình phạt bằng roi sẽ được xóa bỏ. Phương pháp dùng roi (flogging) là một hình thức xử phạt theo luật Hồi giáo. Từ nay, án tù và phạt tiền sẽ thay thế hình thức xử phạt này.

Các nhà hoạt động nhân quyền đồng loạt tán dương quyết định này của tòa án. Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của nước này, Awwad Alawwad, nói với Reuters rằng “việc cải tổ này là một bước rất lớn cho những hoạt động về nhân quyền tại Ả Rập Saudi và cũng chỉ là một trong những cải tổ khác đang được thay đổi tại vương quốc này”.

Tổng thống Brazil có nguy cơ bị điều tra

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong cuộc mít-ting ngày 19/4/2020. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong cuộc mít-ting ngày 19/4/2020. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Brazil, Sergio Moro, đã từ chức vào thứ Sáu tuần này, sau khi cáo buộc Tổng thống Jair Bolsonaro phạm tội hình sự khi lũng đoạn lực lượng cảnh sát liên bang.

Theo đó, Tổng thống Bolsonaro vì lý do cá nhân và chính trị đã sa thải người đứng đầu lực lượng cảnh sát liên bang, ông Mauricio Valeixo. Việc Bộ trưởng Moro từ chức là một biến động về chính trị lớn tại Brazil, ngay tại lúc mà bệnh dịch COVID-19 đang hoành hành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Moro là một người được rất nhiều người dân yêu mến từ khi ông còn là một quan tòa, vì ông đã thẳng thừng xử án những quan chức và chủ các công ty phạm tội tham nhũng và hối lộ.

Tổng thống Bolsonaro đã phủ nhận toàn bộ cáo buộc của ông Moro và cho biết bản thân không lợi dụng chức vụ để đuổi việc cảnh sát trưởng Valeixo. Tuy nhiên, Ủy viên Công tố Augusto Aras đã đề nghị Tối cao Pháp viện Brazil cho phép một lệnh điều tra tổng thống về những cáo buộc mà cựu Bộ trưởng Moro tuyên bố.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.