Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Giám đốc thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Giám đốc thẩm không xem xét lại sự thật khách quan của vụ án. Nó chỉ xem xét xem cơ quan tiến hành tố tụng có sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hay không.
Kết luận của phiên tòa giám đốc thẩm vì vậy có thể tồn tại dưới nhiều dạng: (1) giữ nguyên bản án có hiệu lực và bác kháng nghị; (2) hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực để điều tra lại; (3) hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực để xét xử lại ở cấp sơ thẩm; (4) hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực và đình chỉ vụ án; (5) trực tiếp sửa bản án đã có hiệu lực pháp luật; và (6) đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Vụ án Hồ Duy Hải đang đi đến thủ tục tư pháp này.
***
Hồ Duy Hải bị bắt vào tháng Ba năm 2008.
Tháng 12 năm 2008, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Long An tuyên anh án tử hình.
Tháng Tư năm 2009, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh bác đơn kháng cáo của Hải, giữ nguyên hình phạt tử hình.
Hai lần nhận án tử hình, bị cáo Hồ Duy Hải đã đi trên dây giữa sự sống và cái chết được hơn 11 năm.
Một phần đời người. Và cả đời tuổi trẻ của một thanh niên.
Chúng ta đang đi đến những quãng cuối cùng của sự chờ đợi thống khổ ấy, với phiên tòa giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán – Tòa án Nhân dân Tối cao, cấp xét xử cao nhất mà Hải có thể đi tới.
Ta sẽ phải đối mặt với phán quyết này như thế nào? Ta sẽ phải lựa chọn thái độ ra sao?
***
Người ta thường hay nói về tính chính danh trong xã hội hiện đại, nhưng ít ai định nghĩa chính danh là gì.
Chính danh chính trị (political legitimacy) thường được giải quyết bằng câu hỏi quyền lực nhà nước có đại diện cho số đông và bảo vệ số đông người dân hay không. Song tính chính danh tư pháp (judicial legitimacy) không có cái diễm phúc được hiểu thông qua cách thức giản đơn như vậy.
Ở bất kỳ quốc gia nào, bản chất của một tòa án là phi dân chủ. Họ không được nhân dân bầu ra, không có trách nhiệm tuân thủ nguyện vọng của nhân dân, và không có trách nhiệm giải trình về bản án của mình trước nhân dân. Tính chính danh của một tòa án, vì vậy, thường được cho là đến từ quá trình xét xử: Tòa có độc lập hay không? Tòa có thượng tôn pháp luật hay không?
Hiển nhiên, đây không phải là cách duy nhất người ta nhìn nhận về tính chính danh của tòa. Trong quyển “Courts: A Comparative And Political Analysis”, Giáo sư Martin Shapiro (Đại học Harvard) phản đối việc chỉ dựa vào tiến trình tố tụng để lý giải cho sự cần thiết của chế định tư pháp tòa án.
“Tòa cần phải được đánh giá dựa trên bản án cuối cùng của nó” – ông nói. Theo cách tiếp cận này, phép thử dân chủ cho sự chính danh của một tòa án nằm ở chỗ kết quả cuối cùng của nó có hướng tới công lý, có nhằm bảo vệ và cải thiện đời sống con người hay không. Nếu bản án không có đóng góp gì cho mục tiêu xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, việc bảo vệ thứ độc lập trừu tượng của hệ thống tư pháp cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Nhưng thế nào là xã hội tốt đẹp hơn? Thế nào là công lý? Thật khó để tìm ra một điểm dung hòa cả hai luồng ý kiến. Ngay cả những thẩm phán tài ba của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cũng luôn phải tự nhắc nhở mình về tính chính danh của cơ quan tư pháp quyền lực nhất liên bang, vốn luôn được rất nhiều luật gia trên thế giới thần tượng.
