‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười Hai năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành trên ấn bản PDF đề ngày 1/12/2022.
Bạn có thể đã nghe nói về việc công an Việt Nam tra tấn nghi phạm trong các trại giam. Nhưng thực tế thì những việc đó xảy ra như thế nào?
Trong hơn ba năm qua, Luật Khoa tạp chí đã phỏng vấn một số người từng bị tra tấn và người nhà của họ, và đây là tám màn tra tấn mà chúng tôi trực tiếp hoặc gián tiếp được nghe.
Xin lưu ý, mọi thông tin và tranh minh họa về các màn tra tấn này đều dựa trên lời kể của nạn nhân hoặc người thân của nạn nhân mà Luật Khoa có cơ hội được nghe. Luật Khoa không có điều kiện xác minh những cáo buộc tra tấn này và khuyến cáo bạn đọc tiếp nhận thông tin một cách thận trọng.
Hãy bắt đầu với vụ án giết người của ông Vi Văn Phượng ở Bắc Giang.
Ông Phượng, một nông dân 44 tuổi, bị bắt vào khoảng 10 giờ sáng ngày 18 tháng 10 năm 2012. Vào lúc đó, công an tình nghi ông liên can đến vụ án mạng xảy ra tại chính ngôi nhà của mình, nơi mẹ ruột ông bị giết 13 ngày trước đó. [1]
Trong các phiên tòa xét xử tội giết người, ông Vi Văn Phượng nói mình đã nếm trải những màn nhục hình đầy đau đớn của công an tỉnh Bắc Giang ngay sau khi bị bắt.
Trong phòng hỏi cung ở trại tạm giam, chỉ có ông và điều tra viên. Ông Phượng không có bằng chứng nào cho việc bị tra tấn, ngoài những gì ông nhờ bạn tù về kể lại với người nhà.
Theo người nhà của ông Vi Văn Phượng, trong những ngày đầu bị bắt, ông trở về từ phòng hỏi cung với khóe miệng bị rách, bỏng hết một vùng mặt cùng với chi chít vết thương trên người.
Trước khi được xét xử sơ thẩm, ông đã nhờ bạn giam cùng buồng kể lại về chuyện ông bị tra tấn cho gia đình: trong phòng hỏi cung, công an buộc cổ tay ông Phượng rồi kéo thẳng lên trần nhà sao cho chỉ còn hai ngón chân cái chạm đất. Chưa dừng lại, họ nhét một nửa chiếc còng số 8 vào miệng ông. Bị còng choán hết vòm họng, ông Phượng không thể hét lên khi bị đấm, đá vào người. Cũng trong tư thế này, công an hất nước trà nóng thẳng vào mặt và dùng bật lửa để đốt râu trên vành môi ông.
Màn tra tấn hiệu quả nhất với ông Phượng là khi công an dọa bắt con trai của ông để tra tấn, khiến ông phải ký biên bản nhận tội – ông Phượng nói với vợ trong lần thăm gặp đầu tiên giữa hai người.
Năm 2008, Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình trong một vụ án mưu sát một thiếu tá công an phường giữa đêm tối ở Hải Phòng vào năm 2007. [2]
Theo ông Nguyễn Trường Chinh – bố của Chưởng – trong hàng tháng trời công an không cho anh gặp gia đình và luật sư. Một thời gian sau, Chưởng kể với bố anh về một trong những màn tra tấn mà anh đã trải qua: Họ buộc tay anh vòng ra phía sau một chiếc ghế rồi dùng cờ lê đập vào đầu gối, mắt cá chân của anh.
Chưởng kể với bố rằng công an đã dùng bút bi kẹp vào giữa các ngón tay, nơi thường chỉ có da và xương, rồi ép thật mạnh. Bố của Chưởng còn kể cho Luật Khoa những màn nhục hình khác mà anh đã trải qua như lột quần áo rồi treo ngược lên trần nhà hay vỗ mạnh hai bàn tay cùng lúc vào hai bên tai của Chưởng.
Chưởng đã bị giam riêng trong một căn phòng, nơi anh bị cùm chân suốt ngày. Mặc dù không có cơ hội gây xích mích với ai nhưng anh vẫn bị bạn tù đánh hội đồng.
Bố của Chưởng kể rằng: nhiều lần vừa thăm gặp gia đình xong thì trên đường trở về buồng giam, Chưởng bị nhiều phạm nhân khác xông vào đánh. Có lần họ đã đâm bàn chải đánh răng vào cổ của Chưởng.
Năm 2008, Nay Them, một người dân tộc Jrai 24 tuổi ở Gia Lai, bị bắt và tra tấn trong một tháng vì anh rể của anh đã tổ chức một cuộc biểu tình vì tự do tôn giáo và quyền sở hữu đất đai ở xã. Họ muốn anh khai ra chỗ trốn của anh rể và xác nhận đã tham gia biểu tình.
Nay Them kể lại, công an đã buộc chặt cổ tay anh vòng ra phía sau ghế, còn mắt cá chân thì buộc bằng dây điện vào chân ghế. Họ lấy một chiếc ghế thứ nhì, đặt hai chân của chiếc ghế này lên hai chân anh rồi đứng lên đó mà nhún mạnh xuống.
Sau khi bình phục từ trận đòn đầu tiên, đầu vẫn rỉ màu, mắt vẫn còn sưng, Nay Them bị đưa đi thẩm vấn tiếp tục. Anh kể rằng trong lần này, cán bộ dùng máy để giật điện anh khi anh không khai ra được thông tin nào mới.
Anh nói, khi công an bấm máy, dòng điện chạy thẳng vào tim làm cơ thể co giật mạnh nhưng không để lại dấu vết gì trên người.
Năm 2015, Lê Minh Nhựt, một học sinh lớp 9, bị giam giữ trong phòng giam không có cửa sổ suốt hơn sáu tháng vì bị tình nghi tham gia cướp một chiếc điện thoại.
Nhựt kể phòng giam đó rộng khoảng 15 mét vuông, giam giữ cậu cùng ba người khác. Đây là phòng giam dành cho những người vi phạm quy định của trại tạm giam, trong khi Nhựt mới chỉ vừa bị bắt.
“Em bị giam chung với ba người khác. Phòng rất tối, ẩm, nóng, chỉ vừa đủ bốn người nằm sát nhau, cứ trở mình là đụng trúng người kia”, Nhựt cho biết. Nhựt nói mình rất sợ, đêm nào cũng khóc vì không hiểu vì sao tự dưng mình lại bị bắt vào đây, không biết gia đình mình như thế nào. [3]
Hơn sáu tháng bị giam trong căn phòng này, cậu và những người khác đều chỉ mặc một chiếc quần lót, cố gắng giữ người khô thoáng nhằm tránh bị ghẻ lở.
Sau hơn một năm bị tạm giam, Nhựt được trả tự do và được bồi thường vì oan sai.