Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Giữa đại dịch viêm phổi Vũ Hán, bản thân đời sống người dân vẫn còn vô định. Tương lai kinh tế – chính trị – xã hội Việt Nam và toàn thế giới chưa biết bao giờ mới trở lại sự “bình thường” mà nó từng có. Nhiều nhà quan sát, như Giáo sư Steven Taylor từ trường Đại học British Columbia, e ngại thế giới sẽ không bao giờ quay lại nhịp sống mà nó đã từng có.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc hệ thống lập pháp cần chuẩn bị ngay cho một khung pháp lý tốt hơn trong việc đối phó, duy trì hoạt động của nền kinh tế, cũng như bảo vệ đời sống của người dân khi tình trạng tương tự diễn ra.
Dưới đây là ba đề xuất lập pháp cần được nghiên cứu ngay trong cơn đại dịch.
Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp là một văn bản pháp quy có tồn tại, ban hành vào ngày 23 tháng 3 năm 2000. Song cho đến nay, nội dung gốc của văn bản này vẫn “bặt vô âm tín”. Thậm chí ngay cả khi tham khảo đến trang Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, thường dân vẫn không thể tìm thấy toàn văn của văn bản quan trọng này.
Đúng là chúng ta vẫn có Nghị định 71/2002 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh lớn.
Song nghị định là do chính phủ ban hành. Nó chỉ là cơ quan chấp hành, và không sở hữu thẩm quyền của cơ quan quyền lực nhân dân trong hệ thống chính trị Việt Nam. Vì vậy, nghị định không thể tự mình xác định giới hạn thẩm quyền của chính phủ hay áp đặt nghĩa vụ dân sự, hành chính, hình sự mới cho người dân.
Ví dụ trong Điều 15 của Nghị định 71 ghi nhận rằng chính phủ có quyền áp đặt mức giá đối với các mặt hàng gồm lương thực, thực phẩm, thuốc và các mặt hàng thiết yếu khác. Cũng trong điều này, chính phủ sẽ có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm đến hoạt động quản lý giá trong thời kỳ dịch bệnh.
Nhưng vì không có nội dung luật để đối chứng, chúng ta sẽ không thể đánh giá liệu đây có phải là một thẩm quyền được quy định trực tiếp trong Pháp lệnh hay là một thẩm quyền “phái sinh” do Chính phủ tự suy diễn.
Hay nếu muốn “xử lý nghiêm” hành vi vi phạm công tác quản lý giá thì cơ sở là đâu, dựa trên nguyên tắc xử lý nào, hình sự hay hành chính? Đây cũng không phải là nội dung mà một nghị định có thể điều chỉnh.
Tương tự với Điều 19, dù cho rằng hạn chế người, phương tiện vào những khu vực nguy hiểm là cần thiết; thì thẩm quyền thiết lập “khu vực nguy hiểm” là của ai? Trong trường hợp thiết lập thì dùng các biện pháp nào?
Việc thiếu vắng thông tin rõ ràng, minh bạch về nội dung của một văn bản quy phạm mang nguyên tắc chỉ đạo chung là một đạo luật khiến cho các biện pháp thi hành của địa phương mang bản chất tùy tiện và duy ý chí.
“Cách ly xã hội” hay “giãn cách xã hội” đang được bị hiểu là rào đường, cấm xe, phong tỏa địa phương.
Việc không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt một cách hời hợt.
Trong khi đó chính quyền địa phương cũng lập ra các chốt kiểm tra, giới hạn quyền tự do đi lại của người dân một cách tự phát. Thảo luận pháp lý liên quan đến “phong tỏa” một đơn vị hành chính hay “kiểm soát” di chuyển giữa các địa phương và giới hạn, phương thức thực hiện nó hầu như không tồn tại trong các đối thoại hiện nay.
Dù biết rằng những tác vụ nói trên là vô cùng cần thiết trong thời điểm nhạy cảm như thế này, việc thực thi chúng trong đời sống xã hội vẫn cần công khai, thống nhất, có căn cứ pháp lý, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thiếu vắng một văn bản luật chỉ đạo cũng đồng nghĩa với tình hình chống dịch lộn xộn và thiếu tổ chức như thời gian vừa qua.