Trong ghi chép phần tranh luận (oral argument) tại Tối cao Pháp viện của án lệ nổi tiếng Gill v. Whitford hồi năm 2016 liên quan đến việc Đảng Dân chủ tại Wisconsin cáo buộc chính quyền tiểu bang do Đảng Cộng hòa cầm quyền cố tình đưa ra các đạo luật để “thao túng vùng bầu cử” (partisan gerrymander), Chánh thẩm John Robert đã phải cân nhắc:
“Giả sử tin về việc Đảng Dân chủ thắng vụ kiện này đến tai một người dân trên đường phố Wisconsin, họ sẽ nói gì? Nếu họ đủ bình tĩnh, có thể họ sẽ hỏi vì sao Đảng Dân chủ thắng. Và câu trả lời của chúng ta, đối với họ, đơn giản chỉ là những mớ thuật ngữ pháp lý xã hội vô nghĩa lý (sociological gobbledygook).
Trong khi đó, đường phố rõ ràng cũng không có chỗ cho sự lịch thiệp nói trên. Họ sẽ gọi chúng ta là đám vớ vẩn. Rằng Tối cao Pháp viện đang ủng hộ Đảng Dân chủ và thù ghét Đảng Cộng hòa. Khi điều này xảy ra, vai trò và sự chính trực của Tối cao Pháp viện đang bị đe dọa nghiêm trọng trước con mắt quốc dân”.
Lo lắng của Chánh thẩm John Robert được Giáo sư Luis Fuentes-Rohwe, trường Đại học Indiana Bloomington, nhìn nhận dưới góc độ “sự trung thành chính thể” (institutional loyalty).
Ông nhận định, người Mỹ đã từng rất thần tượng hệ thống tòa án Hoa Kỳ. Sự tin tưởng đó không phải bởi kết quả bản án, hay thậm chí là quá trình xét xử. Nó được xây dựng bởi lòng tin của toàn bộ quốc gia đối với vai trò đọc, hiểu và giải thích pháp luật được chính Hiến pháp trao cho Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Công chúng có thể không hài lòng với kết quả của một vụ án cụ thể. Nhưng họ không thách thức trí tuệ và sự công minh của các thẩm phán. Đối với họ, các thẩm phán khác biệt hoàn toàn với chính trị gia “tráo trở và gian dối”. Đây chính là mấu chốt khiến cho vị thế của tòa án đặc biệt, khiến cho công chúng còn phải “ngước nhìn” các thẩm phán.
Khi “sự trung thành với chính thể” của một quốc gia không còn; đó là lúc các thẩm phán bị xem là những tay chơi chính trị, đơn thuần “choàng áo thụng” để xử án.
Sự lo lắng của thẩm phán Robert quả thật không thừa. Từ năm 2016, môi trường chính trị Hoa Kỳ đã hoàn toàn thay đổi với sự thắng thế của Donald Trump. Với việc ông này cổ vũ phong trào thách thức thể chế chính trị Hoa Kỳ, rồi kế đó là khủng hoảng phân cực tồi tệ nhất Hoa Kỳ sau Nội chiến, niềm tin vào chính thể mà Hiến Pháp Hoa Kỳ đã xây dựng, trong số đó có Tối cao Pháp viện, đang sụt giảm nghiêm trọng.
Người ủng hộ Trump gọi Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg là “con chó cái của Đảng Dân chủ” sau khi bà phê bình cách nói chuyện của Trump.
Người ghét Trump gọi Thẩm phán Brett Kavanaugh (do Trump bổ nhiệm) là một “thằng hiếp dâm” không hơn không kém sau những cáo buộc dành cho ông này.
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đang phải đối mặt với khủng hoảng niềm tin chưa từng có tiền lệ.
***
Vậy người Việt Nam tin vào điều gì?
Chúng ta có sở hữu “sự trung thành chính thể” đối với Tòa án Việt Nam hay không?
Có thể tự tin mà nhận định rằng người Việt Nam chưa bao giờ có một niềm tin “son sắt” dành cho hệ thống tư pháp Việt Nam như người Mỹ dành cho hệ thống của họ.
Chúng ta chưa từng nhìn thẩm phán như những con người vượt lên trên chính trị.
Làm sao những người dân bình thường có thể làm điều đó, khi mà ngay cả Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án còn khẳng định các cơ quan tư pháp là cánh tay thể chế, phải trung thành với các loại tuyên ngôn chính trị từ cao xuống thấp?
Hay người Việt Nam có niềm tin về quá trình và sự công tâm của tòa án Việt Nam hay không?
Vẫn là con số không.
