Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”.
Câu hỏi đặt ra đối với quyết định trên đó là nhà nước có quyền can thiệp vào việc quyết định sinh con của các cá nhân sống trong xã hội hay không?
Với quyết định số 588, câu trả lời của chính phủ Việt Nam là có mặc dù sự can thiệp chỉ nằm ở mức “khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con”.
Đối với cán bộ, đảng viên thì mức độ can thiệp của nhà nước không chỉ dừng lại ở khuyến khích mà còn là sự bắt buộc khi “thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền. Trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa việc chuyển hướng công tác dân số từ tập trung vào việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế; ban hành quy định đảm bảo sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc”.
Dân số Việt Nam tính đến ngày 1/4/2019 là 96,2 triệu người, quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philipines).
Điều đó chứng tỏ Việt Nam không phải là quốc gia ít dân mà nằm trong số các quốc gia đông dân trên thế giới. Sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người.
Mật độ dân số của Việt Nam cũng thuộc hàng cao trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Hà Nội và TP. HCM là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.
TP. HCM và Hà Nội luôn gặp phải tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe trên diện rộng vào giờ tan tầm do dân số ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam tăng lên cộng với tình trạng nhập cư từ các tỉnh thành khác vào. Dân số Việt Nam trong 10 năm qua tăng lên 10,4 triệu người đã tạo áp lực lên hệ thống giao thông không được đầu tư đúng mức của Việt Nam. Nếu việc khuyến khích tăng dân số được thực thi hiệu quả thì áp lực tăng dân số lên hệ thống giao thông của Việt Nam sẽ càng lớn hơn trong tương lai.
Với Quyết định số 588, chính sách dân số của Việt Nam đã thay đổi từ việc hạn chế tăng dân số “mỗi gia đình chỉ sinh một hoặc hai con để nuôi dạy cho tốt” chuyển sang tăng dân số “sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Mục tiêu của chính sách tăng dân số là đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con); duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 – 2,2 con).
Tại sao chính phủ Việt Nam lại thay đổi chính sách dân số từ hạn chế chuyển sang khuyến khích sinh đẻ? Nguyên nhân đến từ tốc độ tăng dân số của Việt Nam đã chậm lại. Mặc dù dân số Việt Nam vẫn tăng lên nhưng tốc độ tăng đã chậm dần, từ mức 3% trong thập niên 1950-1960 đến thập niên 2010-2020 đã giảm xuống 1%.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP. HCM, tỏ ra quan ngại trước tình trạng dân số giảm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, cho rằng để thành phố tiếp tục giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế, mức độ tăng trưởng dân số phải tăng tương xứng để tạo ra nguồn lao động.
Dân số vốn là biến số quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế. Dân số tăng lên đồng nghĩa với sức mua tăng lên, lực lượng lao động tăng lên và tiền thuế của nhà nước thu được từ thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT cũng tăng lên. Dân số tăng lên cũng đồng nghĩa nhà nước dễ dàng trong việc huy động nguồn lực trong việc xây dựng các công trình công ích, phục vụ cho quốc phòng.
Thuyết công lợi nhấn mạnh đến nguyên lý dân chủ khi coi mọi người, bất kể giai cấp, giới tính, trình độ, đều được đánh giá ngang nhau. Thuyết này cũng nhấn mạnh rằng hạnh phúc và lạc thú của mỗi cá nhân đều bình đẳng. Do đó, khi hoạch định chính sách, hay đề xuất lập pháp, phải xem xét hậu quả của từng vấn đề. Và nguyên tắc cơ bản phải là, hạnh phúc nhiều nhất cho nhiều người nhất (greatest happiness to the greatest number of people).
Từ góc nhìn từ thuyết công lợi, chính sách khuyến khích tăng dân số có thể được biện minh khi được kỳ vọng mang lại hạnh phúc cho nhiều người nhất. Các chính trị gia khi đưa ra một chính sách nào đó thường biện minh cho chính sách của mình bằng cách cho rằng nó mang lại lợi ích kinh tế cho số đông.
Khi cần giảm dân số, các chính trị gia kêu gọi “mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con để nuôi dạy cho tốt” và khi sinh con thứ ba thì bị xử phạt.
Khi cần tăng dân số, các chính trị gia kêu gọi mỗi gia đình nên có từ hai con để duy trì tốc độ tăng trưởng dân số, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, các chính sách mà nhà nước đưa ra không bao giờ quan tâm đến quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân. Không phải ai cũng muốn lập gia đình sớm giống như ý của nhà nước mong muốn, có những người muốn lập gia đình sau 30 tuổi, sau khi sự nghiệp vững vàng. Có những người lập gia đình nhưng không muốn có con, cũng có những người chỉ muốn sinh một con và cũng có những người thuộc cộng đồng LGBT chỉ muốn sống với người mình yêu thương và không muốn có con.
Một xã hội tốt đẹp và ổn định là một xã hội tôn trọng sự đa dạng trong cuộc sống. Sẽ có những gia đình muốn “con đàn, cháu đống”, cũng có những cá nhân lựa chọn đời sống độc thân. Chính phủ nên tôn trọng các lựa chọn của cá nhân và hạn chế việc can thiệp vào lựa chọn đó.
Các gia đình đảng viên liệu có hạnh phúc hơn khi tổ chức đảng can thiệp vào quyết định sinh con hay không sinh con của họ? Cách đây không lâu, theo Quy định 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị, đảng viên sinh con thứ ba bị coi là một hành vi vi phạm chính sách dân số và bị xử lý kỷ luật với các mức khác nhau: khiển trách; cảnh báo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) nếu sinh con thứ ba gây hậu quả nghiêm trọng hoặc sinh con thứ tư. Trường hợp sinh con thứ ba, thứ tư gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc sinh con thứ năm trở lên thì bị khai trừ ra khỏi đảng.
Những công chức nhà nước như giáo viên, bác sĩ, những người không phải là đảng viên cũng bị xử lý kỷ luật khi sinh con thứ ba.
Quyền con người của người dân Việt Nam mặc dù được ghi nhận trong Hiến pháp nhưng trên thực tế vẫn không được chính phủ quan tâm.
Sinh con hay không, lập gia đình hay không là sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Chính phủ không có quyền và cũng không nên can thiệp vào lựa chọn đó. Một gia đình hạnh phúc không hẳn là một gia đình đông con, một quốc gia hạnh phúc không hẳn là một quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng dân số giảm xuống hay tăng lên theo như ý muốn của những nhà hoạch định chính sách.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.