Khi 'Kỷ nguyên vươn mình' đụng 'Nước Mỹ trên hết'
Kinh tế Việt Nam sẽ gặp rủi ro gì khi Trump trở lại Nhà Trắng?
Chúng ta nợ Hồ Duy Hải và gia đình anh một thứ công lý đúng nghĩa.
Khi nghe phán quyết cuối cùng của Hội đồng thẩm phán về vụ án tử tù Hồ Duy Hải, trái tim của hàng triệu người đã bị bóp nghẹn.
Nhưng có nghẹn đến đâu, nó chắc chắn cũng chỉ như một vết kim đâm so với nỗi đau không bút mực nào tả xiết của cô Nguyễn Thị Loan, người mẹ trong suốt 12 năm qua đã lặn lội ngược xuôi Nam Bắc kêu oan cho con.
Và cho dù không nhiều người nhắc đến, nỗi đau của những người nhà nạn nhân cũng thật khó tưởng tượng.
Chừng ấy năm trời, trong khi công lý cho những người thân xấu số của họ chưa thấy đâu, thì một thứ công lý dị dạng, nấp sau vô số lần phẫu thuật thẩm mỹ, bơm mông độn má cho khớp với cái não trạng của những kẻ nắm quyền sinh sát, lại được vô tư chụp lên đầu người khác.
Hàng ngàn năm trước, những người Hy Lạp xưa có lẽ đã biết đến sự tồn tại của những giống sinh vật này.
Procrustes, một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, là chủ nhân một ngôi nhà ở Attica, nằm trên đường đi giữa Athens và Eleusis. Truyện kể rằng Procrustes có một chiếc giường sắt đặc biệt, chuyên dùng tiếp đãi các vị khách ghé thăm. Procrustes muốn khách nằm vừa vặn hoàn toàn trên chiếc giường đó. Vậy nên với người có cơ thể quá ngắn, hắn kéo dài các chi của họ ra cho khớp. Gặp những người cơ thể quá dài, hắn chặt bớt chân để vừa với chiếc giường. Chỉ cần lọt vào tay của Procrustes, ai cũng sẽ “được” cắt gọt để vừa vặn với chiếc giường đó. Tất cả nạn nhân đều chết, còn chiếc giường của Procrustes thì luôn hoàn hảo.
Trong khi Procrustes của Hy Lạp chỉ là một nhân vật tưởng tượng, các “Procrustes xứ Việt” ngày nay lại là những cơn ác mộng hãi hùng rất thực của biết bao người.
Họ là các điều tra viên tài ba, dùng đủ mọi cách dọa dẫm, ép cung, bắt nghi phạm “tập đi tập lại các động tác [giết người] từ trong trại giam để đi thực nghiệm tại hiện trường”, như lời của người tù oan nổi tiếng Nguyễn Thanh Chấn kể lại.
Họ là những cán bộ mẫn cán, “phá án” từ lời nói đùa của một người say xỉn, sau đó còn “dấn thêm bước nữa” đánh đập, mớm cung buộc người đó “nhận luôn” một vụ án giết người nhiều năm trước chưa bị phá, như trường hợp của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén.
Đó chỉ là những trường hợp may mắn, theo đúng nghĩa đen của từ, được minh oan một cách hoàn toàn tình cờ nhờ vào việc nghi phạm thật sự bỗng nhiên xuất hiện.
Còn biết bao nhiêu trường hợp oan khuất khác vĩnh viễn không được cất tiếng nói?
Và giờ đây chúng ta có vụ án Hồ Duy Hải, nơi mà những người cầm cân nảy mực ở cấp độ cao nhất trong hệ thống tư pháp của đất nước, dù thừa nhận có “sai sót tố tụng” nhưng vẫn khẳng định chắc nịch 100% (hay 17/17) rằng những cái sai đó “không thay đổi bản chất vụ án”, và quyết định giữ nguyên án tử.
Nói cách khác, sau khi xem xét các “chứng cứ” đã được cắt chỗ này gọt chỗ nọ kéo chỗ kia, các Procrustes xứ Việt hài lòng kết luận Hồ Duy Hải nằm vừa khít hoàn hảo với chiếc giường tội phạm.
Hồ Duy Hải có vô tội hay không?
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi như vậy, và đó là cách đặt vấn đề ngược đời, sai hoàn toàn ngay từ đầu.