Trong nghiên cứu có tên “Corruption in Asia: Rethinking the Governance Paradigm” của Giáo sư Luật Timothy Lindsey và Giáo sư Kinh tế – Sử Howard W. Dick thuộc Đại học Melbourne, hai khoa học gia cho thấy người Việt không có mấy niềm tin vào hệ thống tư pháp quốc gia. Theo họ, điều này không chỉ do tác động của thực trạng pháp luật quốc gia, mà còn do đặc điểm lịch sử – văn hóa.
Từ việc đặt đạo đức lên trên pháp luật của ngàn năm Khổng giáo, sự yếu kém đã thành bản chất của các cơ chế tư pháp phong kiến, cho đến sự lộn xộn của nền chính trị thời chiến, người dân kỳ vọng và tin tưởng hơn vào các công cụ cưỡng chế bạo lực của cơ quan hành pháp, khi so sánh với “những tờ giấy vụn” do cơ quan tư pháp ban hành. Nghiên cứu này được thực hiện vào tận đầu những năm 2000. Song giá trị phân tích của nó 20 năm sau tại Việt Nam vẫn còn đó.
Thực tế trên đẩy người Việt Nam vào thế chỉ còn có thể chọn một niềm tin rất thực dụng khi nói đến các cơ quan tư pháp – kết quả.
Miễn là kết quả đúng với mong muốn hay nguyện vọng của mình, cơ quan tư pháp sẽ trở nên “công minh”, “sáng suốt”. Nhưng nếu kết quả đi ngược lại điều này, tòa án đơn giản chỉ là “con rối”, nơi tập hợp “những kẻ nhận hối lộ”. Cách tiếp cận này chỉ càng khiến vai trò và niềm tin vào hệ thống tư pháp của Việt Nam sụt giảm.
***
Với vụ án của Hồ Duy Hải, nhờ vào sự kiên cường của thân mẫu anh, nhờ vào sự nhiệt thành của các luật sư tham gia, nhờ sự lên tiếng của báo chí, và quan trọng nhất là nhờ vào công luận Việt Nam, chúng ta có lẽ đang được chứng kiến một quy trình tư pháp phần nào công khai và sòng phẳng.
Một ngày trước ngày thi hành án tử cho anh (4/12/2014), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi công văn cho Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị hoãn thi hành án tử hình để xem xét kỹ trước khi thi hành án, từ đó tạo thêm nhiều thời gian cho quá trình xem xét lại thủ tục tố tụng trước đó.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga cũng can đảm dấn thân vào vụ án, với báo cáo của bà ghi nhận bản án kết tội Hồ Duy Hải “chưa đủ cơ sở vững chắc”, và “có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm” cũng như “cần phải xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này”.
Đến năm 2019, Viện KSND Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Họ nhận định bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Hải là chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; vụ án có nhiều nội dung cần chứng minh nhưng chưa được làm rõ.
Có thể nói mọi thủ tục tư pháp, mọi cân nhắc pháp luật đã được gần như mọi cơ quan có liên quan xem xét và đánh giá.
Chúng ta không hề biết sự thật. Và tôi tin là ngay cả các thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao cũng vậy. Điều họ có thể làm là nhìn vào quy trình tố tụng và chứng cứ để đưa ra phán quyết cuối cùng.
Với những chứng cứ rất rõ ràng, tôi tin vụ án Hồ Duy Hải ít nhất cũng sẽ được trả hồ sơ để xét xử lại, nếu không nói là phải trả hồ sơ để điều tra lại từ đầu.
Song với những đặc trưng khó có thể chối bỏ nói trên của nền tư pháp Việt Nam, không khỏi bùi ngùi khi nghĩ rằng bản án sẽ không thể nào làm thay đổi cách nhìn của người dân đối với hệ thống tư pháp, và lại càng không thể làm thay đổi chính bản chất thật sự của hệ thống.
Dù phán quyết chung thẩm có là gì đi chăng nữa, những vấn đề cốt lõi gây ra án oan của hệ thống tư pháp Việt Nam vẫn còn nguyên đó.
Trả lại sự trong sạch cho Hồ Duy Hải theo đúng như những gì hồ sơ thể hiện là cần thiết, là việc phải làm. Nhưng công lý vẫn chưa chiến thắng, khi người Việt Nam ta còn chưa định hình được công lý là gì.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.