Cùng với xu thế pháp điển hóa và luật hóa, hạn chế ban hành pháp lệnh hiện nay, dự án Luật tình trạng khẩn cấp chắc chắn phải được xem xét trong tương lai gần.
Hiện nay, sẽ có nhiều người cho rằng Việt Nam đang là một trong những quốc gia phòng chống dịch tốt nhất. Đây là một sự thật không thể phủ nhận. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không thể làm tốt hơn. Và trước viễn cảnh mà khoa học thừa nhận rằng loài người sẽ phải đối mặt với những loại dịch bệnh người lây qua người một cách thường xuyên hơn và nguy hiểm hơn, quyết định đầu tư vào một tổ chức trung ương có năng lực y tế lẫn chính sách là rất cần thiết.
Tương quan với một số quốc gia đồng văn châu Á khác như Đài Loan hay Hàn Quốc, tình hình kinh tế – xã hội của họ phải nói là khá hơn rất nhiều nếu so với Việt Nam. Nhịp sống, sinh hoạt, học tập và làm việc vẫn diễn ra bình thường ở Đài Loan. Điều này giúp cho các tầng lớp yếu thế của xã hội không bị suy kiệt và đối mặt với thảm cảnh chết đói giữa thế kỷ 21.
Việt Nam có hai cơ quan gần giống với một tổ chức trung ương kiểm soát và phòng chống dịch.
Một là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (cùng với các Viện đầu ngành như Viện Pasteur có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh). Hai là Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus gây ra.
Tuy nhiên, cả hai đều cho thấy họ không thể trở thành một cơ quan rà soát, phòng chống dịch chuyên nghiệp.
Đối với trường hợp của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và các viện đầu ngành khác, đây là những cơ quan y tế thuần túy. Họ chủ yếu tham gia vào hoạt động khám chữa bệnh, điều chế và nghiên cứu vaccine. Yêu cầu họ đảm đương luôn một số năng lực chuyên môn khác như theo dõi và thu thập thông tin dịch bệnh từ nước ngoài, điều phối các hoạt động phòng dịch, đưa ra đề xuất chính sách công… là rất khó.
Ngược lại, Ban chỉ đạo Quốc gia và phòng, chống dịch bệnh là Ban chỉ đạo dành riêng cho bệnh viêm đường hô hấp cấp chủng corona. Ban này chỉ mới thành lập vào ngày 31 tháng 1 năm 2020, theo Quyết định số 170/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Thành phần của Ban chỉ đạo vì vậy, là tổng hợp của các lãnh đạo nhiều bộ ban ngành: từ Văn phòng Thủ tướng đến Bộ Ngoại giao, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, v.v.
Chúng ta đương nhiên cần cơ quan quản lý nhà nước đầu não như vậy nhằm thống nhất chính sách nhà nước khi đối phó các loại dịch bệnh khác nhau, song họ lại không phải là một cơ quan thường trực, có chuyên môn và nắm trọng trách nghiên cứu, rà soát dịch bệnh.
Điều này khiến cho dù các chính sách của Việt Nam cho đến hiện nay đều được xem là phù hợp, hầu hết đều mang tính chất phản ứng thụ động.
Để chủ động hơn trong các dịch bệnh tương lai, thành lập cơ quan thường trực là một nước đi bắt buộc, đặc biệt khi cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế hiện nay vẫn chưa có cơ quan nào có chức năng tương ứng.
Một trong những ví dụ điển hình mà Luật Khoa tạp chí từng nhắc tới chính là hai cơ quan trực thuộc Bộ Y tế của Đài Loan: Trung tâm Phòng chống dịch (Centers for Disease Control – CDC) và Trung tâm Điều phối Dịch tễ Trung ương (Central Epidemic Command Centre – CECC).
Thẩm quyền hoạt động của CDC và CECC khá rộng.