Hồ Duy Hải hay bất kỳ ai cũng không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội.
Cơ quan điều tra hay bất kỳ ai muốn buộc tội người khác mới là người phải đưa ra bằng chứng để chứng minh cho điều họ nói.
Một khi bằng chứng có vấn đề (hoặc nói chính xác như trong vụ án này, là có rất nhiều vấn đề), thì lời buộc tội đó của họ là vô giá trị.
Họ không thể chỉ dựa vào lời khai “nhận tội” của người khác để xoay đảo các “chứng cứ” cho khớp với “bản chất của vụ án”.
Vì sao vẫn còn quá nhiều người đặt câu hỏi ngược đời như trên?
Đó là vì họ mặc định rằng “chính quyền là cha mẹ”, mà cha mẹ đã nói thì hoặc là “luôn đúng”, hoặc là “phải có lý do nào đó mới vậy chứ”.
Họ không thể tưởng tượng, hay chấp nhận sự thật, rằng chính quyền, cha mẹ, hay bất kỳ ai, cũng chỉ là người, và luôn luôn có thể sai, thậm chí là cố tình nhắm mắt đẩy đưa để tạo ra cái sai phục vụ cho những mục đích cá nhân của mình.
Sự thật là những “chứng cứ” đã được công khai cho tới nay trong vụ án sẽ không thuyết phục được bất kỳ một bồi thẩm đoàn được lựa chọn ngẫu nhiên nào.
Trừ phi còn những “chứng cứ bí mật” khác mà vì lý do nào đó vẫn phải “độc quyền” không công bố, thứ công lý mà chính quyền đang cố chụp lên đầu những người có liên quan trong vụ án chỉ là thứ công lý què quặt của những chuyên gia nằm giường.
Có thể khẳng định vào lúc này, câu hỏi Hồ Duy Hải có tội hay không là vô nghĩa.
Nếu chấp nhận thứ công lý dị dạng được dùng để buộc tội Hải, thì bất kỳ một Nguyễn Văn A hay Trần Thị B nào đó, chỉ cần xui xẻo lọt vào mắt xanh của các điều tra viên, nhờ vào các “biện pháp nghiệp vụ” tùy tiện vô nhân tính, cũng đều có thể biến thành tử tù.
Có chấp nhận thứ công lý dị hợm đó hay không, hoàn toàn là quyền của chúng ta.
Từ “justice” (công lý) của tiếng Anh có gốc từ chữ iustus của tiếng Latin. Từ này lại có gốc từ chữ ius với nghĩa là “quyền”. Công lý vì vậy là một thứ quyền lựa chọn của mỗi người.
Ngay cả khi những ngả đường pháp lý hạn hẹp cuối cùng còn lại cũng bị đóng sập, vẫn luôn có những lựa chọn khác.
Thể chế luật pháp nếu ngay từ đầu đã biến thái bệnh hoạn như chiếc giường của Procrustes, sớm muộn nó cũng phải bị phá bỏ. Giống như kết cục của Procrustes, sau khi giết hại bao nhiêu người, cuối cùng bị đặt trên chính chiếc giường sắt, và bị người khác chặt đầu để ăn khớp với chiếc giường hoàn hảo của mình.
Có nhiều người đặt hy vọng vào “nhân quả”, viện dẫn cái chết “kỳ lạ” của những điều tra viên liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải. Mỗi người đều có một niềm tin riêng. Nhưng sẽ không có thay đổi nào trên đời nếu ai cũng ngồi chờ “nhân quả” rớt từ trên trời xuống như vậy.
Người thân của Hồ Duy Hải đã dành ra suốt 12 năm qua, bán hết gia sản để tìm công lý cho anh. Người thân của những nạn nhân trong vụ án cũng đã phải mòn mỏi chờ đợi công bằng.
Chúng ta nợ tất cả họ một thứ công lý đúng nghĩa.
Ta không thể trả cho họ bằng một thứ công lý bệnh hoạn ăn khớp với đầu óc biến thái của một nhúm người, càng không thể khoanh tay ngồi chờ phép màu từ trên trời rớt xuống.
Chúng ta nợ họ một thứ công lý thật sự, dựa trên sự thật, và công bằng cho tất cả.
Chúng ta nợ thế hệ tương lai một thứ công lý khác với tên của một diễn viên hài, và một thứ “nhân quả” phải do chính mình tạo ra.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.