Trong đại dịch COVID-19, CECC là cơ quan nước ngoài đầu tiên phát hiện khả năng của một dịch bệnh lây từ người sang người ở Vũ Hán và tức tốc gửi ngay phái đoàn y tế đến rà soát, thu thập dữ liệu và đánh giá tình hình. Họ cũng có năng lực đề xuất chính sách, với hơn 124 chính sách khác nhau được đệ trình lên chính phủ nhằm kiểm soát dịch bệnh cho đến nay. Từ kiểm soát nhập cảnh, cho đến phương pháp theo dõi người có nguy cơ nhiễm bệnh, nên đóng hay mở trường học, biện pháp ngăn chặn nào cần được áp dụng… đều xuất phát từ CECC.
Một đạo luật mới (hoặc sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm sẵn có) nhằm xác lập cơ quan chủ trì và chủ động trong các hoạt động nghiên cứu và phòng chống dịch, thẩm quyền của cơ quan này, mối liên hệ giữa nó với các cơ quan nhà nước khác cùng nguồn lực, nhiệm vụ… chắc chắn mang ý nghĩa sống còn để chuẩn bị cho các loại bệnh dịch trong tương lai.
Việc nhà nước hình thành một quỹ bắt buộc (nằm ngoài ngân sách) để người dân, người lao động và doanh nghiệp đóng góp trong thời kỳ bình ổn, và sử dụng chúng khi “trái gió trở trời” không phải là một ý tưởng lạ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã có Nghị định 94/2014 (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 83/2019) về Quỹ phòng chống thiên tai, trên cơ sở của Luật Phòng chống thiên tai. Theo đó, quỹ này được thành lập ở cấp tỉnh và do các tỉnh quản lý. Đối tượng đóng góp vào quỹ là các tổ chức kinh tế trong nước và ngoài nước trên địa bàn, cũng như cán bộ công chức viên chức, người lao động và các nhóm lao động khác. Hình thức đóng góp tự nguyện cũng được kêu gọi.
Bản thân bạn đọc có lẽ cũng đang đóng góp vào sự tồn tại của Quỹ này. Ví dụ, mức đóng của bạn mỗi năm là tầm 170.000 VNĐ nếu bạn đang được tuyển dụng tại một công ty đóng ở thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội.
Tuy nhiên, trong năm 2019, Quỹ phòng chống thiên tai vấp phải những chỉ trích nặng nề. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp đang phải chi đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho Quỹ nhưng không biết quỹ được quản lý ra sao, và chi cho những hoạt động cứu trợ nào của địa phương. VCCI cũng đưa ra đề nghị đánh giá lại hiệu quả của việc sử dụng quỹ và hủy bỏ chính sách này nếu cần thiết.
Trong hai tháng trở lại đây, việc chuẩn bị kém về tài chính đã buộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào kêu gọi người dân đóng góp vào một quỹ toàn dân ủng hộ phòng chống dịch COVID – 19. Số tiền thu được đã lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Vấn đề ở chỗ đây không phải là một nguồn thu chủ động của quá trình quản lý nhà nước. Mặt trận Tổ quốc chỉ có tư cách là một tổ chức liên minh chính trị – xã hội tự nguyện của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp Việt Nam (dù nhà nước cấp hoàn toàn nguồn lực hoạt động). Người dân do đó cũng khó lòng kiểm soát và hiểu rõ về khoản chi tiêu của các quỹ do Mặt trận tiếp nhận. Bản thân trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới, ban hành vào năm 2015, cũng không có bất kỳ điều khoản nào ghi nhận về thẩm quyền lập quỹ, kêu gọi đóng góp và các minh bạch tài chính đi kèm.
Như vậy, một nguồn quỹ “để dành” do nhà nước trực tiếp quản lý và sử dụng hiệu quả minh bạch, cho mục tiêu riêng phòng chống dịch là một nhu cầu có thực.
Tuy nhiên, nguồn quỹ này được xây dựng từ đâu? Ngoài ngân sách hay trích từ ngân sách? Cơ quan nào quản lý? Trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như các yêu cầu công khai và quyền tiếp cận thông tin của công dân đóng góp… đều là những vấn đề cần phải được giải quyết cụ thể bằng một văn bản luật.